Mạc Văn Trang

14-11-2019

Hôm nọ cô Em của mình bảo: Anh ơi, anh già rồi, đừng viết lách làm gì nữa. Các cháu bảo, thấy bọn nó chửi bác trên mạng mà xót xa lắm… Xã hội thì đầy chuyện xấu xa, đầy bọn tham nhũng… Cứ để kệ các phe nhóm tranh quyền, đoạt lợi đấu đá với nhau, Bác dính vào làm gì cho cực thân. Bác ngoài 80 tuổi rồi, còn ham hố gì nữa đâu mà đấu tranh?

Thực ra chuyện này nhiều người thân, bạn bè cũng đã nói nhiều, cả các Dư luận viên nữa. DLV không chỉ chửi bới đâu; họ cũng “tâm lý” lắm, nỉ non, tỉa tót vào từng khía cạnh một… Chỉ có điều họ toàn SUY BỤNG TA RA BỤNG NGƯỜI, nhiều khi nghe mắc cười… Xưa nay thì mình phớt lờ hết. Nhưng tấm lòng lo lắng của cô Em làm mình phải suy nghĩ và muốn giãi bầy đôi điều.

1. Nghe nói đến “ĐẤU TRANH” hay “Tranh đấu” dân mình rất sợ, nghĩ ngay đến bạo lực, đấu đá, đàn áp, đầu rơi, máu chảy… Thực ra nghĩa của từ đấu tranh rất rộng. K. Marx trả lời con gái “Hạnh phúc là đấu tranh” mang một hàm ý rất sâu xa. Đấu tranh là phấn đấu để bớt đi những cái bất công, vô lý, xấu xa… để cho cuộc sống Công bằng, Hợp lý, Tốt đẹp hơn… Góp phần làm được như vậy quả là vui sướng, Hạnh phúc.

Đấu tranh không chỉ nhằm vào thay đổi các đối tượng bên ngoài, mà làm thay đổi chính mình mới khó. Tâm lý học, coi việc đấu tranh với bản thân để tự thay đổi mình là cuộc đấu tranh khó khăn nhất. Ta hãy xem những người quyết tâm CAI NGHIỆN (Thuốc lá, Ma túy, Rượu, Cờ bạc…) phải dằn vặt, khó khăn, cực khổ nhường nào? Nhưng Cai nghiện được rồi, đấu tranh để không tái nghiện lại càng khó khăn hơn.

Trong đấu tranh với bản thân thì “Đấu tranh động cơ” là khó khăn nhất, hao tổn sức lực thần kinh và tâm lý nhiều nhất. Hãy hình dung một người phải lựa chọn giữa hành động tội ác và từ chối không làm, dẫu mình có chịu hiểm nguy, sẽ căng thẳng nhường nào? Hay những người đấu tranh: Nhảy lầu tự tử hay không tự tử, thật kinh khủng!

Tất nhiên cũng có loại người hành động theo bản năng như loài vật hay người máy, họ chả cần “đấu tranh động cơ”, có lệnh là làm, bảo giết là giết! Hạng người ấy mới đáng sợ.

Nhưng thực ra, đã là con Người, những hành động được điều khiển bởi ý thức, thì đều có ĐỘNG CƠ. Theo lý thuyết Hoạt động, thì ĐỘNG CƠ LÀ CÁI VÌ NÓ MÀ NGƯỜI TA HOẠT ĐỘNG (một cách có ý thức).

2. Vậy thì VÌ CÁI GÌ mà tôi viết (đấu tranh/ hoạt động/ phản biện/ phê phán…)?

2.1. Có phải vì BẤT MÃN như một số người gán cho không? Không! Tôi chả có gì “bất mãn” cả! Trong gia đình, được mọi người rất yêu quý. Vợ cũng xinh, con, cháu cũng được. Nghề giáo viên và Nghiên cứu Tâm lý học quá hợp với mình, rất mãn nguyện. Cuộc sống vật chất, tinh thần thỏa mãn nhu cầu giản dị của mình… Sống ung dung tự tại, chả bất mãn mà hằn học với ai, với cái gì!

2.2. VÌ “CĂM THÙ CỘNG SẢN”? Tôi cảm thông với những người có người thân bị giết, bị cướp của do CCRĐ hay Cải tạo Tư sản… Nhưng gia đình tôi, chẳng có vấn đề gì. Cũng có người quy gán cho tôi, “Chống chế độ” là do CCRĐ bố là Lý trưởng, bị phân biệt đối xử (nhưng không bị đấu tố), rồi hợp tác hóa bị Công hữu hóa mất mấy mẫu ruộng… Những điều đó quá nhỏ so với nỗi đau lớn lao của cả dân tộc, nên chẳng để ý làm gì.

Tôi không nghĩ mình “chống Cộng, diệt cộng”, trái lại, tôi tôn trọng những người theo Lý tưởng Cộng sản, Chủ nghĩa Marx – Lenin, vì đó là quyền TỰ DO TƯ TƯỞNG của con người. Ở nhiều nước Tư bản vẫn có Đảng CS mà, các Thư viện lớn trên thế giới vẫn đầy sách của K. Marx mà.

Tôi chỉ đòi những người “xưng là Cộng sản” không được ép buộc người khác, ép buộc cả dân tộc này phải tin theo như họ. Mỗi người có quyền tự do tư tưởng của mình. Vậy thôi.

2.3. Vì CƠ HỘI CHÍNH TRỊ, như bác Trọng hay vu cho những người “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa”?… Cơ hội chính trị phải là bọn người “gió chiều nào, ngả theo chiều ấy”, luôn nhạy bén “phù thịnh”, bám lấy người có quyền thế, những phe nhóm đang “lên” để mưu cầu danh lợi, “ngậm miệng ăn tiền”, chứ ai lại đi chọc tức những người đương chức, có quyền sinh, quyền sát trong tay!

Cơ hội chính trị để lôi kéo quần chúng, ra tranh cử, lập đảng phái? Chuyện này đối với những người đã ngoài 80 tuổi thì hoặc là người rất Phi thường, hoặc là hơi bị điên. Mình tự biết mình, không thuộc hai loại người ấy…

2.4. Viết do KÍCH ĐỘNG, THUÊ TIỀN của “thế lực thù địch”? Đây là “suy bụng ta ra bụng người” của những người cứ được cho TIỀN là bảo gì cũng làm. Thậm chi tôi từng biết, có một đám tụ tập, bảo đến đập phá, ném bẩn vào nhà ấy, rồi về đây cho bữa bia, họ cũng làm ngay. Tôi đâu phải hạng người như vậy.

Cũng nói rõ thêm, viết báo, viết sách, phản biện đề tài, luận án thì có tiền, nhưng PHẢN BIỆN XÃ HỘI không bao giờ có TIỀN mà còn nguy hiểm!

Nhưng cũng cần nói, có một Thế lực thù địch thực sự, kích thích mình phải viết, đó là bọn Trung cộng xâm lăng, tàn ác, thâm độc, dã man… Trước những hành động ngang ngược của nó, không lên tiếng, nhục quá, không chịu được.

2.5. Viết vì MUỐN NỔI TIẾNG? Thực ra động cơ này không có gì sai hay xấu cả, vì đó là một GIÁ TRỊ mà con người muốn tự khẳng định và theo đuổi. Từ Cổ xưa, con người say mê Nghiên cứu, Sáng tạo, viết Văn, làm Thơ, viết Nhạc… vừa là nhu cầu tự thân, vừa muốn tự khẳng định mình và để lại cái gì đó cho đời…

Nhưng những người cố viết để nổi tiếng thì thường thất bại, rồi lại đau khổ; còn ai viết vì Nhu cầu tự thân mới thấy hạnh phúc và hy vọng góp cái gì đó cho đời.

2.5. Vậy thì tôi viết VÌ CÁI GÌ?

– Vì Nhu cầu tự thân, thấy cái Cái xấu, Cái ác, cái Bất công, Phi lý, Chướng tai, Gai mắt… gây cho mình khó chịu thì viết ra, như giải thoát khỏi tâm tư ưu phiền. Viết ra giãi bày với thiên hạ rồi thấy nhẹ lòng, nghĩ sang việc khác…

“Đất nước đã bao giờ được thế này chưa”, sao vẫn phê phán? So với thời ăn lông ở lỗ, thì bây giờ tuyệt quá rồi. Nhưng vẫn cần phê phán vì mong muốn nó Tốt hơn, Đẹp hơn, Văn minh hơn, mà lẽ ra Dân ta có quyền được hưởng như thế, chứ không ở tình trạng thua kém hiện nay…

– Vì thấy có những người Tốt, việc Hay, điều Đẹp, niềm Thương cảm… mình thấy rung động thì viết ra để chia sẻ và hy vọng những điều Tốt, Đẹp sẽ lan tỏa trong cộng đồng, xã hội…

– Vì có những người nêu ra vấn đề, họ chưa hiểu, mà mình có hiểu biết, nên trao đổi lại, muốn chia sẻ những TRI THỨC mình tích lũy được. Đó cũng có thể gọi là “Thí pháp”. Theo Phật giáo, người có tiền, của thì “Thí Tài”, người không có tiền của mà “Thí Pháp” với lòng Tư bi, Hỉ xả cũng là tạo Phúc, tạo Nghiệp lành…

3. TÓM LẠI, mình viết chả có động cơ nào khác ngoài việc phê phán cái xấu, cái ác, cái phi lý và chỉ ra Nguyên nhân của nó, với lòng chân thành, mong muốn cùng mọi người đòi hỏi xã hội phải cải tổ cho Hợp lý hơn, Luật pháp chuẩn mực, công minh hơn, Con người được tôn trong hơn, xã hội Tốt đẹp hơn, mà lẽ ra Dân tộc này có quyền được hưởng những điều đó từ lâu rồi.

Tiếng Dân