Trần Xuân Thời

11-11-2019

 

Diễn binh Ngày Quân Lực VNCH 19/6/1971 của Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ảnh: Bruno Barbey, Flickr manhhai

Nếu gọi văn hoá là tất cả những gì thể hiện sự hiện hữu của con người trên trái đất nầy thì tình huynh đệ chi binh cũng là một đặc điểm của nền văn hoá Việt Nam nói chung và của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa uy dũng nói riêng.

Diễn trình kiến tạo tình huynh đệ chi binh là diễn trình Tri và Mộ, vì “Vô tri thường hay bất mộ”. Không quen biết thì làm sao có thể trở nên thân thích được. Thế nên hễ có dịp gặp anh em để bàn bạc sự đời, chúng ta thấy tinh thần hoạt hiện.

Các Đại hội thường niên tạo cho chúng ta môi trường gặp gỡ, kết chặt thân tình, kết tinh chí hướng. “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ”. Được gặp bạn từ phương xa đến thăm, quả là một niềm vui vì tình bằng hữu giá đáng muôn chung, người ở thế dẫu trăm năm là mấy. Với nghị lực tiềm tàng, chúng ta đương đầu với cuộc sống mới đầy gian lao và thử thách. Hoàn cảnh mới đòi hỏi chúng ta phải phấn đấu trường kỳ, cho bản thân, gia đình và nòi giống.

Nhớ thuở ban đầu nơi xứ lạ quê người, sau biến cố lịch sử có một không hai của đời người, dù không lưu luyến, nhưng ngàn năm chưa dễ đã ai quên. Có khi “Vui là vui gượng kia mà. Ai tri âm đó mặn mà với ai”. Có lẽ phần vì chúng ta đã xem nhau như người khách lạ, phần khác vì mãi mê vật lộn với những nhu cầu cấp thiết của cuộc sống hằng ngày nên thái độ ngoảnh mặt, cúi đầu, mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi đến là thái độ thường tình của kẻ bất đắc chí.

Nếu thời gian là liều thuốc hàn gắn vết thương lòng, thì sau hơn nhiều năm trời viễn xứ, thời gian đã khơi động tình huynh đệ chi binh và tình đồng hương muôn thuở tiềm ẩn trong tâm khảm của mỗi người. Dù “Anh với tôi đôi người xa lạ. Tự phương trời chẳng hề quen nhau. Nhưng lúc nguy biến, tình siết chặt tình. Đêm tối chung chăn, thành đôi tri kỷ” và mỗi khi đã trở thành tri kỷ thì:

“Gặp một bữa, mình mừng thầm một bữa

Gặp hai hôm, thành nhị hỉ của tâm hồn”

Diễn trình kết nghĩa là diễn trình tri và mộ. Khi chưa quen biết thì gặp gỡ, tìm hiểu nhau để thông cảm. Khi quen biết nhau rồi thì không còn tìm hiểu nhau nữa mà hiểu nhau qua môi giới cảm thông, qua ánh mắt, nụ cười vì bằng hữu thân tình là người hiểu ta tất cả nhưng vẫn thích ta.

Tình huynh đệ chi binh, tình đồng hương, tri âm hay tri kỷ là cung bậc tiết tấu cảm thông toàn vẹn nhất của nhân tình. Ngày xa xưa ấy, Bá Nha và Chung Tử Kỳ là đôi bạn tri âm. Bá Nha có ngón đàn tuyệt diệu, khi cao thì vời vợi tựa núi Thái Sơn, khi trầm thì âm hưởng như tiếng suối mới sa giữa vời. Chung Tử Kỳ chết, không còn ai hiểu nổi tiếng đàn, Bá Nha ném đàn không gảy nữa!

“Đàn Bá Nha mấy kẻ biết thưởng âm

Mới nghe qua khóc trộm lại đau thầm

Chung Kỳ chết, ném đàn không gảy nữa”.

Tình huynh đệ chi binh là kho tàng vô giá, là nguồn an ủi vô biên, ai xa lánh tình huynh đệ tâm hồn sẽ chết trong giá lạnh!

Khi sống hạnh phúc, trong ấm ngoài êm, ai cũng có thể là bè bạn. Nhưng khi gặp lúc gian nguy, khốn khó đem cay đắng đến cho đời, thì còn ai lao mình vào lửa đạn để cứu mình, còn ai thương tiếc mình, còn ai để chia vui sẻ buồn, tìm phương thoát hiểm, nếu không phải là tri kỷ.

Một Lưu Bình và Dương Lễ, ai nhờ ai nên danh phận?

Một Lê Lai liều mình cứu chúa, chẳng những để đền ơn tri ngộ, giữ nghĩa quân thần mà còn là biểu tượng hy sinh cao cả của tình bằng hữu. Thế mới biết lúc gặp hoạn nạn, mới biết ai là bạn thật.

“Xung phong chiếm một đầu

Niềm vui chung hưởng, chén sầu chung mang”

Dương Khuê chết đi, cụ Nguyễn Khuyến khóc suốt cuộc đòi còn lại!

“Bác Dương thôi đã thôi rồi

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta

Chợt nhớ thuở đăng khoa ngày trước

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau”!

Bây giờ, thư phòng trở nên băng giá, can trường bổng chịu vết thương đau vì không còn ai để đối ẩm.

“Đã tắt lò hương lạnh phiếm đàn

Thư phòng sắp sẵn để cô đơn

Trời cao mây nhạt ngàn sao rụng

Một giải vương theo mấy dặm sầu

Sớm biệt ly nhau “luôn” nhớ nhau

Nửa đêm chợt tỉnh bổng dâng sầu

Trăng mùa thu cũ ai tâm sự

“Đệ” đã đi rồi, “huynh” biết đâu”!

Hay

“Rượu ngon không có bạn hiền

Không mua không phải không tiền không mua

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết

Viết đưa ai, ai biết mà đưa” !

Đồng cảnh ngộ, Vua Tự Đức khóc Bằng Phi, một thiên giai nhân tri kỷ.

“Ới thị Bằng Phi đã mất rồi

Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ôi

Mưa hè, nắng chái, oanh ăn nói

Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng

Xếp tàn y lại để dành hơi

Mối tình muốn dứt càng thêm bận

Lẽo đẽo theo hoài mãi chẵng thôi”

Xem thế thì tri kỷ quý hoá biết dường nào!

Thời gian vô bờ, đời người không bến, trôi dài với nhau. Thời gian càng chồng chất, nỗi lòng càng thêm tê tái, tràn gập nỗi cô đơn và niềm đau xa tri kỷ khi phải lìa bỏ quê hương dấn thân trên buớc đường vô định.

Không cần phải “gọi nằm người thiên cổ dậy” để chứng giám cơn đau vời vợi ấy, mà chính chúng ta, trong thâm khảm của mỗi người, cảm nghiệm được niềm bất hạnh của cuộc đời với cuộc chia ly bẽ bàng và oan nghiệt. Bạn khuyên ta nên uống cạn chén bồ đào vì khi qua bên kia phương trời Tây, không còn cố nhân nữa!

“Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu

Tây xuất Dương quan, vô cố nhân”.

Trong hoàn cảnh vỡ đàn tan nghé đó, mỗi người mò mẫm đi tìm sinh lộ như lữ hành trong sa mạc đi tìm suối nước.

“Than ôi, môt kiếp phong trần, mấy phen chìm nổi

Trời tình mờ mịt, bể giận mênh mông

Sợi tơ mành theo gió cuốn đi

Cánh hoa rụng, chọn gì đất sạch”.

Có lẽ con Tạo khéo trêu ngươi, bắt người khôn phải gặp gian truân và cũng có lẽ con Tạo muốn thử thách chúng ta, những chiến binh đã một thời oanh liệt: “Trong lăng miếu ra tài lương đống, ngoài biên thùy rạch mũi Can tương”.

Dù vậy,

“Có gió cả mới hay cây cứng

Không đường dài, nào biết ngựa hay”

Trong cái thử thách đó, mình thử nghĩ:

“Ngẫm thay muôn sự tại Trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao”

Đã là chiến binh thì mấy ai có thể rời khỏi kiếp gian nan!

Hơn ba triệu dân, quân, cán, chính tuấn kiệt của VNCH đã hy sinh tánh mạng trong trận chiến chống CS xâm lăng. Trong đó biết bao chiến sĩ đã sống hiên ngang và hy sinh cho tổ quốc một cách oanh liệt! “Sống bên tình, hy sinh bên bạn”. Chết vì tổ quốc, chết vinh quang “Mourir pour la patrie c’est une gloire”. Những người sống sót như chúng ta, để đổi lấy tự do, chúng ta cũng phải chia phần mất mát.

“Trời đâu thiên vị người nào

Chữ tài, chữ mệnh dồi dào cả hai”

Nhưng không phải vì thế mà chúng ta quy ẩn hay sinh ra chán chường không phải lẽ. Dù “Hận nước chưa trả xong đầu đã bạc, nhưng gươm mài bóng nguyệt đã bao ngày”, bởi hy vọng là mạch sống của cuộc đời.

“Trời đâu riêng khó cho ta mãi

Vinh nhục dù ai cũng một lần”

Đức Khổng Tử khuyên thế nhân, khi vui thì hãy vui nhưng đừng kiêu căng, tự phụ và khi tai họa đến thì nên lo nghĩ mà chớ buồn phiền để mưu sinh thoát hiểm. Thế thì suy nghĩ là giềng mối cho mọi sự vì tư tưởng lên khuôn cho hành động.

Chúng ta đang tìm nhau để kết nghĩa huynh đệ thân tình, kết tinh chí hướng hầu giúp đở nhau trên bước đường gian truân lưu lạc. Nguyên tắc người đồng môn, đồng hương, đồng màu cờ sắc áo, phải giúp người đồng hội, đồng thuyền để cùng nhau thăng tiến. Nếu nguyên tắc nầy được xem như chỉ tiêu sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, thì sá gì gian lao thử thách.

Chúng ta sẽ san bằng mọi trở ngại để cùng nhau xây đắp nền tảng cho tập thể đồng hương, Dân, Quân, Cán, Chính đoàn kết và phồn thịnh. Mỗi người ý thức trách nhiệm của mình, tự nguyện gánh vác việc chung, phát huy khả năng cá nhân, đóng góp vào sự kiến tạo một tập thể con Hồng, cháu Lạc, hùng mạnh cho hiện tại và tương lai.

Về tình cảm, dù có lúc cô đơn, nhưng như cụ Phan Sào Nam cũng đã khuyên chúng ta:

“Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ

Thiên hạ thùy nhân bất thức quân”

Đừng buồn vì trên đường đời chưa gặp được tri kỷ, trong thiên hạ hẳn có người biết đến bạn.  Biết đâu nhiều chiến hữu, đồng hương, đang trông chờ gặp được huynh, đệ, trong các đại hội Xuân hay thường niên, nghe những khúc hát ân tình nặng lòng với quê hương hay tiếng quân hành còn như văng vẳng bên tai. Với lòng tin tưởng không nao núng thì đường đời không còn khó vì ngăn sông cách núi.

Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác. Từ Đinh, Lê, Lý, Trần gây nền độc lập. Cùng Hán Đường, Tống Nguyên, mỗi thời hùng cứ một phương. Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt thời nào cũng có.

Vậy nên, Lưu Cung sợ uy mất vía, Triệu Tiết nghe tiếng giựt mình. Cửa Hàm Tử giết ngay Toa Đô, sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã. Xét xem sử sách đã có minh trưng”.

Những trang sử oai hùng đó còn như văng vẳng bên tai, sống mãi trong tâm khảm của mỗi người, không những trong khung cảnh quê hương gấm vóc:

Đây, Bắc Việt với núi nùng, sông Nhị, cả một vùng cây cỏ thanh u. Trung Việt với miếu môn lăng tẩm, chốn đế đô nghiêm mật mơ màng và Nam Việt với đồng ruộng phì nhiêu, nguồn lợi dồi dào của dân tộc Việt”, mà ngày nay còn phảng phất khắp năm châu, bốn bể, vì đâu đâu cũng in hình dấu vết của con cháu Lạc Hồng.

***

Tập thể dân, quân, cán, chính chúng ta đang nỗ lực san bằng mọi trở ngại, tham gia sinh hoạt trong mọi ngành hoạt động của người Việt quốc gia hải ngoại, tận dụng và phối hợp khả năng cơ hữu, sở trường riêng tư của mỗi công dân VNCH hải ngoại trong các lãnh vực: Văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, công pháp, … để viết thêm trang sử oai hùng, làm rạng danh nòi giống Tiên Rồng, hầu lưu truyền cho hậu thế.

Sau một chu kỳ, mọi sự phải được tái bắt đầu “Thua keo này bày keo khác” cũng như Triết gia Platon đã góp ý “Hãy bắt đầu vì đó là ngưỡng cửa quan trọng nhất của sự thành công”. “Avec la persévérance on vient à bout de tout”.

Thương nhau như tri kỷ trong tình huynh đệ chi binh và tình đồng hương muôn thuở, kết chặt thân tình, kết tinh chí hướng, hoàn thành sứ mệnh cố hữu mà tổ quốc đã giao phó.

Phục vụ tập thể Dân, Quân, Cán, Chính, đồng hương tại hải ngoại trong hoàn cảnh tha hương thì cũng như phục vụ chính quê hương chúng ta trong tinh thần “Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm” vậy.

“Rồi một ngày mai băng giá hết,

Muôn hoa đua nở, rộn Xuân về”

Trần Xuân Thời, Tổng Hội CSVSQ Trừ Bị Thủ Đức

Tiếng Dân