Một buổi biểu diễn nhạc rock ngoài trời tại Sài Gòn hôm 29/5/1971.

Một buổi biểu diễn nhạc rock ngoài trời tại Sài Gòn hôm 29/5/1971. AP

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, một số văn nghệ sĩ miền Nam tiếp tục có những nỗ lực nhằm duy trì những giá trị của nền văn học nghệ thuật miền Nam mà từng có ý kiến cho là ‘độc hại, đồi trụy’ và từng bị cấm đoán.

Nhà thơ Hoàng Hưng, từng đi tù hơn 3 năm với tội danh bị áp là “lưu truyền văn hoá phẩm phản động” chỉ vì mang theo trong người tập thơ của nhà thơ Hoàng Cầm vào năm 1982 khẳng định văn học nghệ thuật tại miền Nam trước 1975 là một bộ phận của thành tựu văn học Việt Nam. Ông nói:

“Sau năm 1975 tôi vào Sài Gòn rất sớm và tôi tìm đọc rất nhiều tác phẩm của Sài Gòn trước 1975 cũng như mua rất nhiều để đọc và nghiên cứu. Mấy năm gần đây khi làm trang Văn Việt của Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam chúng tôi có hẳn một hồ sơ cung cấp một cách hệ thống cho bạn đọc những thành tựu của văn học miền Nam trước 1975, tức văn học thời Việt Nam Cộng Hòa từ nhiều nguồn khác nhau.

Qua đó tôi có căn cứ để nói rằng thành tựu của văn học Việt Nam Cộng Hòa rất to lớn mà cho đến nay giới nghiên cứu văn học chính thống của Việt Nam trong chế độ này vẫn chưa chịu tìm hiểu một cách thấu đáo và chưa chịu những giá trị đó. Đó là khiếm khuyết rất lớn bởi đó không chỉ là thành tựu của miền Nam hay của Việt Nam Cộng Hòa mà đến nay thì phải khẳng định đó là một bộ phận của thành tựu văn học Việt Nam nói chung.”

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, người có nhiều bài viết về nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, từng học về thanh nhạc nhận xét nền văn học nghệ thuật thời Việt Nam Cộng Hòa đặc biệt mang tính đa nguyên và tính cá nhân nên rất phong phú và sáng tạo. Ông giải thích:

“Nền văn học nghệ thuật nói chung cũng như nền âm nhạc nói riêng, theo thiển ý của tôi, đó là một kho tàng vô giá của dân tộc Việt Nam bởi nó đạt được tính nhân bản, tính dân tộc và tính khai phóng.

Tính nhân bản có lẽ không cần phải nói nhiều. Một bài hát gây cho người ta một sự rung cảm, thiện cảm. Có những ca khúc vượt thời gian. Có những ca khúc đã 60 năm, 70 năm vẫn sống mãi trong lòng khán thính giả.

Về tính dân tộc thì các nhạc sĩ của miền Nam trước 1975 vận dụng tính dân tộc rất hay trong từng nhạc phẩm. Sử dụng tính chất dân ca của từng vùng miền để áp dụng vào tân nhạc phải nói là rất nhuần nhị và rất là đẹp.

Về tính khai phóng thì không thể chối cãi vì nó xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân. Trong mỗi nhạc phẩm của một nhạc sĩ hay mỗi giọng ca của một ca sĩ họ đều thể hiện cá nhân họ rất rõ. Chính vì vậy có thể nói đó là một sự sáng tạo, mà nếu không có sự sáng tạo thì không thể nói về âm nhạc nói riêng cũng như văn chương, thi phú, thơ ca nói chung.”

Ông kết luận rằng, chính tính cá nhân mới tạo cho âm nhạc miền Nam trước 1975 một vườn hoa đầy hương sắc, bởi mỗi ca sĩ, mỗi nhạc sĩ là một bông hoa rất riêng, rất đặc biệt và rất hay. Và đó chính là thể hiện của tính đa nguyên.

Là một họa sĩ đồng thời là một nhà báo phụ trách mục “Văn Học Nghệ Thuật” của RFA suốt một thời gian dài, Nhà báo Mặc Lâm cho biết ông tìm hiểu rất kỹ nền văn học Việt Nam trước 1975 và điều ông tâm đắc nhất là tính sáng tạo trong từng sản phẩm. Ông nói thêm:

Nói về văn học nghệ thuật trước 1975 ở miền Nam thì có thể gói gọn trong một câu rằng nền văn học Việt Nam non trẻ chỉ trong 20 năm nhưng rất tươi thắm và khởi sắc, căn cứ trên tinh thần văn học nghệ thuật rõ ràng chứ không vì chính trị hay vì động cơ nào khác.

Cái đẹp thể hiện qua văn chương, chữ nghĩa và sáng tạo riêng của từng người, từ người viết văn, thi sĩ, họa sĩ hay những người tạo hình.”

Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình ở Hoa Kỳ thì cho rằng dấu ấn văn học miền Nam từ 1954 đến 1975 đã làm cho những nhà văn, nhà thơ ở hải ngoại có động lực để tiếp nối. Bà đưa nhận định của mình:

“Văn học miền Nam từ 1954 đến 1975, tức chỉ vỏn vẹn 20 năm, nhưng nó vô cùng quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam vì nó rất là đột phá và không có tính cách được “đặt hàng” giống như văn học thời Xã hội chủ nghĩa do đảng lãnh đạo.

Người làm nghệ thuật không sáng tác theo đơn đặt hàng, không phải bẻ cong ngòi bút do có tự do ngôn luận, tự do tư tưởng. Nó tạo cơ hội cho sáng tạo bùng vỡ và đẩy đến tận cùng của cảm xúc chứ không phải viết một câu rồi nịnh một câu hay viết một câu rồi lách một câu.”

Văn học miền Nam từ 1954 đến 1975, tức chỉ 20 năm nhưng nó vô cùng quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam vì nó rất là đột phá và không có tính cách được “đặt hàng” giống như văn học thời Xã hội chủ nghĩa do đảng lãnh đạo.

Vào ngày 11 tháng 2 năm 2019 Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết Chính phủ chấp thuận chủ trương sửa đổi hai nghị định 79 và 15 về nghệ thuật biểu diễn, tức sẽ bỏ việc cấp phép ca khúc trước năm 1975.

Nhận xét về quyết định này, Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng đây là sự thất bại của kiểm duyệt văn hóa chứ không phải là một bước mở của chính quyền:

“Ngày hôm nay nhà nước cho phép bình đẳng tất cả mọi thứ thì thực chất cái tên gọi của nó là sự thất bại toàn phần của những chương trình kiểm duyệt văn hóa. Cho nên khi người ta bắt đầu cho phép là người ta lùi lại cái sự thất bại của mình và người ta đánh loãng đi cái vòng kiềm tỏa đã không còn giá trị nữa.

Do đó nếu hôm nay họ không vội vàng tháo dỡ những nghị định đó thì bản thân họ mãi mãi vướng trong hình ảnh một kẻ thất bại và mãi mãi không lấy lại được tư cách trong việc đã từng cấm đoán như vậy, chứ đây không phải là một bước mở của chính quyền cộng sản.”

Những ai từng ở Việt Nam sau 1975 đều biết việc kiểm duyệt văn hóa ngặt nghèo không kém gì chính trị. Chỉ cần giữ trong nhà một băng cassette, một tờ nhật báo trước năm 1975 là có thể bị lôi ra đấu tố ngay trước cửa nhà mình bởi bị quy kết tội “sử dụng, tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy”.

Diễm Thi

RFA (14.11.2019)