Thưa quý vị, quý bạn,

Cảnh sát da trắng Mỹ đối xử tàn bạo với dân da đen tại Mỹ là chuyện có thật và thường xảy ra. Không những đối với dân da đen, mà hầu như đối với mọi sắc dân, kể cả da trắng với nhau. Cá nhân tôi, trong 35 năm sống ở Mỹ, đã bị Cảnh sát (toàn da trắng) chận, trên dưới ít nhất là 30 lần, với những lý do khác nhau. Khi hỏi giấy tờ, anh nào mặt cũng đằng đằng sát khí, tay đặt trên bao súng, vì xem bảng số xe, biết tôi có giấy phép mang súng. Biết thân phận, tôi không hề cãi với cảnh sát. Trừ một lần, tại Eugene, nơi đang học University of Oregon, tôi bị phạt vì xe (Audi, đời Bảo Đại, mua lại của một bà sơ La Vang) phun khói mịt mờ và nổ to quá, không thua xe tăng, mà, tôi cãi, luật Eugene đâu bắt phải DEQ. Tên CS da trắng bèn dọa: “Anh nói thêm một tiếng, tôi sẽ ký giấy tăng gấp đôi tiền phạt“. Đành im, hậm hực, chửi thề trong miệng..

Nói thế, để chứng minh rằng chả mấy ai ưa Cảnh sát. Và những vụ biểu tình bạo động, chống kỳ thị chủng tộc, do đảng K-Rats, BLM, Antifa, và Tàu Cộng giật dây, cốt đánh phá đương kim tổng thống Trump, trong mùa bầu cử 3 tháng 11 năm nay. Không ưa Cảnh sát, đúng, nhưng dẹp bỏ họ, là sai vô cùng.

Riêng vấn đề kỳ thị chủng tộc, thì nước nào cũng có. Xin những anh An Nam, đa số là trí thức khoa bảng, đang sống ở các nước đó, hãy mở óc ra, đừng lợi dụng chuyện George Floyd, mà chĩa mỏ qua nước Mỹ để chê bai tụi này, nhất là hùa chửi hôi ông Trump, một cách bá láp.

NLGO xin gửi lại bài viết về “Chuyện dài kỳ thị” đã cũ trên hai năm.

CHUYỆN DÀI KỲ THỊ

người lính già oregon

       Những nhận xét về người Mỹ, Việt Nam hay Tây, hay Tàu phần lớn dựa trên tài liệu, sách vở. Mà sách vở thì thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh, kinh nghiệm, thực tế. Ví dụ, bài viết nổi tiếng “An Nam ta gì cũng cười” của cụ Nguyễn Văn Vĩnh trong Đông Dương Tạp Chí, cách đây gần một thế kỷ, bây giờ đâu còn thích hợp với tình trạng của người dân trong nước đang khổ đau dưới ách thống trị của Coco Việt Cộng, hay ngoài nước ngày cày hai jobs, thì làm sao mà cười cho nổi?

       Chưa kể thành kiến, cảm tính của những nghiên cứu gia đối với các đối tượng mà họ không mấy ưa. Từ thành kiến đến kỳ thị mấy hồi. Bọn Tàu Phù xâm lược, từ thời Hai Bà Trưng cho đến hôm nay, nhất là hôm nay, đã không bao giờ khen người Việt, trái lại còn xem như kẻ thù man di mọi rợ. Ví dụ nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, bị chúng gọi xách mé là Triệu Ẩu, và miệt thị là một người xấu xí có “vú dài ba thước”, vậy mà sách vở của ta vẫn lặp lại y chang và tin như thế. Ngày nay, bọn lãnh đạo VC tự phong bán nước, Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyen Xuân Phúc… bị Tập Cận Bình và đồng bọn khinh bỉ hơn cả chó ngựa. Đến cả anh Lọ Obozo, tổng thống xứ Cờ Hoa hùng mạnh gốc Kenya, năm nào còn bị hắn bắt chui xuống cửa hậu máy bay, mà anh chàng cũng ngoan ngoãn tuân theo, mới chết chứ! Chả bù với cụ Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi của Việt Nam ta, một danh nho đời Trần, cách đây năm thế kỷ, người thấp bé, khi đi sứ sang Tàu, bị chúng nó bắt chui qua lỗ chó. Cụ bèn mắng, đại khái rằng: “Ta đi sứ sang một xứ của người, chứ không phải của chó, mà sao ta phải đi qua lối dành cho chó?”, khiến chúng bẽ mặt, phải mở cửa rước cụ vào.

       Nói thêm về anh Lọ, sau khi gập đôi người trước vua chúa các nước, và vái tứ phương để xin lỗi bá tánh khắp thế giới, sau khi bị Tập cận Bình làm nhục, Obozo mặc cảm, trả thù các nhân viên cộng sự da trắng, kể cả bộ trưởng, bằng cách gác hai chân lên bàn làm việc, trong khi các anh này đứng khúm núm chung quanh. Kỳ thị ngược?

      Cũng vậy, hồi còn Tây đô hộ, trong sách giáo khoa cho những học sinh trường Pháp, vào thập niên 50, có đăng hình một cô gái, hình như người Thượng, đen thui, cục mịch, và ghi chú một cách mất dạy: “une belle jeune fille Annamite de Ha Noi” (một thiếu nữ đẹp Hà Nội).Thật là thực dân khốn nạn.

      Ngược lại, người An Nam ta cũng là tổ sư kỳ thị. Ví dụ, các vua triều Nguyễn sau Gia Long gọi Tây thực dân là “bạch quỷ”. Câu ca dao ám chỉ việc công chúa Trần Huyền Trân bị gả cho Chế Mân, vua nước Chiêm Thành, “Tiếc thay cây quế giữa rừng / Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”, nếu không là kỳ thị, thì là cái gì vào đây, hả Trời? Ghét, hay khinh ai, người mình, nói chung, có tật gọi họ bằng thằng  (hay con) tuốt luốt: thằng Chệt, thằng Tây, thằng Mẽo, thằng Thượng, thằng Chàm, con Mên (Miên), con Lèo (Lào), con Mọi. Sau 1975, thằng VC răng đen mã tấu đã mở hết công xuất để chửi thằng Diệm, thằng Thiệu, thằng Kỳ, thằng Ngụy, thằng Kennedy, thằng Johnson, thằng Pol Pot…

      Ngoài ra, tại Mỹ, bây giờ, ai cũng lo ngại không dám nêu hết cái xấu, cái man rợ, ví dụ của đám radical Muslims quá khích, vì sợ có thể ăn bom hay chặt đầu. Cả về từ ngữ, người Mỹ rất kỵ chữ black khi nói về dân da đen, và thay bằng African-American, nghe chả ra sao cả. Chữ negro (nègre trong tiếng Pháp)thì càng phạm thượng hơn. Chữ negro, thực ra, bắt nguồn từ tĩnh từ Latin, nigger, nguyên thủy chỉ có nghĩa đen là đen, được dùng tại Mỹ từ khuya, kể cả thời Martin Luther King còn tranh đấu cho quyền của người nô lệ Phi Châu. Sau này nó mới hàm nghĩa khinh bỉ và làm người ta lo sợ. Rồi nữa, đen hay trắng cũng là màu, đẹp xấu tùy người đối diện, nhưng tại sao gọi white thì OK, mà black thì không? Chữ nghĩa, cũng như súng đạn, tự nó vô tội. Chỉ những người dùng một cách điên khùng, ngu xuẩn, hoặc với tà ý mới gây ra rắc rối, hoặc thảm kịch. Nhưng không vì những cá nhân này mà cấm đoán công dân mua súng hoặc dùng chữ black, negro. Hay, để mở ngoặc lớn, chữ yellow, vàng, chỉ dân Á Châu, đặc biệt Nhật. Trước 1975, quả vậy, một quyển sách của Austin de Croze, có tựa đề Le péril jaune et le Japon, Paris, 1904, bàn về cuộc chiến tranh Nga-Nhật, trong đó Nhật được xem là một sức mạnh và một mối nguy hiểm mới.

       Người Mỹ nói chung cũng bị kỳ thị và gọi là “Yankee” (chỉ binh lính của Union trong thời nội chiến), hay “Ah! ces Ricains” bởi những người Pháp bài Mỹ, cũng giống như chính những người Pháp này bị gọi là “Gaulois” (từ thời nước Pháp bị đế quốc La Mã chiếm đóng và mang tên Gallia, La Gaule, có họ hàng với gallus, con gà trống) hay “frog” (vì cái tật khoái nhậu thịt ếch) vậy. Mỹ trắng bị đặt nickname là “honkie”. Người Mỹ nào kỳ thị thì bị gọi là “redneck” (cổ đỏ, tiếng lóng trước kia dùng để chỉ những trại chủ Miền Nam đối xử hà khắc với nô lệ). Mễ Lậu vượt tường, là “wetneck” (cổ ướt, vì mệt nhọc, chảy mồ hôi?), Mỹ Vàng, An Nam, có tên là “gook” (chữ được chế ra bởi lính Mỹ tại VN từ chữ “goo”, chất dơ bẩn, bùn lầy?), Nhật, là “Jap”, Tàu, là “Chink”, Tàu Cộng, là “Chicom” v.v…

      Lại xin mở thêm một ngoặc kép. Những ông Mỹ lấy vợ An Nam thì bố bảo không dám chê dân An Nam và nước mắm. Tỷ như anh chàng thượng nghị sĩ  Dân Chủ Jim Webbs, trước kia làm bộ trưởng, thứ trưởng gì đó có bao giờ ngó ngàng gì đến đám Việt Kiều thiểu số đâu,  Năm 2016, ngấp nghé ra ứng cử tổng thống, vì nhu cầu hốt phiếu và có lẽ bị bà vợ Việt véo đùi, nên cũng phải tỏ ra ta đây hòa đồng với người Việt quốc gia tỵ nạn, tuyên bố chống Cộng cùng mình.


       Chỉ có phe ta mới biết rõ phe mình. Cả tốt lẫn xấu. Cũng như Mỹ biết rõ Mỹ, Tây biết rõ Tây, Tàu biết rõ Tàu… một cách cụ thể, mà không cần đọc làm chi tài liệu vớ vẩn của những nhà nghiên cứu ngoại quốc. 

1) Làm thế nào để biết đó là nhà người An Nam?

      Tôi có một người bạn mần nghề đi dụ người ta mua nhà, bán nhà, mà văn chương trữ tình gọi là chuyên viên địa ốc. Một hôm ghé nhà tôi chơi. Chợt nhìn thấy một căn nhà bên kia đường, bèn nói:

     – Tôi cá với anh nhà đó là của một người Việt Nam.


       Tôi ngạc nhiên:

      – Ủa, sao hay vậy cha? Đúng là nhà của một gia đình đồng hương ta…

       Anh ta vênh mặt lên, hả hê:

      – Nghề của chàng mà! Hễ thấy trước nhà nào có một hay hai cái xe Toyota đời mới, cáu cạnh, nếu bự càng chắc ăn hơn, và trước cửa nhà một đống giày dép thì nếu không phải là nhà Việt Nam ta thì cứ mang đầu tôi ra chặt.

      Từ đó, thỉnh thoảng buổi chiều đi bộ tập thể dục trong xóm, tôi cũng chú ý nhìn một vài nhà có xe Toyota và một đống giày dép trước cửa… Lại thêm tiếng nhạc rền rỉ lê thê như có đám ma và giọng hát nhão nhoét của Chế Linh hay Thanh Tuyền xông ra, cùng với mùi xào tỏi với nước mắm từ cái bếp trong garage mở cửa hôi rình điếc mũi, tôi không khỏi thầm thán phục anh bạn chuyên dụ bán nhà có con mắt tinh đời.

      Hoặc nữa, nếu thấy khách đến nhà ai, mà được chủ nhà dẫn vào bằng cửa garage, thay vì cửa chính, thì chém chết tôi cũng cả quyết đó là nhà của một đồng hương An Nam thứ thiệt.

2) Người Mỹ xấu xí, nghĩa đen:


      Người Mỹ mà tôi muốn nói ở đây không phải là nhân vật Homer Atkins trong quyển tiểu thuyết sặc mùi chính trị The Ugly American của Eugene Burdick và William Lederer viết năm 1958 và đã được quay thành phim năm 1963 với Marlon Brando. Mà là những ông Mỹ già trong phòng gym Cascade 205 Portland của tôi. Từ khi về hưu, bị bác sĩ hăm dọa, bảo sẽ chết sớm nếu không uống rượu vang và không tập thể dục, mỗi ngày tôi đành phải đến tập khoảng một tiếng rưỡi. Phòng tập rộng thênh thang, có hơn 100 dụng cụ, một hồ bơi lớn, và một phòng tập tạ và tập Tai Chi. Tập khách, hay khách tập, đa số là dân Mỹ trắng trên sáu, bảy bó như tôi, và, cũng như tôi, chắc đã về hưu, hoặc thất nghiệp, và cũng sợ chết.. Có cụ mặt mũi hồng hào, trông oai vệ, không bác sĩ thì cũng luật sư, giáo sư, tiến sĩ, nha sĩ, dược sĩ etc. Có vài ông bà Tàu, lúc nào cũng ồn ào, gọi nhau ơi ới, mặc dù có thông báo nhắc không được nói chuyện lớn. 

      Có hai phòng vệ sinh, tắm rửa, và thay đồ (locker room) kế cận nhau, một Nam, một Nữ, rất rộng, có hai mũi tên to tổ bố nhắc nhở đừng ai cố tình đi lộn. Trước và sau mỗi buổi tập, tôi phải vào khu Nam, dĩ nhiên, hai lần, để rửa tay, thay giày và quần áo tập. Và nơi đây, phải hai lần đối diện với sự thật trần truồng (the naked truth / la vérité nue) –hoàn toàn theo đúng nghĩa đen– của các cụ ông, lúc nào cũng dập dìu, vào ra, như đi hội chợ Tết Cộng đồng, “vô tư” nói chuyện om sòm trong khi tất cả đều trần như nhộng, tồng ngồng, trên răng dưới lắc lư hai quả lựu đạn, càng về già càng bự tổ chảng. Có cụ tắm gội, phải trần truồng, thì không nói làm chi. Có cụ vào trong đó cạo râu, đánh răng, khạc nhổ, sấy tóc, chắc muốn đỡ tốn tiền nước, tiền điện ở nhà, hoặc tiết kiệm thì giờ, cũng thông cảm được. Nhưng có cụ vừa tắm xong, còn đang lau mình mẩy, hoặc đôi khi đang thay đồ, cứ để nguyên y phục Adam đi vòng vòng kiếm người quen, cũng đang trong tình trạng trần truồng như nhộng, sà vào tán dóc, và cười rổn rảng, nhe cả hai hàm răng giả. Có vài anh Tàu già khú đế, và một anh bạn trẻ An Nam của tôi cũng có mặt trong cái đám hỗn tạp đó. Hóa ra, ở truồng cũng là một căn bệnh hay lây.

       Phần tôi, ngày đầu còn tò mò liếc qua cho biết sự tình, lâu ngày phát ngán, vào lẹ, rồi vội vàng chuồn ra ngay. Vì thấy các cụ hành nghề người mẫu, triển lãm thân thể, và của nợ, mà ớn đến tận óc. Các cụ  ugly, xấu xí thật (theo nghĩa đen thui), bụng như thùng nước phở xe lửa, búng đâu ra mỡ đó, mông teo, vú xệ. Rồi một dàn súng cá nhân, nhắm vào nhau, hoặc vào tôi, loại súng dành riêng cho những tên phản chiến, peaceniks, hạng gộc, cỡ Jane Fonda, Tom Hayden, Bob Dylan hay John Kerry và Co, nghĩa là ngưng bắn, đồng loạt chĩa xuống sàn nhà. Có cụ còn thẹn thùng, rụt đầu ngoẹo cổ, làm bộ em chã, em chã, trơ trọi, không cây lá ngụy trang, trông cực kỳ thảm não. Các cụ càng lớn tuổi thì súng càng có hình dáng tân chế, hiện đại, nghĩa là nhỏ xíu, nòng cụt ngủn, giống như cây Colt 45 mới mua của tôi, không biết bắn có chết thằng VC nào không.

       Ấy là tôi chưa nói đến việc vài cụ có cái mông và cái lưng đầy ghẻ, mụt nào cũng đỏ bóng và “to đùng”. Trước kia, tập xong, tôi thường vào hồ bơi, vui sướng như cá gặp nước, ngoài ra còn được tắm kế bên vài em Mỹ nõn nà, mặc dù tay, chân, ngực, vai, đùi các em xăm đầy rồng rắn, xanh như da con thuồng luồng. Thế nhưng, một hôm, thấy hai cụ có cái lưng ghẻ trông rất “chất lượng”, rất “ấn tượng”, rất “hoành tráng” nhảy vào tắm chung, tôi thấy… hãi quá, và tự nhiên thấy nổi ngứa khắp người. Bèn dẹp cái vụ bơi, từ đó.

      Nói thế không có nghĩa tôi ngon lành hơn ai. Trái lại, cũng rệu rạo quá cỡ rồi. Nhưng từ lâu, tôi có một nguyên tắc bất biến: không thoát y nơi công cộng, kể cả khi còn khỏe, trẻ, và phong độ, ví dụ, tắm tại hồ nước tập thể ở quân trường Thủ Đức, hay sau này, tắm suối trong những trại cải tạo. Huống chi bây giờ, khi bóng đời nghiêng đổ và trăng lu xế nửa mái tình sầu (Huy Cận). Tục ngữ ta có câu: xấu che đẹp khoe.Đẹp cũng còn phải che, nói chi xấu. Hay là có che nó mới trở thành đẹp? Dưới cặp mắt ngu của tôi, thân thể người ta, kể cả tiên nữ, hay hoa hậu chân dài, nếu để nguyên si, trần trụi, sẽ không còn đẹp, mặc dù những ông văn sĩ, thi sĩ, triết gia, học giả hoặc thất tình, hoặc uẩn ức sinh lý, hoặc bất ngờ hồi xuân, ca tụng đó là tuyệt tác của Thượng Đế về mọi mặt. Còn tôi nghĩ khác: đẹp có nghĩa là phải bắt tôi tưởng tượng, phải gây mơ và gây mê, phải ru vào mộng mị. Không thể phô bày thực tế một cách lộ liễu, phũ phàng như các cụ Mỹ ở gym. Thực tế trần truồng chỉ chấp nhận trong phòng ngủ, phòng tắm, không ở những nơi công cộng. Tóm lại, phải hấp dẫn, quyến rũ, qua quần áo mặc vào luôn luôn, và cởi ra có lúc có nơi. Nắng Sài Gòn em đi cũng phải có áo lụa Hà Đông. Phải có áo em sứt chỉ đường tà hay qua cầu gió bay mới gợi chuyện yêu đương, hay chuyện trăm năm. Phải có em cười nâng tà áo đưa lên gió (Thế Lữ). Hay tôi thấy xiêm nghê nổi gió lùa(Xuân Diệu). Phải là người đẹp nhờ lụa / Lúa tốt nhờ phân, như một câu tục ngữ khác gợi nhắc. Tôi không hiểu cảm hứng của những họa sĩ vẽ tranh lõa thể bắt nguồn từ đâu, và cái đẹp hoàn toàn thể xác ấy nằm ở chỗ mô. Cho nên, tôi thích những bức vẽ madones của Botticelli và tranh đồng quê của Raffaello với những nàng thiếu nữ mặt hoa da phấn, tóc rẽ đường ngôi ở giữa, và áo quần chất chồng, kín mít, mặc vào và cởi ra, cũng phải tốn hơn một tiếng đồng hồ.

      Đời sống vợ chồng cũng thế. Tưởng lấy nhau rồi là xong, là lơi lỏng, không giữ gìn như thuở chờ đợi, ôi, thời gian rét lắm (Huy Cận) hay Chưa gặp em anh đã nghĩ rằng / Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng (Đinh Hùng). Vì vậy mới dễ chán nhau và rồi xa nhau. Vì vậy mà những cặp uyên ương trẻ sống thử một thời gian với nhau thường bai bai nhau sớm. Gần đây, trên những tờ báo giấy nào cũng có mục phòng the phụ trách bởi những ông bà ăn tiền già, hưỡn quá, hoặc mất ngủ, và những câu trả lời của họ thường thường dựa trên những lý do vu vơ vu va vớ va vớ vẩn mà quên yếu tố chính yếu: buông thả quá, người ta sẽ nhàm chán. Đã lâu rổi, tôi được đọc cuốn sách về cuộc đời bà Jackie Kennedy, kể rằng mỗi khi vào toilette, bà mở hết các robinet nước, để làm át những thứ tiếng khác.

      Có lẽ cũng vì thế mà trong Kinh Thánh, sau khi Adam và Eve phạm tội, Chúa phạt hai người biết mắc cỡ, lấy lá che thân và đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Bắt sống đời trần tục, nghĩa là mặc quần áo đường hoàng, vì Chúa biết quá tạo vật mà Người dựng nên, nếu cứ ở với nhau tồng ngồng suốt ngày, như hai con nhộng thế kia, thì còn gì hấp dẫn, còn gì hứng thú để thực hiện lời Chúa phán: hãy sinh sản ra loài người, nhiều như sao trên trời, như cát dưới biển?


3) Người Việt xấu xí, nghĩa bóng:

a) tại Oregon:

       Một buổi chiều, cô người quen đi làm về kẹt xe trên freeway, gọi điện thoại khẩn cấp nhờ tôi đi đón giùm đứa con học mẫu giáo ở trường gần nhà. Đến nơi, thấy dọc hai bên đường quanh trường, xe đậu kín mít, tôi phải bỏ xe tít mãi đàng xa. Đi bộ đến cổng bên hông trường, tôi thấy còn một khoảng cách trống hẹp giữa hai xe và một người đàn bà Việt Nam, xin gọi là tài xế không tên số 1, còn trẻ, đang cố gắng cho chiếc Toyota bự, dài, láng cón chen vào, mấy lượt mà không được. Chiếc xe sau, đang đậu, cũng loại Toyota bự và tài xế cũng là một phụ nữ Việt Nam, tạm gọi là tài xế không tên số 2,  tuổi sồn sồn, mặt hiền như sư tử đang ngái ngủ, sợ bị đụng bèn de một chút cho trống chỗ, nhưng chíếc Toyota  của cô số 1 kia dài quá cũng không thể vào được. Bà số 2 quay kính xuống bắt đầu quát, bằng tiếng Việt, tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi, rất êm ái: “Đồ cà chớn, dzô sao được mà dzô, bộ đui hả?”. Cô không tên số 1 vẫn cứ ráng, vì chuông trường reo rồi và không thể nhúc nhích đi đâu được nữa. Trên đường hai chiều, lưu thông bị tắt nghẽn, làm cô càng quýnh hơn. Phía sau xe bà không tên số 2 là hai chiếc khác, nên bà này không còn cách nào hơn là cho xe dọt ra luôn. Đi lên ngang hàng, bà không quên ngừng lại, giữa đường, nhìn chòng chọc vào mặt cô không tên số 1 thiếu điều ăn tươi nuốt sống, và hét lên, chửi, lần này bằng tiếng Đan Mạch, nguyên văn: “Bà mẹ mày, con ngựa! Chỗ chật mà mày cứ chen dzô. Ở đây là trường học, tao nhịn, ở chỗ khác tao xuống xe xé xác mày ra cho biết.” Tội nghiệp cô không tên số 1, cứ xin lỗi mãi, mà không biết lỗi gì.

       Nếu không thấy tận mắt, nghe tận tai, thì cho kẹo tôi cũng không dám kể chuyện này, vì sợ bị chửi là thằng cha già mất nết bịa chuyện nói xấu phụ nữ đồng hương yêu quý, con cháu của ông vua Lạc Long Quân và bà tiên nữ Âu Cơ.


b) tại Nha Trang:

     Năm 2006, mẹ mất, tôi về Nha Trang thọ tang gấp. Tại nghĩa trang, sau khi mộ mẹ được lấp xong, tôi, trong tư cách trưởng nam, thay mặt tang quyến nói đôi lời cám ơn cha chánh xứ và thân bằng quyến thuộc đã đi đưa tiễn. Ai nấy lộ vẻ ngạc nhiên. Một người bạn học cũ, sau đó, giải thích:

       – Văn hóa xã hội chủ nghĩa không có cái mục cám ơn và xin lỗi.

       –  ?

       – Người dân, nói chung, không mang ơn ai cả, ngoại trừ mang ơn Bác và Đảng. Cụ thể hơn, làm hay cho ai cái gì, đó là bổn phận của anh, không ơn nghĩa gì ráo. Còn xin lỗi? Còn lâu à. Xe đụng chết người, bỏ chạy luôn, hoặc nếu thấy chưa chết, cũng de lại cán cho chết luôn. Vì nạn nhân chết, họ chỉ bồi thường một lần là xong, còn bị thương, tàn tật, phải nuôi nạn nhân suốt đời, lỗ vốn nặng. Cây cầu đang xây bị sập, chết bao nhiêu người, nhưng lãnh đạo tỉnh bơ, không lên tiếng xin lỗi, nói chi từ chức.

     Cũng trong lần đó, tại Hòn Chồng gần nhà tôi, một phụ nữ khá lớn tuổi, vẻ lam lũ, cố gắng đẩy một chiếc xe ba gác chất đầy kẹo bánh lên dốc, mấy lần bị tuột và rớt đồ. Nhiều người đứng gần trông thấy, nhưng chỉ giương mắt ếch ngó. Đi ngang qua, tôi ngừng lại, đến bên phụ đẩy giùm cho chị ta. Xong xuôi, theo truyền thống xã hội chủ nghĩa cao quý, chị không nói cám ơn, dĩ nhiên, nhưng hỏi:

     – Ông ở nước ngoài dzìa?

     – Sao chị biết?

     – Chỉ người nước ngoài dzăng minh mới biết đẩy giùm xe cho người khác.

c) tại Paris:

     Còn nhớ năm 1987, lúc đang là sinh viên Ph.D và dạy tại University of Oregon, tôi vào một nhà hàng Việt Nam ở Paris 13. Trong tiệm có bốn cô tiếp viên đang tía lia đấu hót, cười giỡn với nhau. Hôm ấy, theo thói quen cố hữu, tôi ăn mặc cẩu thả, bụi đời, quần jeans, áo polo, giày ba ta, tất cả rất cũ kỹ. Liếc mắt thấy tôi, các cô vẫn tỉnh bơ, tiếp tục nói chuyện, không chào đón, hỏi han. Tôi vẫn không lên tiếng, ngồi yên, để xem sao. Đúng mười lăm phút sau, một cô bước tới, hỏi một cách cộc lốc:

       – Bộ ông ở đảo mới tới phải hôn?

       – Không, tôi từ Mỹ đến.

       Cô ngạc nhiên, hỏi tiếp:

       – Ủa, thiệt hả? Mà ông làm gì bên đó?

      Tôi điềm tĩnh, thành khẩn khai báo:

      – Vừa là sinh viên tiến sĩ vừa là giáo sư Pháp văn tại một đại học.

Cô khựng lại, vuốt ngực, làm như bị nghẹt thở, dòm kỹ tôi từ đầu tới chân xem tôi có phải là chuyên viên chất nổ không. Và hỏi thêm:

      – Ủa, mà sao anh không nói cho tụi em biết trước?

      – Không ai hỏi, làm sao tôi dám nói.

      Rồi oang oang, cô gọi ba đồng nghiệp:

      – Mấy chị ơi, lại đây coi anh sinh viên kiêm giáo sư từ Mỹ, thứ thiệt…

      Cả bốn cô xúm xít quanh tôi, hỏi đủ thứ chuyện về nước Mỹ, trừ câu hỏi tôi đang chờ đợi: ăn món gì? Một cô dụ khị:

      – Em nghe nói ở Mỹ sướng lắm. Tụi em được tàu Pháp dzớt phải qua Pháp cực quá. Làm tiền ít mà bị mấy thằng Tây và Dziệt kiều Tây qua trước kỳ thị, vì không gành (rành) tiếng Pháp. Tụi em mê qua Mỹ muốn chết. Hay là, em nói thiệt nghe, anh làm hôn thú với em, giả cũng đặng, gồi (rồi) anh đưa em qua đó sống nghe anh, gồi hạp mình tiến tới luôn, không hạp thì ô-gơ-voa, mất mát chi đâu…

4. Khi người Pháp kỳ thị:

      Người Pháp, tôi nhận xét, không kỳ thị, hoặc không kỳ thị nhiều, về màu da, sắc tộc, giới tính, giàu nghèo, sang hèn… cho bằng về ngôn ngữ, nghĩa là nếu anh nói tiếng Pháp không rành, không đúng văn phạm, không đúng accent Tây, thì xin mời anh đi chỗ khác chơi liền. Những ví dụ về điều này khá nhiều, nhưng bữa nay, tôi chỉ thuật lại hai chuyện nhỏ thôi.

a) tại gare de Lyon:

      Số là một anh bạn Mỹ của tôi tại Portland đến gare de Lyon, hỏi, bằng tiếng Pháp dĩ nhiên, một anh nhân viên phụ trách Customer Service (nhưng mặt mày khó chịu, như tất cả mọi anh công chức Tây trên đời), rằng mấy giờ chuyến TGV (tàu nhanh) đi Lyon sắp tới sẽ khởi hành. Tôi biết trình độ Pháp ngữ của anh ta cũng không đến nỗi tệ, nhưng anh Tây nọ không thèm ngẩng mặt lên dòm anh Mỹ kia, vẫn tiếp tục cúi xuống đọc báo, và lạnh lùng trả lời: “Ici, on n’ parle pas allemand” (ở đây người ta không nói tiếng Đức).

b) trên chuyến xe TGV đi Grenoble:

      Năm 1990, một hôm tôi đáp xe lửa từ Paris về l’Université de Grenoble, nơi tôi được học bổng theo học khóa tu nghiệp Sư phạm Pháp. Một bà già Pháp ngồi bên, thuộc loại giết giặc, mặt khó đăm đăm, thỉnh thoảng liếc nhìn tôi với vẻ khinh bỉ, không thèm che giấu, mặc dù tôi chả làm gì mất lòng bả. Gần đến Lyon, một nhân viên (contrôleur) đến kiểm vé từng người. Vé tôi có trục trặc gì đó, nên tôi phải giải thích một hồi với ông này, và bà già giết giặc chăm chú nghe. Sau đó, bà mới hỏi tôi:

      – Cậu từ đâu đến?

      – Từ Mỹ.

      – Vraiment? Ở Mỹ, mà cậu biết nói tiếng Pháp thông thạo vậy sao?

      Tôi bắt đầu nói phét, để chọc tức:

      – Chứ sao? Bên Mỹ, mọi người đều nói tiếng Pháp, và hay hơn tôi…

      Ngạc nhiên, bà la lớn:

      -Ô ciel! Mais c’est incroyable! Absolument fantastique! Mà cậu đi Grenoble để thăm ai vậy?

      Đến đây, tôi không nổ chơi nữa, phải nổ thật:

      -Tôi là giáo sư Pháp văn tại đại học Mỹ. Và đang tu nghiệp Sư phạm tại l’Université Stendhal III và ở nội trú trong trường.

      Cả hai chuyện trò rôm rả, và tôi thấy bà bỗng dễ thương chi lạ, một cách “đột xuất”. Đến ga Grenoble, thì tôi đã biết, qua bà, độ 98 phần trăm gia cảnh của bà: chồng tên André B., bà tên Claire, và đứa con gái duy nhất tên Catherine, có chồng, là Guillaume, ba con, là Jacques, Paul và Thèrèse, ở  Bordeaux. Cụ André là quản thủ thư viện Grenoble, về hưu đã trên mười năm, thèm nói tiếng Latin, bỏ lâu ngày quá sợ rỉ sét, bà mách, và mê thơ Horace lắm, mà không biết ai để nói cùng, may mà có cậu, chúng tôi mời cậu thỉnh thoảng đến chơi và dùng cơm nhé… blablabla…

      Từ đó, suốt chín tháng học ở Grenoble, tôi trở thành bạn tâm giao của gia đình B., và cứ mỗi hai tuần được họ mời đến nhà uống chùa cognac, ăn ké pâté gan ngỗng, rồi kể chuyện bên Mỹ cho cụ bà nghe và nói tiếng Latin với cụ ông.

c) Một trường hợp kỳ thị ngược:

    Một bữa cuối tuần, tôi mời cô bạn thân đồng khóa tu nghiệp đến từ Beyrouth (Liban), Alicia, ra phố Grenoble ăn phở, cốt giới thiệu các món Việt Nam. Tiệm có tên rất lãng mạn“Vent du Sud” (Gió Nam), lúc ấy ế khách, vắng hoe. Chủ tiệm là một anh Nam Kỳ rặt. Tôi không xem thực đơn, gọi ngay hai tô phở tái nạm. Anh ta đến bên, gãi tai, bỏ nhỏ:

     – Thưa anh, tiệm em chỉ có phở chín thôi.

     Tôi dễ dãi:

     – Cũng được, anh cho hai tô trung bình…

 Một lúc sau, anh trịnh trọng bưng ra hai tô trên một cái khay. Tôi lấy đũa trộn tô phở, thì thấy toàn là bún, loại bún ăn liền, không phải bún phở, lõng bõng nước lèo trong vắt, vài lát thịt bò chín nhừ. Không rau thơm, không ngò gai, không tương, không chanh, không ớt gì ráo. Tôi vụt nhớ đến tô hủ tiếu Nam Vang, gọi là chính cống, trong một tiệm ăn tại Marché Central, Phom-Penh, năm 1971, mà tôi có cảm tưởng như ăn mì gói trụng nước sôi, hay tô phở quốc doanh, quá dở, tại Hà Nội, năm 1983, dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa.

     Tôi gọi chủ tiệm, và khiếu nại, một cách nhẹ nhàng, bằng tiếng Việt, vì không muốn Alicia biết chuyện gì:

       – Thế này mà anh gọi là phở được sao?

 Anh ta lại gãi tai:

      – Xin anh thông cảm. Tiệm em nấu phở chủ yếu cho tụi Tây nó ăn. Tụi nó vui vẻ ăn, mà không than phiền gì cả, lại khen ngon nữa…

        Tôi ngắt lời anh ta, và nói, giọng mỉa mai:

      – Và tụi nó đi luôn, không bao giờ trở lại nữa, phải không? Anh cũng nên nhớ, thằng Tây nó đô hộ mình gần một trăm năm, nó biết đàn bà Việt Nam và phở Việt Nam còn rành hơn anh nữa kìa…

Portland, 19/3/2018
Người Lính Già Oregon

(Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý)