Trung cộng đứng đầu danh sách các quốc gia vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EU), một báo cáo cho biết. (Getty)
Trong bản báo cáo [hai năm một lần] được Ủy ban châu Âu ban hành vào tháng Một, có danh sách các đối tác thương mại của khối EU cũng với đánh giá về tính hiệu quả của các biện pháp chế tài để bảo vệ sở hữu trí tuệ (IP) trong phạm vi quyền hạn luật pháp của EU.
Theo Ủy ban Châu Âu – cơ quan phụ trách điều phối chính sách thương mại của 28 quốc gia thành viên, trong số các đối tác của Châu Âu, Trung cộng được xếp hạng là quốc gia “vi phạm nhiều nhất” về mức độ và quy mô”đối với quyền cũng như sự thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Những vi phạm của quốc gia này đã gây ra nhiều cản trở và khó khăn cho các chủ sở hữu thương hiệu và bằng sáng chế của liên minh EU. Trung cộng là quốc gia duy nhất trong danh sách “vi phạm nhiều nhất” của EU.
Báo cáo cho thấy, Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) đã cấp các bằng sáng chế đáng ngờ và khuyến khích việc sử dụng “patent-thickets” [thuật ngữ để chỉ việc sử dụng một loạt các bằng sáng chế chống chéo nhau trong một số lĩnh vực công nghệ nhất định], để ngăn chặn sự sáng tạo và phát minh.
“Trung cộng là nơi xuất xứ của phần lớn số hàng giả và hàng lậu gửi đến EU, cả về giá trị và khối lượng”, báo cáo nêu rõ.
Báo cáo này cũng lưu ý rằng hơn 80% hàng giả và hàng lậu bị bắt giữ bởi các cơ quan hải quan EU có nguồn gốc từ Trung cộng và Hong Kong, bao gồm thuốc giả và đồ chơi giả, những thứ “có khả năng gây nguy hiểm cho người tiêu dùng”.
Theo báo cáo, trong tình huống này, các công ty Trung cộng sử dụng “các công nghệ nước ngoài được cấp bằng sáng chế, mà không phải trả tiền bản quyền đầy đủ”.
“Chuyển giao công nghệ cưỡng bức là sự bức xúc ngày càng nghiêm trọng trong lĩnh vực thương mại”, báo cáo cho biết và lưu ý rằng cách làm này dễ khiến các nhà đầu tư quay lưng với thị trường. Các đối tác thương mại của Trung cộng từ lâu đã phàn nàn rằng các công ty của họ thường bị buộc phải trao đổi công nghệ có giá trị cao để được tiếp cận nền kinh tế lớn thứ 2 của thế giới.
Bản báo cáo nêu rõ: “Trung cộng buộc các công ty nước ngoài phải cấp phép công nghệ, thường là với mức giá thấp hơn thị trường, như một điều kiện tiên quyết để tiếp cận và hoạt động trong một số thị trường nhất định”.
Báo cáo cho biết thêm, mặc dù trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã có một số cải tiến trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, “nhưng vẫn còn những lo ngại nghiêm trọng về chất lượng của các bằng sáng chế được cấp tại Trung cộng”. Quốc gia này là nơi có số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế “tăng theo cấp số nhân”.
Các quốc gia Ấn Độ, Indonesia, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine được Ủy ban châu Âu liệt kê là những quốc gia vi phạm “cần lưu tâm thứ 2”. Đây là những quốc gia được nhận định là đang “gây thiệt hại đáng kể cho các doanh nghiệp EU”, do các “vấn đề nghiêm trọng mang tính hệ thống” trong công tác bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Trong khi đó, danh sách “cần lưu tâm thứ 3” bao gồm các quốc gia gây ra “sự tổn hại đáng kể” cho các doanh nghiệp EU bao gồm Argentina, Brazil, Ecuador, Malaysia, Thái Lan và Nigeria và Ả Rập Saudi vừa mới được bổ sung vào danh sách.
Hoa Kỳ cũng đã bày tỏ quan ngại đối với lập trường của ĐCSTH về quyền sở hữu trí tuệ. Tháng trước, Thượng nghị sĩ Rob Portman đã đề xuất dự thảo Đạo luật Bảo vệ các Sáng chế của Hoa Kỳ, để giúp ngăn chặn hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ [IP] của ĐCSTH.
Thượng nghị sĩ cho biết ĐCSTH đã và đang tận dụng sự cởi mở của các trường đại học Mỹ với các chiến lược như Chương trình Ngàn Nhân tài. Chương trình này đã được cho phép để “nhắm mục tiêu một cách có hệ thống” vào nghiên cứu đầy triển vọng tại Hoa Kỳ, ông Portman nói.
Phát biểu trước Thượng viện ngày 20/5, ông Portman khẳng định: “Trung cộng và ĐCSTH đã không tuân thủ luật chơi và điều đó liên quan đến việc có được sở hữu trí tuệ, những cải cách và các nghiên cứu của chúng ta”.
Dự luật mà ông đề xuất “được xây dựng dựa trên cơ sở các khuyến nghị của PSI, nhằm thúc đẩy một doanh nghiệp nghiên cứu công khai và minh bạch tại Hoa Kỳ, triệt phá hành vi trộm cắp nghiên cứu và tài sản trí tuệ [IP] do nguồn đóng thuế của người dân Hoa Kỳ tài trợ, đồng thời trao quyền cho [Bộ Tư pháp] DOJ và Cục Điều tra Liên bang để trực tiếp trừng phạt những kẻ tìm cách đánh cắp nghiên cứu của Hoa Kỳ hòng mang lại lợi ích cho các đối thủ của Hoa Kỳ”.
Du Miên
Theo The Epoch Times
NTD (24.06.2020)