Các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong có kế hoạch thành lập 'Quốc hội lưu vong'

Vào ngày 1/7/2020, rất đông người dân Hong Kong đã xuống đường phản đối ĐCSTH thực thi Luật An ninh Quốc gia Hong Kong. Hình ảnh cảnh sát bắt giữ người dân tại Bowrington (Song Bilong / Epoch Times)

Các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong đang thảo luận một kế hoạch thành lập Quốc hội lưu vong Hong Kong phi chính thức để tiếp tục duy trì ngọn lửa dân chủ tỏa sáng, và đưa tới Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) một thông điệp: Tự do không thể bị nghiền nát.

Theo tin độc quyền từ Reuters, vào hôm 1/7, hàng ngàn người dân Hong Kong đã một lần nữa xuống đường, bất chấp Luật an ninh Quốc gia do chính phủ Trung cộng mới ban hành nhằm đàn áp những người bất đồng chính kiến. Cảnh sát Hong Kong đã bắn súng nước áp lực cao, đạn hơi cay vào những người biểu tình ôn hòa và bắt giữ hơn 300 người.

Ông Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng) là một công dân Hong Kong, từng làm việc tại lãnh sự quán Anh ở Hong Kong trong gần hai năm. Sau khi bị cảnh sát mật của ĐCSTH bắt giữ, đánh đập, tra tấn và hãm hại, ông đã bỏ trốn. Ông Simon tự xưng là một nhân sĩ vận động dân chủ, và sau đó được bảo hộ tị nạn ở Anh.

Ông trao đổi với Reuters ở London rằng: “Chúng tôi hy vọng thành lập một đoàn thể dân sự phi chính thức để phản ánh quan điểm, ý kiến của người dân Hong Kong. Việc thành lập Quốc hội lưu vong có thể gửi tới chính quyền Bắc Kinh và Hong Kong một tín hiệu rất rõ ràng rằng dân chủ không phải tuân theo lệnh của Bắc Kinh”.

Ông nói rằng mặc dù ý tưởng này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng một Quốc hội lưu vong như vậy sẽ ủng hộ các phong trào dân chủ của người dân Hong Kong. Ông từ chối tiết lộ Quốc hội sẽ được thành lập ở đâu.

Ông Simon nói: “Chúng tôi đang mở ra một phương thức khác để đấu tranh cho dân chủ. Chúng tôi cần phải thông minh để đối phó với sự khuếch đại của chế độ toàn trị: họ triển khai lực lượng mạnh mẽ hơn để đàn áp, vì vậy chúng tôi cũng cần phương thức tinh tế và nhanh nhạy hơn”.

Ông nói rằng ngày càng có nhiều người mất niềm tin vào những cách như xuống đường biểu tình hoặc tranh cử vào Hội đồng Lập pháp và Quốc hội Hong Kong. “Chúng ta cần sát cánh cùng người dân Hong Kong và ủng hộ những người ở lại Hong Kong. Một ngày nào đó chúng tôi sẽ trở lại Hong Kong”.

Hoàng Chi Phong (trái – Ảnh facebook cá nhân) và Lê Trí Anh (phải – Ảnh Twitter cá nhân)

Lê Trí Anh(Jimmy Lai): Cho dù có người thân muốn rời khỏi thì tôi vẫn sẽ ở lại Hồng Kông

Người sáng lập Next Digital, ông Lê Trí Anh tuyên bố khi trả lời phỏng vấn từ truyền thông Mỹ rằng ông rất buồn vì cảm tưởng Hồng Kông đã chết sau khi lập pháp, cho biết ông không sợ phải vào tù và trở thành mục tiêu bị nhắm, ông không rời khỏi Hồng Kông và tin rằng chế độ toàn trị sẽ bị đánh bại, “Chúng tôi đứng ở bên chính nghĩa của lịch sử”. Lê Trí Anh cho biết, năm 12 tuổi khi ông đến Hồng Kông cảm thấy Hồng Kông giống như “thiên đường”, tràn đầy hy vọng và tự do. Ông khởi nghiệp từ tay trắng, bắt đầu trong lĩnh vực may mặc, sau đó thành lập Next Digital để hỗ trợ phong trào dân chủ.

Ông Lê Trí Anh nói: “Hồng Kông đã bị đàn áp toàn diện, bị thao túng hoàn toàn… rất đáng buồn, Hồng Kông đã chết (It’s sad that Hong Kong is dead).” Ông sẽ tiếp tục đấu tranh cho dân chủ, nhưng phải hành động theo một cách rất khác, tin rằng nhiều người sẽ rút lui vì Luật An ninh Quốc gia, “Chúng ta phải xem có bao nhiêu người sẵn sàng tiếp tục đấu tranh.”

Ông không chia sẻ phong trào dân chủ sẽ tiếp tục như thế nào trong tương lai, chỉ cho biết rằng sẽ cần thời gian để thảo luận. Nhưng ông vẫn hy vọng rằng cuối cùng nền dân chủ sẽ trở về với Hồng Kông. “Trong thế giới ngày nay, một chế độ độc tài cực đoan như vậy không thể tồn tại … Chúng ta phải kiên trì, thời gian đứng về phía chúng ta, chúng ta ở phía bên chính nghĩa của lịch sử.

Hoàng Chi Phong: Người Hồng Kông sẽ không đầu hàng; quyết không muốn tự kiểm duyệt

Sáng 02/7, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) đã đăng 6 bức ảnh người Hồng Kông diễu hành trên Twitter và viết bằng tiếng Anh: “Ngày đầu tiên Luật An ninh Quốc gia có hiệu lực, người Hồng Kông sẽ không đầu hàng”. Anh cũng chia sẻ trên Facebook rằng anh sẽ không đổi tên, cũng không gỡ bỏ những chia sẻ của mình, càng không muốn tự kiểm duyệt bản thân, vì một khi nỗi sợ xâm chiếm trái tim thì rất khó để chúng ta còn được là chính mình.

Hoàng Chi Phong nói rằng rời khỏi nơi mình sinh ra và lớn lên là cách cuối cùng của người Hồng Kông, những người Hồng Kông yêu tự do và dân chủ sẽ tiếp tục ở lại đấu tranh. Do đó, vào ngày đầu tiên của luật an ninh quốc gia có hiệu lực thì đông đảo mọi người vẫn xuống đường biểu tình.

Anh kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý đến tình hình nhân quyền ở Hồng Kông, khẳng định “thứ luật pháp cay độc không thể giết chết tinh thần đấu tranh của chúng tôi”.

Nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Nathan Law rời Hồng Kông

Nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Hồng Kông, anh Nathan Law (La Quan Thông) đã rời thành phố cảng, anh tiết lộ trên trang Facebook cá nhân sau khi làm chứng trước một phiên điều trần tại Nghị viện Mỹ về luật an ninh quốc gia hà khắc Trung cộng gần đây áp đặt cho khu vực bán tự trị này, theo CBC.

Trong một bài đăng Facebook cuối hôm thứ Năm (2/7), anh Nathan Law cho biết anh đã quyết định vận động cho nền dân chủ Hồng Kông từ hải ngoại và đã rời thành phố. Anh không tiết lộ nơi cư trú mới của mình, viện dẫn yếu tố rủi ro an toàn cá nhân. 

Là một nhà hoạt động có tầm ảnh hưởng toàn cầu, những lựa chọn tôi có trong tay là rất rõ ràng: kể từ giờ giữ im lặng hoặc tiếp tục tham gia các hoạt động ngoại giao cá nhân để có thể cảnh báo cho thế giới về mối đe dọa đến từ sự bành trướng độc đoán của Trung cộng”, ông nói. “Tôi đã đưa ra quyết định này khi tôi đồng ý ra làm chứng trước Nghị viện Hoa Kỳ.”

Theo Epoch Times

ĐKN (03.07.2020)