'Hãy xóa ngay Tiktok' vì đó là phần mềm gián điệp của Trung Quốc?

Google đã xóa hàng triệu đánh giá tiêu cực về TikTok khỏi cửa hàng Play. (Ảnh: Getty Images)

Nhóm hacker lớn nhất thế giới nói Tiktok là phần mềm gián điệp của chính phủ Trung cộng và khuyên người dùng nên xóa ngay lập tức.

“Hãy xóa TikTok ngay bây giờ”, một tài khoản của nhóm Anonymous viết hôm 2/7 trên Twitter. “Nếu bạn biết ai đó đang sử dụng nó, hãy giải thích cho họ rằng nó cơ bản là phần mềm độc hại được điều hành bởi chính phủ Trung cộng đang chạy một hoạt động gián điệp khổng lồ”, theo trang tin Forbes.

Ngoài ra, Anonymous còn trích dẫn bài đăng từ diễn đàn Reddit ít ngày trước, trong đó, tố cáo việc Tiktok thu thập thông tin, dữ liệu người dùng.

“TikTok là một dịch vụ thu thập dữ liệu được che giấu dưới vỏ bọc là một mạng xã hội. Họ đang sử dụng một API để lấy thông tin về bạn, danh bạ và cả thiết bị của bạn. Phần đáng sợ nhất là họ có thể cấu hình từ xa, ngăn chặn gỡ lỗi ứng dụng“, bài viết trên Reddit cho biết.

Theo Reddit, Tiktok thu thập các thông tin phần cứng của thiết bị, đồng thời một số phiên bản của ứng dụng này còn tự động cập nhật thông tin vị trí người sử dụng mỗi 30 giây một lần thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS, quá trình thu thập và lưu giữ dữ liệu cá nhân từ người dùng đều có thể tùy chỉnh từ xa.

Cũng theo cáo buộc trên, Tiktok bị cho là che giấu việc khai thác thông tin người dùng bằng cách mã hóa các dữ liệu mà ứng dụng này truy xuất… Vì thế, khi tập trung hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người dùng thì ứng dụng trên có thể thu thập nguồn dữ liệu khổng lồ về người dân ở một khu vực, một quốc gia…

Gần đây, TikTok liên tục gặp các rắc rối liên quan đến bảo mật thông tin người dùng và bị tẩy chay tại Ấn Độ. Phiên bản iOS 14 beta phát hiện TikTok truy cập vào clipboard (bộ nhớ tạm) của điện thoại. Vụ việc thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế, đồng thời khiến nhiều chuyên gia công nghệ khuyến cáo người dùng cần cẩn trọng.

TikTok thậm chí còn bị rút khỏi App Store và Play Store ở thị trường đông dân thứ hai thế giới.

Năm 2019, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã đưa ra mức phạt lên đến 5,7 triệu USD (hơn 120 tỉ đồng) đối với Tiktok vì có hành vi thu thập trái phép thông tin của trẻ em vị thành niên dưới 13 tuổi. Theo FTC, đây là mức phạt lớn nhất từ trước đến nay do cơ quan này đưa ra liên quan việc vi phạm quyền riêng tư của trẻ em.

Tờ The Washington Post năm ngoái có bài bình luận về việc phải chăng Tiktok là một “cánh tay nối dài” của chính phủ Trung cộng. Ngoài ra, tờ The New York Times đưa tin chính phủ Mỹ đang xem xét về việc Tiktok có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia của nước này.

TikTok là nền tảng mạng xã hội chia sẻ video lớn nhất của công ty Trung cộng là ByteDance. Ứng dụng hiện có hơn 800 triệu người dùng thường xuyên và cũng đang đứng đầu bảng về khả năng kiếm tiền, vượt qua Youtube trong tháng 4 với doanh thu khoảng 78 triệu USD.

Riêng Ấn Độ vào đầu tuần này đã cấm 59 ứng dụng Trung cộng, bao gồm cả ứng dụng chia sẻ video TikTok, với hơn 120 triệu người dùng địa phương. Một nhân viên trong cuộc tại công  ty mẹ TikTok, ByteDance, đã nói với Caixin rằng lệnh cấm có thể đi kèm với một cái giá nặng nề, khiến công ty mất hơn 6 tỷ USD doanh thu – nhiều hơn cả tổn thất kết hợp lại của 58 ứng dụng bị cấm khác.

Ấn Độ là thị trường lớn nhất của TikTok bên ngoài Trung cộng về số người dùng, nơi dịch vụ này được gọi là Douyin. Ứng dụng đã được tải xuống ở Ấn Độ 611 triệu lần chỉ trong quý đầu tiên của năm nay, gần gấp đôi tổng số lượt tải xuống cho cả năm 2019, theo SensorTower.

TikTok bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ tháng 4/2019. Theo thống kê của We are Social, TikTok xếp thứ sáu trong số những mạng xã hội được yêu thích tại Việt Nam.

Theo NTD (04.07.2020)