Liên minh Nghị viện Quốc tế về Trung cộng (IPAC), tổ chức được nghị sĩ từ các nước thành lập hồi tháng 6 nhằm đối phó với Trung cộng, đã kêu gọi các quốc gia dừng thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong. IPAC đưa ra kêu gọi trên sau khi Trung cộng áp luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong, động thái mà các nghị sĩ cáo buộc “làm suy yếu nghiêm trọng pháp quyền”.
Chính thức có hiệu lực vào tuần trước, đạo luật an ninh Hong Kong hình sự hóa các tội ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài với hình phạt tối đa là tù chung thân.
Trong thông điệp phát đi hôm 4/7, 16 thành viên chủ chốt của IPAC đã “cam kết các nỗ lực kết hợp để đảm bảo rằng không một ai phải đối mặt với việc bị dẫn độ về Hong Kong”.
“Các thành viên đang khẩn cấp tìm kiếm sự bảo đảm từ các chính phủ tương ứng rằng không có vụ dẫn độ nào sẽ được tiến hành và những hiệp ước đang tồn tại với đặc khu hành chính Hong Kong được xem xét lại”.
Có 9 quốc gia có đại diện trong IPAC là Australia, Canada, Cộng Hòa Séc, Pháp, Đức, Hà Lan, New Zealand, Anh và Mỹ đã và đang ký hiệp ước dẫn độ với Hong Kong. Trong khi đó, khoảng 20 quốc gia có thỏa thuận dẫn độ với đặc khu.
Nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ lo ngại sau khi Trung cộng thông qua luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong. Nhiều ý kiến cho rằng động thái này có thể gây tổn hại tới cơ chế tự trị của đặc khu.
Hôm 3/7, Canada trở thành nước đầu tiên tuyên bố đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong và có thể có những biện pháp để mở cửa với người nhập cư từ Hong Kong sau khi Trung cộng thông qua luật an ninh quốc gia mới.
Các viên chức Hong Kong cho biết họ thất vọng vì quyết định của Canada, cho rằng đây là động thái chính trị. Trong khi đó, phía Trung cộng cũng bày tỏ sự phản đối với Canada và cho rằng đây là hành động can thiệp nội bộ Trung cộng.
Theo Dân trí (06.07.2020)