Tòa Bảo Hiến Đức (Bundesverfassungsgericht) ở Karlsruhe, một định chế đầy quyền lực tại Đức. Một phiên tòa ngày 01/03/2016. REUTERS/Kai Pfaffenbach
Là một trong các khu vực bị đại dịch Covid-19 gây tổn hại nặng nề nhất, Liên Hiệp Châu Âu đang dồn sức xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế của khối, ưu tiên hỗ trợ các quốc gia thành viên khó khăn nhất. Theo kế hoạch này, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu có vai trò chủ chốt, trong việc mua lại nợ của các nước gặp nhiều khó khăn nhất. Tuy nhiên, đầu tháng 5/2020, Tòa Bảo Hiến Đức (Bundesverfassungsgericht) , một định chế có tiếng nói rất quan trọng tại Đức, muốn phản bác kế hoạch này.
Việc Tòa Bảo Hiến Đức (ở Karlsruhe) tấn công vào Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu diễn ra vào lúc các nước châu Âu phải nỗ lực để sớm thống nhất một kế hoạch chấn hưng, với tổng số tiền ước tính 750 tỉ euro. Sự kiện đáng chú ý là, gần 3 tuần trước thượng đỉnh của Hội Đồng Châu Âu, 17-18/07/2020, được cho là cơ hội để lãnh đạo các nước thành viên châu Âu thảo luận và thông qua kế hoạch chấn hưng, Quốc Hội và chính phủ Đức đã can thiệp để khép lại cuộc chiến pháp lý mà Tòa Bảo Hiến Đức vừa khởi sự chống lại Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu. Một trợ lực lớn cho kế hoạch chấn hưng của Liên Hiệp Châu Âu tạm thời được gạt qua một bên. Mục Theo dòng thời sự của RFI hôm nay, 07/07/2020, tổng hợp một số thông tin về chủ đề này.
1 – Toà Bảo Hiến Đức muốn gì ở Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu như thế nào ?
Ngày 05/05/2020, Tòa Bảo Hiến Đức đã ra một phán quyết đòi Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu phải giải trình về mức độ can thiệp trong chính sách mua lại nợ công, một trong các trụ cột trong chính sách của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu trong những năm gần đây. Theo các thẩm phán Đức, số tiền mà Ngân Hàng Châu Âu đưa vào các can thiệp này (hơn 2.600 tỉ euro kể từ năm 2015) là quá lớn. Hy Lạp và Ý là các quốc gia chủ yếu được hưởng các khoản tiền hỗ trợ khổng lồ của Liên Âu, để thoát ra khỏi khủng hoảng tài chính những năm trước. Với đại dịch Covid-19 này, một số quốc gia châu Âu, trong đó có Ý – nạn nhân đầu tiên của Covid-19, có khả năng sẽ nhận được hàng trăm tỉ euro tín dụng, nếu kế hoạch chấn hưng được thông qua.
Tòa Bảo Hiến Đức gia hạn ba tháng cho chính phủ Liên Bang Đức và Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu giải trình về hồ sơ này, và nếu Ngân Hàng Châu Âu không giải trình được, thì Ngân Hàng Trung Ương Đức không thể tiếp tục tham gia mua trái phiếu, theo chủ trương của châu Âu nữa (Bundesbank được coi là cổ đông lớn nhất của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu).
Phán quyết của Tòa án Đức gây bàng hoàng tại châu Âu vào thời điểm đó. bị coi là một « cú trời giáng » đe dọa sự độc lập của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, cũng như vị trí tối cao trong lĩnh vực tư pháp của Tòa Án Công Lý của Liên Hiệp Châu Âu. Một số người thậm chí ví đây là một « quả bom nổ chậm », đe dọa toàn bộ sự tồn tại của các định chế châu Âu.
Phán quyết của Tòa Bảo Hiến Karlsruhe trên thực tế phản ánh một quan điểm khá phổ biến trong xã hội Đức, vốn căm ghét Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, bị cáo buộc là phung phí tiền tiết kiệm của người Đức. Nhật báo bảo thủ Đức Bild thậm chí gọi thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu nhiệm kỳ trước, chính trị gia Ý Mario Draghi, là « Draghila », con quỷ hút tiền của người Đức.
2 – Nước Đức đã quyết định như thế nào về vụ việc này ?
Trên thực tế, ba ngày sau khi Tòa án Đức ra yêu cầu, Tòa Công Lý Châu Âu đã ra thông cáo khẳng định « chỉ có Tòa Án Công Lý Châu Âu có thẩm quyền ghi nhận một hành vi của một định chế thuộc Liên Hiệp Châu Âu là trái ngược với luật pháp của Liên Hiệp ». Thậm chí, định chế tư pháp tối cao châu Âu còn nhắc nhở Tòa Bảo Hiến Đức rằng « những bất đồng giữa các định chế tư pháp của các quốc gia thành viên liên quan đến hiệu lực các hành vi (của các định chế châu Âu) có thể làm tổn hại đến sự thống nhất tư pháp của Liên Hiệp và có hại cho an toàn tư pháp ».
Vấn đề do Tòa Bảo Hiến Đức xới lên được coi là khép lại ngày 02/07/2020, sau khi Quốc Hội Đức, với đa số rộng rãi, bỏ phiếu cho phép Ngân Hàng Trung Ương Đức tiếp tục mua nợ, có nghĩa là gián tiếp bác bỏ phán quyết của Tòa Bảo Hiến, ra hai tháng trước.
Theo AFP, chỉ có các nghị sĩ đảng cực hữu AfD và đảng cực tả Die Linke là bỏ phiếu chống. Ngoài liên đảng cầm quyền, gồm liên minh bảo thủ của thủ tướng Merkel và đảng Xã Hội Dân Chủ, các đảng đối lập Môi Trường và Tự Do cũng ủng hộ quan điểm nói trên. Trước đó một tuần, bộ trưởng Tài Chính Đức Olaf Scholz cũng lên tiếng ủng hộ lập trường của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, với các khoản hỗ trợ tài chính những thành viên khó khăn được đánh giá là « phù hợp ».
Phản ứng chính thức của chính phủ Đức được đưa ra đúng vào ngày 29/06 mang ý nghĩa biểu tượng. Bởi đây chính là ngày mà thủ tướng Đức Angela Merkel hội kiến tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại lâu đài Meseberg (Đức), nhằm cổ vũ cho dự án chấn hưng Liên Âu. Một hành động cho thấy Đức quyết tâm cùng Pháp – hai trụ cột của Liên minh – sẽ thúc đẩy đến cùng dự án khôi phục kinh tế và thúc đẩy Liên Hiệp Châu Âu.
Cùng lúc với phản ứng từ phía Đức, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu cũng cho biết định chế này không có nghĩa vụ trả lời các yêu cầu của Tòa Bảo Hiến Đức. Định chế có thẩm quyền với Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu – Tòa Công Lý Liên Hiệp Châu Âu – hồi năm 2018 đã có ý kiến về các kế hoạch mua nợ của ngân hàng.
Theo AFP, một người phát ngôn của Tòa Bảo Hiến Karlsruhe cũng xem như vụ việc « đã kết thúc », và Tòa chỉ xem xét vấn đề này trong tương lai, nếu có các đơn khiếu nại mới, có đủ cơ sở. Trên thực tế, một số thế lực hoài nghi châu Âu tại Đức vẫn sẵn sàng cho các vụ khiếu nại tương tự. Cựu lãnh đạo đảng bảo thủ CSU ở Bayern, ông Peter Gauweiler, cũng là một trong những người khởi xướng vụ kiện lên Tòa án Đức, trả lời nhật báo Süddeutsche Zeitung cho biết sẽ theo dõi sát các điều kiện mà Ngân Hàng Trung Ương Đức Bundesbank tham gia vào các chương trình hỗ trợ tài chính của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu.
3 – Vì sao nói vụ kiện của Tòa án Đức chống lại Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu là trở ngại lớn đối với kế hoạch chấn hưng kinh tế Liên Âu ?
Nền kinh tế châu Âu đang lâm vào suy thoái nghiêm trọng chờ đợi hỗ trợ từ phía Liên Hiệp, đặc biệt thông qua chương trình mua lại nợ công của một số nước khó khăn, do Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu chủ trương. Bản thân nội bộ các quốc gia thành viên châu Âu tiếp tục phân hóa sâu sắc trong vấn đề « gánh vác chung » nhiều khoản nợ công, đặc biệt với nhóm bốn quốc gia được gọi là nhóm các nước « khắc khổ », gồm Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch, không chấp nhận dễ dãi bỏ tiền giúp các nước khó khăn, nhưng bị lên án là quản lý kém.
Trong bối cảnh này, phán quyết của Tòa Bảo Hiến Đức, định chế đầy quyền lực của nền kinh tế số một châu Âu, chống lại về nguyên tắc mọi hành động chia sẻ nợ công là mối đe dọa lớn đối với sự gắn bó của Liên Hiệp, trước hết là của khu vực các nước sử dụng đồng euro (bài « Le plan de relance européen face au risque de Karlsruhe », La Tribune, 08/06/2020). Nếu các đàm phán giữa các thành viên Hội Đồng Châu Âu về dự án chấn hưng kinh tế thất bại, và cùng lúc đó là « thái độ cứng rắn » trên phương tiện tiền tệ của các thẩm phán Đức thắng thế, thì « không khí hoảng loạn sẽ xuất hiện tại các thị trường tài chính », và không loại trừ « kịch bản khu vực đồng euro tan vỡ », trước hết do việc nhiều quốc gia Nam Âu, đặc biệt là Ý, bị giới đầu cơ tấn công. Trên thực tế, cho dù dự án châu Âu có được đúc kết, thì trong tương lai, các thẩm phán Tòa Bảo Hiến Đức vẫn có thể tiếp tục can thiệp vào sự vận hành của khu vực đồng euro trong tương lai, nếu có đơn kiện.
4 – Lý do nào khiến trở ngại này tạm thời được vượt qua ?
Theo báo chí Pháp, phán quyết của Tòa Bảo Hiến Đức thể hiện mâu thuẫn trong chính nội bộ đảng CDU cầm quyền Đức. Ứng cử viên số một kế nhiệm bà Merkel trong vị trí lãnh đạo đảng, ông Friedrich Mertz, không phản đối việc Tòa Bảo Hiến Đức chống lại phán quyết của Tòa Công Lý Châu Âu. Vào thời điểm Tòa Bảo Hiến Đức ra phán quyết về Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu nói trên, nhiều người cho rằng thủ tướng Đức khó can thiệp, vì bà Merkel dường như không có thể làm được gì nhiều hơn, bởi bà chỉ là một lãnh đạo sắp hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, quyết định hồi đầu tháng của chính phủ và Quốc Hội Đức cho thấy đường lối của thủ tướng Merkel tiếp tục là trụ cột trong chính sách của nước Đức (Bài « Merkel montre aux juges de Karlsruhe que c’est elle qui décide des choix politiques de l’Allemagne », Le Figaro, ngày 26/05/2020).
Bên cạnh đó, về phía Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, định chế tiền tệ – tài chính này hôm 25/06 cũng cho biết đã có các giải trình gián tiếp với Tòa Bảo Hiến Đức, thông qua một tài liệu công bố trên trang mạng của Ngân Hàng, giải thích rõ các cơ sở của kế hoạch bị phản bác, phân tích các mặt lợi, mặt hại của kế hoạch, với khẳng định « nước Đức sẽ có lợi ích lớn hơn nhiều, nếu khu vực đồng tiền chung được bảo vệ », và sự vắng mặt của một kế hoạch chấn hưng sẽ để lại những hậu quả tồi tệ hơn rất nhiều, so với phí tổn mà nước Đức phải bỏ ra (bài « L’Allemagne clôt le contentieux de la BCE avec la justice », Le Figaro, ngày 02/07/2020). Ông Yves Mersch, một thành viên ban điều hành của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, cũng khẳng định, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu đồng thời có trách nhiệm giải trình đầy đủ hơn với toàn bộ các thành viên Liên Âu, bao gồm nước Đức, cả về chương trình hỗ trợ tài chính khẩn cấp để đối phó với đại dịch (với tổng số tiền 1.350 tỉ euro), vừa được thông qua giữa tháng 3/2020, vốn không phải là đối tượng của phán quyết ngày 05/05/2020 của Tòa án Đức.
RFI (07.07.2020)