Hoa Kỳ và Nhật tập trận chung ở Biển Đông vào khi tàu hải cảnh Trung cộng lại vào Bãi Tư Chính

Hình minh hoạ. Tàu chiến của Nhật tham gia tập trận cùng tàu của Mỹ ở Biển Đông.

Hình minh hoạ. Tàu chiến của Nhật tham gia tập trận cùng tàu của Mỹ ở Biển Đông.  Twitter JMSDF

Tàu chiến của Nhật Bản và Mỹ vừa có cuộc tập trận chung ở Biển Đông vào ngày 7 tháng 7 theo thông báo của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF), vào khi đang có những căng thẳng ở Biển Đông giữa Trung cộng và các nước láng giềng.

Hai tàu Nhật tham gia tập trận là JS Kashima và JS Shimayuki. Mỹ cử hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và tàu khu trục USS Mustin tham gia tập trận.

Vào sáng ngày 8/7, Bộ Quốc phòng Nhật công bố tuyên bố chung cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Mỹ và Úc vào sáng cùng ngày, “tái khẳng định cam kết chung về việc tăng cường an ninh, ổn định và thịnh vượng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Cả ba nước cũng phản đối mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, khẳng định tầm quan trọng của đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở khu vực này.

Trong khi đó, từ ngày 4/7, tàu hải cảnh của Trung cộng có số hiệu 5402 đã đi vào khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam gần lô dầu khí 06.1 trong liên doanh giữa công ty Rosneft của Nga với phía Việt Nam.

Đây là lần thứ hai kể từ tháng 7 năm ngoái đến nay, Trung cộng điều các tàu hải cảnh vào Bãi Tư Chính nơi Việt Nam có các hoạt động thăm dò dầu khí.

Hôm 30/6, Trung cộng cũng điều tàu khảo sát Hải Dương 4 vào vùng biển Việt Nam. Hoạt động này đã khiến Mỹ phản ứng và điều tàu chiến USS Gabrielle Giffords đi gần Hải Dương 4 hôm 1/7.

Theo BenarNews, việc Trung cộng điều tàu hải cảnh vào Bãi Tư Chính lần này cho thấy Trung cộng đang gửi ra tín hiệu thách thức Việt Nam.

Từ ngày 1 đến 5/7 vừa qua, Trung cộng cũng tiến hành một cuộc tập trận gần khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối cuộc tập trận này, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Theo RFA (08.07.2020)

Tàu hải cảnh Trung cộng tiến sát giàn khoan, khiêu khích Việt Nam?

https://www.datviet.com/wp-content/uploads/2020/07/A977133E-4F24-4FC5-B0E4-7C73AEF82D19_w1023_r1_s-696x391.jpg

Tàu hải cảnh Trung cộng một lần nữa lại xuất hiện tại khu vực Bãi Tư Chính, một điềm nóng giữa Việt Nam và Trung cộng trong vụ tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Theo hãng tin ANI (Asia’s Premier News Agency), tàu hải cảnh mang số hiệu 5402 từ Tam Á tới Đá Xu-Bi vào ngày 1/7, tới sáng 4/7 tàu chạy với tốc độ nhanh – 15 hải lý/giờ, về hướng giàn khoan khai thác mỏ khí đốt Lan Tây của Việt Nam, một giàn khoan đã hoạt động ổn định từ nhiều năm qua. Tin cho hay đôi khi tàu Trung cộng chỉ cách giàn Lan Tây có 1.3 hải lý.

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông kiểm chứng và xác nhận tin này thông qua việc phân tích dữ liệu AIS. Tin cho biết tàu hải cảnh 5402 đang tuần tiễu gần lô 06.1, một lô thăm dò và khai thác dầu khí mà Việt Nam đã cấp giấy phép cho tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga.

Sự tái xuất hiện của tàu hải cảnh Trung cộng trong tuần này có nguy cơ lặp lại vụ đối đầu kéo dài giữa hai nước tại khu vực Bãi Tư Chính hồi năm ngoái.

Dựa trên các dữ liệu về sự di chuyển của các tàu bè thì có lúc tàu hải cảnh Trung cộng chỉ còn cách mỏ khí Lan Tây có 1,27 hải lý, sâu bên trong khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Tới ngày 6/7, tàu hải cảnh 5402 đã tiến gần một giếng thuộc mỏ Phong Lan Dại, giếng mà tập đoàn Rosneft của Nga khoan thăm dò hồi năm ngoái, và bị tàu Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống và cả máy bay thả bom sách nhiễu.

Theo kế hoạch đã định, lẽ ra Rosneft tiến hành khoan thẩm lượng vào đầu tháng 6, nhưng từ tháng 5 đã có tin cho biết Trung cộng đã gia tăng áp lực chính trị để buộc phải ngưng các hoạt động khai thác dầu khí tại đây. Vì áp lực của Bắc Kinh mà kế hoạch của vn khai thác tài nguyên ở khu vực này tiếp tục dậm chân tại chỗ.

Vào cuối tháng 6, một tàu hải cảnh khác của Trung cộng số hiệu 5403 cũng tiến sát lô 06.1 của Việt Nam. Tàu di chuyển quanh quẩn hai giếng thuộc mỏ Lan Đỏ, cách nơi này từ 1 tới 2 hải lý. Tàu hải cảnh 5403 đã rời khỏi khu vực từ ngày 30/6, và đến ngày 5/7 đã tới Đá Xu Bi.

Theo VOA (08.07.2020)

Biển Đông : Hai tàu hải cảnh Trung cộng tiến gần giàn khoan Việt Nam

https://www.datviet.com/wp-content/uploads/2020/07/B0446CE6-8DDD-402C-8416-ABAF2C5D5DEC_cx0_cy4_cw0_w1023_r1_s-696x391.jpg

Theo tin từ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hôm nay 08/07/2020, hai tàu hải cảnh Trung cộng từ vài ngày qua đang tiến gần các giàn khoan của Việt Nam ở mỏ Lan Tây tại lô 06.1. Đây là lần đầu tiên tàu Trung cộng vào sát các công trình của Việt Nam, chỉ cách có 1-2 hải lý.

Tàu hải cảnh mang số hiệu 5402 từ Tam Á đến Đá Xu Bi, và sáng 04/07 lao về phía giàn khoan khai thác mỏ khí đốt Lan Tây với tốc độ cao (15 hải lý/giờ). Có lúc tàu này chỉ cách giàn Lan Tây có 1,3 hải lý, đây là giàn khoan hoạt động ổn định từ nhiều năm qua của Việt Nam.

Đến ngày 06/07, tàu này tiến gần một giếng thuộc mỏ Phong Lan Dại, cách khoảng 2,5 hải lý. Đây là giếng mà Rosneff Việt Nam khoan thăm dò vào năm ngoái, trong bối cảnh bị Hải Dương Địa Chất 8 cùng với các tàu hải cảnh, và cả oanh tạc cơ của Trung cộng đe dọa. Cũng theo nguồn tin trên, lẽ ra Rosneff khoan thẩm lượng vào tháng Sáu năm nay nhưng Bắc Kinh gây áp lực nên chưa thể tiến hành.

Trước đó vào cuối tháng Sáu, một tàu hải cảnh khác mang số hiệu 5403 cũng đã tiếp cận lô 06.1 của Việt Nam nhưng di chuyển rất chậm trong khu vực các mỏ khí (1 hải lý/giờ). Tàu này quanh quẩn gần hai giếng thuộc mỏ Lan Đỏ, chỉ cách 1-2 hải lý, và từ 05/07 đã đến Đá Xu Bi.

Tuần duyên Ấn Độ và Indonesia hợp tác bảo vệ an ninh trên biển

Theo The Economic Times hôm qua 07/07/2020, lực lượng tuần duyên Ấn Độ và Indonesia đã ký kết một bản ghi nhớ nhằm bảo vệ an toàn, an ninh hàng hải, trong khuôn khổ tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương, với bối cảnh Trung cộng ngày càng tỏ ra hung hăng trên biển. Bản ghi nhớ dựa trên cơ sở Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) giúp cải thiện khả năng phối hợp hoạt động, tăng cường cơ chế trao đổi thông tin, tìm kiếm và cứu hộ, chống hải tặc…

Indonesia và Ấn Độ có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2018. Ngày 26/05/2020, Indonesia đã đệ trình công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối đường lưỡi bò của Trung cộng, tuy Indonesia không yêu sách chủ quyền Biển Đông.

Theo RFI (08.07.2020)

Đang diễn ra: Hải cảnh Trung cộng và Lô 06.1

Trong những ngày gần đây, liên tiếp có hai tàu hải cảnh Trung cộng tới gần các giàn khoan khai thác vốn đang hoạt động ổn định ở lô 06.1 của Việt Nam từ nhiều năm nay.

Tham khảo ý kiến từ các nguồn tin đã hoặc đang làm việc trong ngành dầu khí hay hải quân, chúng tôi được biết đây không phải là lần đầu tiên tàu Trung cộng tới gần các công trình của Việt Nam trên biển. Tuy nhiên, chưa bao giờ tàu hải cảnh Trung cộng vào sát các giàn khoan vốn đã hoạt động ổn định nhiều năm của Việt Nam với khoảng cách chỉ 1-2 hải lý như những ngày vừa qua và vẫn đang tiếp tục diễn ra. Theo quy định an toàn hàng hải, các công trình trên biển được hưởng vùng đệm an toàn 500 m.

Cụ thể, tàu hải cảnh 5402 rời Tam Á vào sáng 1/7 và tới khu vực đá Subi chiều 2/7. Tới sáng 4/7, tàu lao về phía giàn khai thác mỏ khí Lan Tây tại lô 06.1 với tốc độ lớn, 15 hải lý/giờ. Vị trí tàu tiếp cận gần giàn Lan Tây nhất mà có thể xác định được qua AIS là vào lúc 9h57′ sáng 4/7, với khoảng cách khoảng 1,3 hải lý về phía đông bắc. Những bức ảnh chụp trực tiếp từ thực địa cũng cho thấy cự ly rất gần giữa tàu và giàn khai thác. Đến 10h24′ cùng ngày, vẫn cùng một tốc độ cao, hải cảnh 5402 di chuyển theo hướng đông nam về phía Bãi Tư Chính, đến vị trí cách giàn khoảng 30 hải lý thì giảm tốc độ và di chuyển chậm quanh quẩn ở khu vực này.

Ảnh: internet

Sáng sớm ngày 6/7, Hải cảnh 5402 lao nhanh với tốc độ 14 hải lý/giờ về phía đông bắc. Lúc 7h42’ sáng, tàu ở vị trí cách mỏ Lan Tây khoảng 8 hải lý về phía đông bắc, cách giếng PLDCC-1X thuộc mỏ Phong Lan Dại khoảng 2,5 hải lý về phía tây. Đây là giếng mà Rosneft Việt Nam đã tiến hành khoan thăm dò vào năm ngoái dưới áp lực của tàu hải cảnh, tàu dân binh, máy bay ném bom và Hải Dương Địa Chất 8 của Trung cộng trong nhiều tháng. Năm nay, theo kế hoạch, công ty sẽ tiến hành khoan thẩm lượng vào đầu tháng 6. Nhưng từ tháng 5 đã có nhiều thông tin cho biết Trung cộng đã gây áp lực về chính trị buộc phải dừng kế hoạch. Kết quả là giàn Noble Clyde Boudreaux được thuê cho việc khoan đã phải dừng chân ở Vũng Tàu cho tới nay, không thể triển khai ra vị trí hoạt động.

Trước đó, vào cuối tháng 6, tàu hải cảnh 5403 cũng tiếp cận lô 06.1. Điểm khác biệt so với hải cảnh 5402 là tàu 5403 đi với tốc độ rất chậm, dưới 1 hải lý khi ở trong khu vực các mỏ khí. Cụ thể, tàu hải cảnh 5403 rời đá Chữ Thập tối 26/6 và di chuyển xuống khu vực Bãi Tư Chính. Từ chiều 27/6, Hải cảnh 5403 di chuyển với tốc độ chậm (dưới 1 hải lý) cách khu vực giếng khai thác LD-1P và LD-2P mỏ Lan Đỏ khoảng từ 1 đến 2 hải lý và quanh quẩn tại khu vực này cho đến sáng 28/6. Từ sáng 28/6 đến chiều 28/6, tàu di chuyển chậm tại khu vực cách giếng LD-1P từ 6 đến 8 hải lý về phía nam và đông nam sau đó tăng tốc độ di chuyển về khu vực đá Subi. Từ 30/6 đến 5/7, Hải cảnh 5403 ở tại khu vực Subi.

Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ và tiếp tục cập nhật diễn biến ngày trên Facebook của Dự án Đại Sự Ký biển Đông.

Dự án ĐSK Biển Đông (08.07.2020)

Giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng luật lệ và lòng tin?

Giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng luật lệ và lòng tin ...

© Ảnh : Dương Giang – TTXVN

Sáng 8/7, trong vai trò chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Chính sách an ninh ARF (ASPC) tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ADSOM Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã chủ trì hội nghị.

Thành phần tham dự hội nghị gồm có đoàn 26 đối tác trong khuôn khổ ARF, Ban Thư ký ASEAN, cùng tùy viên quân sự các nước ASEAN và các nước đối tác.Trưởng ADSOM Việt Nam đánh giá cao kết quả Đối thoại Quan chức Quốc phòng Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF DOD), được tổ chức hôm 1/7 vừa qua. Đây là tiền đề để chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị ASPC ngày hôm nay.

Hội nghị được chia thành 3 phiên làm việc. Tại phiên làm việc thứ nhất, các thành viên đưa ra quan điểm về tình hình thế giới, trong khu vực và các chính sách quốc phòng. Tiếp theo, các đại biểu thảo luận về việc tăng cường kết nối giữa ARF và ADMM+. Cuối cùng, hội nghị thảo luận về tăng cường vai trò hợp tác quốc phòng ARF.

Biển Đông, khủng bố, an ninh biển, an ninh mạng, Triều Tiên vẫn là vấn đề nóng

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, vẫn còn tồn tại nhiều điểm nóng trên thế giới và khu vực. Đó là các vấn đề như an ninh mạng, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, khủng bố, an ninh môi trường và an ninh biển, trong đó có biển Đông.

Nhật Bản nêu vụ tàu cá Việt Nam bị tàu Hải cảnh Trung cộng đâm chìm ở Biển Đông

Nhiều ý kiến phát biểu tại Hội nghị ngày 8/7 bày tỏ quan ngại, trong khi cả thế giới đang căng mình chống dịch bệnh do coronavirus thì vẫn xuất hiện những hành động đơn phương, ảnh hưởng đến môi trường an ninh và ổn định ở khu vực.

Đặc biệt, vấn đề hòa bình, ổn định ở Biển Đông được nhiều đại biểu đại diện Bộ Quốc phòng các nước và liên minh châu Âu đề cập.

Về vấn đề Biển Đông, phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nishida Yasunori cho rằng việc một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị chìm khi va chạm với tàu Trung cộng ở Biển Đông là điều đáng quan ngại.

Theo ông Nishida Yasunori, những nỗ lực đơn phương làm thay đổi hiện trạng, đặc biệt trong vấn đề hàng hải ở Biển Đông đang làm ảnh hưởng đến an ninh khu vực. Trước tình hình đó, Nhật Bản ủng hộ cách giải quyết hòa bình, ủng hộ an ninh, an toàn hàng hải theo luật định quốc tế.

“Nhật Bản tin vào một trật tự hàng hải mở, tự do dựa trên luật lệ ở Biển Đông. Chúng tôi đã chứng kiến một số sự kiện, trong đó có việc thiết lập các viện nghiên cứu cũng như thiết lập một huyện hành chính mới tại Biển Đông và một số hiện tượng khác có thể gây ra căng thẳng, ví dụ như một tàu đánh cá của Việt Nam chìm sau khi va chạm với tàu Hải cảnh của Trung cộng. Điều này đã gây ra quan ngại ở khu vực Biển Đông. Vấn đề đạn đạo Bắc Triều Tiên cũng là vấn đề khiến cộng đồng quốc tế quan ngại”, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản chia sẻ.

Thứ trưởng Yasunori nêu rõ, Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ lập trường của ASEAN, đặc biệt là tuyên bố chung của lãnh đạo Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 vừa qua, đó là giải quyết các vấn đề một cách hoà bình, các lãnh đạo ASEAN khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

“Nhật Bản có lợi ích trong việc duy trì trật tự thế giới, vì thế chúng tôi mong muốn được hợp tác với tất cả các nước”, ông Nishida Yasunori nhấn mạnh.

Theo đại diện Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cộng đồng quốc tế cần hợp tác cùng nhau đối mặt với các khó khăn này, tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) là điều rất quan trọng, cũng như việc giải giáp các loại vũ khí, tên lửa đạn đạo, đe dọa nghiêm trọng an ninh và hòa bình trong khu vực.

“Điều cần thiết là cần phải có sự hợp tác giữa các quốc gia cùng chia sẻ các giá trị. Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do của chúng tôi chia sẻ quan điểm của ASEAN. Để thực hiện chiến lược này, Nhật Bản sẽ thúc đẩy sự phát triển và phồn vinh của khu vực. ”, Thứ trưởng Nishida Yasunori cho biết.

Bằng luật lệ và lòng tin: Các bên nên kiềm chế, tránh xung đột ở Biển Đông

Ông Guillaume Descot thuộc Cơ quan hành động đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng các hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông đã, đang gây ra những vấn đề an ninh, đe dọa hòa bình trong khu vực. EU kêu gọi các nước kiềm chế và thực hiện đúng các cam kết, tránh dùng vũ lực và các hành động gây căng thẳng.

“EU cũng ủng hộ quan điểm của ASEAN về thiết lập một trật tự dựa trên luật lệ và cũng như quản trị biển dựa trên luật lệ và lòng tin. Đây là cách duy nhất để duy trì lòng tin và sự đồng thuận”, ông Guillaume Descot đề nghị.

Về phần mình, đại diện Bộ Quốc phòng New Zealand, ông Mike Thompsom, Cục trưởng Cục Châu Á, Tổng cục Quốc tế cho biết ủng hộ các cơ chế mà ASEAN giữ vai trò trung tâm, kêu gọi các bên liên quan trong khu vực giải quyết những bất đồng ở Biển Đông thông qua các giải pháp hòa bình.

Theo ông Thompson, New Zealand cũng có lợi ích ở Biển Đông vì hơn 50% lượng hàng hóa bằng đường biển của chúng tôi đi qua khu vực này.

“Chúng tôi cũng ủng hộ những nỗ lực của Trung cộng và ASEAN trong khu vực Biển Đông để hướng tới xây dựng COC, Ngoài ra, đảm bảo lợi ích của quốc gia khác trong khu vực, chúng tôi ủng hộ cơ chế mà ASEAN giữ vai trò trung tâm”, đại diện Bộ Quốc phòng New Zealand nhấn mạnh

Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) là cơ chế do kênh ngoại giao chủ trì, chú trọng vào xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa được thành lập vào năm 2004.

Các mục tiêu chính của ASPC bao gồm: Đẩy mạnh hơn nữa hợp tác các biện pháp xây dựng lòng tin trong giới quân sự khuôn khổ ARF và sự tham gia của các quan chức quốc phòng ARF, mở các kênh đối thoại và trao đổi mới giữa các quan chức quốc phòng, nhà ngoại giao và các chuyên gia nghiên cứu quân sự, tăng cường hơn nữa sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau giữa các quan chức quốc phòng, tiếp tục thúc đẩy và chứng minh vai trò của ARF và nâng cao vị thể của diễn đàn này.

Theo Sputnik (08.07.2020)

Hội nghị chính sách an ninh ARF: Tình hình Biển Đông gây lo ngại

강남역에 나타난 유승민 후보 풍선인형 | 연합뉴스

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến của ASEAN, ngày 26/06/2020. Ảnh minh họa REUTERS – POOL

Hôm 08/07/2020, Hội nghị thường niên về chính sách an ninh khu vực (ASPC) lần thứ 17 đã được tổ chức qua phương tiện video truyền hình, trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Cùng với vấn đề đại dịch, các căng thẳng ở Biển Đông, đặc biệt là các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng, bị chỉ đích danh như là yếu tố chủ yếu đe dọa « hòa bình và ổn định » của khu vực và thế giới.

Hội nghị hàng năm về chính sách an ninh, chuyên về hợp tác quốc phòng ở cấp thứ trưởng hoặc tương đương (ASPC) ra đời từ năm 2004, trong khuôn khổ Diễn đàn an ninh khu vực châu Á (ARF). ASPC bao gồm đại diện của 26 quốc gia (10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và các đối tác) với mục tiêu chính là đẩy mạnh hợp tác, xây dựng lòng tin trong giới quân sự, an ninh, thúc đẩy mở thêm các kênh đối thoại và trao đổi.

Việt Nam là chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay. Do vậy, ASPC lần thứ 17 do thứ trưởng bộ Quốc Phòng Việt Nam, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, chủ trì.

Báo chí trong nước dẫn lời thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, nhấn mạnh : « An ninh mạng, an ninh bán đảo Triều Tiên, an ninh biển, trong đó an ninh Biển Đông đang là điểm nóng trong khu vực. Vì thế phải xây dựng niềm tin, giải quyết mọi khúc mắc bằng hòa bình, vì lợi ích quốc gia và thế giới ». 

Đại diện phái đoàn Nhật Bản, ông Nishida Yasunori, thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại, cho rằng những thay đổi hiện trạng một cách đơn phương là không thể chấp nhận được, gây ảnh hưởng đến những nỗ lực hợp tác của các quốc gia trong khu vực và trong bối cảnh Covid-19.

Các hoạt động quân sự hóa quy mô lớn của Trung cộng tại Biển Đông, trong những năm gần đây, là đối tượng chỉ trích gián tiếp, cũng như hàng loạt các hành động khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh tại nhiều khu vực tranh chấp ở Biển Đông (như tiến hành tập trận, đặt tên cho đơn vị hành chính mới), đưa tàu thuyền xâm nhập, gây hấn tại khu vực đặc quyền kinh tế của nhiều nước láng giềng… 

Đại diện Nhật Bản ủng hộ lập trường của ASEAN, đặc biệt là tuyên bố chung của lãnh đạo ở hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 vừa qua, giải quyết các vấn đề một cách hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Về phần mình, đại diện của Liên Hiệp Châu Âu, ông Guillaume Décot, quan chức của cơ quan Đối ngoại Liên Âu, kêu gọi « các bên không sử dụng vũ lực và tránh các hành động gây gia tăng căng thẳng khu vực. Liên Hiệp Châu Âu cũng ủng hộ quan điểm của ASEAN về thiết lập một trật tự dựa trên luật lệ và cũng như quản trị biển dựa trên luật lệ. Đây là cách duy nhất để duy trì lòng tin và sự đồng thuận ».

Cũng liên quan đến an ninh khu vực, hôm qua, 07/07, Việt Nam chủ trì Hội nghị trực tuyến Quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+), với sự tham gia của tám quốc gia khác, ngoài ASEAN, gồm có Nga, Trung cộng, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, và Ấn Độ và New Zealand. Biển Đông cũng là một trong các hồ sơ nổi bật tại hội nghị này.

Hai hội nghị mở rộng của khối ASEAN về an ninh diễn ra ngay sau khi Trung cộng tiến hành tập trận tại khu vực quần đảo Hoàng Sa (từ ngày 1 đến ngày 5/7), hoạt động bị Việt Nam, Philippines và Hoa Kỳ lên án là gây thêm bất ổn cho tình hình khu vực. Cùng vào thời điểm này Quân đội Mỹ tiến hành thao dượt tại Biển Đông, với sự tham gia cùng lúc của hai hàng không mẫu hạm, như một tín hiệu khẳng định vai trò trụ cột của nước Mỹ trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định, tự do hàng hải tại Biển Đông.

Theo RFI (08.07.2020)

Biển Đông : Kênh Bashi, điểm nóng mới trong cạnh tranh Trung – Mỹ

https://www.datviet.com/wp-content/uploads/2020/07/crypto-and-stocks-2_8_2018-2-min-3-696x391.png

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan, trong lần hoạt động tại Biển Đông ngày 16/10/2019. AFP – CATHERINE LAI

Từ nhiều ngày qua, nhiều hoạt động quân sự của Trung cộng và Mỹ đã diễn ra trong một khu vực ít được biết đến ở Biển Đông : Kênh Ba Sĩ (Bashi), nằm giữa Đài Loan và Philippines. Tuy nhiên dần dần khu vực này đang trở thành điểm chiến lược của cuộc đọ sức giữa 2 cường quốc, khu vực mà giới phân tích nhận định sẽ là điểm nóng mới trong quan hệ giữa hai cường quốc thế giới.

Có vẻ như cuộc xung đột thương mại, những cáo buộc nhau về chuyện xử lý khủng hoảng y tế hay về Hồng Kông vẫn chưa đủ. Từ đầu tháng Bảy đến giờ, các cuộc diễn tập quân sự của Trung cộng và Mỹ trong vùng Biển Đông đang khuấy động thêm quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Chủ yếu các cuộc phô trương sức mạnh giữa hai cường quốc đang diễn ra trong một vùng biển hẹp ít được biết đến nhưng lại mang tính chiến lược với Trung cộng. Đó là kênh Ba Sĩ, nằm giữa Đài Loan và Philppines trên Biển Đông. « Rất hiếm khi thấy hai cường quốc tiến hành các hoạt động quân sự cùng lúc trong vùng này », Helena Lagarda, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng thuộc viện Mercator Institute for China Studies ( Merics), một trung tâm tư vấn của Đức về Trung cộng, ghi nhận trong cuộc phỏng vấn của France 24.

Điểm nóng mới ?

Kênh Ba Sĩ là tuyến đường thủy nằm giữa đảo Y’Ami của Philippines và đảo Lan của Đài Loan. Dòng biển này đang thành điểm nóng mới trong cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ – Trung.

Hành lang biển này “sắp tới có thể sẽ là thùng thuốc súng trong cuộc cạnh tranh trên biển giữa Hoa Kỳ và Trung cộng “, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post nhận định trong số ra ngày 05/07. Không quân Mỹ đã  xuất hiện hôm 4 tháng 7 và thực hiện các hoạt động trinh sát liên tục 13 ngày trong khu vực này. Tiếp đó Washington đã điều hai hàng không mẫu hạm Nimitz và Ronald Reagan đi qua kênh này để hướng tới quần đảo Hoàng Sa ở phía nam, hiện do Trung cộng chiếm đóng nhưng Việt Nam đòi chủ quyền.

Hoa Kỳ vẫn thường đưa tàu chiến đi vào các vùng biển đang có tranh chấp như vậy, nhật báo Mỹ  New York Times nhắc lại. Nhưng đã sáu năm nay, Mỹ chưa hề điều cùng một lúc 2 hàng không mẫu hạm vào vùng biển đang rất nóng vì các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Phó đô đốc, George Wikof, chỉ huy hàng không mẫu hạm Ronald Reagan khẳng định với báo Wall Street Journal : « Mục đích là gửi đến các đối tác và đồng minh của chúng ta một thông điệp rõ ràng là chúng ta cam kết duy trì ổn định và an ninh trong vùng ».

Đó cũng là trực tiếp trả lời  cho hoạt động của không quân Trung cộng trong  khu vực kênh Ba Sĩ trong thời gian gân đây.  Theo ghi nhận của  South China Morning Post, hồi cuối tháng 5, Trung cộng đã điều hàng chục máy bay, trong đó có các máy bay ném bom bay lượn trên vùng trời không xa Đài Loan, khiến chính quyền Đài Bắc không khỏi lo ngại.

Ba tuần sau đó, các chiến đấu cơ Trung cộng lại áp sát một tàu tiếp dầu của hải quân Mỹ được không quân Mỹ hộ tống. « Về mặt ngoại giao mà nói, đó là một hành vi nguy hiểm. Mục đích của nó là để đánh tín hiệu cho thấy là Bắc Kinh biết họ đang ở đâu », ông Chang Chinh, cựu chỉ huy hải quân Đài Loan nhận định trên báo Financial Times.

Lợi dụng suy yếu của Donald Trump ?

Tiếp đó, Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc tập trận kéo dài một tuần xung quanh quần đải Hoàng Sa, từ ngày 1 đến 5 tháng 7. Hoạt động quân sự này đã bị Việt Nam và Philippines chính thức phản đối. Từ nhiều năm nay, hai nước này vẫn thường xuyên phản đối các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung cộng trên nhiều khu vực ở Biển Đông.

Nếu như thời gian qua, Trung cộng tỏ ra phiêu lưu như vậy có thể là họ định lợi dụng những vấn đề nội bộ của tổng thống Mỹ Donald Trump. Giữa các vấn đề nội tình của nước Mỹ như tổng thống Trump bị chỉ trích về vai trò cầm lái trong cuộc khủng hoảng y tế, các cuộc biểu tình chống bạo lực cảnh sát, kỳ thị chủng tộc và chiến dịch tranh cử tổng thống đầy khó khăn, « chắc chắn Trung cộng muốn hành động nhanh trong lúc tổng thống đang phải bận đối phó với tình hình xấu ở Mỹ », một quan chức chính quyền Mỹ giấu tên khẳng định với tờ Wall Street Journal.

Kênh Ba Sĩ, dưới cái nhìn của Bắc Kinh là điểm tốt nhất để thử xác lập sự kiểm soát không phận trong vùng biển có nhiều tranh chấp này. «Đó là nơi qua lại rất quan trọng phải kiểm soát vì nó chính là gianh giới trên biển giữa vùng Biển Đông  với phần còn lại của Thái Bình Dương và lại nằm sát cạnh Đài Loan. Đó là vùng có nhiều thách thức ưu tiên đối với quân đội Trung cộng », chuyên gia Helena Legarda, được trích dẫn ở trên nhận định.

Kiểm soát hàng rào đảo đầu tiên

Con đường hàng hải này cũng khiến Bắc Kinh lo lắng. Ngay từ những năm 1980, các chiến lược gia quân sự Trung cộng đã xác định đây là  vấn đề đối với an ninh quốc gia vì kênh Ba Sĩ nằm trên cái gọi là «  vành đai đảo đầu tiên », theo chuyên gia viện Merics, Helena Legarda.

Đó là biên giới tự nhiên hình thành từ chuỗi quần đảo trải dài từ quần đảo Kouril (bắc Nhật Bản) cho tới quần đảo Borneo, dài khoảng 6200 km từ bắc xuống nam. Chính quyền Trung cộng sợ rằng những mẩu đất trên dọc hàng rào đảo nằm giữa Đài Loan và Philippines bị các thế lực nước ngoài mà đứng đầu là Hoa Kỳ, sử dụng làm các chốt chặn lối ra Thái Bình Dương hay thậm chí để làm bàn đạp tấn công Trung cộng, theo phân tích của bà Helena Legarda.   

Nhưng đó không chỉ là thách thức về quốc phòng đối với Trung cộng. Dần dần Bắc Kinh ngày càng công khai xác nhận tham vọng trở thành cường quốc khu vực rồi đến toàn cầu, các hòn đảo trong « vành đai đầu tiên » dọc kênh Ba Sĩ đã bắt đầu được Bắc Kinh chú trọng như một hậu cứ tiềm năng, trang mạng chuyên về các vấn đề địa chính trị châu Á, The Diplomat nhấn mạnh.

Tiến hành các hoạt động quân sự tại vùng kênh Ba Sĩ đã trở thành vấn đề sống còn đối với Trung cộng. Các hoạt động đó nhằm để cho hải quân và không quân Trung cộng làm quen với  hoạt động mà mục tiêu chính là mở rộng trường ảnh hưởng của Trung cộng.

Các hoạt động quân sự của Trung cộng và Mỹ trong những tuần qua ở khu vực kênh Ba Sĩ tạo thành một cuộc chiến giữa giao thông hào mà trong đó mỗi bên cố gắng ngăn chặn đối phương tiến thêm qua giới tuyến tự nhiên. Về bản chất, điều này không có gì bất thường mà đã diễn ra hơn 5 năm nay rồi. Nhưng căng thẳng Trung-Mỹ và cuộc khủng hoảng y tế hiện nay đã làm cho tình hình bùng lên mạnh hơn bao giờ.

Trung cộng khai triển những phương tiên lớn « để cho thấy rằng dịch Covid-19 không làm họ quên đi các mục tiêu địa chính trị và để phát đi tính hiệu rằng quân đội của họ có khả năng tác chiến hoàn hảo », chuyên gia Helena Legarda nhận định. Hoa Kỳ không thể không hành động trước việc phô trương sức mạnh của Trung cộng.

Nhưng nguy cơ, như Wall Street Journal nhấn mạnh, đó là tổng thống Donald Trump, cũng giống như mọi chính khách khác, trong thế cùng có thể phản ứng thái quá và gây ra rắc rối.

(Theo France24.com)

(08.07.2020)