Hình minh hoạ. Hình vệ tinh chụp dòng sông Mekong ở Sangkhom, thuộc tỉnh Nong Khai ở Thái Lan hôm 31/10/2019

Hình vệ tinh chụp dòng sông Mekong ở Sangkhom, thuộc tỉnh Nong Khai ở Thái Lan hôm 31/10/2019.  AFP

Dòng Mekong, nguồn sống quan trọng của hơn 60 triệu dân Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, được nói đang là mặt trận mới trong thế đối đầu giữa Mỹ và Trung cộng. Thực tế bắt nguồn từ việc Trung cộng cho thâu tóm phần lớn nguồn nước trên thượng nguồn dòng sông.

Đây là “cuộc chiến nước” theo cách nói của 2 cây viết Kay JohnsonPanu Wongcha-um, được Reuters dẫn trong bài liên quan hôm 24/7 vừa qua.

Bài viết nêu quan điểm của chính khách và chuyên gia môi trường rằng sông Mekong có thể là một mặt trận khác trong bối cảnh đối đầu Mỹ Trung hiện nay. Reuters dẫn lời một vị đại sứ Mỹ trong khu vực hồi tháng 4/2020 cho hay vị này đã chỉ đích danh Trung cộng kiểm soát nguồn nước của sông Mekong bằng 11 đập thủy điện, đe dọa trực tiếp đến đời sống của hàng chục triệu nông dân và ngư dân ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Ông Patrick Murphy, đại sứ Mỹ tại Campuchia, bày tỏ quan ngại trước kết quả khảo sát do tổ chức nghiên cứu và tư vấn Eyes On Earth ở Hoa Kỳ tháng 4/2020, khẳng định 11 con đập thường xuyên tích nước ở Trung cộng không chỉ gây hạn hán nghiêm trọng cho hạ nguồn Mekong năm 2019 mà còn phá hủy hệ sinh thái truyền thống, đa dạng tại tiểu vùng Mekong này.

Tòa Đại sứ Trung cộng tại Thái Lan ngay lập tức phản bác thông tin của viên chức ngoại giao Mỹ, và gọi thông tin này là vô căn cứ, yêu cầu các nước ngoài khu vực đừng tìm cách làm tình hình rối rắm bằng những chuyện không đâu như vậy.

Chuyên gia Witoon Permpongsacharoen thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Mekong Energy and Ecology Network, trụ sở tại Bangkok, thì cảnh báo Trung cộng đang phá hỏng các dự án phát triển mà Hoa Kỳ dành cho sông Mekong bấy lâu nay. Đây là vấn đề địa chính trị, chuyên gia này nhấn mạnh, xem ra  còn quan trọng hơn cả vấn đề Biển Đông mà Trung cộng và Mỹ đang đối đầu.

Việc tích nước từ dòng Mekong mà có thể dẫn đến “cuộc chiến nước”, dẫn đến một mặt trận khác giữa 2 đối thủ Mỹ Trung, cần được nhìn rõ qua lăng kính thực tế, là ý kiến của tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu chuyên viên Cục Thống Kê Liên Hiệp Quốc:

“Thượng nguồn sông Mekong, tức là khu vực sông Lan Thương của Trung cộng đổ vào sông Mekong, nói chung một năm 20% nước, và 80% là đổ vào khu vực. Bây giờ nếu thiếu nước thì cũng nên đặt câu hỏi tại sao thiếu, thiếu ở chỗ nào, cái đó phải xác định cho rõ”

“Trong thời gian vừa rồi như tôi hiểu thì những nước ở hạ nguồn cũng làm nhiều điều hạn chế đến vấn đề nước đi vào sông Mekong. Chẳng hạn  Việt Nam phá rừng nên không thể giữ nước ở sông Mekong, như Lào và cả Việt Nam làm nhiều đập thủy điện, hay là Campuchia cũng chuyển nước dùng cho nông nghiệp… Dĩ nhiên làm thủy điện thì chỉ có thể giữ nước một thời gian, xong thì đa phần sau đó chảy xuống hạ nguồn thôi  chứ có sạch bách đi đâu được. Cái đó phải có sự điều tra hợp tác làm rõ”.

Hình minh hoạ. Dân làng phải sơ tán vì đập thuỷ điện ở tỉnh Attapeu, Lào bị sập hôm 24/7/2018

Dân làng phải sơ tán vì đập thuỷ điện ở tỉnh Attapeu, Lào bị sập hôm 24/7/2018 Reuters.

Nhìn rõ như vậy để thấy, ông Vũ Quang Việt nói tiếp, điều gọi là cuộc chiến nước giữa Hoa Kỳ và Trung cộng trên sông Mekong thực chất chỉ là lời qua tiếng lại mà thôi:

Trên nguyên tắc luật pháp giữa Trung cộng và 4 nước ở khu vực Mekong là Thái, Việt Nam, Lào, Campuchia, còn Myanmar và Trung cộng là 2 nước đối thoại. Trung cộng đã lập Nhóm Hợp Tác Mekong-Lan Thương , ý đồ là làm việc với Ủy Hội Sông Mekong do Liên Hiệp Quốc tài trợ, làm việc với từng nước một. Đó  là vấn đề mà mấy nước phải giải quyết với nhau chứ không liên quan gì tới Mỹ”.

“Nếu có ủng hộ và kêu gọi Trung cộng phải có thái độ hợp tác đàng hoàng thì Mỹ có thể nói, nhưng Mỹ không có quyền tự do đi lại nào  trên sông Mekong cả, cho nên vấn đề không phải là Mỹ với Trung cộng mà là giữa Trung cộng và các nước ở khu vực Đông Nam Á cùng chia sẻ dòng Mekong”.

Hoa Kỳ đang chứng tỏ sự quan tâm ngày càng nhiều vào những gì đang xảy ra trên dòng Mekong. Tôi nghĩ  Hoa Kỳ   muốn đẫy mạnh phát triển khu vực Mekong theo hướng môi trường phải được bảo vệ cũng như sự minh bạch phải được cải thiện – Brian Eyler – Giám đốc Chương trình Đông Nam Á – Stimson

Đối với ông Brian Eyler, giám đốc Chương Trình Đông Nam Á trong Trung Tâm Stimson ở Washington DC, tác giả cuốn The Last Days Of Mighty Mekong, đã được dịch ra tiếng Việt là Những Ngày Cuối Của Dòng Mekong Hùng Vĩ, “cuộc chiến nước” không phải là từ thích hợp đối với hiện tình sông Mekong :

Thế nhưng tôi đồng ý là Mỹ và  Trung cộng đang tranh nhau để gây ảnh hưởng về những chính sách ngoại giao liên quan đến dòng Mekong hùng vĩ này”.

“Hoa Kỳ đang chứng tỏ sự quan tâm ngày càng nhiều vào những gì đang xảy ra trên dòng Mekong. Tôi nghĩ  Hoa Kỳ   muốn đẫy mạnh phát triển khu vực Mekong theo hướng môi trường phải được bảo vệ cũng như sự minh bạch phải được cải thiện. Đó là lý do từ năm ngoái đến giờ các viên chức chính phủ Mỹ  đã lên tiếng công khai hơn và mạnh mẽ hơn về những hành động bất chấp của Trung cộng khi sử dụng dòng Mekong”.

Trong một lần phỏng vấn trước đây với RFA, Giám đốc Brian Eyler của Chương Trình Đông Nam Á, Trung Tâm Stimson, từng nhận định tình trạng khô hạn nặng nề tại Đồng Bằng Sông Cửu Long từ năm 2016 là tai họa thế kỷ, rằng Việt Nam nằm cuối hạ lưu phải đòi hỏi sự công bằng trong việc chia sẻ và sử dụng tài  nguyên nước trên sông Mekong bất kể đó là quốc gia nào.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng Bằng Sông Cửu Long, cho rằng điểm đáng ngại từ các đập Trung cộng đối với Việt Nam chính là làm giảm lượng phù sa và cát, gây sạt lở nhiều nơi tại  Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Về lượng nước, ông giải thích tiếp, các đập ở Trung cộng chỉ ảnh hưởng tới Việt Nam khi nào hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino xảy ra và các đập ở Trung cộng làm trầm trọng vấn đề hơn thôi.

Do đó ông khẳng định, xét về lượng nước đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long thì các đập thủy điện ở Lào và Campuchia mới đáng lo ngại hơn.

Được hỏi ông nghĩ sao về ý kiến của chuyên gia Witoon Permsacharoen thuộc Mạng Lưới Mekong Energy and Ecology Network, cho rằng dòng Mekong là  vấn đề địa chính trị giữa Mỹ và Trung cộng, tức có thể trở thành một mặt trận khác giữa 2 nước, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết:

Việc  sông Mekong có trở thành một mặt trận khác nữa không là tùy vào sự suy tính của Hoa Kỳ, nhưng tôi đoán Mỹ không thể làm ngơ chuyện sông Mekong bởi đây là vấn đề an ninh phi truyền thống (Non Traditional Security Issue) có nghĩa nó là vấn đề ảnh hưởng đến an ninh khu vực nhưng lại không có yếu tố quân sự. Cụ thể tác động của thủy điện làm suy thoái  môi trường, cạn kiệt nguồn sống của hàng chục triệu người, có thể dẫn tới bất ổn xã hội, thậm chí dẫn tới xung đột giữa các quốc gia rồi ảnh hưởng đến an ninh khu vực . Thành ra Mỹ trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng đối với khu vực này thì không thể bỏ qua chuyện Mekong được”.

Về quan điểm cho rằng vấn đề Mekong đối với 4 quốc gia tiểu vùng, , trong đó có Việt Nam, còn quan trong hơn vấn đề Biển Đông, nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Hữu Thiện bày tỏ sự đồng ý:

Từ hồi tôi tham gia đánh giá Môi Trường Chiến Lược 11 đập thủy điện trên dòng chính Mekong thì bản thân tôi đã thấy chuyện Mekong nếu suy xét kỹ thì không hề kém chuyện Biển Đông. Dĩ nhiên là khó thấy vì nó không có yếu tố quân sự, thông thường nhiều khi  vài chục năm mới nhận biết được.

Được hỏi Việt Nam thích ứng ra sao trong vấn đề các con đập từ Trung cộng cũng như từ các nước láng giềng? Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện:

Việt Nam chỉ có công cụ duy nhất là Hiệp Định Mekong năm 1995. Nhưng Hiệp Định này lại có nhiều lổ hổng, cụ thể Lào vẫn tiến hành xây dụng các đập Xayabury và Don Sahong. Lào đã thông báo cũng như tiến hành thủ tục tham vấn đối với các đập mới như Luang Prabang và Xanakhảm”.

“Tuy nhiên tình hình đang có sự thay đổi, Campuchia đã hoãn 2 đập dòng chính Sambor và Stung Treng trong 10 năm. Các đập dòng chính ở Lào dù đã tham vấn nhưng có vẻ khó thực hiện vì 2 lý do, một là không có nguồn tiền đầu tư, hai là nhu cầu điện đang suy giảm mạnh do khuynh hướng năng lượng mới từ  gió và mặt trời và do dịch COVID-19 nữa”.

Từ năm 2009, Mỹ đã chi 120 triệu đô la cho Sáng kiến Hạ Lưu Mekong, Lower Mekong Initiative. Năm 2016 Trung cộng chi trội hơn với 300 triệu USD cho các quỹ nghiên cứu thuộc Cơ Chế Hợp Tác Mekong- Lan Thương LMC do Bắc Kinh lập nên.

Đại sứ Mỹ tại Thái Lan, ông Michael DeSombre, từng chỉ trích LMC Cơ Chế Hợp Tác Mekong-Lan Thương chỉ  là tổ chức song hành cùng MRC Ủy Hội Sông Mekong, vì thế Trung cộng nên làm việc chặt chẽ hơn với Ủy Hội Sông Mekong thay vì nghiêng hẳn về một phía LMC do Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát.

Bất kể khuyến cáo từ phía Mỹ, đại diện các nước trong Ủy Hội Sông Mekong khi đó đã lên tiếng ủng hộ sự hợp tác của LMC .

Cũng từ năm 2002, Trung cộng khởi sự loan báo với các quốc gia hạ lưu về lịch trình xả đập mà có thể gây lũ lụt.

Thế nhưng theo Reuters thì thông tin liên quan được Trung cộng công bố rất ít, các quốc gia hạ nguồn khó mà xoay sở cũng như đề kế hoạch ứng phó kịp thời.

Tại một cuộc họp về hợp tác LMC tháng Hai vừa qua, một viên chức Việt Nam không tiết lộ danh tính đã nói riêng với Reuters rằng Trung cộng không chia sẻ thông tin và số liệu đích thực về vấn đề vận hành cũng như xả đập của họ với các nước trong tiểu vùng Mekong.

RFA (29.07.2020)