Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal cùng với 29 dân biểu liên bang khác vừa viết thư kêu gọi quyền Giám đốc Cơ quan thực di Di trú và Hải quan (ICE) Tony Phạm chấm dứt việc bắt giam và trục xuất các di dân tị nạn gốc Đông Nam Á.

Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal cùng với 29 dân biểu liên bang khác vừa kêu gọi tân quyền Giám đốc Cơ quan thực di Di trú và Hải quan (ICE) Tony Phạm chấm dứt việc bắt giam và trục xuất các di dân tị nạn gốc Đông Nam Á, bao gồm từ Việt Nam, Campuchia và Lào.

Bức thư đề ngày 29/9 được đăng tải trên trang web của Dân biểu Lowenthal bày tỏ sự quan ngại về việc 30 di dân gốc Việt bị Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) trục xuất về nước trong thời gian vừa qua, trong đó có những người đến Mỹ tị nạn trước năm 1995, tức không thuộc diện bị trục xuất theo Hiệp định Mỹ – Việt năm 2008 về việc nhận trở lại công dân Việt Nam.

Bức thư gửi ông Tony Phạm, một quan chức Mỹ gốc Việt cũng là người tị nạn vừa được chính quyền Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm quyền giám đốc ICE vào cuối tháng 8, viết:

“Là một người tị nạn cùng với gia định trốn thoát quân cộng sản, chúng tôi biết ông hiểu rất rõ về khó khăn của người Việt hải ngoại với vết thương cuộc chiến và phải xa xứ bất đắc dĩ. Những cá nhân này và gia đình họ đã là người Mỹ và họ không còn cảm giác quen thuộc với một nước mà họ đã trốn thoát.”

“Họ có thể đã phạm sai lầm khi còn trẻ, nhưng rất nhiều trong số họ đã thay đổi cuộc sống của mình,” bức thư viết tiếp.

Các dân biểu Hoa Kỳ đưa ra kiến nghị: “Chúng tôi kêu gọi ông hãy tôn trọng tinh thần và mục đích nhân đạo được thể hiện trong Hiệp định Mỹ – Việt năm 2008, và ngưng trục xuất người tỵ nạn gốc Đông Nam Á.”

“Nếu làm khác hơn, có thể sẽ khiến hàng ngàn người tị nạn phải quay trở lại các quốc gia mà họ đã trốn thoát nhiều năm trước, và khiến cho hàng ngàn gia đình phải xa rời nhau, cũng như làm rối loạn đáng kể các cộng đồng di dân và tị nạn trên khắp Hoa Kỳ.”

Bức thư cũng nhắc đến việc có hàng trăm ngàn người tỵ nạn gốc Đông Nam Á đã đến Hoa Kỳ để tìm tự do sau Chiến tranh Việt Nam và sự xâm chiếm của Cộng sản tại các nước Việt Nam, Lào, và Campuchia vào năm 1975.

Bức thư có đoạn: “Khi đặt chân đến Hoa Kỳ, trong các gia đình tỵ nạn, có rất nhiều trẻ em và thanh thiếu niên đã sinh sống trong các khu dân cư nghèo, thiếu sự hỗ trợ xã hội trong việc vượt qua vết thương chiến tranh và thích ứng với đời sống mới.”

“Hậu quả là nhiều trẻ em và thanh thiếu niên đã lầm đường lạc lối, dẫn đến các hành vi phạm pháp và bị tù tội. Tuy nhiên, sau nhiều năm thụ án trong tù, những thanh thiếu niên đó nay đã phục thiện, trở thành những người đóng góp tích cực vào cộng đồng.”

Trong thông cáo báo chí phát đi hôm 29/9, Dân biểu Lowenthal cho biết bức thư này còn được sự ủng hộ của gần 30 tổ chức tranh đấu cho nhân quyền và quyền lợi người di dân.

VOA (03.10.2020)