„thực tế là nếu chúng ta cho phép các công ty như Google kiểm soát kết quả cuộc bầu cử, thì chúng ta không có nền dân chủ, không có cuộc bầu cử tự do và công bằng, tất cả những điều đó đều là viễn vông.”
Robert Epstein
Với sức ảnh hưởng rất lớn của mình, các công ty thuộc nhóm Big Tech như Google và Facebook có thể “định hướng” việc bỏ phiếu bầu thông qua hành vi thao túng về mặt nội dung được hiển thị trên các trang chủ (home page) của những màn hình thiết bị điện tử mà người dùng không hề hay biết.
Google có khả năng thao túng kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. (Ảnh minh họa: Linda Parton/ Shutterstock).
Nhận định trên được đưa ra bởi Tiến sĩ Robert Epstein, nhà nghiên cứu tâm lý học cao cấp tại Viện Nghiên cứu Hành vi và Công nghệ Mỹ ở California.
Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “American Thought Leaders” của tờ The Epoch Times, Tiến sĩ Epstein cho biết: “Tôi đã tính toán nhiều tháng trước rằng nếu tất cả các công ty ở Thung lũng Silicon, trong đó có 2 công ty mạnh nhất là Google và Facebook, đều quảng cáo theo cùng một định hướng, thì việc đó có thể dễ dàng thay đổi kết quả của 15 triệu phiếu bầu. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể quyết định ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo.”
Ông Epstein đã tiến hành một dự án giám sát quy mô lớn “nhằm xác định những thứ các công ty công nghệ lớn đã cho người dùng nhìn thấy trong những ngày trước các cuộc bầu cử năm 2016, 2018 và giờ là năm 2020.”
Dự án đã tuyển dụng “một nhóm gồm 733 cử tri đã đăng ký thuộc đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ và các đảng độc lập” từ “3 tiểu bang chiến trường rất quan trọng: Arizona, Florida và North Carolina.”
Mỗi người trong nhóm trên được trang bị phần mềm đặc biệt để theo dõi hoạt động của họ trên Internet. “Ví dụ: thực hiện tìm kiếm trên Google, Bing và Yahoo,” ông Epstein giải thích.
Mục đích của việc giám sát là để thu thập nội dung hiển thị tạm thời như kết quả tìm kiếm, lời nhắc trên trang chủ Google hoặc Facebook, đề xuất tìm kiếm, nguồn cấp tin tức (newsfeed), chuỗi video gợi ý trên YouTube. Theo ông Epstein, những nội dung này có thể tác động đến người dùng, nhưng biến mất hoàn toàn sau đó mà không để lại dấu vết.
Ông Epstein đã thu thập và lưu giữ hơn nửa triệu tin nhắn tạm thời trên các trang chủ của Google và Facebook của nhóm trên. “Chúng tôi thực sự đã tìm thấy bằng chứng không thể chối cãi về sự thiên vị,” ông cho hay. “Chúng tôi nhận thấy rằng trong khoảng ngày 26/10 cho đến hết tuần, tức là thời điểm khá gần với ngày bầu cử, chỉ những người thuộc phe cánh tả (trong nhóm trên) mới nhận được lời nhắc bỏ phiếu trên trang chủ của Google, trong khi những người thuộc cánh hữu không nhận được lời nhắc đó trên trang chủ của họ.”
Tiến sĩ Epstein đã công khai những phát hiện của mình vào ngày 29/10 vừa qua. “Bắt đầu từ nửa đêm ngày 29/10, chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử, các thành viên (trong nhóm trên) của chúng tôi mới bắt đầu nhận được lời nhắc bỏ phiếu đó trên trang chủ của Google. Và điều đó tiếp tục diễn ra cho đến khi kết thúc Ngày bầu cử – mùng 3/11.” ông cho biết. “Nếu bạn đang ủng hộ một ứng cử viên nào đó, tất nhiên, bạn muốn vận động cơ sở… nhằm thúc đẩy những cử tri đó ra khỏi nhà để đi bầu cử nếu họ chưa bỏ phiếu qua thư. Ngoài ra, khi bạn không muốn khuyến khích những người ủng hộ ứng cử viên mà bạn phản đối, thì bạn sẽ muốn những người đó ở nhà.”
Để tác động đến những người vẫn chưa đưa ra quyết định, “bạn sẽ tạo ra những áp lực nhất định… để cố gắng thúc đẩy những cử tri đó theo phe mà bạn mong muốn. Thông thường, trong một cuộc bầu cử căng thẳng, những người đó mới là người đóng vai trò quyết định xem ai sẽ thắng cuộc”.
Theo ông Epstein, trang chủ của Google được người dùng ở Mỹ truy cập 500 triệu lần mỗi ngày. Nếu kiểu nhắc nhở đó được sử dụng một cách có hệ thống trong một khoảng thời gian, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của các cử tri.
YouTube, công ty con của Google cũng có thể tác động đáng kể đến ý kiến của các cử tri thông qua những video được đề xuất. Ông Epstein cho hay rằng trong số các video mà mọi người xem trên YouTube ở khắp nơi thế giới, có 70% được đề xuất bởi thuật toán của ứng dụng này.
Phía Google hiện không đưa ra bình luận nào về vấn đề này.
Tiến Epstein cho biết thêm rằng: “Bản thân tôi nghiêng về phía cánh tả, tôi nghĩ thật tuyệt khi nhóm Big Tech có động thái ủng hộ cho các ứng viên mà tôi và gia đình thích. Nhưng, bạn biết đấy, tôi đặt niềm tin vào nền dân chủ và cuộc bầu cử tự do, công bằng. Tôi đặt đất nước của chúng ta lên trên bất kỳ sở thích cá nhân nào mà tôi có thể có đối với một ứng cử viên hoặc một đảng phái. Và thực tế là nếu chúng ta cho phép các công ty như Google kiểm soát kết quả cuộc bầu cử, thì chúng ta không có nền dân chủ, không có cuộc bầu cử tự do và công bằng, tất cả những điều đó đều là viễn vông.”
Sau khi biết về những phát hiện của ông Epstein, Thượng nghị sĩ Ron Johnson, Ted Cruz và Mike Lee đã viết một lá thư gửi Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai vào ngày 5/11 vừa qua, trong đó yêu cầu giải thích cho Ủy ban Tư pháp Hạ viện và phản hồi lại văn bản thẩm tra của các thượng nghị sĩ từ tháng 8/2020.
“Big Tech đã cho thấy một mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do ngôn luận và tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử ở Mỹ. Google có nhiều quyền lực hơn bất kỳ công ty nào trên hành tinh, và phát hiện của Tiến sĩ Epstein đã làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về việc Google lạm dụng quyền lực đó và sẵn sàng thao túng nền tảng của mình nhằm giúp ông Joe Biden đắc cử tổng thống. Công ty này phải đưa ra câu trả lời về lý do và cách thức mà họ thao túng người dùng với mục đích tác động đến kết quả của cuộc bầu cử này.” Ông Cruz cho biết trong một tuyên bố.
Theo The Epoch Times,
Phan Anh
Trithucvn (17.11.2020)