Ngày 1/12, Twitter bác lời kêu gọi của Úc đòi công ty gỡ bỏ một hình ảnh gây tranh cãi do một giới chức Bắc Kinh đăng tải nhắm vào binh sĩ Úc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Triệu Lập Kiên khiến Canberra phẫn nộ hôm 30/11 khi đăng một hình ảnh dàn dựng một người đàn ông mặc trang phục như một binh sĩ Úc kề dao vấy máu vào cổ một em bé Afghanistan.
Hình ảnh này được đưa lên Twitter chỉ vài ngày sau khi các công tố viên Úc mở cuộc điều tra đối với 19 binh sĩ của họ bị cáo buộc phạm tội chiến tranh tại Afghanistan từ 2005 đến 2016.
Twitter cho hay đã đánh dấu hình ảnh ông Triệu đăng tải là “nhạy cảm” nhưng nói rằng những bình luận về những vấn đề chính trị quan trọng hay “chính sách ngoại giao mang tính đe doạ” bởi tài khoản của giới chức chính phủ thường không vi phạm những qui định của Twitter.
Thủ tướng Úc Scott Morrison nói hình ảnh ông Triệu đăng tải là “không chấp nhận được” và đã mở một cuộc họp báo trên mạng để yêu cầu Twitter gỡ bỏ và buộc Trung cộng xin lỗi.
Đa số cư dân mạng tại Trung cộng bị cấm dùng Twitter và Bắc Kinh trong nhiều thập niên nay bị cáo buộc vi phạm nhân quyền rộng rãi.
Một số đồng minh của Úc cũng bày tỏ quan ngại về bức ảnh ông Triệu đăng trên Twitter, trong đó có Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern.
“Trong trường hợp này, một bức ảnh đã được dùng nhưng không thực sự đúng, đây không phải là một ảnh thực, do đó chúng tôi nêu quan ngại trực tiếp vói nhà cầm quyền Trung cộng,” Thủ tướng New Zealand nói.
Bộ Ngoại giao Pháp lên án việc đăng tải hình ảnh vừa kể rằng “không xứng đáng đối với những tiêu chuẩn ngoại giao chúng ta có quyền kỳ vọng từ một đất nước như Trung cộng.”
Một phát ngôn viên tòa đại sứ Trung cộng tại Canberra cáo cuộc Úc là chuyện nhỏ xé ra to trong vụ này.
(VOA, 02.12.2020)
Ảnh: Tờ Daily Telegraph (London) xới lại sự kiện Thiên An Môn trên trang nhất số báo hôm nay như một sự trả đũa và bày tỏ sự giận dữ trước bức ảnh của Triệu Lập Kiên nhằm hạ nhục quân đội Úc trên Twitter.
Tấm hình do Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) phổ biến cho thấy một lính Úc đang cầm dao máu me đe dọa một đứa bé người A Phú Hãn. Bức hình thật ra đã hoàn toàn bị nguỵ tạo bằng photoshop, nhằm nói xấu lính Úc.