Ngày 8/12, tạp chí Politico Europe, kênh truyền thông chính thống của EU, đã công bố những nhân vật quyền lực nhất châu Âu trong năm. Trong số đó, ông Zdeněk Hřib, Thị trưởng thành phố Prague, Cộng hòa Séc, người thân thiện với Đài Loan, lần đầu tiên được chọn vì đã can đảm thách thức quyền lực của Trung cộng và Nga.
Ông Zdeněk Hřib, Thị trưởng thành phố Prague (Ảnh: David Sedlecký/ Wikimedia)
Politico Europe nổi tiếng với việc đưa tin về Liên minh Châu Âu. Hôm 8/12, tạp chí này đã công bố những nhân vật quyền lực nhất Châu Âu năm 2021. Tổng cộng 28 người đã được bình chọn, trong đó có ông Zdeněk Hřib, thị trưởng 39 tuổi của thành hố Prague.
Trong danh sách bình chọn lần này, ông Zdeněk Hřib; bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu; bà Ozlem Tureci, một nhà khoa học từ BioNTech, một công ty công nghệ sinh học của Đức đã phát triển thành công vắc-xin phòng bệnh viêm phổi Vũ Hán; và bà Svetlana Tikhanovskaya, thủ lĩnh phe phản đối Belarus, đều được xếp vào hàng những “người mơ mộng”, tức là những người thúc đẩy châu Âu tiến lên.
Politico Europe bình luận rằng, ông Zdeněk Hřib được truyền cảm hứng bởi cựu Tổng thống Vaclav Havel, không chỉ chống lại Thủ tướng dân túy Andrej Babiš, mà còn chống lại các nhà độc tài ở Moscow và Bắc Kinh. Dường như có một xu hướng phục hồi chế độ độc tài ở Trung và Đông Âu. Ông đã cố gắng xây dựng thủ đô của Cộng hòa Séc thành một ngọn hải đăng hy vọng cho những người theo chủ nghĩa tự do.
Tạp chí này nói rằng, ông Zdeněk Hřib đã không ngần ngại hy sinh nền kinh tế của thành phố Prague, ông cũng phải đối đầu với Bắc Kinh và dũng cảm thách thức chính sách “Một Trung cộng”. Cùng lúc đó, Cờ Sư Tử Núi Tuyết được kéo lên tại tòa thị chính, để ủng hộ những người Tây Tạng lưu vong, và thậm chí bỏ Bắc Kinh để thành lập một thành phố kết nghĩa với Đài Bắc.
Tạp chí này tin rằng, các nhà lãnh đạo đối lập của Séc hiện tại đã trở thành tiền tuyến để châu Âu hỗ trợ Đài Loan. Cuối tháng 8, cùng với ông Zdeněk Hřib, ông Vystrčil, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc, đã dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Đài Loan. Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng rằng: “Ông ấy sẽ phải trả giá đắt cho việc này.”
Vào cuối mỗi năm, tạp chí Politico Europe sẽ bầu chọn những nhân vật quyền lực nhất Châu Âu. Đây là lần đầu tiên ông Zdeněk Hřib được chọn và là người Séc duy nhất trong danh sách. Vị trí số một trong năm là Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đã nắm quyền gần 16 năm và sắp từ chức sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 năm sau.
Người Séc đã dạy châu Âu một bài học
Ngày 30/8, ông Vystrčil, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc, đã dẫn đầu một phái đoàn gồm 89 thành viên đến thăm Đài Loan. Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị, người cũng đang thăm châu Âu vào thời điểm đó, đã công khai đe dọa ông Vystrčil sẽ phải trả giá đắt vì hành vi thiển cận và đầu cơ chính trị của mình. Những nhận xét này đã nhận được sự chỉ trích từ các nước như Đức, Pháp, Slovakia, Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ.
Ngày 3/9, ông Dalibor Roháč, một học giả của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, người từng phục vụ trong văn phòng của Tổng thống Cộng hòa Séc, đã viết một bài báo trên tờ “Washington Post” về những kinh nghiệm trao đổi trong quá khứ của Cộng hòa Séc với Trung cộng, với tiêu đề: “Làm thế nào để đối phó với Trung cộng? Người Séc đã dạy cho châu Âu một bài học”.
Ông Dalibor Roháč chỉ ra rằng, Trung cộng chưa bao giờ thực hiện những cơ hội kinh doanh dồi dào như đã hứa. Mặc dù Công ty Năng Lượng Hoa Tín của Trung cộng (CEFC Energy) đã đầu tư một số tiền không nhỏ vào các câu lạc bộ bóng đá và nhà máy sản xuất bia của Séc, nhưng số tiền mà các công ty Đài Loan đầu tư riêng vào lĩnh vực sản xuất của Séc đã vượt quá 14 lần của Trung cộng.
Không sợ Nga
Theo báo cáo của Newtalk, mối quan hệ giữa ông Zdeněk Hřib và Nga có xích mích. Chủ yếu là do vào đầu tháng Tư, ông đã đích thân giám sát việc dỡ bỏ bức tượng gây tranh cãi của cựu nguyên xoái Liên Xô Ivan Konev ở thành phố Prague trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nga chỉ trích gay gắt hành động phá hoại của chính quyền thành phố Prague, với cáo buộc rằng, hành động này là không tử tế. Mặc dù Konev được coi như một anh hùng ở Nga, nhưng đối với người Séc, có thể nói ông ấy là biểu tượng của sự áp bức trong thời kỳ Xô Viết.
Trithucvn (09.12.2020)