„Thêm năm mươi năm nữa, đến cuối thế kỷ này, không ai có thể đoán được rồi cả nước sẽ “rót” về đâu – kể cả đồng chí TBT. Riêng tôi, đêm nay, chắc phải “rót” thêm rất nhiều chén nữa.“

Tưởng Năng Tiến

Tôi được nghe Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội (thơ Hoàng Anh Tuấn, nhạc Phạm Đình Chương) từ thuở ấu thơ: Mưa hoàng hôn/ Trên thành phố buồn gió heo may vào hồn/ Mưa ngày nay/ Như lệ khóc đất quê hương tù đày…

Sao “phần đất quê hương” này lại bị “tù đầy” và có lắm người thốt lên những lời ai oán, thê thiết, đắng cay đến thế : Lìa xa thành đô yêu dấu/ một sớm khi heo may về/ Lòng khách tha hương vương sầu thương / Nhìn em mờ trong mây khói/ bước đi nhưng chưa nỡ rời/ lệ sầu tràn mi/ đượm men cay đắng biệt ly… (Vũ Thành. Giấc Mơ Hồi Hương: nxb Tinh Hoa Miền Nam, 1959).

Rồi Bắc/Nam thống nhất, Nam/Bắc hòa lời ca nhưng tất cả những nhân vật thượng dẫn (Hoàng Anh Tuấn, Phạm Đình Chương, Vũ Thành …) đều ù té đâm xầm ra biển, hốt hoảng bỏ của chạy lấy người, quên tuốt cái “giấc mơ hồi hương” mà họ đã từng ôm ấp chưa lâu – trước đó.

Kẻ ở lại, Nguyễn Ngọc Lan – sau chuyến hồi hương vào năm 1975 –  đã tỉ mỉ ghi lại cảm xúc của mình, trong một tập hồi ký ( Hà Nội Của Tôi Thế Đó ) không được xuất bản. Lý do, theo lời của tác giả : “Các ông to bà lớn đầy mặc cảm bực bội, khó chịu … người ta không hãnh diện về cái nghèo của Hà Nội.” Còn theo dư luận thì vấn đề, chả qua, chỉ vì lỗi của thằng đánh máy. Nó bỏ dấu sai: Hà Nội Tội Thế Đó, Hà Nội Tồi Thế Đó, Hà Nội Tối Thế Đó …

Thế nà thế lào?

Phải đợi thêm gần hai thập niên nữa, khi đất nước chuẩn bị bước vào Thời Kỳ Đổi Mới (và giới văn nghệ sỹ được tạm thời cởi trói) người dân – cả ba miền – mới có cơ hội đọc được những phát biểu khách quan về Thủ Đô Của Lương Tri & Phẩm Giá Con Người. Xin ghi lại một vài, theo thứ tự (abc) alphabétique :

Phạm Xuân Đài: “Lời ăn tiếng nói lễ độ cũng khó gặp, chứ đừng nói gì đến văn vẻ… Một cô gái có thể nói oang oang giữa chợ: Nó rủ tao đi nhưng tao đ… đi/ Sáng nay mẹ mày qua xin lửa bố tao, bố tao đ… cho.

Một cái gì đó đã phá vỡ lòng tin của con người rằng xã hội luôn luôn cố gắng đem lại sự tốt đẹp cho mình, và chính mình phải có bổn phận phải gìn giữ các công trình xã hội để mình và mọi người cùng hưởng. Người ta thẳng tay cắt dây điện để bán lấy chút tiền, có thể đốt hết một kho hàng hoá để phi tang cho một vật ăn cắp không đáng là bao… con người đối xử với xã hội thô bạo như vậy chỉ vì xã hội đã đối xử với họ tệ quá.” (Phạm Xuân Đài. Hà Nội Trong Mắt Tôi. Thế Kỷ: Hoa Kỳ 1994).

–  Bùi Bích Hà: “Những đứa bé trai và gái bưng thức ăn cho khách vẫn là những đứa bé đã được mô tả trong tiểu thuyết Nam Cao hay Trương Tửu cách đây năm sáu thập niên, còm cõi, nhọc nhằn, cơ cực, chỉ biết cúi đầu vâng dạ và sống quen với lo âu, sợ hãi…Những anh chị phu hồ vẫn làm việc bằng những cung cách từ nửa thế kỷ trước. Họ chuyền tay nhau mọi thứ vật liệu. Cát, đá và sạn đựng trong những cái rổ, đà gỗ vác trên vai. Một ngày dầm mưa hay đổ mồ hôi như thế của một người phu hồ trị giá một đô la và một bữa ăn trưa thanh đạm. Hơn một phần tư thế kỷ thực hiện ‘chủ nghĩa xã hội ưu việt’ trong nước, hơn một phần tư thế kỷ kêu gào tự do và nhân quyền của khối người việt lưu vong hải ngoại, chẳng có chút ánh sáng nào rọi vào những góc đời phiền muộn tối tăm này.” (Bùi Bích Hà, “Nhìn Lại Quê Hương,” Thế Kỷ 21, Sep. 2003:63-65).

– Tô Hoài: “Nhà em bảo em lên ở Hà Nội. Giàu có nhà quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ, vẫn đồn thế mà. Người hèn đớn cũng kiếm được, không mất bữa. Gánh đồng nát mà lãi quan viên. Nhà em bảo thế, em cũng đã lên xem sao… Mỗi tối thuê cái chiếu nằm gầm cầu, có tiền bạc của nả thì gối đầu, giắt lên ngực. Bốn bên lủng củng người nằm, nói anh bỏ lỗi, nó đéo nhau huỳnh huỵch rồi lại chửi nhau, quát nhau to tiếng hơn ô tô chạy ngoài đường. Cả đêm không tải nào chợp mắt, ăn cơm lại oẹ ra, ốm đến nơi. Thế là cút ngay. Thuê kẹo em cũng không bao giờ dám lên Hà Nội nữa. (Tô Hoài. Chiều Chiều. Nxb Hội Nhà Văn: Hà Nội 1999).

Phùng Quán: “Có nơi nào trên trái đất này/Mật độ đắng cay như ở đây/
Chín người – mười cuộc đời rạn vỡ/Bị ruồng bỏ và bị lưu đầy…

Rõ ràng là … đất dữ! Tuy nhiên, đó là Hà Nội của một thời đã qua rồi – tự thế kỷ trước lận. Sau khi Đảng và Nhà Nước anh dũng và quyết tâm đổi mới, Chính Phủ Cách Mạng Công Nghiệp 4.0 đã ra đời. Hà Nội hiện nay đã hoàn toàn biến đổi, văn minh chưa từng thấy. Báo chí trong nước vừa đồng loạt và hân hoan ghi nhận một hình ảnh đẹp, khiến nhân dân thủ đô vỡ oà trong niềm vui và hạnh phúc lâng lâng :

“Hai người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành đèn tín hiệu trên trục đường Đại Cồ Việt – Phố Huế. Bức ảnh hai người đàn ông đi xe máy dừng chờ đèn đỏ giữa đêm khuya ở Hà Nội nhận được sự tán dương và chia sẻ mạnh mẽ. Bottom of Form

 Trong đó, nhiều người còn khẳng khái cho rằng: ‘Dù là người lao động, đi xe máy nhưng ý thức của hai người đàn ông này còn hơn rất nhiều người đi xe sang nhưng thường xuyên vượt đèn đỏ, lấn làn, cản trở giao thông của các phương tiện khác’.

Theo TS. Đức, để giao thông Việt Nam có nhiều tấm hình đẹp như bức ảnh hai người dừng chờ đèn đỏ giữa đêm khuya đang gây ‘bão’ mạng xã hội, các cơ quan chức năng cần tăng cường lực lượng chốt trực, lưu động trên đường, nghiên cứu đầu tư hệ thống thiết bị giao thông thông minh giám sát, kiên quyết không bỏ lọt vi phạm, phải tổ chức các đợt cao điểm để tạo sự răn đe, nâng cao ý thức của người dân.”

Ảnh: báo An Toàn Giao Thông  chụp được vào lúc 1h sáng ngày 24/12 năm 2019

Cơn “bão mạng xã hội” vừa đi qua Hà Nội, vào những ngày cuối năm, khiến tôi nhớ đến những con sóng nhỏ lăn tăn trong lòng một tù nhân lương tâm VN (Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh) khi ông bước chân đến Sài Gòn, hồi cuối thế kỷ trước:

“Sau 1975, có những thứ mà Sài Gòn, miền Nam làm cho hắn rất lạ và không thể quên. Một đêm, chạy xe máy về nhà (ông cậu), tới ngã tư đèn đỏ, ngó hai bên đường vắng hoe, hắn rồ ga tính vọt thẳng. Bất ngờ nghe bên tai tiếng thắng xe cái rẹc, liếc qua thấy ông lão với chiếc xích lô trống không. Quê quá, phải dừng theo! Nhiều năm sau, ở Hà Nội, những ngã tư đông đúc như Tràng Tiền-Hàng Bài, ngoài một chú cảnh sát đứng bục, thường phải thêm  4 chú cầm gậy chặn bốn phía, lùa, đuổi mà cũng không xuể.”

Bữa nay thì kể như êm. Lùa, đuổi “xuể” là cái chắc. Khoảnh khắc lịch sử đã ghi: vào lúc 1 giờ sáng ngày 24 tháng 12 năm 2019, ít nhất, đã có hai người đàn ông đi xe máy dừng chờ đèn đỏ ở Hà Nội rồi. Thiệt là “khẳng khái” và quí hoá biết chừng nào.

2019 – 1975: 44 năm, chưa tới nửa thế kỷ, khoảng thời gian tuy không dài lắm nhưng vẫn đủ để Hà Nội bắt kịp Sài Gòn. Thêm năm mươi năm nữa, đến cuối thế kỷ này, không ai có thể đoán được rồi cả nước sẽ “rót” về đâu – kể cả đồng chí TBT. Riêng tôi, đêm nay, chắc phải “rót” thêm rất nhiều chén nữa.

Tưởng Năng Tiến (2019)