Công luận bất mãn vì dàn ‘nịnh thần’ tại Quốc hội CSVN
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói “cảm động vô cùng” vì ông Nguyễn Phú Trọng “có mái đầu bạc trắng hiên ngang, với gánh sơn hà nặng trĩu hai vai.” Courtesy of Thanh Nien
Giới trí thức bày tỏ sự bất mãn và ngao ngán về dàn đại biểu Quốc hội CSVN chỉ giỏi tâng bốc lãnh đạo mà không đủ tiêu chuẩn và mức độ liêm sỉ để đại diện cho tiếng nói của người dân ở nghị trường.
Quốc hội CSVN khóa 14 đang mở phiên họp cuối cùng để vâng lời Đảng CSVN trong việc bỏ phiếu thông qua ghế “tam trụ” dành cho các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ vào đầu tháng 4/2021.
Theo công luận, việc bỏ phiếu nêu trên chỉ mang tính hình thức và cho thấy các đại biểu Quốc hội CSVN đúng là “nghị gật”. Nhưng nếu chỉ dừng ở mức độ đó thì các đại biểu chưa đến mức bị chỉ trích.
“Cầm giấy đọc mà còn vấp, mặt đờ đẫn như chịu tội”
Điều khiến người dân bất mãn hơn là các vị dân biểu đang ngày càng thể hiện mức độ thiếu liêm sỉ, khi tận dụng diễn đàn Quốc hội để tâng bốc, nịnh bợ lãnh đạo đến mức trơ trẽn.
Các lời nịnh bợ lãnh đạo của đại biểu được Đài Truyền hình Việt Nam phát trực tiếp, và các báo nhà nước tường thuật không sót một chữ.
Ông Vương Đình Huệ (trái) và ông Phạm Minh Chính (phải) sắp ngồi ghế chủ tịch Quốc hội và thủ tướng CSVN. Courtesy of Zing
Tờ Thanh Niên hôm 29/3/2021 dẫn lời đại biểu Nguyễn Anh Trí rằng ông này “cảm động vô cùng với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có mái đầu bạc trắng hiên ngang, với gánh sơn hà nặng trĩu hai vai, là trung tâm đoàn kết, khơi nguồn tự hào dân tộc”.
Cùng ngày, báo Tin Tức của Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn lời tán dương đại biểu Ngọ Duy Hiểu: “Mỗi khi Tổng bí thư, chủ tịch nước xuất hiện, dù ở đâu, người dân, cán bộ, đảng viên đều rất vui mừng, phấn khởi.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ, là yếu tố quan trọng xây dựng tình cảm cách mạng, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân và toàn xã hội, để cả nước đồng lòng vượt qua những khó khăn của một nhiệm kỳ nhiều giông bão, khó khăn chồng chất khó khăn.”
Bà Nguyễn Hoàng Anh, giảng viên trường Đại học Ngoại thương ở Hà Nội bình luận trên trang cá nhân: “Xem truyền hình trực tiếp kỳ họp Quốc hội, thấy 99% đại biểu nếu thi tuyển giáo viên thì trượt từ vòng gửi xe, chỉ biết cầm giấy đọc mà còn vấp, mặt đờ đẫn như chịu tội. Nhưng đến mục khen chủ tịch nước thì sống động hẳn lên và cực kỳ sáng tạo! Hóa ra [họ] tài ẩn!”
“Rất đáng xấu hổ”
Cùng thời điểm, ông Ngô Huy Cương, giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, bình luận: “Bật TV lên thấy ngay đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu phát biểu trong hội trường, tôi nghĩ ngay tới Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói gần đây trong dịp Đại hội Đảng rằng cần loại bỏ thói xu nịnh.
Ông Hiểu mang tiếng có học và có chức nhưng rất kém trong vai trò là một đại biểu của dân. Mở đầu bài phát biểu của ông là một chuỗi các từ ngữ đẹp nhất và trang trọng nhất để ca ngợi cá nhân tổng bí thư, sau đó là ca ngợi cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dù rằng phiên họp đánh giá nhiệm kỳ của Chủ tịch nước (với tư cách là một cơ quan của quốc gia) và Chính phủ. Tiếp đó ông nói sơ qua vài điểm cần khắc phục để cho có mà không đưa ra một giải pháp nào, và vận động để cho bản thân ông được ở lại Quốc hội một nhiệm kỳ nữa.”
Nghị trường CSVN nay được ghi nhận là diễn đàn của nịnh thần, tung hô lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thay vì bàn đến những vấn đề liên quan đến người dân. Courtesy of Zing
Ông Huy Cương đề nghị “cần loại bỏ những kẻ như Ngọ Duy Hiểu khỏi Quốc hội” và rằng “rất đáng xấu hổ cho một đấng nam nhi học luật – Ngọ Duy Hiểu”.
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Thông, cựu biên tập viên tờ Thanh Niên, viết trên trang cá nhân, bình luận về việc Đảng sắp đặt sẵn ghế chủ tịch Quốc hội CSVN cho ông Vương Đình Huệ: “Tôi là tôi nói thật, chỉ có cái trò thối thì mới bày ra kiểu quốc hội khóa cũ bầu chủ tịch quốc hội khóa mới. Nhố nhăng, coi dân chả ra gì, coi khinh cả Quốc hội.
Thế thì kêu dân đi bầu Quốc hội mới để làm gì, khi “nó” do một đứa cũ cầm đầu. Thế mà các ông bà cán bộ lẫn đám báo chí cứ cung cúc “tuân chỉ”, không dám hé lấy một lời.
Lại nhớ câu danh ngôn của nhà cách mạng Pháp Jean-Paul Marat khi bị xử tử “Người ta lớn bởi vì ta quỳ xuống”. Không dám đứng, lại không dám nói, thì cứ lấy sự chịu đựng làm phẩm chất để tồn tại thôi.”
Định Tường
Đất Việt (29.03.3021)
Dự toán kinh phí bầu cử Quốc Hội VN lên tới 174 triệu USD
Ngày 29 tháng 3 năm 2021
Hôm 25/3, Quốc hội Việt Nam cho biết các địa phương đã dự toán kinh phí kỳ bầu cử 2021 tăng 2,6 lần so với kỳ bầu cử 2016, với số tiền lên đến gần 4 ngàn tỷ đồng tức 174 triệu USD. Giới hoạt động cho rằng với các kỳ bầu cử thiếu tính dân chủ ở Việt Nam thì đây là một sự lãng phí rất lớn.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia nói rằng dự toán kinh phí của các địa phương xây dựng tương đối lớn, nhu cầu kinh phí bầu cử của các địa phương năm 2021 tăng 2,6 lần so với tổng kinh phí ngân sách trung ương đã phân bổ phục vụ công tác bầu cử năm 2016.
“Cụ thể, năm 2016 phân bổ khoảng 1.444 tỷ đồng; số quyết toán ngân sách trung ương năm 2016 là khoảng 1.373 tỷ đồng, trong đó của các địa phương quyết toán là 1.336 tỷ đồng; các bộ, cơ quan trung ương khoảng 36 tỷ đồng,” trang Tuổi Trẻ dẫn lời ông Phúc nói.
Như vậy, nếu dự trù tăng 2,6 lần so với con số phân bổ năm 2016 thì kinh phí cho kỳ bầu cử 2021 sẽ là 3.754 tỷ đồng.
Ông Phúc tiết lộ con số tăng 2,6 lần này sau khi tổng kết dự toán từ 51/63 ủy ban bầu cử các tỉnh, thành và 2 cơ quan trung ương.
Nhưng nếu như tổng kết dự toán đầy đủ từ 63 ủy ban bầu cử địa phương và 7 cơ quan trung ương có tham gia tổ chức, điều hành cuộc bầu cử này, bao gồm cả Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, thì kinh phí dự trù còn lớn hơn nhiều.
Trước đó, vào ngày 24/2/2021, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định cấp kinh phí đợt 1 cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp vào ngày 23/5 sắp tới với số tiền hơn 733 tỷ đồng, trong đó hơn 17 tỷ đồng cấp cho các bộ và cơ quan trung ương.
Nhận định về việc chính quyền dùng ngân sách nhà nước để tổ chức kỳ bầu cử, nhà hoạt động Trầng Bang ở Hà Nội nói với VOA:
“Về nhân sự thì Đảng đã sắp xếp hết rồi. Bầu những người không theo ý Đảng quy hoạch thì không bao giờ trúng cử được.
“Theo tôi như vậy thì không cần bầu cử nữa. Như vậy rất lãng phí, tốn lắm! Gần 4 ngàn tỷ của dân thì vô cùng lãng phí.”
Các nhà hoạt động đồng thời là các ứng cử viên độc lâp cho VOA biết rằng với nền dân chủ thiếu minh bạch, và cử tri quen với lệ “Đảng cử dân bầu” hay không có mặt của quan sát viên quốc tế, việc bầu cử ở Việt Nam chỉ làm tiêu phí tiền thuế của người dân.
Hôm 25/3, ông Phúc cho biết tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.084 người, trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, và 76 người tự ứng cử.
Truyền thông Việt Nam cho biết ở Hà Nội có 30 người và ở thành phố Hồ Chí Minh có 22 người tự ứng cử ĐBQH khóa XV.
Giới hoạt động dự báo rằng những người tự ứng cử sẽ rất khó có cơ hội lọt vào một trong 500 ghế ở Quốc hội, dù Đảng Cộng sản hô hào cho phép đến 10% ứng cử viên ngoài Đảng tham gia.
VietBF (29.03.2021)
Bắt những người tự ứng cử Đại Biểu Quốc Hội: sự vi phạm Hiến Pháp!
Ông Lê Trọng Hùng. Courtesy Facebook Hùng Gàn Lê
Công an Hà nội hôm 29/3 chính thức công bố trên cổng thông tin điện tử về việc đã bắt giữ ông Lê Trọng Hùng từ ngày 27/3, với cáo buộc bị cho là “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ông Lê Trọng Hùng bị bắt ngay sau khi ông này có đơn đề nghị cơ quan chức năng bảo vệ mình trong quá trình ông vận động tranh cử đại biểu Quốc Hội. Ông Hùng là một trong hơn 70 người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Trước đó vào ngày 10/3, Facebooker Trần Quốc Khánh, 61 tuổi, cũng bị Công an tỉnh Ninh Bình bắt tạm giam với cáo buộc bị cho là đăng, phát livestream thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền Việt Nam. Ông Khánh bị bắt sau khi ông tuyên bố tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, người từng tự ứng cử ĐBQH khóa XIV vào năm 2016, khi trả lời RFA hôm 29/3, nói:
“Tôi nghĩ đấy là dấu hiện rất đáng lo ngại. Tất cả những người tự ứng cử mà không phải là người của họ thì đằng nào họ cũng gạt ra. Nhưng việc bắt người ta vì ra ứng cử thì đấy là một cái điều vi phạm hết sức trắng trợn bản thân Hiến pháp của họ.”
Trước lúc bị bắt, vào ngày 18/3, trên Facebook cá nhân của mình, ông Lê Trọng Hùng đã đăng tải các hình ảnh và tài liệu cho thấy ông đã nộp đơn tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV tại Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội. Ông còn công bố chương trình hành động là dự án xây dựng Đại lộ Công dân cho dân tộc Việt Nam bằng cách trao tặng các bản Hiến pháp Việt Nam, vận động thành lập tòa bảo hiến và vận động Quốc hội ra luật biểu tình…
Tôi nghĩ đấy là dấu hiện rất đáng lo ngại. Tất cả những người tự ứng cử mà không phải là người của họ thì đằng nào họ cũng gạt ra. Nhưng việc bắt người ta vì ra ứng cử thì đấy là một cái điều vi phạm hết sức trắng trợn bản thân hiến pháp của họ.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Trả lời RFA hôm 27/3, bà Đỗ Lê Na, vợ của ông Hùng, cho biết bà rất bất bình khi chồng bà bị bắt:
“Mình thấy rất là ngạc nhiên và rất là bất bình bởi vì là một người làm tốt cho Nhà nước, cho xã hội… thậm chí cái việc làm của anh ấy, bạn bè ở bên phía dân chủ cũng không thích, họ nghĩ anh ấy đang làm lợi cho Nhà nước. Có nhiều người không thích và bên Nhà nước họ cũng không thích chồng mình, chẳng hiểu là như thế nào trong khi việc làm đó là hoàn toàn đúng.”
Công an tỉnh Ninh Bình cho rằng từ cuối năm 2018 đến năm 2020, khi sống tại xóm 5B, xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, ứng viên ĐBQH Trần Quốc Khánh đã thường xuyên dùng Facebook cá nhân đăng, phát livestream các video bị cho có nội dung bịa đặt, phỉ báng chính quyền, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Liên quan các trường hợp tự ứng cử khác, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:
“Tôi nghĩ chắc chắn họ cũng gạt ra thôi, còn tùy từng người, như trường hợp Giáo sư Cống thì có lẽ họ không dám bắt. Thật sự đây là một sự lo sợ của họ. Họ rất là sợ người dân thức tỉnh dần và bắt đầu biết quyền của mình, tự ứng cử như thế. Nếu mà cái đấy trở thành một phong trào rất là rộng… thì họ sẽ rất là khó xử, nên họ phải tìm cách ngăn chặn như thế thôi.”
Ông Trần Quốc Khánh khi thực hiện Livestream về Nhà nước Pháp quyền trên Facebook hôm 6/3/2021. Courtesy Facebook Tran Quoc Khanh.
Để tìm hiểu thêm, Đài Á Châu Tự Do hôm 29/3 liên lạc Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng ở Hà Nội, người đã nộp đơn tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, và được ông cho biết về trường hợp tự ứng cử của ông cũng như nhận định về việc bắt bớ các ứng viên ĐBQH:
“Lo thì cũng có lo… chờ nó đến bắt người thứ ba thôi… nhưng mà cóc sợ, nghĩa là cũng không lo gì… nhưng mà thấy nó quá vô lý. Một người đang ứng cử Quốc hội, chưa có gì cả mà lấy một cái cớ rất vớ vẩn để bắt người ta. Tôi thấy chuyện đó quá lạ… quá lạ… Tôi không ngờ người ta có thể làm những điều mà nó tệ hại đến như thế.”
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, hai người tự ứng cử ĐBQH mà lại bị bắt với lý do tàng trữ tài liệu chống Chính phủ, chống đối Đảng… thì là quá đáng, quá thể… Ông nói tiếp:
“Tôi cho rằng đây là một việc làm mà những con người bình thường không hình dung ra nổi… thế mà họ vẫn làm. Họ làm để dọa nạt nhân dân à? Để đe nẹt à? Tôi cũng không thể hiểu. Bản thân tôi cũng chẳng sợ đâu, tôi cũng sẵn sàng ngày mai ngày kia nó đến bắt thì… vâng các anh cứ bắt… các anh có quyền có hành… các anh có chính quyền có công an, có nhà tù, có tòa án… Bắt thì bắt, các anh có thể trói tôi được… nhưng đừng hòng thuyết phục tôi vì cái gì đâu nhé.”
Theo Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia – Nguyễn Hạnh Phúc, tính đến hết ngày 14/3, văn phòng đã nhận được 1.136 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó có 1.060 hồ sơ của người ứng cử do Nhà nước giới thiệu và 76 hồ sơ tự ứng cử.
Lo thì cũng có lo… chờ nó đến bắt người thứ ba thôi… nhưng mà cóc sợ, nghĩa là cũng không lo gì… nhưng mà thấy nó quá vô lý, một người đang ứng cử quốc hội, chưa có gì cả mà lấy một cái cớ rất vớ vẩn để bắt người ta. Tôi thấy chuyện đó quá lạ… quá lạ… Tôi không ngờ người ta có thể làm những điều mà nó tệ hại đến như thế.
-Giáo sư Nguyễn Đình Cống
Trà lời RFA từ Sài Gòn hôm 29/3, nhà hoạt động Trần Bang nhận xét:
“Tôi cho rằng việc bắt ông Lê Trọng Hùng với một vị bác sĩ đang ứng cử ĐBQH, thì tôi thấy họ chà đạp lên chính luật pháp mà họ đặt ra. Bắt vào thời điểm khác còn có thể bào chữa cho việc bắt bớ, đàn áp tự do ngôn luận. Bắt ngay lúc người dân được tự do ra ứng cử thì rõ rà họ muốn nói việc ứng cử không phải việc của dân, mà là việc của Đảng, mà ai làm ngoài quỹ đạo này, thì sẽ bị trừng trị… Tôi nghĩ gián tiếp nói lên điều đó. Cũng có những người tự do ứng cử nhưng thuộc các hội đoàn do Đảng lãnh đạo, ví dụ hội doanh nhân thì cũng do Đảng lãnh đạo chứ không có hội nào độc lập. Còn hai người mới bị bắt không thuộc hội do đảng lãnh đạo.”
Theo nhà hoạt động Trần Bang, việc bắt bớ này là quá sỗ sàng và quá đáng… Có thể nói là chính quyền đã ngồi xổm lên pháp luật do chính họ đề ra, nhằm nói rằng người dân đừng mơ tưởng có tự do… nói như vậy đấy nhưng nếu không có sự cho phép của Đảng thì… hãy coi chừng. Ông Bang cho rằng đó là một lời đe dọa.
Anh Thu, một người dân Sài Gòn, khi trả lời RFA hôm 29/3, cho rằng:
“Cũng không có bằng chứng về việc do hai người này ứng cử Đại biểu Quốc hội mà bị bắt, nhưng thời điểm bắt trùng hợp vào lúc họ tự ứng cử Đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên theo tôi thì họ làm như vậy thì họ cũng không khôn khéo lắm. Họ làm như vậy chỉ mang tiếng cho họ mà thôi.”
Cũng trong ngày 29/3, báo chí nhà nước Việt Nam cũng đăng tải thông tin ông N.H.H, 38 tuổi, ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội, đã bị phạt 7,5 triệu đồng vì cho rằng việc bầu cử là ‘phí thời gian’ và ‘vô nghĩa’. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng đây là thông tin sai sự thật về bầu cử.
RFA (29.03.2021)
Thêm một ứng cử viên đại biểu Quốc hội độc lập bị bắt ở Hà Nội
Nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng đã nộp đơn xin ứng cử đại biểu Quốc hội và có kế hoạch vận động tranh cử trước khi bị bắt.
Một ứng cử viên đại biểu Quốc hội Việt Nam độc lập bị lực lượng an ninh ở Hà Nội bắt giữ trong khi nhà riêng của ông bị khám xét và một số thiết bị và tài liệu bị lấy đi, trong đó có hồ sơ ứng cử của ông, người nhà của ông cho biết.
Nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng, người đã nộp đơn ứng cử đại biểu Quốc hội và đang tích cực vận động tranh cử, bị bắt trong khi đưa các con đi chơi về gần đến nhà sáng ngày thứ Bảy. Các viên chức an ninh được nói là đã lấy chìa khóa của ông và tự mở cửa vào nhà, nơi họ đọc và thi hành lệnh khám xét về cáo buộc ông “tàng trữ, phát tán tài liệu chống phá nhà nước.”
Đây là vụ bắt giữ mới nhất liên quan tới những người đã tuyên bố công khai tự ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa 15 năm 2021-2026, với cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 23 tháng 5. Trước đó một người ở Ninh Bình bị bắt giữ về cáo buộc “thông tin xuyên tạc, chống phá nhà nước gây hoang mang dư luận.”
“Họ khám xét và họ lấy đi một số hồ sơ mà dân oan họ kêu oan với cả hồ sơ tranh cử của anh Hùng, một số điện thoại cũ và máy tính của anh ấy,” bà Đỗ Lê Na, vợ của ông Hùng, nói với VOA vào tối ngày thứ Bảy.
Bà bác bỏ cáo buộc của nhà chức trách, nói rằng chồng bà chỉ muốn giúp lên tiếng cho những người dân bị thiệt thòi trong những tranh chấp với chính quyền thông qua những chương trình phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội của ông. Ngoài ra ông cũng đang tặng các quyển hiến pháp cho người dân để giúp họ nâng cao hiểu biết về quyền và nghĩa vụ hiến định của họ.
Những nỗ lực vận động tranh cử “rầm rộ” của ông vào Quốc hội có thể đã thu hút thêm sự chú ý của nhà chức trách và thúc đẩy họ hành động chống lại ông, bà nói thêm.
“Anh Hùng bảo là anh ấy tranh cử hẳn hoi, không phải quẳng cái tên vào đấy để họ thích làm gì thì làm. Sau đó anh ấy có những chương trình rất là rầm rộ,” bà nói. “Năm nay riêng Hà Nội thì đã có 30 ứng viên độc lập. Mình nghĩ cũng có thể là họ sợ tấm gương của anh Hùng sẽ lan rộng ra trong quần chúng, nhiều người sẽ noi theo cái gương đó, và họ muốn dập.”
Ông Lê Trọng Hùng và vợ con (Facebook Hùng Gàn Lê)
Trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Hùng đăng những hình ảnh cho thấy những tài liệu mà ông biên soạn để chuẩn bị cho chiến dịch vận động cử tri tại đơn vị bầu cử số 4 ở Quận Hai Bà Trưng với chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền hợp hiến và xã hội thượng tôn pháp luật.
Ông dự định phổ biến đề cương tranh cử của mình bằng cách đến từng nhà cử tri để trình bày, kéo loa đi diễn thuyết, thuê hội trường để diễn thuyết, hoặc diễn thuyết tại quảng trường, sân vận động, theo đơn yêu cầu cung cấp sự bảo vệ mà ông gửi tới Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội.
Ông cũng đăng những video “đào tạo dân biểu” mà trong đó ông trình bày những kĩ năng mà ứng cử viên cần có để vận động tranh cử thành công.
VOA không thể liên lạc được ngay tức thì với nhà chức trách Hà Nội để yêu cầu bình luận về vụ bắt giữ.
Bà Lê Na cho biết trong những ngày sắp tới bà dự định sẽ liên lạc với luật sư để hỗ trợ cho vụ án của chồng bà. Nhưng vấn đề pháp lý chỉ là một trong số những khó khăn mà bà, một giáo viên khiếm thị, sẽ phải đối diện khi gia đình mất đi một trụ cột.
“Các cháu của mình thì có một cháu là tự đi học được, còn lại một cháu bé ba tuổi không thể tự đi được. Mình không nhìn thấy nên cũng không thể đưa cháu đi được, và bản thân mình cũng không thể tự vào trường được, bình thường anh Hùng đưa đón,” bà chia sẻ.
VOA (28.03.2021)