Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu thỏa thuận đầu tư giữa châu Âu và Trung cộng có sụp đổ hay không mặc dù thỏa thuận này đang bị phá hủy nghiêm trọng.

Tuần trước, Bắc Kinh đã trừng phạt các nghị sĩ châu Âu nhằm đáp trả việc EU trừng phạt 4 quan chức Trung cộng liên quan đến vấn đề Tân Cương. Động thái này khiến việc thông qua thỏa thuận của Nghị viện châu Âu trở nên bất khả thi.

Tuy nhiên, việc thông qua thỏa thuận EU – Trung cộng là một quá trình mất nhiều thời gian và sẽ có nhiều thay đổi trong một vài tháng tới trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Trung cộng có thể rút khỏi thỏa thuận hoặc nhiều khả năng các nghị sĩ châu Âu sẽ đứng trước sức ép lớn từ các nước thành viên và các doanh nghiệp nhằm thông qua cái gọi là Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện (CAI) nhằm cải thiện sự tiếp cận của châu Âu với thị trường Trung cộng.

Thậm chí, trước khi cuộc chiến trừng phạt xảy ra vào tuần trước, thỏa thận đã vấp phải sự phản đối từ một số nghị sĩ châu Âu do thiếu các cam kết rõ ràng từ Bắc Kinh trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về lao động. Những nghị sĩ khác thì bày tỏ lo ngại về việc thỏa thuận này sẽ “chọc giận” chính quyền Tổng thống Biden.

Reinhard Bütikofer, một nghị sĩ thuộc Đảng Xanh của Đức và là lãnh đạo nhóm đàm phán với Trung cộng của Nghị viện châu Âu – một trong những người bị Bắc Kinh trừng phạt, cho rằng sự ủng hộ với thỏa thuận trên đang ngày càng giảm dần khi các đồng nghiệp của ông nhận thấy nó có thể làm hao hụt đầu tư công nghiệp từ châu Âu.

“CAI thực sự là một rắc rối lớn. Tuy nhiên, tôi sẽ không nói rằng nó kết thúc. Vẫn sẽ có những khả năng để cứu vãn nó”.

Dù vậy, sự phản ứng của Trung cộng với lập trường của EU về vấn đề Tân Cương là một bước ngoặt trong quan hệ hai bên.

“Hàng loạt diễn biến tuần trước một nhân tố thách thức cuộc chơi”, Janka Oertel, người đứng đầu chương trình châu Á thuộc Hội đồng Đối ngoại châu Âu nhận định.

“Bắc Kinh không còn coi châu Âu tách riêng khỏi cuộc tấn công rộng khắp nhắm vào nước này nữa”.

Trung cộng coi thỏa thuận đầu tư với EU là một cơ hội để chia rẽ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu, nghị sĩ Bütikofer nhận định. Bắc Kinh cảm thấy “những nỗ lực của mình nhằm vô hiệu hóa châu Âu trong cuộc cạnh tranh siêu cường với Mỹ đang có tiến triển”.

Tuy nhiên, sự hợp tác trừng phạt của phương Tây chẳng khác nào một cú đánh vào Trung cộng, ông Bütikofer đánh giá, đồng thời nhắc đến việc Trung cộng đáp trả châu Âu bằng cách biện pháp mạnh hơn lệnh trừng phạt của EU nhằm vào nước này.

Trong khi Trung cộng trừng phạt EU thì Mỹ ra sức lôi kéo khối này. Trong bài phát biểu tại trụ sở của NATO hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tuyên bố: “Mỹ không buộc các đồng minh của chúng tôi phải lựa chọn “ta hay họ” trong cuộc cạnh tranh với Trung cộng. Chúng tôi biết các đồng minh của mình có mối quan hệ phức tạp với Bắc Kinh mà không phải lúc nào cũng có thể sắp xếp ổn thỏa. Tuy nhiên, chúng ta cần đối phó với những thách thức này cùng nhau”.

EU nghĩ lại chiến lược với Trung cộng

Cuộc chiến trừng phạt tuần trước cũng buộc EU đánh giá lại chiến lược với Trung cộng. Năm 2019, khối này đã duy trì một hướng tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh, cũng như thúc đẩy các chính sách để đối phó với một quốc gia vừa là đối tác, đối thủ và kẻ thù có hệ thống. Các nhà quan sát nhận định, cho tới nay, EU phần lớn phớt lờ việc Trung cộng là một kẻ thù có hệ thống. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từ chối sử dụng cụm từ này và thậm chí cấm các quan chức nước này dùng nó.

Tuy nhiên, khi ngày càng tiếp xúc sâu hơn thì cũng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều bất đồng lộ rõ.

“Xu hướng hợp tác sẽ thu hẹp hơn trong khi sự cạnh tranh và đối đầu ngày càng lớn“, chuyên gia Oertel đánh giá về mối quan hệ EU – Trung cộng.

Điều này sẽ ngày càng rõ ràng hơn khi năm nay, EU thúc đẩy bộ công cụ phòng thủ đơn phương để phản ứng dễ dàng hơn với Bắc Kinh với các quy định về trợ cấp nhà nước, các biện pháp chống cưỡng ép về kinh tế…

Bạn không thể hợp tác như thể không có sự đối đầu nào. Điều đó là bất khả thi“, nghị sĩ Bütikofer bình luận.

Theo Financial Times