Việt Nam: Tòa tuyên án bà Cấn Thị Thêu và con trai, mỗi người 8 năm tù
NGUỒN HÌNH ẢNH,HRW Chụp lại hình ảnh, Trịnh Bá Tư và mẹ, bà Cấn Thị Thêu
Hội đồng xét xử TAND tỉnh Hòa Bình ngày 5/5 tuyên phạt bị cáo Trịnh Bá Tư 8 năm tù, bị cáo Cấn Thị Thêu 8 năm tù với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá nhà nước”.
Sau khi mãn hạn tù, các bị cáo phải chịu sự quản thúc trong thời gian 3 năm.
Bà Cấn Thị Thêu bị bắt cùng hai con trai là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư ngày 24/6/2020.
Hiện chưa có lịch xét xử ông Trịnh Bá Phương – người hiện nay được giam ở trại giam số 1 Hỏa Lò, Hà Nội.
Ông Trịnh Bá Khiêm, chồng bà Cấn Thị Thêu, phát livestream trên Facebook cho hay ông đến tòa nhưng không được vào dự vì không có căn cước. Nhiều bà con Dương Nội cũng tới tham dự nhưng bị công an ‘lùa sang bên kia đường’.
Sau đó, ông Khiêm được cho vào trong sân tòa nhưng không được vào trong phòng xử.
Con gái ông Khiêm là Trịnh Thị Thảo và con dâu Đỗ Thị Thu được tham dự phiên tòa.
Trong các video và hình ảnh được gia đình ông Khiêm đăng trên Facebook, có thể thấy có rất nhiều công an, cảnh sát, xe cứu hỏa, cứu thương… được huy động trước cổng tòa án Hòa Bình.
‘Tên tôi là “Nạn nhân cộng sản”
“Đó là câu trả lời của bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Tư cho tòa về họ tên trong phần xác định lý lịch.”
“Chứng kiến sự đanh thép, bất khuất … của họ tại tòa, mất tự chủ, tôi chảy nước mắt vì xấu hổ,” luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong bốn luật sư bào chữa cho bà Thêu và ông Tư, thuật lại vào giờ nghỉ trưa của phiên tòa.
NGUỒN HÌNH ẢNH,THU DO Chụp lại hình ảnh, Lực lượng bảo vệ và xe cứu hỏa trước tòa án Hòa Bình hôm 5/5/2021
Ngay trước phiên tòa, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã phát đi thông cáo báo chí, kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ngay lập tức bà Thêu và hai con trai, đồng thời bãi bỏ mọi cáo buộc đối với họ.
John Sifton, Giám đốc vận động khu vực châu Á của HRW phát biểu: “Cấn Thị Thêu và gia đình bà là những người bảo vệ nhân quyền dám lên tiếng ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nên lắng nghe những người như gia đình dũng cảm này, không nên ném họ vào tù.”
Thông cáo của HRW cũng cáo buộc chính quyền Việt Nam đã ‘vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế’ khi không cho luật sư gặp bà Thêu và ông Trịnh Bá Tư trong suốt chín tháng, đồng thời không cho phép gia đình họ được thăm gặp.
NGUỒN HÌNH ẢNH,THU DO Chụp lại hình ảnh, Người dân Dương Nội tới dự phiên tòa nhưng không được vào
Ông Sifton nói: “Ngay cả khi đối mặt với sự ngược đãi và tàn bạo, bà Cấn Thị Thêu và gia đình đã thể hiện sự dũng cảm lớn lao khi theo đuổi hoạt động vận động nhân quyền, trong khi chính phủ Việt Nam lại thiếu can đảm lắng nghe những lời chỉ trích của công dân. Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam cần lên tiếng ủng hộ những người bất đồng chính kiến dũng cảm này và lên án thành tích đàn áp tồi tệ của Việt Nam”.
Vì sao bà Thêu và con trai bị bắt?
Gia đình bà Thêu, một gia đình thuần nông dân ở Dương Nội, Hà Nội, bị mất đất sau khi nhà nước tịch thu cho ‘dự án phát triển đô thị’.
Hai vợ chồng bà Thêu bị bắt tù lần đầu vào năm 2014 với tội danh ‘chống người thi hành công vụ’, khi bà Thêu quay phim vụ cưỡng chế đất ở Dương Nội.
Ra tù, bà Thêu tiếp tục biểu tình phản đối nạn cưỡng chế đất. Bà cũng tham gia vào các cuộc biểu tình vì môi trường, dân chủ, và ủng hộ các nhà hoạt động khác. Những việc này khiến bà bị chính quyền bỏ tù lần hai năm 2016.
Ra tù năm 2018, bà Thêu nói mình từ ‘nhà tù nhỏ trở về nhà tù lớn’, và tuyên bố đấu tranh đến cùng vì dân chủ và quyền cua người dân mất đất. Tham gia cùng bà trong các cuộc đấu tranh này còn có hai con trai là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư.
Họ dùng mạng xã hội để lên tiếng về các vấn đề đất đai và các vụ việc khác mà họ cho là bất công trong xã hội.
Trước khi bị bắt, Trịnh Bá Phương là người tích cực đăng các tin, bài về vụ án Đồng Tâm, thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước.
Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư cũng đăng trên Facebook vào ngày bị bắt video họ nói về việc ‘không có ý định tự sát’ trong tù, và nếu họ chết thì là do bị tra tấn, đánh đập. đồng thời yêu cầu những người ủng hộ và thành viên gia đình công khai thi thể của họ nếu họ bị giết, ‘để vạch trần tội ác’ chống lại họ.
Bà Thêu cùng hai con trai bị bắt ngày 24/6/2020 trong hai vụ án khác nhau, với cùng tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
Chính quyền Việt Nam nói gì?
Bộ Công an cho hay kết quả điều tra ban đầu ‘xác định’ ba mẹ con bà Thêu ‘có hoạt động soạn thảo, đăng tải, phát tán các video clip, bài viết có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân nhằm mục đích chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo báo Tuổi Trẻ.
Cũng bộ này cho hay sau khi khám xét nơi ở của gia đình bà Thêu, cơ quan An ninh điều tra “đã thu được một số cuốn sách, một số tài liệu viết tay, đĩa CD, DVD… có nội dung liên quan đến hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước.”
Báo Công an Nhân Dân viết rằng Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư “trong quá trình hoạt động chống phá cũng thường được hậu thuẫn từ bên ngoài, các trang mạng thù địch tung hô, biến họ thành những con rối, ngông cuồng, thách thức luật pháp”.
Tờ này mô tả bà Thêu nhiều lần tập trung hàng trăm dân ở Dương Nội để khiếu kiện, la ó, căng băng rôn, khẩu hiệu ‘gây mất trật tự công cộng’. Rằng bà nhiều lần được răn đe nhưng ‘không hối cải’, lại còn lôi kéo hai con trai là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư vào ‘vòng tội lỗi’.
BBC (05.05.2021)
Nhà hoạt động Cấn Thị Thêu và con trai bị tuyên án tổng cộng 16 năm tù
Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư tại toà án tỉnh Hoà Bình hôm 5/5/2021 Báo Hoà Bình
Tòa án tỉnh Hòa Bình vào chiều ngày 5/5 tuyên nhà hoạt động Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư mỗi người tám năm tù và ba năm quản chế với cáo buộc tội ‘làm, tàng trữ, phán tán tài liệu tuyên truyền chống Nhà nước’ theo điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong bốn luật sư tham gia bào chữa cho bà Cấn thị Thêu và Trịnh Bá Tư tại phiên xử, cho Đài Á Châu Tự do biết về kết quả phiên xử và một số nội dung liên quan:
“Tòa tuyên 8 năm tù và 3 năm quản chế cho mỗi người. Điều này không nằm ngoài dự kiến.
Cả hai người đều chuẩn bị tốt cho phiên tòa; họ điềm đạm, kiên định, mạnh mẽ. Tôi từng tham gia nhiều vụ án chính trị nhưng chưa thấy ai như họ.”
Thông tin từ gia đình cho biết cô Trịnh Thị Thảo, con gái bà Thêu và là chị của Trịnh Bá Tư cùng cô Đỗ Thị Thu, con dân bà Thêu, vợ Trịnh Bá Phương, được cho vào dự phiên xử. Ông Trịnh Bá Khiêm, chồng bà Thêu và cha của Trịnh Bá Tư không được vào dự với lý do không có giấy căn cước; tuy nhiên theo ông thì ông đang làm giấy này.
Cô Trịnh Thị Thảo và luật sư Đặng Đình Mạnh đều viết trên Facebook cá nhân về những đáp trả của bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư tại tòa. Khi được hỏi họ, tên, cả hai đều trả lời ‘tên tôi là nạn nhân cướp đất’. Cả hai cho rằng chính quyền không đại diện cho người dân mà tiến hành cướp bóc khắp từ Bắc vào Nam.
Ngoài ra, bà Cấn Thị Thêu cho biết bà bị giam chung phòng với người bị nhiễm HIV và khi họ đánh nhau bà có can ngăn và bị chảy máu nên yêu cầu được đi xét nghiệm phơi nhiễm; nhưng trại giam không cho. Bà cho biết phòng giam rộng 7 m2 và giam 10 người.
Anh Trịnh Bá Tư nói trước tòa anh bị kiểm sát viên có tên Vũ Bình Minh chửi rủa và một điều tra viên cho biết nếu nhận tội án sẽ ở mức sáu năm, còn không sẽ bị tám năm tù.
Khi được tòa hỏi về các video clip liên quan vụ Đồng Tâm mà công an cho rằng chúng gây hoang mang cho người dân, cả hai trả lời họ muốn nói lên sự thật khách quan, tố cáo tội ác cho cả nước và thế giới biết nhằm ngăn chặn việc làm sai trái của các quan chức.
Bà Cấn Thị Thêu và hai con trai Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư cùng một người dân Dương Nội khác là Nguyễn Thị tâm bị bắt giữ vào ngày 24/6/2020.
Họ là những người tích cực đưa tin về vụ Đồng Tâm từ phía người dân trong cuộc.
Bà Cấn Thị Thêu từng bị tù hai lần vào năm 2014 và 2016 do kiên định đấu tranh giữ đất tại làng Dương Nội bị chính quyền địa phương thu hồi và giao cho công ty tư nhân một cách phi pháp.
RFA (05.05.2021)
Ân Xá Quốc Tế: Kết án bất công bà mẹ và người con là một trò đùa công lý
Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư HRW
Ngay sau khi Tòa tỉnh Hòa Bình tuyên án đối với nhà hoạt động Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư vào ngày 5/5, Tổ chức Ân Xá Quốc tế (AI) ra thông cáo cho rằng việc kết án bất công đó là một trò đùa công lý.
Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư bị tuyên mỗi người tám năm tù và ba năm quản chế với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước.
Bà Emerlynne Gil, Phó giám đốc Nghiên cứu Khu vực của Ân Xá Quốc tế, được dẫn lời như vừa nêu trong thông cáo báo chí. Bà này còn cho rằng bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư là những nhà bảo vệ nhân quyền can đảm mà lẽ ra chính phủ Việt Nam phải bảo vệ chứ không thể sách nhiễu và bỏ tù.
Đại diện Ân Xá Quốc Tế cho rằng ngay lẽ ra họ không thể nào bị bắt giữ chứ đừng nói đến chuyện kết tội với những cáo buộc ngụy tạo. Rõ ràng hai người này bị trừng phạt nhằm trả thù đối với hoạt động ôn hòa phơi bày bất công và những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Thật đáng buồn khi hoạt động ôn hòa bảo vệ quyền con người lại phải đối diện với những án tù nặng nề.
Ân xá Quốc tế kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam phải ngay lập tức hủy bỏ bản án bất công và trả tự do vô điều kiện cho bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư. Không chỉ hai người này mà cơ quan chức năng Việt Nam còn phải trả tự do cho tất cả những người bị bỏ tù bất công khác tại Việt Nam.
RFA (05.05.2021)
HRW kêu gọi trả tự do cho nhà hoạt động dân chủ Cấn Thị Thêu và hai con
Bà Cấn Thị Thêu và con trai là Trịnh Bá Tư ( Ảnh chụp ngày 06/04/2018) © HRW
Trong một thông cáo đưa ra ngày 04/05/2021, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch (HRW) yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động dân chủ Cấn Thị Thêu, cùng hai con trai của bà và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với họ. Bà Cấn Thị Thêu cùng con trai út là Trịnh Bá Tư sẽ phải ra tòa ngày mai 05/05. Cả ba mẹ con bà Cấn Thị Thêu đã bị giam giữ từ tháng 06/2020.
Theo thông cáo của HRW, trong suốt hơn một thập niên qua, bà Cấn Thị Thêu cùng với chồng là ôngTrịnh Bá Khiêm và hai người con trai đã tham gia một số cuộc biểu tình và vận động về nhân quyền, quyền lợi đất đai, bảo vệ môi trường… Chính quyền Việt Nam đã từng bắt giam cả hai vợ chồng bà, cũng như liên tục sách nhiễu và đe dọa họ và những người khác trong gia đình.
HRW cho biết công an tỉnh Hòa Bình và công an Hà Nội đã bắt giữ bà Cấn Thị Thêu, 59 tuổi, và hai con trai bà là Trịnh Bá Tư, 32 tuổi và Trịnh Bá Phương, 36 tuổi vào ngày 24/06/2020. Ba người bị báo buộc tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” chiếu theo điều 117 của Bộ Luật hình sự.
Cũng theo thông cáo của HRW, suốt 9 tháng kể từ ngày họ bị bắt, chính quyền vẫn không cho luật sư cũng như người nhà gặp bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư. Người nhà cũng không được gặp hai người. Hiện vẫn chưa có lịch xét xử người anh Trịnh Bá Phương, hiện vẫn bị giam và cũng không được gặp luật sư hay người nhà.
Tổ chức nhân quyền của Mỹ nhắc lại là trong vài năm gần đây, Việt Nam đã bắt giữ hàng trăm nhà bất đồng chính kiến và hiện có 137 tù chính trị đang thụ án hình sự vì hoạt động nhân quyền hay phê phán chính quyền. Trong 4 tháng đầu năm 2021, chính quyền Việt Nam đã bắt thêm 10 nhà bất đồng chính kiến. Trong cùng khoảng thời gian này, các tòa án Việt Nam đã kết án ít nhất thêm 12 nhà bất đồng chính kiến, với các án tù từ 2 đến 15 năm.
RFI (04.05.2021)
Tự Do Báo Chí Thế Giới: Bắc Âu đi đầu, Pháp hạng 34, Việt Nam hạng 175
Ảnh minh họa: Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters sans Frontières RSF) là một trong những tổ chức bảo vệ quyền tự do báo chí trên thế giới. AFP – PHILIPPE LOPEZ
Nhân ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới mồng 3 tháng 5, Liên Hiệp Châu Âu tuyên bố sẵn sàng đẩy mạnh chiến dịch chống tin giả và hỗ trợ các cơ quan truyền thông độc lập. Theo thông cáo của Phóng Viên Không Biên Giới, Pháp đứng hạng thứ 34 trong số 180 quốc gia. Khối Bắc Âu dẫn đầu về quyền tự do báo chí.
Trước thềm Ngày Tự Do Báo Chí, Chủ Nhật 02/05/2021 lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu, Josep Borrell tuyên bố : « Quyền tự do báo chí tiếp tục bị đe dọa vào thời điểm mà thông tin và các phương tiện truyền thông độc lập là điều cần thiết hơn bao giờ hết ».
Liên Âu nêu bật hiện tượng các phóng viên « tiếp tục hành nghề trong các điều kiện khó khăn, chịu áp lực cả về tài chính lẫn chính trị », một số bị « theo dõi, bị tống giam một cách vô tội vạ » hay bị sách nhiễu, bạo hành trong lúc tác nghiệp.
Theo báo cáo của UNESCO, trong năm 2020 đã có 76 nhà báo bị sát hại trên thế giới, nhiều người bị đe dọa. Hiện tượng này đặc biệt đè nặng lên các nữ phóng viên.
Tháng trước, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới của Pháp công bố báo cáo về quyền tự do thông tin. Theo bản xếp hạng này, Pháp đứng hạng thứ 34, trước Slovakia và Slovenia.
Nhưng dẫn đầu bảng vẫn là ba nước Bắc Âu : Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển. Mỹ đứng hạng 44 và Trung Quốc xếp hàng 177, Việt Nam xếp hạng thứ 175 còn Nga đứng hạng 150.
RFI (03.05.2021)
Chủ tịch Đài Á Châu Tự Do kêu gọi thực thi công lý đối với phóng viên nhân ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới
Hình minh hoạ. Ba blogger và cộng tác viên của RFA hiện đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ. Từ trái qua: nhà báo Nguyễn Văn Hoá, blogger Trương Duy Nhất, blogger Nguyễn Tường Thuỵ Photo: RFA
Chủ tịch Đài Á Châu Tự Do, bà Bay Fang, vào ngày 3 tháng 5, ra thông cáo kêu gọi tiếp tục yêu cầu các chính phủ chấm dứt đàn áp các phóng viên.
Kêu gọi của người đứng đầu Đài Á Châu Tự Do, trụ sở chính tại Washington D.C. Hoa Kỳ, được đưa ra nhân Ngày Tự Do Báo chí Thế giới khi mà khuynh hướng đáng báo động về nạn loan truyền thông tin bị bóp méo và sự gia tăng về thực tế mất niềm tin vào một nền báo chí dựa trên dữ kiện.
Thông cáo báo chí dẫn lời bà chủ tịch Bay Fang rằng “Tình trạng suy sút dữ dội về quyền tự do báo chí trong thời gian dịch bệnh nêu bật yêu cầu cấp thiết về một nền báo chí có trách nhiệm không thể bao giờ bị đưa ra xử tội. Những chiến thuật tinh vi ngày một nhiều được cấp kiểm duyệt tại Hong Kong, Miến Điện, Khu tự trị Tân Cương và Việt Nam có nghĩa là công tác tường thuật của RFA trở nên ngày càng cấp thiết trong việc bổ sung những thông tin tại các địa phương bị thiếu vắng.”
Đối với Việt Nam, Chủ tịch Đài Á Châu Tự Do nhắc đến trường hợp ba cộng tác viên Nguyễn Tường Thụy, Trương Duy Nhất và Nguyễn Văn Hóa đang phải thụ án tù tương ứng là 11, 10 và 7 năm. Những án tù này bị cho là bất công chỉ vì họ thực thi công việc khi mà chính quyền trấn trên diện rộng đối với những tiếng nói chỉ trích và các nhà báo công dân.
Bà Bay Fang nhắc lại vào khi RFA kỷ niệm 25 năm đem tự do báo chí đến cho những xã hội bị đóng kín tại Châu Á, Đài tiếp tục nhắc lại vài trò thiết yếu của báo chí trong công tác gióng lên tiếng nói của những người không được chính quyền lắng nghe và buộc những người cầm quyền phải chịu trách nhiệm đối với tầng lớp mà họ nói là đang được họ phục vụ.
Nhân dịp ngày Tự do Báo chí Thế giới năm nay, RFA cũng khởi động một chiến dịch truyền thông mạng nhấn mạnh đến vai trì của báo chí trong việc bảo đảm tính minh bạch. Cụ thể, trên các tài khoản Twitter, Facebook và Instagram của Đài, những tường thuật ‘độc quyền’ đặc biệt của RFA được nêu rõ. Đó là những phóng sự về biện pháp tàn bạo của cảnh sát quân đội Miến Điện đối với người biểu tình và những nhân viên y tế tự nguyện cho đến những tường trình về việc các người lên tiếng báo COVID-19 tại Trung Quốc bị mất tích…Tất cả soi rọi về những sự việc, biến cố bị giới kiểm duyệt xóa bỏ.
RFA (03.05.2021)
Tổ chức Project 88 tố nhà cầm quyền CSVN tiếp tục siết cổ báo chí
Một bài viết trên tạp chí thời sự chính trị Diplomat cáo buộc nhà cầm quyền CSVN tiếp tục siết cổ báo chí độc lập tại Việt Nam.
Bài viết cho rằng khi chế độ độc tài đảng trị CSVN còn tồn tại ở Việt Nam, nơi mà ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng, tự khoe rằng “tự do đến thế là cùng” thì chẳng có hy vọng gì sẽ có tự do thông tin, tự do báo chí cả. Đó là một phần nội dung bài phân tích trên tạp chí Diplomat số ra ngày 3 Tháng Năm của tác giả Stewart Rees.
Bà Trần Thị Tuyết Diệu (thứ hai từ phải), cựu phóng viên báo Phú Yên, bị xét nhà ngày 23 Tháng Tám, 2020. (Hình: Công An Nhân Dân)
Ông Rees là một cộng tác viên của Tổ Chức Bảo Vệ Nhân Quyền Project 88, một tổ chức có trụ sở chính tại Hoa Kỳ do một số nhà hoạt động nhân quyền Mỹ và người Mỹ gốc Việt Nam sáng lập, điều hành.
Project 88 có bản tin phổ biến hằng tuần về tin tức nhân quyền tại Việt Nam.
Tác giả Stewart Rees kể trên Diplomat một số vụ đàn áp nổi bật giới cầm bút độc lập mấy năm gần đây như bỏ tù bà Trần Thị Tuyết Diệu ở Phú Yên, bỏ tù ba người đứng đầu Hội Nhà Báo Độc Lập (Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn), bắt bà Phạm Đoan Trang ở Sài Gòn, bắt nhà truyền thông độc lập Lê Trọng Hùng ở Hà Nội, bắt ông Trần Quốc Khánh ở Ninh Bình, bắt ông Trương Châu Hữu Danh ở Long An và ba cộng tác viên “Báo Sạch” của ông là Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Phước Trung Bảo.
Họ bị cáo buộc các tội danh theo các điều luật hình sự rất mơ hồ, giải thích ngược xuôi đều được, như “Tuyên truyền chống nhà nước…,” “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” thậm chí cả tội “Hoạt động lật đổ…” mà bản án có thể lên đến tử hình, dù người ta chỉ viết những điều nào đó ngược với sự tuyên truyền của nhà cầm quyền.
Những người bị bắt và bỏ tù là những người làm truyền thông độc lập, sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin thời sự xã hội, hoặc bình luận về các vấn đề liên quan, trực tiếp đến người đọc, người nghe trên Facebook, YouTube, không qua sự kiểm duyệt của nhà cầm quyền CSVN. Một số người trong số đó từng làm cho báo tuyên truyền của chế độ, không chấp nhận tiếp tục tuyên truyền dối trá, trở thành người đưa tin độc lập.
Theo ông Rees, các vụ bắt giữ những người hoạt động truyền thông độc lập là một phần của tình trạng ngày càng tồi tệ về quyền tự do phát biểu tại Việt Nam khi nhà cầm quyền CSVN ngày càng soi mói nghiêm ngặt nội dung bài viết hoặc thông tin hay lời phát biểu người ta đưa lên mạng.
Đầu năm 2019, Luật An Ninh Mạng CSVN có hiệu lực, trong đó, nhà cầm quyền buộc các công ty dịch vụ Internet phải giao nộp các dữ liệu, thông tin cá nhân khách hàng để nhà cầm quyền sử dụng làm tài liệu bỏ tù công dân. Năm 2020, công ty Facebook chấp nhận gia tăng kiểm duyệt nội dung người ta phổ biến trên các trang Facebook cá nhân sau khi nhà cầm quyền CSVN cắt mạng Facebook tại Việt Nam để làm áp lực.
Mạng xã hội rất phổ biến tại Việt Nam, riêng Facebook đã có khoảng 66 triệu người có tài khoản cá nhân, tức tới hai phần ba dân số cả nước. Mạng xã hội là một diễn đàn để thảo luận mọi loại đề tài, phê phán, cũng như tự do trao đổi các ý tưởng chính trị khác nhau. Tất cả những ý niệm ấy đều bị đảng CSVN phản bác.
Ít nhất có 10 người bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam năm 2020 chỉ vì những lời bình luận của họ trên mạng xã hội. Họ chẳng là thành phần của tổ chức hay phe nhóm nào cả, mà chỉ là những cá nhân phát biểu độc lập, theo bản báo cáo nhân quyền hằng năm của Project 88.
Ba nhà báo độc lập (từ trái) Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn và Phạm Chí Dũng bị CSVN kết án tù ngày 5 Tháng Giêng, 2021. (Hình: Quân Đội Nhân Dân)
Theo bài viết trên tạp chí Diplomat, tự do báo chí là điều cốt yếu để người dân buộc những kẻ làm chính trị, cầm quyền, phải thi hành đúng nhiệm vụ phục vụ quyền lợi của dân. Các nhà báo độc lập, những người vận động dân sự dùng mạng xã hội để tổ chức chống đối các luật lệ đi ngược lại quyền lợi của dân, vận động chống tham nhũng, chống tàn hại môi trường.
Nhà cầm quyền CSVN tước đoạt quyền tự do phát biểu, tự do thông tin của người dân là nhằm phục vụ lợi ích của nhà cầm quyền độc tài, đương nhiên là công dân phải chịu đựng hệ quả tù tội.
Khi nhà độc tài Nguyễn Phú Trọng ở lỳ lại thêm nhiệm kỳ thứ ba dù đã quá tuổi nghỉ hưu, đây là dấu hiệu kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt và các bản án nặng nề sẽ tồn tại. Ông Rees nói rằng đó là “tin xấu cho giới nhà báo, tin xấu cho Việt Nam.”
Người Việt (03.05.2021)
Tự do báo chí: Việt Nam không đồng cách hiểu với thế giới?
Phạm Lê Đoan
“Thà chết chứ không gả con cho anh, đơn giản vì anh làm báo”…
Trên thế giới ngày nay, tự do ngôn luận và tự do báo chí là các yếu tố hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của mỗi quốc gia, đồng thời là biểu hiện trực tiếp của quan niệm, chính sách nhân quyền ở quốc gia đó.
“Đệ trình đáp ứng Nghị quyết 74/157 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về “Sự an toàn của các nhà báo Việt Nam và vấn đề trừng phạt” đăng trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 30-4-2021, cho thấy dường như có cách hiểu khác biệt nhau về tự do báo chí ở Việt Nam với nhiều quốc gia khác.
Khác biệt này chính là “tự do tư tưởng” ở Việt Nam chịu sự giới hạn trong quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Nền tảng tư tưởng bắt buộc phải là “chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tất cả điều này được nâng ở mức tầm Hiến định, ghi tại Điều 4.1 của Hiến pháp 2013.
Như vậy, mọi so sánh về “tự do báo chí” ở Việt Nam cần đặt trong nội hàm của Điều 4.1, Hiến pháp 2013, qua đó sẽ thấy rất rõ rằng ở Việt Nam thật sự có quyền tự do báo chí đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ về tư tưởng nhất quán trên nền tảng “chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Dẫn chứng: Nội hàm của quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân ở Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã được thể hiện trong các Điều 10 và Điều 11 Luật Báo chí năm 2016.
Điều 10 giải thích cụ thể công dân có các quyền tự do báo chí sau: (1). Sáng tạo tác phẩm báo chí; (2). Cung cấp thông tin cho báo chí; (3). Phản hồi thông tin trên báo chí; (4). Tiếp cận thông tin báo chí; (5). Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; (6). In, phát hành báo in.
Điều 11 Luật Báo chí năm 2016 cũng quy định cụ thể quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.
Theo đó, công dân có quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.
Một dẫn chứng liên quan đến quy định về giới hạn quyền tự do báo chí: Ở Việt Nam, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 xác định rõ: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Cụ thể hóa điều này, Luật Báo chí năm 2016 liệt kê các hành vi, nội dung bị cấm thông tin trên báo chí như: đăng, phát thông tin chống Nhà nước, có nội dung xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân;
đăng, phát thông tin có nội dung gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;
đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật…
Một nhà báo chia sẻ: “Nếu chính trị là quyền lực, thì báo chí là sự thật, nhưng trên thực tế, sự thật luôn được tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau. Không phải vậy mà tiền bối Vũ Bằng (1913 – 1984), một nhà báo, nhà văn nổi tiếng của nước ta, từng viết sách “40 năm nói láo”, dựa trên lời cảnh cáo đanh thép của dân gian: “Làm báo nói láo ăn tiền”!
Khi còn làm báo Tuổi Trẻ, tôi từng chứng kiến một đồng nghiệp đã bị cha mẹ bạn gái thẳng thừng từ chối: “Thà chết chứ không gả con cho anh, đơn giản vì anh làm báo”…
Đúng là có một cách hiểu rất khác về “tự do báo chí” ở Việt Nam.
VNTB (05.05.2021)