Covid : Giả thiết virus lây nhiễm qua loài vật ngày càng lung lay
Về nguồn gốc đại dịch Covid, hồ sơ của L’Express tuần này có các bài điều tra, phóng sự, xã luận đề cập đến mọi khía cạnh. Từ giả thiết virus lây qua loài vật đến rò rỉ từ phòng thí nghiệm, cuộc đấu khẩu giữa Washington và Bắc Kinh, đến các nhà khoa học Pháp đã khơi lại vấn đề tai nạn nghiên cứu, và những khó khăn của các nhà báo khi muốn tìm hiểu sự thực ở Vũ Hán.
Kịch bản đầu tiên được đưa ra vào tháng Giêng 2020 : một con dơi bị lây nhiễm từ một con tê tê, hai virus phối hợp gây ra dịch bệnh tại chợ Hoa Nam. Chuyện « cổ tích » do Bắc Kinh kể được tạp chí uy tín Nature đăng, nhưng một năm rưỡi sau, con tê tê được tuyên vô tội. Tạp chí y học nhiều ảnh hưởng The Lancet ủng hộ giả thiết virus lây từ loài vật. Peter Daszak, chủ tịch tổ chức phi chính phủ EcoHealth Alliance, trưởng ban biên tập của tạp chí về Covid, có xung đột lợi ích vì từ nhiều năm qua hợp tác với Viện Virus học Vũ Hán (WIV), tổ chức của ông tài trợ cho phòng thí nghiệm P4. Ông Daszak không trả lời tuần báo Pháp.
Giả thiết này ngày càng lung lay vì trên 80.000 mẫu vật do các nhà điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thu thập được trên nhiều loài ở Hồ Bắc, không có mẫu nào chứa Sars-Co-V. Trong khi đó đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đã báo động về tình trạng an toàn của phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán, nơi Pháp giúp xây dựng, nhưng không chuyên gia Pháp nào được đặt chân vào.
Do không chen chân vào được các tạp chí khoa học để bảo vệ giả thiết tai nạn phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đành phải phổ biến các phát kiến của mình trên các kênh khác như Twitter. Chẳng hạn Drastic, một nhóm « thám tử » khoa học. Ngày 27/10/2020, nhà virus học Pháp Etienne Decroly là một trong những người đầu tiên kêu gọi khai thác hướng này.
Con đường gian nan đi tìm sự thật về con virus ở Vũ Hán
Decroly không chỉ là chuyên gia về virus corona, mà ông còn làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại một phòng thí nghiệm Canada chuyên về protein « Spike », chiếc chìa khóa của virus này để xâm nhập vào tế bào người. Nhờ chuyên môn sâu, ông nhanh chóng nhận ra những bất thường trong gien Sars-Co-V2 được công bố. Cùng với đồng nghiệp Bruno Canard và « nhóm Paris », các lá thư ngỏ đã được đăng để đánh động dư luận.
Câu trả lời về nguồn gốc Covid nằm tại Trung cộng, nơi ba công nhân đi thu thập phân dơi móng ngựa cho Viện Virus Vũ Hán tại mỏ Mặc Giang (Mojiang) đã tử vong năm 2012 với những triệu chứng giống Covid, và theo tình báo Mỹ, có những nhà nghiên cứu của WIV đã phải nhập viện trước khi đại dịch được công bố. Nhưng cuộc điều tra của các phóng viên L’Express tại Vũ Hán mang không khí của một câu chuyện trinh thám : chữ « nhà báo » trên hộ chiếu khiến công việc không hề dễ dàng. Khách sạn không cho tiếp khách, những người được hỏi tỏ ra lo sợ. Khu chợ Hoa Nam đóng cửa, con đường chạy ngang qua chợ đầy dẫy camera giám sát, nhân viên mặc đồng phục tuần tra không cho nhìn vào bên trong.
Phòng thí nghiệm P4 trị giá 38 triệu euro do Pháp trợ giúp nằm cách đó 15 km như một pháo đài bất khả xâm phạm. Tại Vũ Hán, có ít nhất 4 nơi nghiên cứu về virus corona, trong đó có một phòng thí nghiệm P3 nằm cách chợ Hoa Nam 1,5 km, chứa 10.000 mẫu virus corona từ loài dơi. Nhà báo bị từ chối tham quan, ê-kíp WHO chưa bao giờ đến thăm các phòng thí nghiệm này. Tại Trung cộng bây giờ, chính thông tin mới bị phong tỏa. Trong khi đã có ít nhất 3 đến 4 triệu người chết vì con virus, tức 3 đến 4 triệu lý do để tìm hiểu cho được vì sao phát sinh đại dịch.
Courrier International trích dịch Financial Times, nêu ra hệ quả địa chính trị, nếu giả thiết phòng thí nghiệm được xác định. Dù chính quyền Mỹ kềm chế, một phát hiện như thế tất yếu dẫn đến kiện tụng tại Mỹ để đòi số tiền bồi thường khổng lồ, nỗ lực giữ thăng bằng quan hệ coi như bằng 0. Bắc Kinh sẽ phản ứng hung hăng hay giở một trò gì khác để đánh lạc hướng quốc tế. Tờ báo kết luận, nỗ lực truy tìm nguồn gốc đại dịch là cần thiết, nhưng cũng hàm chứa những rủi ro.
( trích FR-Radio France International).
***
CORONAVIRUS ĐẾN TỪ ĐÂU?
Sau 18 tháng hoành hành, gieo rắc bao kinh hoàng ở 193 quốc gia với gần 4 triệu người chết, nhân loại vẫn chưa biết con vi trùng Covid-19 đến từ đâu và đang nhất quyết tìm cho ra.
Áp lực của thế giới lên Trung cộng ngày càng tăng. Một cuộc điều tra toàn diện về nguồn gốc của virus Sars-CoV-2 phải được tiến hành. Tại cuộc họp nội bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tuần này, đại diện của các nước EU đã yêu cầu “một sứ mệnh nâng cao nhận thức khác phải được khởi động“: Không được trì hoãn thêm nữa. Chỉ có một cuộc điều tra toàn diện về nguồn gốc của virus “mới giúp chúng ta hiểu rõ, kiểm soát và ngăn ngừa được đại dịch này trong tương lai”, theo các viên chức EU.
Chủ tịch Ủy ban Liên Âu Ursula von der Leyen tuyên bố công khai: “Chúng ta phải biết loại virus này đến từ đâu.” Điều này là cần thiết để ngăn chặn các đại dịch tiếp theo – hoặc ít nhất là để chuẩn bị đối phó với chúng. Người ta dự kiến sẽ có một tuyên bố liên quan đến nội dung này tại hội nghị thượng đỉnh EU-Hoa Kỳ ở Brussels vào tuần tới. Bản dự thảo tuyên bố rằng một cuộc điều tra “minh bạch, dựa trên bằng chứng và có sự chỉ đạo của chuyên gia” dưới sự chỉ đạo của WHO là rất cần thiết. Cuộc điều tra này “không thể bị ngăn cản”.
Nhiều câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời
Những tuyên bố này gây áp lực ngày càng lớn lên WHO, phải cử một phái đoàn điều tra khác đến Trung cộng. 18 tháng sau những ca nhiễm đầu tiên được biết đến, nguồn gốc của virus vẫn còn trong bóng tối. Nhiều nhà khoa học xem nguồn gốc trong tự nhiên là có thể xảy ra, nhưng cũng không thể loại trừ một tai nạn trong phòng thí nghiệm. “Viện Vi trùng Vũ Hán” là trung tâm nghiên cứu vi-rút của Trung cộng.
Tổng thống Joe Biden đã chỉ thị cho các cơ quan tình báo Hoa Kỳ điều tra kỹ lưỡng nguồn gốc đại dịch. Dự kiến sẽ có kết quả vào mùa hè này. Một ủy ban gồm các chuyên gia của WHO và các nhà khoa học Trung cộng đã điều tra vụ bùng phát vào đầu năm nay, nhưng chính phủ Trung cộng từ chối xem các tài liệu gốc và chỉ cho phép thăm phòng thí nghiệm ở Vũ Hán vỏn vẹn hơn ba giờ một chút.
Đặc biệt, Bắc Kinh nghi vấn xuất xứ vi trùng từ phòng thí nghiệm chỉ được nêu ngắn gọn trong báo cáo điều tra. Đồng thời, TC yêu cầu ghi rõ trong báo cáo luận điểm rằng virus có thể đã xâm nhập vào Trung cộng trên thực phẩm đông lạnh.
Làm thế nào để thuyết phục Trung cộng?
WHO hiện đang tìm cách thuyết phục Trung cộng về sự cần thiết của các cuộc điều tra sâu hơn và kỹ lưỡng hơn. Theo thông tin từ giới ngoại giao, điều này sẽ bao gồm quyền truy cập vào kết quả khám nghiệm của Trung cộng, hồ sơ y tế, nhưng trên hết là vào chính phòng thí nghiệm. Trọng tâm sẽ là thí nghiệm nào trên Coronavirus đã diễn ra ở Vũ Hán và liệu một nhân viên của phòng thí nghiệm có thể vô tình nhiễm bệnh hay không? Tuy nhiên, cơ hội thành công được đánh giá là thấp.
Vào buổi đầu đại dịch, TC giấu giếm kỹ sự bùng phát của dịch bệnh, rồi sau đó ngăn chặn bất kỳ cuộc điều tra nào trong nhiều tháng. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó cho rằng đó là minh chứng cho một tai nạn trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Trung cộng phải bồi thường cho các chi phí kinh tế và sức khỏe của đại dịch.
Một mặt, TC phải ngăn chặn bằng mọi giá các cuộc điều tra ngay tại Vũ Hán kẻo khi sự thật được phơi bày, mặt mũi Tc sẽ để vào đâu? Mặt khác, các siêu cường cũng phải nhất quyết thực hiện cho bằng được các cuộc điều tra để ngăn ngừa đại dịch trong tương lai vì hậu quả vô cùng khủng khiếp của nó cho đến giờ.
Trong thế đối nghịch này, ai sẽ thắng ai?
Phan Nguyên
Theo https://www.tagesschau.de/ausland/europa/eu-china-coronavirus-ursprung-101.html
***
Bắc Kinh kịch liệt phản đối giả thuyết rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm
Perry Link
Anh Khoa dịch
Bằng chứng cụ thể về việc vi rút đã bị rò rỉ: Đảng Cộng sản hằn học tấn công bất kỳ ai lên tiếng về điều này.
Tôi cũng háo hức như mọi người khi theo dõi các nhà virus học trên thế giới khi họ cố gắng xác định Covid-19 xuất hiện ra sao ở Vũ Hán, Trung cộng. Nhưng là một nhà nghiên cứu lâu năm về ngôn ngữ chính trị Cộng sản Trung cộng, tôi sẽ cần những bằng chứng thuyết phục rằng căn bệnh này đến từ loài dơi hoặc các khu chợ thịt rừng. Có đầy rẫy những bằng chứng ngôn ngữ cho thấy các nhà lãnh đạo Trung cộng tin rằng Viện Vi-rút Vũ Hán là nguồn gốc gây ra dịch bệnh.
Nhiều năm trước, một nhà văn Trung cộng nổi tiếng, Wu Zuxiang, đã giải thích với tôi rằng có sự thật trong các tuyên bố của Đảng Cộng sản, nhưng bạn phải đọc theo kiểu “lộn ngược”. Nếu một tờ báo nói rằng “Đảng đã đạt được những bước tiến lớn trong việc chống tham nhũng ở Hà Nam,” thì bạn biết rằng tình trạng tham nhũng gần đây đặc biệt tồi tệ ở Hà Nam. Nếu bạn đọc về cuộc giải cứu anh hùng tám người thợ mỏ ở đâu đó, bạn có thể đoán rằng một vụ sập hầm mỏ có thể đã giết chết hàng trăm người không được nhắc đến. Khi đọc ngược, bạn sẽ có cảm giác báo chí chính thống không bao giờ nói dối. Báo chí không thể nói dối mà phải cho bạn biết những gì Đảng muốn bạn tin, và nếu bạn có thể tìm ra động cơ của Đảng — cái luôn tồn tại — thì bạn sẽ cảm nhận được sự thật.
Cách đây vài năm, một nhà văn xuất sắc khác của Trung cộng, Tô Hiểu Khang – Su Xiaokang, đã đưa tôi đi sâu hơn một bước. Ông giải thích, những người phương Tây các bạn quá lo lắng về câu hỏi liệu các thông tin tuyên truyền có đúng hay không. Đối với nhà nước Trung Quốc, sự thật và sự giả dối không phải là vấn đề quan trọng. Một tuyên bố có thể đúng, sai hoặc đúng một phần. Điều quan trọng chỉ là liệu nó có lợi cho họ hay không. Nó có thúc đẩy lợi ích của đảng không? Các nhà lãnh đạo cao nhất đưa ra các từ và cụm từ để tay sai của họ sử dụng, giống như những cái xẻng nhỏ trong vườn. Tay sai dùng chúng để đào bới.
Sau khi Đảng Cộng sản đóng cửa thành phố Vũ Hán vào mùa đông năm 2020, một nhà văn địa phương tên là Phương Phương đã bắt đầu ghi lại tình cảnh và tâm trạng của những người xung quanh bà và đăng các bài viết này trên Internet. “Nhật ký Phương Phương” nhanh chóng thu hút một lượng lớn người theo dõi và người ta biết đến tác giả là “lương tâm của Vũ Hán”. Michael Berry, giáo sư ngôn ngữ và văn hóa châu Á ở UCLA (University of California at Los Angeles, chú thích của người dịch), người đang dịch một trong những cuốn tiểu thuyết của tác giả này, cũng bắt tay vào thực hiện các bài đăng của bà ấy. Chúng đã được HarperCollins xuất bản vào mùa hè năm ngoái.
Cuốn “Nhật ký Vũ Hán” chỉ chứa những câu chuyện thật trần trụi. Quyển sách được viết với ngôn ngữ đơn giản, không trau chuốt nổi bật ở Vũ Hán bởi vì không ai khác dám viết bất cứ điều gì. Nhưng phản ứng của Trung cộng là tấn công Phương Phương dữ dội nhất kể từ khi tấn công chống lại các nhà văn Trung cộng kể từ Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông vào cuối những năm 1960. Vào thời Mao, ông ta coi “đấu tố” là một tha động từ (transitive verb): tấn công ai đó là bao vây người đó, trên đường phố hoặc trên sân khấu, chế nhạo, lăng mạ, đe dọa và yêu cầu thú tội; không người ngoài cuộc nào dám bênh vực những người đang bị đấu tố vì sợ trở thành mục tiêu tiếp theo. Việc đàn áp bằng lời nói thường được nối tiếp bằng đánh đập, đôi khi thậm chí dẫn đến tử vong.
Tập Cận Bình đã làm sống lại cuộc đấu tranh này dưới một hình thức có thể được gọi là “cuộc đấu tranh trên không gian mạng”. Những người nhiệt thành trẻ tuổi thời Mao, được gọi là Hồng vệ binh, đã được thay thế bằng những người điên cuồng không kém có biệt danh là “Little Pinks – tiểu hồng vệ binh”. Vào mùa xuân năm 2020, tiểu hồng vệ binh và những người khác đã đấu tố Phương Phương : “Đả đảo kẻ theo đuôi bọn đế quốc và phản bội Trung cộng, Phương Phương!” Đối với họ, cuốn nhật ký là một “đống rác và những tin đồn bịa đặt nên được gọi là ‘Ảo tưởng tình dục của Phương Phương’!” Bà nhận được những lời đe dọa giết chết bà. Một cuộc săn lùng kẻ ác để xác định được những người ủng hộ bà và bắt đầu xử luôn họ. Ông Berry, người phiên dịch của bà, cũng không được tha. Hàng trăm tin nhắn được gửi điện thoại di động của ông: “Đồ quỷ trắng xấu xa, ăn thịt người và uống máu người, mười tám cõi địa ngục được tạo ra đặc biệt cho mày!”; “Nếu mày đặt chân đến Trung cộng một lần nữa, tao sẽ giết mày”; và những điều khác.
Những lời thóa mạ này có thể cho chúng ta biết điều gì đó về nguồn gốc của COVID. Có hai sự thật đáng chú ý. Đầu tiên, các cuộc tấn công được phối hợp với nhau, chứ không phải là sự bùng nổ ngẫu nhiên của lời nói cay độc. Thứ hai, chúng mạnh hơn nhiều — mạnh hơn nhiều lần — so với các cuộc tấn công ngôn từ khác đối với các cá nhân ở Trung cộng gần đây. Hai sự kiện này, kết hợp với nhau, làm cho người ta có thể tin gần như chắc chắn rằng chiến dịch chống lại Phương Phương đến từ Trung ương.
Mượn kỹ thuật đọc “ngược” của Wu Zuxiang, điều mà chiến dịch Phương Phương cho chúng ta biết là Tập Cận Bình cực kỳ lo lắng rằng thế giới sẽ bắt Trung cộng phải chịu trách nhiệm về đại dịch. Câu hỏi nguy hiểm nhất là virus bắt nguồn từ đâu. Phương Phương không đề cập đến việc liệu virus có nguồn gốc từ một trong những khu chợ thịt rừng hay phòng thí nghiệm; cô ấy chỉ ghi lại tất cả những đau khổ bắt đầu ở Vũ Hán. Nhà nước chỉ tập trung vào câu hỏi nguồn gốc nhưng tất cả đều hét lên một sự thật.
Tài liệu chính thức của Đảng Cộng sản Trung Hoa về loại vi rút này là nó đã “nhảy” từ dơi sang người tại một khu chợ thịt rừng không xa phòng thí nghiệm Vũ Hán. Chính quyền thành phố đã nhanh chóng đóng cửa khu chợ đó, niêm phong chợ và cho thế giới thấy ảnh chợ đã bị niêm phong. Tại sao các nhà chức trách lại nhanh chóng và phô diễn như vậy? Vì họ nghi ngờ chợ này hay vì họ muốn thế giới tin điều đó? Nếu họ chắc chắn rằng Mẹ Thiên nhiên là thủ phạm, tại sao lại bịt miệng các nhà khoa học của họ và niêm phong hồ sơ phòng thí nghiệm? Và tại sao lại bắt đầu một cuộc đấu tranh nguy hiểm trên không gian mạng chống lại một người ghi lại cuộc sống hàng ngày như bà ấy thấy?
Perry Link
*Ông Link là giáo sư tiếng Hoa tại Đại học California, Riverside và là giáo sư danh dự về nghiên cứu Đông Á tại Princeton.
Nguồn: WSJ
VNTB (16.06.2021)