Huynh Wynn Tran, MD.

 

Khi phỏng vấn vào chương trình Tuyển Sinh Y Khoa, có một câu hỏi từ giáo sư tuyển sinh làm tôi nhớ mãi:

– Nếu em có thể đi về quá khứ để thăm một người hay đến một nơi nào đó, em sẽ đi đâu?

Thưa thầy, em sẽ đi thăm đất nước của em: VIỆT NAM CỘNG HÒA

 

Khi tôi được sinh ra, VIỆT NAM CỘNG HÒA đã không còn nữa.

Từ nhỏ, tôi nghe nói về VNCH từ ba tôi và những người bạn. Tôi chỉ hiểu rõ hơn về VNCH khi tôi lớn lên và qua Mỹ sau này. Càng tìm hiểu, tôi càng nhìn rõ hơn một thời bi thương oanh liệt của người miền Nam Việt Nam trong cuộc nội chiến nồi da xáo thịt, sự bất lực của những nước bé trong cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa những cường quốc.

Tôi sẽ về lại Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông, nhảy lên một chiếc xích lô máy dạo phố. Tôi muốn nghe tiếng máy nổ phịt phịt giòn tan trộn mùi xăng pha nhớt trong buổi sáng tinh sương Đô Thành. Tôi sẽ ghé chợ Bến Thành ăn một tô phở gà, ngắm nhìn các cô thiếu nữ Sài Gòn mặc áo dài bó eo, đeo kính mắt to tròn đèo nhau trên chiếc xe Honda Cub ở bùng binh trước chợ.

Ăn xong, tôi sẽ thả bộ dọc đường Duy Tân, ghé qua toà Đô Chánh và toà nhà Hạ Nghị Viện, phác lại vài nét kiến trúc bằng bút chì trước khi tản bộ ra sông Sài Gòn ngắm tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo. Sau đó, tôi sẽ nhảy xe lên lambro về Nhà Bè nước chảy chia hai, ghé qua vườn trái cây Lái Thiêu bẻ măng cục, bóp nát vỏ xám đen lòi múi thịt trăng trắng ngọt lịm bỏ vào miệng.

Buổi tối, tôi sẽ ghé thăm phòng trà Tự Do nghe Khánh Ly hát. Có thể nói nhạc vàng (bolero) từ thời VNCH là dòng nhạc đẹp nhất của âm nhạc hiện đại Việt Nam. Đến nay, dòng Bolero tại Viêt Nam tuy ngày càng nở rộ nhưng những ca khúc hay nhất đều sáng tác thời VNCH.

Nhưng cái tôi muốn cảm nhận rõ nhất ở VNCH là tính nhân văn và tình người Việt Nam, có được do nền giáo dục đậm chất nhân bản. Thời VNCH, các trường ĐH tuy mới bắt đầu chậm chững nhưng đã để lại những nền tảng vững chắc cho các trường đại học lớn ở Việt Nam sau này. Ở đó, học trò được dạy về trên 3 nguyên tắc: nhân bản, dân tộc, và khai phóng.

Tôi sẽ ghé qua bộ giáo dục VNCH để thăm hỏi vì sao chỉ trong một vài năm đã thành lập một hệ thống giáo dục đại học tiến bộ gồm đại học quốc gia và đại học cộng đồng địa phương. Đại học thời VNCH hoàn toàn tự chủ về chuỵên môn, không chịu sự quản lý của bộ giáo dục. Ngân sách của trường ĐH do quốc hội chuẩn duyệt hàng năm, nhân viên và giáo sứ thuộc tổng uỷ công vụ.

Tôi sẽ ghé thăm Viện ĐH Sài Gòn (có 8 phân khoa Y, Dược, Nha, Sư Phạm, Khoa Học, Văn Khoa, Luật, và Kiến Trúc). Dĩ nhiên tôi chỉ thăm được đại học xá (ký túc xá) Minh Mạng dành cho nam vì đại học xá Trần Quý Cáp dành cho nữ. Nếu có thời gian, tôi sẽ ghé thăm Viện Đại Học Cần Thơ, nơi tôi đặc biêt thích chất miền Tây phóng khoáng trong từng sinh viên.

Thời Đệ Nhất Cộng Hoà, nền giáo dục nhân bản đã để lại cho bao thanh thiếu niên Việt Nam lòng yêu nước mãnh liệt, muốn góp tay xây dựng đất nước phú cường bằng trao dồi kiến thức học hành để mang đất nước ra tầm thế giới. Tôi vẫn còn cảm nhận được đều này khi gặp lại những thanh niên ngày ấy là những ông bà lão tại Mỹ sau này. Ba tôi, một sĩ quan VNCH, cùng là một trong những thanh niên ngày ấy.

Và dĩ nhiên, tôi sẽ gặp Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu để hiểu rõ về những gì xảy ra với đất nước vì những gì tôi đọc được và nghiên cứu từ nhiều phía vẫn chưa đủ để tôi trả lời câu hỏi vì sao một đất nước nhân văn, đề cao tính dân tộc, và phồn vinh như VNCH lại bị bức tử.

Ngày 30/4 hằng năm, tôi vẫn nhớ về 200,000 người Việt Nam đã bỏ mạng trên biển trên đường tìm tự do, hàng triệu người Việt đã chết trong cuộc chiến, vẫn nghĩ về sự ngạo mạn của kẻ chiến thắng, sự khốc liệt và dơ bẩn của chính trị.

Tôi vẫn nhớ về VNCH phồn vinh, thịnh vượng, và nhìn lại đất nước Việt Nam ngày hôm nay mà không khỏi đắng lòng.

Huynh Wynn Tran, MD.

https://youtu.be/wVxUgaMSydQ

https://youtu.be/zDS8LXGHMq0

 

Bài đọc thêm:

 

Người Bạc Liêu thành danh ở Mỹ – Con đường không trải hoa hồng

 

Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần là một người bạn học thời phổ thông của tôi, với tên cha sinh mẹ đẻ là Trần Huỳnh. Huỳnh có dáng người mảnh khảnh từ thời còn đi học, mãi đến tận bây giờ, khi đã thành danh tận trời Tây, anh vẫn mang nguyên dáng dấp thư sinh ngày xưa.

Năm 2018, bác sĩ Huỳnh đã có nhiều lần về Việt Nam, đi lại như con thoi giữa Hà Nội và Sài Gòn, nói chuyện chuyên đề với các bạn sinh viên y khoa. Năm 2019, anh về Việt Nam, ra mắt quyển sách “Từ kiến trúc sư thành bác sĩ tại Hoa Kỳ” đang rất hot với câu slogan: “dám lựa chọn, dám thành công”. Những lần nói chuyện với sinh viên Việt Nam, cùng với việc xuất bản quyển sách tự truyện của mình, Phó giáo sư – bác sĩ Huỳnh Wynn Trần đã thắp lên ngọn lửa của sự tự tin, bản lĩnh đến các bạn trẻ. Đó cũng là một lời tâm tình, nhắn gửi của anh rằng, người Việt có thể thành công ở bất cứ nơi đâu.

Thời còn học phổ thông, Huỳnh cũng như bao bạn khác của Trường THPT Chuyên Bạc Liêu, vô tư, vô lo, ham học và cũng cực kỳ ham chơi. Huỳnh học giỏi, lại rất hay đặt vấn đề, hay hỏi, hay thắc mắc. Thuở ấy, việc tranh luận với thầy cô về những điều mình được truyền đạt dường như vẫn còn mới mẻ với những đứa học trò như chúng tôi. Bây giờ, ngồi viết những dòng này, tôi mới nghiệm ra, có lẽ, từ thuở ấy, đã ngấp nghé hình thành một Trần Huỳnh có chính kiến, có bản lĩnh.

Đậu và học kiến trúc tại Sài Gòn, nhưng đến năm thứ ba, Huỳnh chấm dứt việc học để theo gia đình đi Mỹ. Thời điểm ấy, cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ khá đông, nhưng chủ yếu chỉ sống co cụm trong những khu vực dành riêng cho người Việt. Do vốn tiếng Anh bị hạn chế, đối với những người Việt đã quá 18 tuổi, khi sang Mỹ thường chấp nhận chấm dứt con đường học hành, cắm đầu vào các công việc lao động tay chân để mau kiếm tiền. Thế nhưng Trần Huỳnh không như vậy. Ban ngày đi làm, ban đêm đi học, anh miệt mài ấp ủ con đường tiếp tục học đại học tại Mỹ.

Những khó khăn (rất nhiều trong số đó được anh kể khá dí dỏm trong quyển tự truyện), mà ai cũng dễ dàng nhận ra, đó là những ngày trời đầy bão tuyết phải còng lưng làm việc, là những lần đánh vật với cuộc sống nơi xứ người (khác văn hóa, khác ngôn ngữ), là cả một hành trình gian khổ để đến với thành công. Một lòng nghiên cứu khoa học, phát triển tay nghề của bản thân bằng việc liên tục học không ngừng. Hơn 13 năm học y, làm bác sĩ, rồi vừa giảng dạy sinh viên y khoa ở Mỹ, vừa quản lý điều hành phòng khám bệnh tư vấn, Tổ chức VietMD, nhưng dường như bầu nhiệt huyết của bác sĩ Wynn Trần chỉ có tăng thêm chứ chưa từng giảm.

Anh chia sẻ: “Bài học lớn nhất tôi có được là học cách sống có trách nhiệm với cuộc đời mình. Đó là lắng nghe trái tim và theo đuổi đam mê”. Bên trong một dáng vẻ nhỏ nhắn là nghị lực mạnh mẽ của một người trẻ tuổi, từng phải làm bồi bàn, phục vụ quán ăn, làm nail ở nước Mỹ thuở ban đầu đến thành công khi trở thành Phó giáo sư, làm bác sĩ nghiên cứu cơ xương khớp tại Đại học Nam California và giảng dạy bác sĩ nội trú cũng như các sinh viên y khoa. Ngoài sáng lập Tổ chức VietMD, anh còn mở Wynn Medical Center – nơi nhận sinh viên y khoa và sinh viên điều dưỡng khám bệnh đến thực tập, thường ưu tiên những bạn sinh viên người Mỹ gốc Việt.

Riêng việc thành lập VietMD lại đến từ một suy nghĩ đầy tinh thần tự tôn dân tộc. Đó là vào năm 2007, khi đó Trần Huỳnh đang theo học chương trình Tiến sĩ Y khoa tại Trường Y đại học New York. Trong một lần trao đổi với bác sĩ hướng dẫn của mình là người Ấn Độ, anh được biết nhiều bác sĩ Ấn Độ theo học y tại quê nhà, sau đó kiếm học bổng sang Mỹ học nội trú. Trong đầu vị bác sĩ trẻ bật ra suy nghĩ “người Ấn làm được sao người Việt không làm được?”. Thế là Huỳnh tìm hiểu tất cả mọi thứ về các chương trình đó, và quyết định thành lập VietMD (thuở ban đầu có tên là VMGUS Vietnamese Medical Graduates to US) nhằm hỗ trợ các bác sĩ và sinh viên Y khoa Việt Nam tìm hiểu về nội trú ở Mỹ. Hiện nay, VietMD phát triển thành một tổ chức phi lợi nhuận của tiểu bang và liên bang, tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám bệnh miễn phí cho người Việt tại Mỹ; Giảng dạy Medical English (tiếng Anh y khoa) cho các bác sĩ và sinh viên Việt Nam (đã mở lớp dạy cho Đại học Y Dược Sài Gòn, Đại học Y Dược Cần Thơ, Khoa Y Đại học Quốc gia); Chia sẻ thông tin về các kỳ thi bằng hành nghề bác sĩ tại Mỹ, các kỳ thi USMLE, với trên 3.000 thành viên.

 

Từ một thanh niên chân ướt chân ráo đến Mỹ với vốn tiếng Anh bập bõm, trong 2 năm Huỳnh Wynn Trần đã được nhận vào Trường Kiến trúc và hoàn thành khóa đào tạo Kiến trúc sư tại Mỹ. Không dừng lại tại đó, Huỳnh dấn thân sang lĩnh vực y khoa, 10 năm tiếp sau đó, anh theo đuổi giấc mơ trở thành bác sĩ – ngành học được xem là khó nhất và tốt nhất tại Mỹ. Bác sĩ Huỳnh đã chứng minh cho người Mỹ thấy rằng, người Việt Nam rất giỏi, không hề thua kém công dân của bất cứ quốc gia nào.