Nguyễn văn Tới      

Việt Nam mình có câu “Kiếm củi 3 năm, thiêu chỉ một giờ”. Nước Mỹ mất 20 năm ở Afghanistan, tiêu phí hơn 2 ngàn tỷ đô la (2.26 trillions) trong đó gồm 83 tỷ đô la để huấn luyện, trang bị cho quân đội của họ, và tiền dân Mỹ đóng thuế để xây dựng cở sở hạ tầng, nhà ở, và các công trình công ích cho người dân nước này, nhưng chỉ mất 2 tuần để Kabul sụp đổ.  Theo tạp chí Forbes, trung bình, một ngày nước Mỹ phải chi $300 triệu đô la trong vòng 20 năm đóng quân trên đất nước này. (1) Khi quân đội Mỹ rút về nước, quân đội và trước tiên là chính phủ Afghanistan bỏ chạy trốn như đàn vịt hoảng loạn trước bầy chó sói.

H 1: NÚI NON HÙNG VĨ TUYỆT ĐẸP. CĂN CỨ BAGRAM THÁNG 12 KHI TRỜI VỪA TỐI

H 2: MỘT CHIẾC F-16 CẤT CÁNH TỪ PHI TRƯỜNG BAGRAM

 

Tuần vừa qua, mọi người đều ngỡ ngàng và đau buồn, không tin vào những gì đang xảy ra trên đất nước Afghanistan. Cảnh tượng này gợi nhớ lại ngày 30-4-1975 tại Sài Gòn, miền Nam Việt Nam. Hai bối cảnh ở hai đất nước khác nhau, nhưng có cùng một kết cục thảm hại như nhau. Hình như người Mỹ vẫn chưa học được bài học lịch sử từ sự thảm bại ở Việt Nam. Nhà văn và cũng là triết gia George Santayana có nói “Ai không học được từ lịch sử, sẽ bị thảm bại bởi lịch sử, vì lịch sử luôn lập lại” (2). “Those who do not learn history are doomed to repeat it”.

Bọn khủng bố nhân cơ hội hoảng loạn, chúng đánh bom tự sát giết chết 13 người lính Mỹ và gần 160 thường dân Afghanistan. Giờ mình có dùng Drones để oanh tạc giết chết bọn chúng như thế nào đi nữa cũng không làm sống lại được những người lính Mỹ hy sinh vô ích trong giờ phút cuối cùng. Sự việc đã rồi. “Fait accompli”. Cũng qua màn ảnh, chúng ta thấy 2 người thường dân rơi xuống đất khi chiếc phi cơ vận tải C-17 vừa cất cánh với khoảng 640 thường dân Afghanistan khi chưa ra khỏi phi trường Kabul. Chiếc vận tải cơ này có thể chở được 170,900 lbs, tương đương với 77,519 Kg. Như vậy nó không hề bị quá tải. Hai người rơi xuống, tôi chắc là họ trốn trong khoang bánh đáp, khi càng máy bay gập lại, họ bị nghiền nát và rơi xuống đất. Sự việc chứng tỏ họ tuyệt vọng đến cùng cực. 

Tôi bàng hoàng, rung động, và như một khúc phim quay chậm đưa tôi trở về cuộc chạy loạn của gia đình tôi trên tử lộ 7B, khúc sông Ba gần Tuy Hòa. Lúc đó, Việt cộng bắn giết thường dân di tản một cách bừa bãi, ai nấy hoảng sợ, cuống cuồng tìm đường thoát thân. Một chiếc trực thăng Shinook của không quân Việt Nam Cộng Hòa đáp xuống bãi cát bồi giữa sông cố gắng cứu được người nào hay người đó. Ba anh em tôi lội nước, chạy về phía chiếc trực thăng và tìm cách nhảy lên. Khi vào bên trong, tôi đưa mắt kiếm thằng em kế. Không thấy nó. Nhìn về phía tấm bửng đằng sau máy bay, tôi cố tìm trong đám đông lố nhố những cái đầu, những cánh tay đang cố bám vào chiếc máy bay Chinook khi nó đang cố nâng dần cao độ một cách khó khăn vì quá tải, quá nhiều người bám theo. Những gương mặt mệt mỏi, hoảng sợ, cố hết sức mình, nhưng đuối sức, họ đã buông tay rớt xuống. Em tôi cũng đang cố hết sức bám thật chặt tay mong trườn mình được vào bên trong máy bay. Tôi cố chen ra để giúp nó một tay, nhưng người quá đông chặn lối đi. Tôi như chết đứng khi nhìn em mình buông lỏng tay rơi xuống, tôi chỉ biết khóc, không làm gì được vì tin chắc nó sẽ chết như những người bị rớt mà tôi đã nhìn thấy trong những chuyến trước đây. 

Sau này gặp lại nó ở trại tiếp cư Tuy Hòa, anh em ôm nhau khóc vì mừng thấy nó còn sống. Nó cho hay nhờ rớt xuống nước ở độ cao không cao lắm nên nó thoát chết. Hơn ai hết, tôi xúc động và bàng hoàng khi thấy lại thảm cảnh của 46 năm về trước đang hiển hiện trở lại. Người dẵm đạp lên nhau, chen chúc trên những chiếc phi cơ quá tải mong kiếm đường thoát ra khỏi một chế độ vô nhân đạo.

Cho dù bạn ủng hộ đảng phái Cộng Hòa hay Dân Chủ, cho dù quan điểm của bạn về cuộc chiến Afghanistan có khác với tôi như thế nào đi nữa, tôi tin rằng bạn và tôi cùng đồng ý với nhau là cái kết cuộc đáng lẽ không xảy ra như thế này vì chúng ta đã không chịu chuẩn bị kỹ càng. Tổng thống Richard Nixon đã từng hứa với miền Nam Việt Nam, họ sẽ trả đũa nếu miền Bắc cộng sản vi phạm hiệp định Paris. Chuyện đó đã không bao giờ xảy ra dù cộng sản miền Bắc vẫn cứ tiếp tục vi phạm nhiều lần. Ngày nay nước Mỹ hứa gì với đồng minh Afghanistan mà để cho Taliban ngang nhiên bước vào Kabul khủng bố chính người dân của họ. Rồi đây chúng ta có thể thấy được ít nhất một vài thế hệ người dân Afghanistan sẽ chìm trong tăm tối của khổ đau.

Tôi thường được đi theo nhiều chiến dịch khác nhau của quân đội Mỹ ở vùng Trung Đông để hỗ trợ về kỹ thuật trong nhiều năm và ở các đất nước khác nhau. Đặc biệt tôi đã từng đến Afganistan rất nhiều lần ở hai căn cứ Kandahar, thành phố lớn thứ nhì, và Bagram, một căn cứ quân sự lớn nhất ở nước này và cũng lớn nhất ở vùng Trung Đông. Căn cứ này nằm trên một vùng cao nguyên phía Đông Bắc Afghanistan, là nóc nhà để nhìn xuống đất nước này. Phía Đông căn cứ là những dãy núi sừng sững tuyệt đẹp, phía Tây gần với vùng dân cư thành phố Parwan. Trại được bao quanh bằng tường thành cao, rất vững chắc và được trang bị mạnh mẽ đủ sức đứng vững một mình một thời gian rất dài. Đường phi đạo dài khoảng 13,000 feet dư sức cho tất cả các loại vận tải cơ hặng nặng đáp và cất cánh. Căn cứ lớn như một thành phố có đủ đường xá, phương tiện để người lính sống thoải mái. Bọn Taliban đã nhiều lần tấn công mà chưa làm gì nổi.Tôi làm việc sát cánh với lính Mỹ nên ít nhiều tôi biết quân đội Mỹ hùng hậu đến mức nào, vì vậy tôi có những cái nhìn của riêng của cá nhân tôi dựa vào những gì mắt thấy tai nghe tại những chiến trường ở đây.

Tôi không đứng trên lập trường đảng phái nào cả, tôi chỉ muốn nói lên suy nghĩ, cảm nhận của một công dân Mỹ vì lợi ích của nước Mỹ, khi nhìn thấy những gì đang xảy ra ở Afghanistan, nó gợi lại những hình ảnh 46 năm trước ở Sài Gòn, lúc đó tôi là cậu thiếu niên 17 tuổi. Hình ảnh ngày 30 tháng 4 vẫn mãi mãi là hình ảnh không bao giờ tôi quên được khi miền Nam thân yêu của tôi bị cộng sản xâm chiếm. Những tang thương, mất mát, trại tập trung, tù tội gây ra bởi cái chủ nghĩa vô nhân đạo được so sánh với bọn Taliban hiện nay.

Trải qua nhiều năm lăn lộn ở vùng Trung Đông, đặc biệt là ở Afghanistan, tôi thấy nước Mỹ càng ngày càng sa lầy vào cuộc chiến vô nghĩa. Đáng lẽ Mỹ phải rút quân ngay sau khi giết được tên trùm khủng bố, nhưng họ đã không làm. Bây giờ họ mới quyết định rút quân, tuy muộn vẫn còn hơn không. Đây là chính sách của nước Mỹ chứ không phải của Tổng thống Trump đảng Cộng Hòa hay của TT Biden đảng Dân Chủ, vì cuộc chiến đã tiêu tốn biết bao tiền bạc đóng thuế của dân Mỹ và hơn 2300 sinh mạng của lính Mỹ. Tôi tin rằng bạn và tôi đều đồng ý với quyết định này. Phải đến lúc kết thúc cuộc chiến và rút quân về nước. Nước Mỹ dù là một nước rất quân tử, hay giúp người, cũng không thể nào hy sinh vì sự trường tồn của một dân tộc khác. 

Học giả Warren Bennis là một giáo sư của trường UCLA và cũng là một cố vấn an ninh cho 4 đời tổng thống Mỹ bao gồm TT John F. Kennedy và TT Ronald Reagan. Câu trích dẫn nổi tiếng của ông về người lãnh đạo là người có khả năng đưa tầm nhìn trở thành hiện thực. “Leadership is the capacity to translate vision into reality”. Đồng thời ông cũng đưa ra cái khác biệt giữa khả năng lãnh đạo và khả năng quản lý như sau: Quản Lý là làm việc cho đúng và Lãnh Đạo là làm cho đúng việc. “Management is doing things right. Leadership is doing the right things”. Trong tình hình hiện nay, nước Mỹ cần xoay trục qua Đông Nam Á để kềm thói hung hăng của Trung Quốc, việc rút ra khỏi Afghanistan là quyết định đúng đắn. Không nước nào đủ tài lực có thể dính vào một lúc hai cuộc chiến. Là công dân Mỹ và cũng là người đi sát bên với quân đội, tôi có thể thấy điều đó một cách rõ ràng, tôi hoàn toàn đồng ý với tầm nhìn và chính sách của chính phủ Mỹ cho dù với bất cứ nội các của tổng thống nào.

Đáng lý ra nước Mỹ nên rút ra khỏi Afghanistan sớm hơn ngay sau khi đã trừ khử được tên Bin Laden. Nhưng rút lui mà không có kế hoạch rõ ràng và chắc chắn, cứ đưa ra một dấu mốc thời gian mà không hề có một sự chuẩn bị chu đáo nào thì đúng là hành động tự bắn vào chân mình. Nước Mỹ có 8 tháng để chuẩn bị, để biến tầm nhìn xa thành hiện thực, để người lãnh đạo làm đúng việc và các người thừa hành làm việc cho đúng; vậy mà gần đến giờ rút quân lại để xảy ra cảnh hỗn loạn, chạy nháo nhào, dẵm đạp lên nhau. Cứ “Cut and Run” Bỏ và Chạy như nước Mỹ đang làm trong 2 tuần qua, thật là một hành động không thể chấp nhận được. Lỗi này là do nội các của TT đương nhiệm không chịu chuẩn bị và nhất là không chịu nghiên cứu, học hỏi từ kinh nghiệm trong cuộc chiến Việt Nam. Đến khi chết chóc xảy ra, TT đương nhiệm đổ lỗi cho người tiền nhiệm và đổ lỗi tại chính phủ Afghanistan tham nhũng. Người Mỹ đã dư biết họ như vậy mà vẫn không có một phương cách nào để đề phòng. 

Gặp gỡ và nói chuyện nhiều với những người thông dịch viên Afghanistan, tôi mới hiểu thêm rất nhiều về dân tộc họ và biết rằng chính phủ Afghanistan là một chính phủ tham nhũng lan tràn từ cấp thấp cho đến cấp cao, mức độ nào họ cũng có thể ăn hối lộ được, chỉ có người dân thấp cổ bé miệng là khổ. Người Mỹ biết rất rõ nhưng vẫn không làm gì hết. Bản thân chúng tôi khi ra vào đất nước này, cũng phải đóng cho những nhân viên hải quan đủ thứ tiền, mà phải bằng tiền đô la Mỹ, mệnh giá 100 đồng mới tinh, cũ hoặc dính 1 vết mực, họ không nhận và không chịu ký giấy và đóng mộc. Nói để thấy rằng chúng ta, người Mỹ, hy sinh tiền bạc, xương máu cho họ, thật không đáng chút nào. Rút ra khỏi đất nước này là đúng và là một việc phải làm ngay.

Khi làm việc bên đó, tôi biết căn cứ nào cũng có những chuyên viên phân tích tình báo hằng ngày và viết báo cáo gởi về cho bộ tư lệnh Centcom, đặc biệt cho bộ trưởng quốc phòng và cho tổng thống. Dù biết bọn Taliban đang chuyển quân hằng ngày mà nội các của tổng thống đương nhiệm vẫn lên TV và cho rằng sẽ không có chuyện gì trầm trọng và đáng tiếc sẽ xảy ra. Các vị này quá lạc quan cho rằng quân đội Afghanistan có 300,000 quân trong khi Taliban chỉ có 75,000 quân, làm sao mà quân chính phủ thua được. Họ thừa biết đa số quân đội chính phủ Aghanistan là lính ma (Ghost soldiers), tổng số là 300,000 nhưng con số thực thụ chỉ khoảng 90,000 lính, mà những người lính này gia nhập quân đội chỉ để lãnh lương, chứ hoàn toàn không có tinh thần chiến đấu.

Tháng 11 năm ngoái, năm 2020, khi tôi vẫn còn ở tại căn cứ Bagram. Chúng tôi được lệnh gói ghém tất cả trang thiết bị chuẩn bị gởi về Mỹ và sẵn sàng rút lui khỏi Afghanistan bất cứ khi nào có lệnh. Trong lúc chuẩn bị, chúng tôi vẫn được phép mang vũ khí theo mỗi khi có nhiệm vụ bay, khi trở về, dưới hai bên  cánh không còn đeo một trái hỏa tiễn nào, tức là đơn vị chúng tôi vẫn bắn khi cần thiết. Năm nay, tôi đến làm việc ở căn cứ Al Asad, Iraq từ đầu tháng 3 cho đến cuối tháng 7, tôi vẫn thường xuyên liên lạc với các bạn bè ở Bagram, Afghanistan, họ cho hay, khi bay, họ không còn được mang theo hỏa tiễn, đồng nghĩa với không được bắn, chỉ làm nhiệm vụ quan sát mà thôi. Đánh đấm mà không được bắn giống y như cuộc chiến Việt Nam, không quân Mỹ đánh nhau với cộng sản mà chỉ được oanh tạc những mục tiêu đã định trước chứ không được tự do chọn mục tiêu theo ý mình. Đánh nhau kiểu này giống như võ sĩ thượng đài mà bị trói một tay ra đằng sau.

Bất cứ lúc nào, Mỹ vẫn có một lực lượng không quân rất mạnh, có thể can thiệp khi cần thiết để chặn bước tiến bọn Taliban. Tại sao không dùng? Chứng tỏ là chính phủ đương nhiệm Mỹ tuy được phúc trình tình hình cụ thể từng ngày, nhưng quá chủ quan, lịch sử lập lại lần thứ hai giống với cuộc chiến Việt Nam và có thể còn tệ hại hơn. Ngày 1 tháng 7, 2021, tại căn cứ Bagram, quân đội Mỹ giao quyền điều hành cho quân đội Afghanistan; ngày 15 tháng 8, 2021, những người linh Mỹ còn lại, tắt đèn, lặng lẽ rời Bagram, không một lời nói với quân đội Afghanistan. Lệnh này đến từ ai? Đến bây giờ tôi vẫn tin rằng nếu chúng ta vẫn ở lại với quận đội Afghanistan trong trại Bagram để cùng họ hỗ trợ cho ngày rút quân bằng những phi vụ bay hành quân, do thám, kể cả can thiệp khi cần thiết, thì tình hình rút quân đã không bị tệ hại như hôm nay. Tôi xin nhường câu trả lời cho bạn đọc. Sự việc ảnh hưởng ghê gớm lên tinh thần người lính Afghanistan, họ cảm thấy bị bỏ rơi ngay từ giây phút đó. Còn các đồng minh của Mỹ thì sao? Tất cả đều mất lòng tin nơi cách hành xử của quân đội Mỹ. Sau này nước nào dám liên minh với Mỹ trong những trận chiến tương lai? 

Nhìn những tên Taliban chiếm lĩnh dinh tổng thống Afghanistan, bọn man rợ đó ngồi lên những chiếc ghế bành thật đẹp mà co hai chân lên kiểu nước lụt, làm tôi nhớ đến những tên cán binh cộng sản Việt Nam từ rừng rú chui ra, cũng ngồi cùng một kiểu khi chúng vào dinh Độc Lập ngày xưa trong khi bọn khác rửa chân ở bồn nước phun trong sân trước của dinh tổng thống. Đám rừng rú chiến thắng xã hội văn minh, giống như đám Taliban, trong thế kỷ 21 mà cai trị dân của họ bằng cái thứ luật lệ dã man của thế kỷ thứ 7, được gọi là luật Hồi Giáo Sharia, bộ luật thời con người còn chưa biết văn minh là gì. Giờ này, bọn man rợ đang cười nói nhăn nhở và hò hét ngay nơi tôi đã từng sống năm ngoái, lòng tôi bùi ngùi như vừa mất đi một cái gì quý giá lắm. Chúng đang đi từng nhà lùng kiếm những người làm việc cho chế độ cũ, y như cộng sản đã từng lùng sục những người thuộc phe thua trận của miền Nam. Việt Nam đã tắm trong máu, trong nhục nhằn khổ ải, trong hàng chục năm tăm tối, trong chết dần chết mòn ở các trại tù, trại tập trung; tương lai người dân Afghanistan cũng sẽ như vậy thôi. Bọn Taliban còn tàn bạo hơn nếu không muốn nói là ngang với cộng sản. Cả hai đều chủ trương bắt người dân phải sống trong sợ hãi, phải giết, phải khủng bố người dân để dễ bề cai trị.

Có nhiều điều vô lý vẫn xảy ra hằng ngày trên vùng đất Trung Đông luôn bất ổn này mà bản thân tôi cũng cảm thấy hoang mang vì chúng quá mâu thuẫn với nhau. Ngày 2 tháng 1 năm 2020, khi quân đội Mỹ giết chết tên tướng Suleimani của Iran bằng máy bay không người lái, ngay khi đoàn convoy của hắn vừa ra khỏi phi trường Bagdad. Tên này là người cung cấp tiền bạc và vũ khí cho đám dân quân Iraq để chúng bắn vào các căn cứ của Mỹ ở nước này.

Sau biến cố đó, tôi đến Bagdad và thấy họ lập 1 tượng đài ghi công tên tướng Iran này ngay trong thủ đô Bagdad. Xe di chuyển quá nhanh và cũng vì vội vàng nên tôi chụp hình bị mờ đi nhưng cũng vẫn còn thấy được 2 chiếc xe hư hại nằm ngay trên một bệ xi măng cao để mọi người có thể chiêm ngưỡng, cạnh đó là hình của hắn và dòng chữ “Đây là tội ác của khủng bố Mỹ”. Here is the crime of American terrorism. Tôi không thể tin được người Iraq lại nhớ ơn 1 tên khủng bố Iran giết hại lính Mỹ và dân Mỹ ngay trên đất nước của họ trong khi nước Mỹ vẫn đang cung cấp tiền bạc, vũ khí, kể cả mạng sống của lính Mỹ để bảo vệ đất nước này. 

H 3: ĐÀI TƯỞNG NIỆM CÁI CHẾT CỦA TÊN TƯỚNG KHỦNG BỐ IRAN

 H 4: VÀ GIÒNG CHỮ CHỐNG MỸ KẾ TƯỢNG ĐÀI, NGAY TRONG LÒNG THỦ ĐÔ BAGDAD.

 

Đến giờ tôi vẫn không thể tin những gì đang diễn ra trước mắt mình. Đám dân chen chúc, hỗn loạn, dẵm đạp lên nhau dành lấy một chỗ trên máy bay. Người Mỹ không bao giờ có thể nghĩ một chuyện vô lý như vậy lại có thể xảy ra. Các đồng minh mất lòng tin nơi cường quốc số một của thế giới. Tôi tin rằng sau Afghanistan, sẽ đến phiên Iraq. Nước Mỹ sẽ dần rút ra khỏi Trung Đông vì không muốn hy sinh xương máu con em mình cho những đất nước xa xôi chẳng có liên hệ hoặc lợi lộc gì đối với người Mỹ. Khi nói đến chiến tranh là luôn luôn có những điều tàn bạo, những nghịch lý không giải thích nổi. Tôi chỉ mong sao người dân Afghanistan qua được cơn ác mộng kinh khủng này để sẽ không phải chìm vào hàng trăm năm tăm tối như những gì đã và đang xảy ra tên quê hương tôi.

Nguyễn Văn Tới (30.08.2021)

REFERENCES:

  1. https://www.forbes.com/sites/hanktucker/2021/08/16/the-war-in-afghanistan-cost-america-300-million-per-day-for-20-years-with-big-bills-yet-to-come/?sh=1ce2db047f8d

https://bigthink.com/the-proverbial-skeptic/those-who-do-not-learn-history-doomed-to-repeat-it-really