Tạp chí Nikkei Asia của Nhật công bố chỉ số “hồi phục sau COVID-19,” theo đó Việt Nam xếp chót ở vị trí 121 trong lúc ba thứ hạng đầu thuộc về Trung cộng, Hungary và Saudi Arabia.

Hôm 4 Tháng Chín, báo Nikkei Asia giải thích về hạng chót của Việt Nam: “Lần thứ hai, Việt Nam xếp chót bảng. Nước này từng được coi là một ngôi sao về ngăn chặn đại dịch cho đến Tháng Sáu, nhưng hiện nay tiếp tục có ca nhiễm và tử vong kỷ lục. Có đến hơn 87,000 ca đã được ghi nhận trong tuần cuối cùng của Tháng Tám và gần 40% trong số đó ở Sài Gòn, nơi cũng chiếm khoảng 80% số ca chết trên toàn quốc, theo tổ chức Y Tế Thế Giới.”

Các biện pháp nghiêm ngặt về chống dịch và phong tỏa hiện vẫn đang được nhà cầm quyền áp đặt trên khắp các thành phố lớn, bao gồm lệnh ở yên trong nhà và các chiến dịch xét nghiệm đại trà. Việt Nam thậm chí đã triển khai quân đội để hỗ trợ hậu cần và giao thực phẩm tại các điểm nóng, bao gồm Sài Gòn và tỉnh Bình Dương, nơi đặt các khu công nghiêp,” theo Nikkei Asia.

 

Trong khi đó, báo Metro Time của Bỉ mô tả “Hà Nội biến thành nhà tù mở” khi bố trí hàng rào kẽm gai, cột tre khắp các phố phường để ngăn cản người dân ra khỏi nhà.

Hàng rào sắt, tre, kẽm gai, và két bia được vội vã dựng lên trên đường phố Hà Nội để ngăn người dân đi lại và ngăn vi rút corona lây lan khiến thủ đô Việt Nam giống như một nhà tù lộ thiên. “Cứ giống như trại giam vậy,” bà Ho Thi Anh, 72 tuổi, sống bên trong khu vực có những rào chắn tạm bợ vây quanh trông giống như một chiến hào. “Tất cả các con đường vào nhà tôi đều bị phong tỏa. Người thân tôi tiếp thực phẩm ở chỗ hàng rào ba ngày một lần”. Bà cho AFP biết.

Tám triệu dân Hà Nội đã được lệnh tự giam mình trong nhà từ cuối tháng 7, nhưng các hạn chế đi lại ngày càng thắt chặt khi làn sóng vi rút corona, tuy vẫn còn tương đối xa hiện đang tàn phá khu vực phía Nam, đặc biệt là ở Thành phố Sài Gòn

Hơn một nửa trong số 98 triệu người Việt Nam hiện đang bị hạn chế đi lại. Ít ai dám công khai chỉ trích chính sách độc đảng vì sợ bị trả thù. Quốc gia này đang triển khai chiến dịch tiêm chủng rất chậm: chỉ mới 17% dân số được tiêm một liều vắc xin, 2,6% được tiêm chủng đủ 2 liều. Chế độ Cộng sản phải vật lộn để kiếm tiền và kêu gọi sự đóng góp của dân chúng. 

 

Nhà báo Huy Đức, tức Facebooker Truong Huy San, tác giả cuốn “Bên Thắng Cuộc,” bình luận trên trang cá nhân: “Chủ tịch nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp, mà đã trao quyền quá nhiều cho lực lượng chống dịch (cả lực lượng dân phòng) như trong tình trạng khẩn cấp. Địa phương nào muốn ngăn sông thì ngăn sông. Địa phương nào cấm chợ thì cấm chợ.”

“Sự lạm quyền đã dẫn đến những quyết định ngu ngốc như khóa cổng nhà dân ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa, hay hủy hoại tài sản công dân, dứt khoát phải đưa một F1 đi cách ly tập trung trong khi điều kiện cách ly tại nhà của họ tốt hơn như ở Diễn Châu, Nghệ An,” ông dẫn chứng.

Đừng để thế giới nhìn thủ đô của một quốc gia đang phát triển như một căn cứ du kích. Đừng để người dân chưa kịp nhiễm virus đã hết kế sinh nhai. Đừng để dân chúng phải chịu những sang chấn tâm lý chỉ vì chính quyền đã sử dụng quyền lực nhiều hơn cần thiết,” theo Facebook Truong Huy San.

Hình ảnh: AFP