Tỉnh Sóc Trăng: Dùng sư sãi, Phật tử để kiểm soát an ninh
Giờ đây ngoài việc sinh hoạt tôn giáo, sư sãi, Phật tử người Khmer tại tỉnh Sóc Trăng còn được chính quyền trao cho một nhiệm vụ mới: “đảm bảo an ninh trật tự”. [1]
Trong tháng 7/2021, 18 thành viên ban quản trị chùa Tà Ân, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú đã tham gia vào mô hình “Sư sãi và Phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự”.
Mô hình này gồm có ban điều hành do cán bộ của chính quyền cấp xã lãnh đạo và một tổ trực thuộc, bao gồm các chức sắc, chức việc, Phật tử tại địa phương.
Mô hình lần đầu tiên được tổ chức tại chùa Pô thi Phđốk, xã Kế Thành, huyện Kế Sách vào năm 2019.
Chức sắc và thành viên quản trị chùa Pô thi Phđốk tham gia mô hình “Sư sãi và Phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự” tại xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Ban Tôn giáo Chính phủ.
Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết hình thức hoạt động này đã cung cấp cho chính quyền các thông tin về an ninh, trật tự tại địa phương. Quan trọng hơn, nó được kỳ vọng sẽ “không để xảy ra tình trạng lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan”.
Ngoài việc kiểm soát chặt chẽ các tổ chức tôn giáo, chính quyền còn muốn các tổ chức này trở thành cánh tay giúp việc cho nhà nước, đặc biệt trong các hoạt động cung cấp thông tin, tố giác tội phạm, tuyên truyền chính sách của nhà nước.
Vào tháng 1/2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng thừa nhận rằng trong năm 2020, Bộ Nội vụ đã “trao đổi và hướng dẫn” các tổ chức tôn giáo bầu chọn ra những lãnh đạo gắn bó với chính quyền. [2]
Vào tháng 4/2021, ông Vũ Chiến Thắng cho rằng các tôn giáo chính thống có trách nhiệm phải tuyên truyền về tôn giáo của mình để hướng người dân không tham gia vào các giáo phái. [3]
Từ khi các sinh hoạt tôn giáo được cởi trói vào cuối những năm 1980, chính quyền đã thực hiện nhiều chính sách tinh vi để kiểm soát các tổ chức tôn giáo.
Các tổ chức tôn giáo nào phục tùng nhà nước hơn thì sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn. Đó là dấu hiệu để các tổ chức khác thấy rằng nếu biết phục tùng thì họ cũng sẽ nhận được lợi ích tương tự. Chiến lược này giúp chính quyền không cần công khai dùng vũ lực mà vẫn khiến các tổ chức tôn giáo gắn bó với nhà nước.
Chú thích:
- Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, August). Các chùa Khmer Sóc Trăng tham gia bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn. http://btgcp.gov.vn/tin-trong-nuoc/cac-chua-khmer-soc-trang-tham-gia-bao-dam-an-ninh-trat-tu-tai-dia-ban-postypX6Gwm1.html
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước. (2021, January 29). Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng trong tình hình mới. https://tcnn.vn/news/detail/49690/Nang-cao-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-ve-ton-giao-tin-nguong-trong-tinh-hinh-moi.html
- Tuổi Trẻ. (2021, April 2). Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Ngăn chặn các hiện tượng “tà đạo.”https://tuoitre.vn/thu-truong-bo-noi-vu-ngan-chan-cac-hien-tuong-ta-dao-20190705145401961.htm
Theo Luật Khoa Tạp Chí (15.09.2021)
Ân Xá Quốc Tế thúc CSVN chống dịch đừng chống nhân quyền
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi CSVN khi đưa quân đội tới kiểm soát chống dịch COVID-19 tại Sài Gòn đừng dẫn tới khủng hoảng nhân đạo và nhân quyền.
Tin tức, hình ảnh và video clip về tình hình chống dịch COVID-19 tại Việt Nam dẫn đến nhiều thảm cảnh xã hội đã đến các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế. Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) trụ sở ở Anh Quốc hôm Thứ Hai, 13 Tháng Chín, kêu gọi CSVN phải có các biện pháp hầu chặn trước cuộc khủng hoảng nhân đạo và nhân quyền do từ cách chống dịch gắt gao của nhà nước.
“Dùng quân đội phong tỏa thành phố là ngăn cấm rất nhiều người dễ tổn thương, đặc biệt những người ở Sài Gòn, tiếp cận đủ thực phẩm để tồn tại khi đang có cuộc khủng hoảng y tế công cộng.” Bà Emerlynne Gil, phó giám đốc vùng về nghiên cứu của AI, phát biểu: “Nhà cầm quyền không được phép dùng thảm kịch hai bước của dịch COVID-19 là cái chết và cái đói không cưỡng được để quây giữ dân chúng vốn đã phải chịu đựng những khó khăn kinh tế ngay từ trước khi lệnh phong tỏa bắt đầu.”
Bà cho hay tổ chức của bà đã nhận được cáo thông tin đáng tin cậy là một số lớn dân chúng đã không được cấp thực phẩm hoặc rất ít. Nếu nhà cầm quyền tiến hành phong tỏa, đồ ăn mà quân đội vận chuyển phải tới được những người đang bị tổn thương và đủ nhu cầu dinh dưỡng.
Theo bà được biết, trong khi người ta đang phải chịu đựng thì “công an đã phạt và bắt giữ những ai chỉ trích cách chống dịch của nhà cầm quyền trên mạng xã hội. Đồng thời lại đàn áp phi lý những cá nhân bị coi là làm lây lan dịch bệnh COVID-19.”
Bà Gil cho rằng các biện pháp nặng tay của nhà cầm quyền khi thi hành các ngăn cấm y tế kiểu đó lại làm suy giảm sự hiệu quả của việc chống dịch. Thay vì chống dịch theo kiểu trừng phạt và dọa nạt, nhà cầm quyền CSVN nên áp dụng các biện pháp dựa trên tôn trọng nhân quyền.
“Nhà cầm quyền CSVN phải bảo đảm rằng những cấm đoán để chống dịch COVID-19 là những biện pháp cần thiết tối thiểu và tương xứng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng như được xác định trong luật lệ nhân quyền quốc tế. Bỏ tù với bản án dài hạn đối với những người làm lây lan COVID-19 cũng như phong tỏa cấm người ta ra đường, đã cản trở người dân tiếp cận thực phẩm, rõ ràng là làm ngược lại,” lời bà Gil.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế nêu ra trường hợp một số người dân hoặc bị phạt tiền (như bà Nguyễn Thùy Dương), hoặc bị bỏ tù (như các ông Trần Hoàng Huân, Lê Văn Trí) chỉ vì đả kích cách chống dịch của nhà cầm quyền. Hình ảnh và video clip phổ biến trên mạng xã hội minh chứng sự tuyện vọng của người dân khi họ đang bị cái đói hành hạ mà bị cấm đi lại để kiếm đồ ăn
CSVN đã ký kết tham gia Công Ước Quốc Tế về các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa, theo đó, bảo đảm quyền tiếp cận y tế và thực phẩm.
Công nhân thất nghiệp từ Hà Nội đi bộ xuyên đêm, 7 Tháng Chín, 2021, để về quê tại các tỉnh xa hàng trăm cây số vì hết tiền ăn và lệnh phong tỏa chống dịch của nhà cầm quyền. (Hình: Người Lao Động)
Đầu tuần trước, báo chí tại Việt Nam dẫn báo cáo của nhà cầm quyền trung ương gửi Quốc Hội nói từ đầu năm 2021 đến nay, Cơ Quan An Ninh Điều Tra của Công An CSVN đã khởi tố 21 vụ “phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia.”
Các vụ khởi tố kể trên không thấy nêu chi tiết tên những người bị cột cho cái tội “xâm phạm an ninh quốc gia” và ở địa phương nào. Chỉ thấy VietNamNet nói 21 vụ khởi tố đó “bằng với số vụ so với năm trước” và có “28 bị can.”
Gọi là “xâm phạm an ninh quốc gia” nhưng người ta chỉ dùng trang Facebook cá nhân để bày tỏ thái độ chính trị hoặc tố cáo tham nhũng. Tại những nước có tự do dân chủ thật sự thì đó là quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, không phải là tội.
Theo Người Việt (14.09.2021)
Facebooker Huỳnh Anh Khoa mãn hạn tù
Facebooker Huỳnh Anh Khoa Facebook nhân vật
Ông Huỳnh Anh Khoa, chủ tài khoản Nino Huỳnh trên mạng xã hội Facebook, vừa mãn hạn 15 tháng tù và trở về nhà hôm 13 tháng 9.
Trả lời phỏng vấn của RFA, ông Khoa cho biết: “Tôi thừa nhận rằng, bây giờ tách biệt ra hai cái, tôi vi phạm pháp luật của cái Nhà nước, nhưng mà về bản thân tôi thì tôi tự hiểu là về lương tâm thì tôi không hối hận về những gì mình nói. Tức là, theo tự bản thân tôi thì tôi tin những cái đó là những cái điều mà tôi cần phải nói nhưng mà không được phép nói. Thì tôi thừa nhận cái vi phạm của tôi là tôi nói những điều không được phép nói.”
Ông Khoa cũng cho biết là trong thời gian sắp tới sẽ tập trung vào việc nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình.
Ông Huỳnh Anh Khoa bị bắt hồi tháng 6 năm 2020, bị buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 của Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Bị bắt cùng với ông Khoa còn có thêm hai người khác là ông Nguyễn Đăng Thương, và ông Trần Trọng Khải. Hai người này đều bị buộc tội theo Điều 331.
Ngày 21 tháng 12-2020, Tòa án nhân dân Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt ông Huỳnh Anh Khoa 15 tháng tù giam.
Trước khi bị bắt, ông Khoa là người thường đưa các tin về kinh tế và chính trị ở Việt Nam, ông cũng là quản trị viên của nhóm Facebook có tên Bàn luận Kinh tế – Chính trị. Nhóm này khi còn hoạt động đã có 46 ngàn người theo dõi, tuy nhiên sau khi ông Khoa và hai thành viên khác bị bắt thì đã biến mất.
RFA (14.09.2021)
Luật sư đề nghị hoãn phúc thẩm mẹ con bà Cấn Thị Thêu
Các luật sư bào chữa cho mẹ con bà Cấn Thị Thêu yêu cầu hoãn phiên phúc thẩm vì lệnh phong tỏa chống dịch, họ không thể đến tham dự.
“Hôm nay 13 Tháng Chín, 2021, các luật sư bào chữa cho mẹ tôi – Cấn Thị Thêu và em Trịnh Bá Tư – gửi đề nghị hoãn phiên tòa phúc thẩm đến Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao Hà Nội. Do dịch bệnh COVID gây khó khăn trong việc đi lại cho các luật sư, gia đình và người dân,” bà Trịnh Thị Thảo, con gái bà Cấn Thị Thêu, thông báo như trên qua trang Facebook cá nhân.
Bà Cấn Thị Thêu (trái) và con trai Trịnh Bá Tư tại tòa án tỉnh Hòa Bình ngày 5 Tháng Năm, 2021. (Hình: Zing)
Ngày 1 Tháng Chín, Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao Hà Nội loan báo “quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm” mẹ con bà Cấn Thị Thêu tại tòa án thành phố Hòa Bình vào ngày 17 Tháng Chín tới đây. Họ kháng án bản án sơ thẩm áp đặt tám năm tù lên đầu mỗi người trong phiên sơ thẩm ngày 5 Tháng Năm, 2021 vừa qua.
Luật Sư Đặng Đình Mạnh, một trong năm luật sư bào chữa cho họ, có văn phòng và sống ở Sài Gòn. Chính quyền thành phố này mới đây loan báo kéo dài lệnh “giãn cách xã hội,” tức phong tỏa toàn thành phố đến cuối Tháng Chín, nên Luật Sư Mạnh không thể đi đâu được.
Các luật sư còn lại tuy ở miền Bắc thì sự di chuyển cũng chẳng dễ dàng trong khi tình hình dịch COVID-19 vẫn còn đang nghiêm trọng khắp nơi tại Việt Nam.
Bà Cấn Thị Thêu và con trai út Trịnh Bá Tư bị cáo buộc dùng trang Facebook cá nhân “tuyên truyền chống nhà nước” qua tám clip họ phát trực tiếp và bình luận về vụ án Đồng Tâm.
Trong phiên tòa sơ thẩm, bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư đã chứng tỏ tinh thần bất khuất, không sợ hãi cường quyền bạo lực khi đối đáp với thẩm phán. Ngay từ đầu phiên xử, khi bị hỏi xác định nhân thân, cả bà và con trai đều dõng dạc nói “Tên tôi là nạn nhân Cộng Sản.”
Ông Trịnh Bá Khiêm, chồng bà Cấn Thị Thêu, nghe tin bà bị ngược đãi trong nhà giam. Ông phát trực tiếp trên Facebook những lần ông tới trại giam yêu cầu gặp mặt vợ nhưng đều bị từ chối.
Bà Trịnh Thị Thảo đăng tải lại bức thư bà Cấn Thị Thêu lén gửi ra từ nhà tù: “Tôi và gia đình tôi hoàn toàn không có tội. Những kẻ có tội chính là bè lũ quan chức Cộng Sản độc tài-tham nhũng. Đảng Cộng Sản độc tài-tham nhũng chính là lũ giặc nội xâm đang ngày đêm tàn phá quê hương Việt Nam. Tôi không hề sợ hãi trước sự đàn áp đê hèn của độc tài Cộng Sản. Sự đàn áp chỉ khiến tôi quyết tâm hơn trên con đường đấu tranh đòi dân chủ của người dân phải được thực thi, nhân quyền con người phải được tôn trọng.”
Ông Trịnh Bá Tư cũng lén gửi được thư về nhà báo cho cha biết ông đã tuyệt thực và tinh thần vững vàng: “Gửi bố, con khỏe, bố và gia đình giữ sức khỏe. Khi bị bắt con tuyệt thực 20 ngày để phản đối Cộng Sản đàn áp dân. Anh em tù đối xử tốt với con, mẹ con khỏe, con và mẹ giữ quyền im lặng, sẽ chống án đến cùng.”
Trước ngày diễn ra phiên sơ thẩm, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) phát biểu: “Cấn Thị Thêu và gia đình bà là những người bảo vệ nhân quyền dám lên tiếng ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nên lắng nghe những người như gia đình dũng cảm này, không nên ném họ vào tù.”
HRW lên án Hà Nội “vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.”
Ngay sau khi họ bị kết án, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế ra một bản tuyên bố nói “kết án bất công bà mẹ (Cấn Thị Thêu) và người con (Trịnh Bá Tư) là một trò đùa công lý.”
Dân oan Dương Nội biểu tình ngồi trên đường phố Hà Nội vì không được cho vào dự phiên tòa xử mẹ con bà Cấn Thị Thêu ngày 5 Tháng Năm, 2021. (Hình: Facebook Nguyễn Thúy Hạnh)
Bà Cấn Thị Thêu và hai người con trai Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư cùng một dân oan Dương Nội, bà Nguyễn Thị Tâm, bị Công An CSVN bắt giam ngày 25 Tháng Sáu, 2020, vu cho họ vi phạm Điều 117 Luật Hình Sự (làm, tàng trữ, phát tán tài liệu tuyên truyền chống nhà nước…). Chỉ có bà Thêu và con trai tên Tư bị đưa ra tòa trong khi Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm hiện chưa có án.
Gia đình bà Cấn Thị Thêu là những người dân phường Dương Nội, quận Hà Đông, khiếu kiện suốt nhiều năm trời nhưng không có kết quả. Đất nông nghiệp của họ bị nhà cầm quyền cưỡng chế, rồi bán lại cho “tư bản đỏ” xây biệt thự kiếm lời. Nông dân Dương Nội được đền bù bằng số tiền rất nhỏ mà họ không thể mua được mảnh đất như thế ở nơi khác để canh tác.
Vụ đàn áp chống cưỡng chế năm 2014 tại Dương Nội rúng động dư luận quốc tế, trong đó vợ chồng bà Thêu bị kết án tù với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” dù họ chỉ ngồi trên cành cây quay phim làm tài liệu.
Người Việt (14.09.2021)
Luật sư đưa vụ án Phạm Đoan Trang ra LHQ: Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng
Luật sư nhân quyền quốc tế Kurtulus Bastimar (trái) đã nộp hồ sơ vụ án Phạm Đoan Trang (phải) lên Nhóm công tác LHQ về Giam giữ tùy tiện (UNWGAD), đồng thời ông cho biết sẽ nhận được phán quyết trong tháng 9/2021.
Luật sư nhân quyền quốc tế Kurtulus Bastimar có văn phòng ở Thổ Nhĩ Kỳ cho VOA biết ông đã nộp hồ sơ vụ án Phạm Đoan Trang lên Nhóm công tác Liên Hiệp Quốc về Giam giữ tùy tiện (UNWGAD), đồng thời ông cho biết sẽ nhận được phán quyết trong tháng 9 này.
Ông nhận định rằng vụ án của nhà báo Phạm Đoan Trang, người bị chính quyền Việt Nam chính thức truy tố với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật hình sự 1995 và sắp được đưa ra xét xử, “có nhiều vi phạm nghiêm trọng”. Cụ thể, ông cho rằng Việt Nam là quốc gia thường xuyên vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền được xét xử công bằng so với các quốc gia khác.
Ông Bastimar là một luật sư người Kurd, tốt nghiệp trường Luật Châu Âu thuộc Đại học Maastricht, chuyên về luật nhân quyền châu Âu và luật nhân quyền quốc tế. Vừa qua ông đại diện thành công tại UNWGAD cho nhà báo Việt Nam Lê Hữu Minh Tuấn, và cho một nhà hoạt động nhân quyền Cuba Luis Manuel Otero Alcantara, người đã được phóng thích.
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi với Luật sư Bastimar.
VOA: Thưa Luật sư, ông có thể cho biết một vài thông tin liên quan đến việc đưa vụ án Phạm Đoan Trang ra LHQ?
Luật sư Kurtulus Bastimar: Tôi đã đưa trường hợp của bà Phạm Đoan Trang lên Nhóm Công tác của Liên hợp quốc về việc cô ấy bị bắt giữ tùy tiện, sau đó tôi đã chính thức nộp hồ sơ lên UNWGAD và hồ sơ đã được chấp nhận, và chính phủ Việt Nam cũng bị UNWGAD yêu cầu phải nộp giải trình của họ.
Vừa qua tôi đã nhận được một e-mail từ Nhóm công tác UNWGAD thông báo rằng phán quyết sẽ được đưa ra trong tháng này, cụ thể là vào tháng 9, và theo phán quyết, tôi tin chắc rằng trong đó sẽ nêu sự vi phạm rất lớn của chính phủ Việt Nam đối với Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên ký kết.
Chúng tôi đã viện dẫn các điều khoản vi phạm rất nghiêm trọng của chính quyền Việt Nam.
VOA: Ông kỳ vọng điều gì từ việc nộp hồ sơ vụ án này lên LHQ và kế hoạch tiếp theo là gì?
Luật sư Kurtulus Bastimar: Tôi chắc chắn sẽ thắng kiện chính phủ Việt Nam và UNWGAD sẽ ra phán quyết có vi phạm quyền tự do ngôn luận đối với thân chủ Phạm Đoan Trang, trong đó có quyền được xét xử công bằng … Và sau khi nhận được phán quyết này, một phán quyết quốc tế, tôi tiếp tục hợp tác rất chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ có tiếng nói, có ảnh hưởng và các tổ chức quốc tế cũng như các cá nhân.
Tôi đang lên kế hoạch bắt đầu một chiến dịch lớn sẽ tạo ra một áp lực rất lớn đối với chính phủ Việt Nam và tôi sẽ kêu gọi mọi người ủng hộ chiến dịch trả tự do cho thân chủ Phạm Đoan Trang của tôi, và tôi sẽ cố gắng hết sức.
VOA: Thưa ông, qua hai hồ sơ của Lê Hữu Minh Tuấn và Phạm Đoan Trang, ông nhận định như thế nào về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam?
Luật sư Kurtulus Bastimar: Rất tiếc, theo quan sát của tôi, Việt Nam là nước đầu tiên tôi biết vi phạm nhân quyền quá nhiều, và qua từng hồ sơ mà chúng tôi thực hiện cho thấy rõ tình trạng sử dụng các điều luật hay bộ luật hình sự của Việt Nam để bịt miệng các nhà báo và các tác giả.
Vì vậy, tôi muốn nói rằng quyền tự do ngôn luận, cụ thể như quyền tự do báo chí, là quyền căn bản nhất và quan trọng nhất, lại đang bị chính phủ vi phạm rất nhiều so với các nước khác, ví dụ nữa là quyền được xét xử công bằng và những quyền khác. Đây thực sự là một vấn đề lớn.
Về cơ bản, chính phủ Việt Nam sử dụng các bộ luật hình sự này như một công cụ để bịt miệng người dân và hạn chế, thậm chí cấm đoán quyền tự do ngôn luận.
VOA: Ở trong nước, các luật sư cũng đang cố gắng xin được thăm gặp bà Phạm Đoan Trang và nỗ lực để bào chữa cho bà, ông sẽ đồng hành cùng với họ như thế nào?
Luật sư Kurtulus Bastimar: Tôi muốn gửi lời nhắn đến những người đang bảo vệ quyền lợi cho bà Phạm Đoan Trang tại Việt Nam theo luật pháp trong nước. Và tôi sẽ nói rằng họ không đơn độc, và tôi sẽ ở bên họ cho đến khi Phạm Đoan Trang được tự do. Và tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền của bà ấy.
VOA (14.09.2021)
Ân Xá Quốc Tế lo ngại vi phạm nhân quyền ở Việt Nam khi giãn cách kéo dài
Người dân đứng sau rào chắn hạn chế đi lại do dịch bệnh ở một con ngõ ở Hà Nội hôm 30/8/2021 AFP
Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) vào ngày 13/9 ra thông cáo kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền khi dùng quân đội tiếp tục kiểm soát dịch bệnh tại Sài Gòn.
Kêu gọi được đưa ra sau khi Sài Gòn cho tiếp tục kéo dài lệnh giãn cách đến cuối tháng chín này.
Ân xá Quốc tế nêu rõ, cơ quan chức năng Việt Nam phải có những biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng về nhân đạo và quyền con người khi mà những biện pháp giãn cách nghiêm ngặt ngày càng gây hại cho những đối tượng dễ tổn thương nhất trong xã hội.
Phó Giám đốc Nghiên cứu trong khu vực, bà Emerlynne Gil, được dẫn lời rằng, biện pháp giãn cách được quân đội giúp thực thi đang cản trở nhiều người bị tổn thương, đặc biệt ở Sài Gòn, không tiếp cận được nguồn lương thực để sinh tồn trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.
Bà Emerlynne Gil cho biết AI nhận được báo cáo từ những nguồn đáng tin cậy rằng vô số người gần như không nhận được nguồn lương thực hỗ trợ. Nếu Việt Nam tiếp tục biện pháp giãn cách được quân đội hỗ trợ thực thi, lực lượng này cần phải cung ứng những nguồn duy trì cuộc sống đến cho những thành phần đang bị thương tổn và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho họ.
Trong giai đoạn vô cùng khắc nghiệt này, công an cũng tiến hành phạt và bắt giữ những người lên tiếng trên mạng xã hội chỉ trích các biện pháp chống dịch của cơ quan chức năng; cũng như xử lý hình sự không thỏa đáng các đối tượng bị cho làm lây lan dịch bệnh.
Ân Xá Quốc Tế cho rằng những biện pháp mạnh tay với lý do ngăn chặn dịch bệnh có thể làm phương hại đến hiệu quả công tác chống dịch COVID-19. Theo Ân Xá Quốc Tế, thay vì chỉ dựa vào dụng những biện pháp trừng phạt và cưỡng bức với lý do ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, cơ quan chức năng Việt Nam cần áp dụng những biện pháp ứng phó phát xuất từ tôn trọng các quyền của con người.
RFA (13.09.2021)
Dân bị ném gạch vỡ đầu vì chất vấn tiền trợ cấp COVID-19
Một ông cụ 75 tuổi bị ông tổ trưởng dân phố ném cục gạch vỡ đầu, máu me lênh láng chỉ vì ông cụ dám hỏi về các trợ cấp của nhà nước.
“Chiều nay, 14 Tháng Chín, 2021, anh Vòng A Lộc, tổ trưởng dân phố, ngụ tại khu phố 9 hẻm 172, ngay nhà số 10/3 Đô Đốc Long, phường Tân Quí, quận Tân Phú, Sài Gòn, đã lấy gạch ném ông Nguyễn Tiến Mạnh, 75 tuổi, cư dân của tổ dân phố do anh Vòng A Lộc làm tổ trưởng,” Facebooker An Thanh tức Linh Mục Lê Ngọc Thanh kể lại như vậy trên trang Facebook cá nhân.
Ông cụ 75 tuổi bị tổ trưởng dân phố ném gạch vỡ đầu. (Hình: Facebook An Thanh)
Facebooker An Thanh kể lại nguyên nhân dẫn đến vụ bạo hành do chính con gái của ông cụ Mạnh cho biết: “Cha tôi chỉ hỏi thăm ông ấy là mấy tháng trời bắt chúng tôi giãn cách theo Chỉ Thị 16 của thủ tướng chính phủ nhưng sao không thấy phường trợ cấp gì cho gia đình tôi dù chỉ là một cọng rau!!! Không ngờ ông tổ trưởng lại dùng hành động như ‘một thằng lưu manh’ dùng gạch chọi vào đầu cha tôi.”
“Chúng tôi không biết đây có phải là chỉ đạo ngầm khiến anh Vòng A Lộc làm một việc phạm pháp công khai giữa tổ dân phố nhắm vào ông Mạnh, một người cao niên không? Xin ông Mãi hỏi vị chủ tịch quận Tân Phú rồi cho dân biết,” Facebooker An Thanh đặt câu hỏi.
Hồi đầu Tháng Bảy, nhà cầm quyền CSVN loan báo số tiền hỗ trợ 26,000 tỷ đồng (hơn $1.1 triệu) cho các người dân gặp khó khăn vì đại dịch. Bên cạnh đó, nhà cầm quyền còn xuất từ kho gạo dự trữ an toàn, phát cho dân nghèo để người ta đừng chết đói. Việc phát tiền và phát gạo không cùng một lúc và không đồng đều dẫn đến nhiều kêu ca tại nhiều địa phương.
Tuần trước, ngày 8 Tháng Chín, báo VNExpress cho hay: “Hơn 140 hộ dân phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, được hỗ trợ gạo nhưng phải ký nhận 1.5 triệu đồng ($66), còn địa phương cho rằng ‘do lỗi kỹ thuật.’”
Ông Vòng A Lộc, tổ trưởng dân phố ở phường Tân Quí, quận Tân Phú, Sài Gòn, ném vỡ đầu ông Nguyễn Tiến Mạnh. (Hình: Facebook An Thanh)
Ngày 19 Tháng Tám, đài Á Châu Tự Do (RFA) cho hay một nhóm có tên “Những Người Chưa Nhận Được Trợ Cấp COVID” với gần 8,000 thành viên tham gia, trong đó có rất nhiều người phản ảnh rằng mình là lao động tự do, thất nghiệp do COVID-19 và đang trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn chưa nhận được một đồng nào do chính phủ trợ cấp.
Chính quyền thành phố trước đó đã thông báo số tiền hỗ trợ COVID-19 trong hai tháng Bảy và Tám, bao gồm tiền mặt cũng như nhu yếu phẩm cho lao động tự do mất việc làm, người nghèo và cận nghèo trong thành phố. Với số tiền hỗ trợ lần hai, giới chức Sài Gòn hứa hẹn rằng lao động nghèo, ai có mặt tại thành phố thì đều được hỗ trợ, không phân biệt tạm trú hay thường trú.
Ngày 6 Tháng Tám, trang mạng của “Công Đoàn Việt Nam,” tức tổ chức lao động do nhà nước CSVN thành lập, hướng dẫn “người lao động tự do chưa nhận được hỗ trợ, cần liên hệ với địa phương cư trú.” Tổ chức này còn cung cấp các số điện thoại để liên lạc, gồm cả “tiếp nhận thông tin, khiếu nại, tố cáo” là [0911041122].
Người Việt (14.09.2021)