Nói vi phạm quyền con người là không được!

Không thể phủ nhận thành tựu của Việt Nam trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật về quyền con người”.

 

Mẫu câu quen thuộc ở trên, thực chất chỉ là ‘chữa thẹn’ trước các cáo buộc của một số tổ chức xã hội dân sự về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Ví dụ gần nhất, sáng ngày 29-9-2021, báo Tuổi Trẻ có bài báo với tít khá sốc: “Phá cửa cưỡng chế dân đi xét nghiệm: Vi phạm quyền con người!” Vài tiếng đồng hồ được phát hành, bài báo bị lỗi 404, và người ta chỉ có thể đọc lại từ bản sao chép lưu trữ tự động của Google.

Có lập luận, vấn đề “nhân quyền” cụ thể ở đây cần lưu ý về tình trạng khẩn cấp, là tình huống xảy ra khi thảm họa lớn do thiên nhiên, con người gây ra, khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng vượt quá khả năng ứng phó của chính quyền, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tài sản của Nhà nước và của tổ chức khác.

Khi áp dụng tình trạng khẩn cấp tất yếu sẽ dẫn đến việc hạn chế quyền tự do dân chủ, tự do cá nhân, trong nhiều trường hợp còn dẫn đến việc hạn chế quyền trong lĩnh vực chính trị, kinh tế – xã hội.

Quan điểm trên tiếp tục đưa ra các luận cứ:

Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 khẳng định: “Trong khi thực hiện những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra để những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an toàn chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn” (Điều 29).

Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

  1. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Như vậy, bên cạnh việc khẳng định công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp cũng trù liệu khả năng hạn chế quyền con người, quyền công dân trong một số trường hợp nhất định liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Tuy nhiên lập luận trên vẫn không thể thuyết phục cho chuyện hạn chế quyền trong lĩnh vực chính trị, kinh tế – xã hội lúc dịch giã xảy ra như hiện tại. Lý do rất đơn giản: cho mãi tới nay, “Đảng và Nhà nước” Việt Nam vẫn chưa có tuyên bố về “Tình trạng khẩn cấp” theo quy định của Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp.

Từ khi xảy ra dịch Covid-19 ở Việt Nam, cả hệ thống chính trị của Việt Nam đều cho rằng yêu cầu thực hiện tầm soát y tế cộng đồng theo mệnh lệnh là cần thiết đối với công tác phòng chống Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (hiện ông Phúc là chủ tịch nước) ký ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP theo đề nghị của quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, làm cơ sở pháp định để bắt buộc các cá nhân người dân phải thực hiện “theo đúng yêu cầu của họ”. Nếu trái lệnh, tức là vi phạm pháp luật về phòng chống dịch.

Tại đây, phải chăng trong trường hợp này dường như có sự xung đột giữa hai quyền: Quyền tự do thân thể trong quyền tự do của con người, và thứ hai là quyền hành chính công của nhà nước trong quá trình thực hiện quản lý xã hội.

Vậy thì ranh giới nào, và cách thức nào để được thực hiện đúng và đủ cả hai quyền?

Việc thực hiện việc lấy mẫu để xét nghiệm tầm soát virus với mục đích duy nhất là xác nhận cá nhân đó tại thời điểm xét nghiệm là có lây nhiễm virus hay chưa. Đây là mục tiêu khoa học mấu chốt và duy nhất của hoạt động này. Mục tiêu khoa học là khách quan nằm ngoài mệnh lệnh hành chính. Mệnh lệnh hành chính phải phù hợp và quy thuận với mục tiêu khoa học. Các cơ quan thực hiện nhiệm vụ cần phải thực hiện mọi biện pháp để có kết quả khoa học này.

Thực tế tại TP.HCM, người ta quan sát để thấy rằng cơ quan chống dịch đi từ chỗ việc thực hiện lấy mẫu test là do chính nhân viên y tế thực hiện, tại 1 khu vực nhất định, chuyển sang nhân viên y tế lấy mẫu test tại gia đình tại nhà riêng, sau đó nữa lại chuyển sang các cách gửi que test, dụng cụ test để người dân tự thực hiện và nhân viên y tế thu mẫu test sau đó; rồi dần đến không cần thu mẫu test vì người dân nào có kết quả dương tính sẽ tự mình báo cho cơ quan y tế…

Thủ thuật lấy mẫu test từ phía trong dịch khoang mũi theo 1 thao tác được mô tả rằng chỉ có nhân viên y tế được huấn luyện mới có thể thực hiện; thì nay, có thể thấy rằng mẫu virus có thế tìm thấy ở ngoài khoang mũi, dịch hầu họng, thậm chí trên thế giới người ta còn có thể xét nghiệm thông qua tuyến nước bọt ngay khoang miệng.

Từ các biến chuyển này cho thấy, quá trình thực hiện theo 1 quy trình cứng nhắc, cơ quan phòng chống dịch dần dần ý thức được và bắt đầu sửa chữa những thiếu sót sai lầm trước đây.

Đồng thời, mọi hoạt động của con người, dù là nhân dân hay chính quyền đều phải đảm bảo bảo vệ quyền con người. Nói như vậy để thấy rằng, bản chất quyền con người và mục tiêu khoa học của xét nghiệm test mẫu bệnh phẩm là hoàn toàn không có mâu thuẫn, không có đối lập, thậm chí nó cùng nhau tương hợp.

Chỉ có hoạt động mà “Đảng và Nhà nước” hay gán gọi là “quy trình” đã làm người ta thực hiện sai, hiểu sai , làm sai nên và rồi dẫn đến những mâu thuẫn trong thực tế thực hiện.

Duy ý chí, dùng quyền lực, vũ lực để bắt con người và khoa học quy phục mình, thì tất yếu chỉ gánh chịu hậu quả thất bại rất nặng nề, dẫn đến sa lầy, gây hoang mang, mất đoàn kết và hỗn loạn xã hội.

Như vậy, nhìn một cách toàn diện thì nếu thật sự nhằm đến bảo vệ chế độ, bảo vệ thành trì cách mạng mà biết bao nhiêu đảng viên đã đổ xương máu để bồi đắp từ những năm đầu thập niên 30 ở thế kỷ trước đến nay, cần thiết khởi tố vụ án hình sự theo điều 158 “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác”; hoặc điều 157 “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”.

Ngày 28-9-2021 trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip, trong đó lực lượng chức năng gồm dân phòng, công an, cảnh sát cơ động cùng một số người mặc thường phục đứng trước cửa một căn hộ. Sau đó, một người có hành động “dùng nghiệp vụ” để mở cửa căn hộ.

Sau khi cửa mở, nhóm người xông vào, khống chế bằng cách khóa tay một phụ nữ và yêu cầu “đi test”. Phía trong căn hộ có tiếng khóc khá lớn của trẻ em.

Người phụ nữ sau đó bị đưa xuống sảnh chung cư và yêu cầu phải xét nghiệm Covid-19, có nhân viên y tế đã chờ sẵn. Lúc này, một người trong nhóm phá cửa căn hộ đe dọa: “Tôi lập biên bản xử phạt chị bây giờ, chị chống người thi hành công vụ hả?”.

Vụ việc được xác minh xảy ra tại chung cư Ehome 4, phường Vĩnh Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Người phụ nữ bị cưỡng bức này có kết quả xét nghiệm là âm tính.

Hoài Nguyễn

VNTB (30.09.2021)

 

 

Quyền của người dân liên tục bị vi phạm trong đại dịch COVID-19

Một người đang được xét nghiệm COVID-19 tại Hà Nội  REUTERS

Hôm 28 tháng 9 năm 2021, một video clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy dân quân tự vệ, cảnh sát cơ động phá khoá cửa, ập vào nhà bà Hoàng Thị Phương Lan. Những người này bẻ ngoặt tay bà, lôi bà ra ngoài để xét nghiệm COVID-19 trong tiếng la khóc của con bà và sự phản đối của bà, bởi bà đang làm việc online nên không thể đi test lúc đó. 

Một ngày sau, bà Lan cho Đài Á Châu Tự do biết tinh thần bà vẫn chưa ổn định trở lại trong khi chính quyền thuyết phục bà gỡ bài, gỡ video trên facebook. Bà kể: 

“Khi họ đang phá khóa tôi thấy không được an toàn nơi đang ở và sốc. Theo tôi biết tôi có thể từ chối test nếu không thấy an toàn, họ không được có hành động như vậy. Khi họ chưa ập vào tôi nghĩ có quyền từ chối khi thấy không an toàn. Khi họ dùng vũ lực thì sốc toàn tập. Tôi thấy hành động của họ sẽ tác động đến con tôi về chế độ bây giờ.” 

Cùng với việc cưỡng ép bà Lan đi thử COVID-19, công an địa phương đã lập biên bản vi phạm, thu giữ CMND của bà. Bà cho biết sẽ hỏi ý kiến luật sư để xem xét việc kiện chính quyền địa phương. 

Câu chuyện của bà Lan là một bằng chứng nữa cho thấy nhân viên phòng chống dịch tiếp tục vi phạm quyền con người bằng các hình thức cưỡng chế thô bạo. Chính những người được cho là thực thi pháp luật lại chà đạp lên luật pháp một cách rõ ràng nhất. Những câu chuyện như vậy xảy ra không ít trong mùa dịch này. 

Một trường hợp khác xảy ra được người dân quay clip và đăng tải trên Facebook hồi tháng 8, cho thấy một người dân ở Cà Mau tên Trần Tô Ân Châu cũng vì từ chối xét nghiệm COVID-19 tại nhà nên đã bị lực lượng chức năng khiêng đi cách ly tập trung. Ngoài ra, một thanh niên ở Đắk Lắk đã bị công an còng tay áp giải đi test COVID-19 chỉ vì người này từ chối chuyện test và ở yên trong nhà. 

Nhà hoạt động nhân quyền Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nói với RFA sáng 29 tháng 9: 

“Các hình thức cưỡng chế đưa người dân đi xét nghiệm là vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng, sỉ nhục nhân phẩm con người. Tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ, đặc biệt là trong thời gian xảy ra đại dịch hiện nay. Chính quyền các địa phương lạm quyền để thực thi những công cụ của họ một cách trầm trọng. Mà tôi nghĩ nó mang tính hệ thống chứ không chỉ một vài địa phương, từ cấp xã đến cấp tỉnh, cấp trung ương.  

Cộng đồng Facebook đã lên tiếng rất nhiều các trường hợp nhà cầm quyền vi phạm nhân quyền hoặc các sai phạm trong quản lý kinh tế, xã hội. Khi nhiều người cùng lên tiếng phản đối thì nhà cầm quyền bắt buộc phải nhìn lại và có một số trường hợp họ thừa nhận sai lầm. Nhưng việc chỉ xin lỗi là chưa đủ. Những người vi phạm nhân quyền phải bị truy tố, nếu nhà cầm quyền Việt Nam muốn xây dựng một chính quyền lành mạnh để đưa đất nước vượt qua đại dịch.” 

Ông Vũ Quốc Ngữ nói thêm, người dân Việt Nam muốn có nhân quyền thì phải đấu tranh chứ không có cách nào khác, bởi vì tự do, nhân quyền không phải là một món quà mà Thượng đế ban cho. 

Cách chống dịch của Việt Nam bị coi là phiên bản của Vũ Hán, Trung Quốc, từ việc xét nghiệm đến việc cách ly. 

Khi biến thể Delta bắt đầu xuất hiện ở Vũ Hán vào đầu tháng 8 vừa qua, giới chức thành phố này cho biết sẽ xét nghiệm toàn bộ dân trong thành phố và áp lệnh phong tỏa. Để bảo vệ thủ đô, tất cả các tuyến đường hàng không, xe buýt và các tuyến đi lại từ Bắc Kinh đến các vùng có dịch bị cắt. Tất cả khách du lịch cũng đã bị cấm vào thủ đô và giới chức chỉ cho phép những du khách “thiết yếu” có kết quả xét nghiệm âm tính được vào. 

Trở lại câu chuyện bà Lan, truyền thông Nhà nước một ngày sau khi xảy ra vụ việc cho hay, ông Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú Võ Thanh Quan đã nhận khuyết điểm và công khai xin lỗi bà Hoàng Thị Phương Lan. Ông Quan thanh minh cho hành động vi phạm của lực lượng chức năng là do mong muốn nhanh chóng dập dịch, sợ dịch bùng phát trở lại nên hơi nóng vội dẫn đến biện pháp cưỡng chế. 

Luật sư Đặng Đình Mạnh thuộc đoàn luật sư TP.HCM nói với RFA rằng, việc ông Bí thư phường chỉ đạo cho nhân viên công lực phá cửa tư gia của một người, ập vào và cưỡng chế đi để xét nghiệm là một việc hoàn toàn bất hợp pháp. Vị Luật sư này nhận định rằng, chính quyền địa phương đã vi phạm ít nhất ba điều: Xâm phạm chỗ ở của người khác; Bắt giữ người trái pháp luật; Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác. Ông nói: 

“Ông Bí thư phường chỉ đạo cho nhân viên công lực phá cửa tư gia của một người sau đấy họ ập vào và cưỡng chế chế đi để xét nghiệm.

Cái diễn biến của sự việc như vậy thì có thể gọi đấy là hành vi cưỡng chế của về phía chính quyền nhưng mà nội dung của việc cưỡng chế này là đưa đi xét nghiệm Covid thôi thì cái này thực ra không có luật pháp nào cho phép làm như vậy. Vì vậy cho nên tôi khẳng định rằng cái việc họ phá cửa đồng thời cưỡng chế bắt cô này đi xét nghiệm là một việc hoàn toàn bất hợp pháp.” 

Về phương diện luật pháp, chính quyền Việt Nam hiện nay bị cho là bất bình đẳng trong xử lý vi phạm. Chính quyền thì mạnh tay cưỡng chế, vi phạm nhân quyền, nhưng nếu người dân phản đối thì bị kết vô tội “chống người thi hành công vụ”. 

Các hình thức cưỡng chế đưa người dân đi xét nghiệm là vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng, sỉ nhục nhân phẩm con người. Tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ, đặc biệt là trong thời gian xảy ra đại dịch hiện nay. Chính quyền các địa phương lạm quyền để thực thi những công cụ của họ một cách trầm trọng. Mà tôi nghĩ nó mang tính hệ thống chứ không chỉ một vài địa phương.- Ông Vũ Quốc Ngữ 

Qua những vụ việc dân bị hành xử thô bạo, phi pháp, nhiều người nhắc lại câu nói của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ khi nói về vụ Đồng Tâm tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 4 tháng 5 năm 2017: “Nếu chính quyền sai thì nhận lỗi trước dân, nếu dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. 

Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu người vi phạm có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 07 năm tù. 

Công luận nêu câu hỏi nếu lực lượng chống dịch dùng vũ lực bắt dân làm điều mà họ không muốn trong phạm vi luật pháp thì sẽ bị hình phạt như thế nào?

RFA (29.09.2021)

 

 

Chính quyền VN hình sự hóa hoạt động của các tổ chức Tin Lành ở Tây Nguyên để xoá sổ

“Sau Tin Lành Đề Ga lại xuất hiện tổ chức phản động đội lốt tôn giáo ở Tây Nguyên” là tựa bản tin thuộc mảng chính trị trên báo mạng VoV.VN ngày 22/9.

Bài viết mở đầu bằng quan điểm quen thuộc của Nhà Nước Việt Nam rằng: “Chiêu bài lợi dụng tôn giáo rất nguy hiểm bởi vì thông qua các hội thánh, các sinh hoạt tôn giáo, đối tượng lôi kéo, tập trung tín đồ, lồng ghép tư tưởng hẹp hòi, ly khai tự trị”.

Đối tượng được nói tới ở đây là Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ. Hội Thánh này bị cáo buộc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, ly khai.

Tin nói, chiêu bài này không mới và đã thất bại từ những năm 2001, 2004, 2008 với “Nhà nước Đê Ga độc lập”. Bài viết nhận định, thời gian gần đây thì các đối tượng FULRO lưu vong lại tiếp tục dựng lên các tổ chức phản động đội lốt tôn giáo dưới các tên gọi khác nhau như “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam”, “Giáo hội Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”.

Theo truyền thông Nhà nước, từ tháng 6/2017 đến đầu 2018, lực lượng Công an các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai chiến dịch gọi là “cuộc đấu tranh quyết liệt với tổ chức phản động đội lốt tôn giáo” như thế. Công an tỉnh Đắk Lắk báo cáo rằng họ đã bóc gỡ hơn 30 đối tượng cốt cán trong chiến dịch.

Mục sư Aha, người dân tộc H’lăng, một trong ba người được nhắc tên trong bài báo của VOV.VN, vì đấu  tranh tự do tôn giáo phải chạy sang Thái Lan từ năm 2013, qua Mỹ  tị nạn năm 2017, cho RFA biết:

Tin lành Đê Ga cũng như Hội Thánh Tin lành đấng Christ, cũng giống các hệ phái khác nhưng chính quyền thì không muốn có hai hội thánh này tại Tây Nguyên. Nhà nước không thể quên được cái thời FULRO, cũng không thể quên cuộc tranh đấu năm 2001 họ gọi là chống phá chính quyền”

“Thật ra chúng tôi không chống phá mà chỉ muốn thờ phượng Chúa, đó là ước nguyện của dân tộc Tây Nguyên. Năm 2017 chính quyền nói là dẹp tan Hội Thánh Tin lành đấng Christ Việt Nam, còn móc thêm Hội Thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên mà họ nói  tất cả là một thôi. Báo Công An Đà Nẵng và Công An Đắk Lắk tung tin suốt thời gian này, bao nhiêu video bao nhiêu bài báo là vu cáo Hội Thánh của chúng tôi nặc dù chúng tôi không liên quan cũng không biết  vấn đề Đê Ga, FULRO hay tự trị là gì. Chúng tôi là những người chỉ muốn thờ phượng Chúa và muốn tự do tôn giáo cho người Tây Nguyên mà thôi”. 

Những người Thượng ở Tây Nguyên đi ra từ một cánh rừng mà họ đã lẩn trốn ở Campuchia năm 2004. Reuters

Người thứ hai, mục sư Y’hin Niê, người dân tộc Ê Đê, qua Mỹ từ năm 1992 và hiện đang là hội trưởng Hội thánh Tin lành Đấng Christ tại North Carolina, Hoa Kỳ, cho biết:

“Hội Thánh Tin lành Đấng Christ bắt nguồn từ Hoa Kỳ, đến Việt Nam và đến Đắk Lăk từ năm 1934, mục đích rao giảng truyền bá Tin Lành”

“Đến 1975, Hội Thánh Tin lành Đấng Christ không được tồn tại, các tôn giáo bị xóa bỏ. Tôi lưu vong vào rừng sống gần biên giới Campuchia trong 17 năm. Đến năm 1992 tôi đến Hoa Kỳ  với mục đích đi tìm tự do tôn giáo và tất cả những gì trước 1975 là tôn giáo chính của người dân tộc”

Có thể vì chạy vào rừng và sống trong đó 17 năm trước khi qua Mỹ, nên chính quyền cho là ông đi theo FULRO. Nhưng nếu vì đó mà gán ghép Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ vào với FULRO là cả sự hồ đồ, mục sư Y’hin Niê nói tiếp:

“Bản thân Hội Thánh Tin lành Đấng Christ không có cơ hội hoạt động. Đó là lý do tôi ở trong rừng 17 năm. Hội Thánh Tin lành  đấng Christ không hề có lập trường như sự tuyên truyền của cộng sản, là lợi dụng tôn giáo để mà chống Chính phủ, để mà lật đổ Chính phủ. Chính tôi tại Hoa Kỳ không hề làm điều đó, cũng chưa thấy anh em nào của tôi có làm điều đó”.

Người thứ ba đang ở Việt Nam, mục sư Y’jôl Bkrông, bị cáo buộc tội gởi tài liệu ra ngoài để xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Tây Nguyên miền Trung, nói rằng những lời buộc tội như vậy luôn khiến các nhóm Tin Lành của người Thượng lo âu sợ sệt vì biết  không chỉ bị cấm  nhóm họp cầu nguyện mà còn có thể bị bắt, bị đánh, bị buộc bỏ đạo hay lãnh án tù nhiều năm.

Đối với mục sư Nguyễn Công Chính, hoạt động truyền giáo trong các nhóm Tin Lành Tây Nguyên, bị theo dõi, bắt giữ với bản án 11 năm tù, sang Mỹ năm 2017 do bị trục xuất khỏi nước, thì Tin Lành nói chung và Tin Lành Đê Ga hay Hội Thánh Tin lành đấng Christ đều là những danh xưng nhạy cảm, đặc biệt nếu có liên quan đến người Tây Nguyên:

Tất cả những hội thành này đều thành lập không có xin phép. Việt Nam có tất cả 54 dân tộc với văn hóa, tiếng nói và ngôn ngữ khác nhau, chúng tôi bầu ra một ban đại diện để lo việc Chúa cho các dân tộc đó. Cùng ngôn ngữ và văn hóa vùng miền thì công việc truyền giáo sẽ thuận lợi hơn, các Hội Thánh địa phương đồng bào dân tộc phát triển mạnh”

Chính quyền sợ rằng tôn giáo người dân tộc phát triển thì họ sẽ mất quyền ảnh hưởng nên họ luôn có kế hoạch bố ráp, ngăn cấm, đàn áp”

Hội Thánh Tin lành đấng Christ  hoàn toàn không phải một tổ chức chính trị, không phải là FULRO lưu vong. Lấy mục sư Y’hin Niê ra mà chụp mũ cho cả Hội Thánh Tin lành đấng Christ là hoàn toàn sai, hình sự hóa tôn giáo như vậy là không đúng. Phản động, kích động dân tộc hay lợi dụng tôn giáo là những câu từ mà Hà Nội thường dùng để chụp mũ những tổ chức tôn giáo không chấp nhận sự kiểm soát của họ”. 

Thực tế cuộc sống của hầu hết người dân tộc Tây Nguyên còn khó khăn, miếng ăn hàng ngày còn vất vả thì lấy đâu ra mà đi chống phá Nhà Nước, là lời anh Nay Phớt, người dân tộc J’rai,  chạy qua Thái Lan vì bị công an buộc chối đạo:

Chính phủ Việt Nam nói Tin Lành Montagnards, Tin Lành Đề Ga đó, và Hội Thánh Tin lành đấng Christ chỉ muốn chống phá Nhà nước là không có, không đúng đâu”

“Theo đạo để thay đổi cuộc sống. Xưa kia cuộc sống của người Thượng quá lạc hậu, đa Tin Lành tốt cho cuộc sống người Thượng. Người J’rai chúng em thường mê tín dị đoan, thờ cúng thần nước thần núi, đau ốm phải cúng cả một con bò. Bây giờ theo Tin Lành thì đau ốm phải đi mua thuốc chứ không tin thần thánh nào khác nữa”

Chính quyền Việt Nam không muốn người Thượng bọn em có tôn giáo, nói là bọn em theo đạo người Mỹ người Pháp để lật đổ chính quyền. Họ nói đạo chỉ có lợi dụng thôi, muốn theo thì phải nghe lời họ. Cái em thích nhất ở tôn giáo là 10 Điều Răn của Chúa, không làm tổn hại ai và yêu thương mọi người như anh  em của mình.  Em bỏ quê qua Thái Lan năm 2018 vì  chính quyền Việt Nam bắt buộc em bỏ đạo”.

Phía Công an tỉnh Đắc Lắk được dẫn lời rằng những người bị bắt giữ trong Hội Thánh Tin lành Đấng Christ đã nhận tội theo cáo buộc cũng như cam kết từ bỏ hành vi phản động của mình.

Ba mươi đối tượng liên quan Hội Thánh Tin lành đấng Christ đã bị công an “bóc gỡ” như VOV.VN đưa tin, thật ra còn cao hơn nhiều, là khẳng định của mục sư Nguyễn Công Chính.

Và không chỉ Tin Lành Đề Ga hay Hội Thánh Tin lành đấng Christ, một số tổ chức tôn giáo khác đã nằm trong kế hoạch liệt vào hàng tà đạo để xóa sổ là trường hợp Công giáo Hà Mòn hay Ân Đàn Đại Đạo trước đây, với cả chục đến cả trăm người bị bắt giữ, mục sư Nguyễn Công Chính kết luận.

RFA đã nối đường dây về công an tỉnh Gia Lai cũng như Ban Tôn Giáo tỉnh Đắk Lắk để lấy phản ứng nhưng rất tiếc một nơi từ chối trả lời, một nơi không bắt máy.

RFA (29.09.2021)

 

 

Bình Dương: Cưỡng chế xét nghiệm, chính quyền xin lỗi nhưng vẫn giữ CMND, dân doạ kiện

Sau vụ phá cửa, đưa người phụ nữ đi lấy xét nghiệm Covid-19, Bí thư Đảng uỷ phường Vĩnh Phú (TP.Thuận An, Bình Dương) đã gửi lời xin lỗi công khai bà L. tại buổi làm việc chiều 29/9.

Chính quyền phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương đã lên tiếng xin lỗi người dân bị cưỡng chế trái phép đi xét nghiệm COVID-19, nhưng vẫn thu giữ chứng minh nhân dân, lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu người dân bỏ video và status sự việc trên Facebook cá nhân.

Chị Hoàng Thị Phương Lan, nạn nhân trong vụ việc chính quyền phường Vĩnh Phú phá khoá, ập vào nhà ép đi xét nghiệm hôm 28/9, nói với Đài Á Châu Tự Do qua ứng dụng Messenger hôm 29/9.

Chị Lan cho biết, đại diện chính quyền địa phương đã ngồi thuyết phục chị đến 40 phút trong khi chị chuẩn bị có lớp dậy Yoga online nên phải xin dừng.

Truyền thông Nhà nước hôm 29/9 cho biết, ông Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú Võ Thanh Quan trình bày lại sự việc, nhận khuyết điểm và công khai xin lỗi bà Hoàng Thị Phương Lan. Tuy nhiên, ông Quan thanh minh cho hành động vi phạm của lực lượng chức năng là do mong muốn nhanh chóng dập dịch, sợ dịch bùng phát trở lại nên hơi nóng vội dẫn đến biện pháp cưỡng chế.

Chị Lan cho RFA biết chính quyền cố gắng thuyết phục chị: “Bỏ qua vụ hôm qua, gỡ bài đăng, hợp tác trong thời gian tới!”

Đề nghị hợp tác được chính quyền giải thích là hợp tác xét nghiệm chống dịch cộng đồng, nhưng chị Lan cho biết: “tuỳ tình hình lúc đó. Mình không nói trước chuyện gì chưa xảy ra. Đến đó xem mình có di chuyển hay tiếp xúc gì không mới biết cần làm gì”

Nói về lời xin lỗi của chính quyền, chị Lan cho biết:

Chị ghi nhận lời xin lỗi nhưng không chấp nhận vì ngoài việc hành xử trái pháp luật, anh ấy còn sỉ nhục và lăng mạ chị trước đám đông, trước con chị, làm tổn hại tinh thần trẻ”.

Vụ việc xảy ra vào khoảng 10 giờ sáng ngày 28/8 tại chung cư Ehome 4, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Video quay lại vụ việc được đăng tải trên Facebook cho thấy chính quyền đã huy động dân quân tự vệ, cảnh sát khoá cửa nhà chị Lan trong khi chị đang dạy học online, ập vào nhà bắt chị đi xét nghiệm COVID-19 giữa tiếng khóc của con chị.

Cùng với việc cưỡng ép chị Lan xét nghiệm, công an địa phương đã lập biên bản vi phạm trên một giấy A4 mà không cho chị Lan lưu lại. Sau đó, vào chiều cùng ngày, công an phường tiếp tục vào nhà chị Lan và lập một biên bản vi phạm hành chính khác đối với chị.

Chị Lan cho biết chính quyền đã không đề cập gì đến việc trả CMND và các biên bản vi phạm trong cuộc gặp xin lỗi vào chiều ngày 29/9. Chị cho biết chị sẽ tiến hành hỏi ý kiến luật sư để xem xét  việc kiện chính quyền địa phương.

RFA (29.09.2021)

 

 

Phá cửa cưỡng chế xét nghiệm là ‘lạm dụng chức vụ và trái luật’

Không muốn tiêm vaccine Trung Quốc, từ chối có bị xử phạt?

Nhiều luật sư cho rằng hành động phá cửa, đột nhập vào nhà và cưỡng chế người dân đi xét nghiệm là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người.

Các biện pháp chống dịch mạnh tay của Việt Nam tiếp tục bị đặt dấu hỏi về tính pháp lý. Trong vụ việc mới nhất, một phụ nữ ở Bình Dương đã bị cảnh sát cơ động khống chế, đưa ra khỏi nhà để xét nghiệm.

Ngày 29/9 báo chí Việt Nam nói Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, Bình Dương, Võ Thanh Quan đã xin lỗi bà Hoàng Phương Lan (ngụ tại chung cư Ehome 4), về việc phá khóa, cưỡng chế bà đi xét nghiệm nCoV.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, luật sự Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp nói: “Xét nghiệm là một trong những biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh. Do đó, việc người dân từ chối xét nghiệm là sai. Tuy nhiên, việc người dân sai không đồng nghĩa với việc chính quyền hành xử như thế nào cũng được.”

“Việc chính quyền đem lực lượng xuống phá khoá, vào nhà, bẻ trái tay người dân đem đi xét nghiệm là trái quy định. Đây là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm chỗ ở của người khác. Hành vi này có dấu hiệu phạm vào tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo điểm a, điểm b Khoản 2 Điều 157 BLHS và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo điểm a, điểm b khoản 2 Điều 158 BLHS.”

Từ đó, luật sư kiến nghị: “Để tránh tình trạng lạm quyền xảy ra khá phổ biến trong thời điểm hiện nay, và để lấy lại niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước thì cơ quan chức năng cần nhanh chóng khởi tố vụ án để xử lý nghiêm những cá nhân liên quan theo đúng quy định của pháp luật. Việc này cần phải làm ngay, không nhất thiết phải có đơn tố cáo của người bị hại vì trường hợp này, việc khởi tố không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại.”

Phá cửa, khóa tay

Tối 28/9, một đoạn video ghi lại cảnh lực lượng chức năng cùng một số người mặc thường phục, trang phục công an và cảnh sát cơ động cũng như đồng phục một số lực lượng khác đang phá cửa một căn hộ trong chung cư được chia sẻ trên mạng xã hội.

Video cho thấy, khi mở được cửa căn hộ, nhóm người xông vào, khống chế người phụ nữ và yêu cầu đi xét nghiệm nhanh Covid-19.

Giữa lúc bà mẹ bị hai người đàn ông khóa tay dẫn ra, có tiếng la hét của trẻ em trong căn hộ.

Trong khi bị khóa tay áp giải ra, người phụ nữ liên tục kêu lên: “Người ta đang làm việc mà nhào vô đập cửa”.

Một người dẫn giải đáp lại: “Rượu mời không uống thì uống rượu phạt.”

Người phụ nữ này sau đó được đưa xuống sảnh chung cư nơi có nhân viên y tế chờ sẵn và được yêu cầu phải xét nghiệm Covid-19.

Theo thông tin từ Báo Thanh Niên, vụ việc trên xảy ra tại chung cư Ehome 4 ở phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Là người có mặt trong video, ông Võ Thanh Quan, Bí thư phường Vĩnh Phú, cho biết khi nhân viên y tế đang lấy mẫu tại chung cư Ehome 4 vào sáng 28/9 thì đoàn công tác phòng chống dịch được ban quản lý chung cư báo có một người phụ nữ không chịu đi xét nghiệm dù chung cư đã phát hiện có 2 ca dương tính.

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Võ Thanh Quan cho biết dù đã vận động nhưng người phụ nữ vẫn không chịu mở cửa ra ngoài để xét nghiệm nhanh với lý do sợ ảnh hưởng sức khỏe. Do đó, lực lượng chức năng đã tìm thợ khóa để mở cửa căn hộ, tiếp tục vận động nhưng người phụ nữ không đồng ý nên mới phải áp chế đưa người này đi xét nghiệm.

Zing.news dẫn lời Bí thư Thành ủy Thuận An, lực lượng của phường Vĩnh Phú “hơi nóng vội và mạnh tay” khi cưỡng chế người dân; đồng thời cho rằng nếu người dân không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch của địa phương thì địa phương có quyền thực hiện các biện pháp theo quy định.

Tuy nhiên, cảnh trong video cho thấy sau khi phá cửa xông vào, lực lượng của chính quyền đã khống chế người phụ nữ và áp giải đi liền, không hề có cảnh “tiếp tục vận động” như thông tin từ bí thư phường.

Về phía người phụ nữ trong clip, chị cho biết: “Tôi tự test ở nhà và kết quả đã âm tính. Mặt khác tôi thấy test cộng đồng như vậy khả năng lây nhiễm cao vì ngoài đó đông người.”

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền có các hành động mạnh tay với người dân liên quan tới xét nghiệm và phòng chống dịch.

NGUỒN HÌNH ẢNH,CHỤP MÀN HÌNH Chụp lại hình ảnh, Vụ phá cửa, cưỡng chế F1 đi cách ly ở Nghệ An gây xôn xao cộng đồng mạng

Vào ngày 23/8, tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, một phụ nữ có tiếp xúc với người mắc Covid-19 đã cởi áo cố thủ trong nhà và lực lượng chức năng đã phá cửa rồi cưỡng chế đi cách ly. Người phụ nữ này sau đó bị khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ.

Tại Cà Mau, vào ngày 1/9, một người đàn ông không chịu đi xét nghiệm cũng đã bị công an hốt lên xe chở đi cách ly tập trung.

Tại Thanh Hóa, chính quyền khóa trái cổng những gia đình có “F2”.

Trên mạng xã hội, nhiều video quay cảnh người dân bị còng tay hoặc bị dẫn giải đi xét nghiệm.

‘Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn’

Luật sư Sơn phân tích:

“Hiện tại, đối với hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế chỉ bị phạt tiền từ 1.000.0000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong các biện pháp khắc phục hậu quả hiện nay không có biện pháp nào là cưỡng chế xét nghiệm cả mà chỉ có cưỡng chế cách ly. Quan trọng hơn, là điều luật này không quy định về biện pháp khắc phục hậu quả thì cơ quan chức năng không được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, tức cơ quan chức năng không thể cưỡng chế người dân đi xét nghiệm.”

NGUỒN HÌNH ẢNH,CHỤP MÀN HÌNH Chụp lại hình ảnh, Một người đàn ông ở Cà Mau bị cưỡng chế, đưa đi cách ly tập trung

Từ đó, ông Sơn nêu ý kiến cá nhân rằng, sở dĩ Chính phủ Việt Nam không quy định biện pháp khắc phục hậu quả là “cưỡng chế xét nghiệm” cũng có cái lý của Chính phủ Việt Nam:

“Để áp ứng nhu cầu phòng chống dịch nên tháng 9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Trong lúc thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 5.000.000 đồng/ tháng, nhưng mà mức phạt mà Nghị định 117/2020/NĐ-CP đưa ra cho hành vi không chấp hành yêu cầu xét nghiệm lên đến 3.000.000 đồng, hơn 50% thu nhập bình quân tháng của người dân. Mức xử phạt này theo tôi là quá cao so với thu nhập người dân và quá đủ để răn đe mà không cần thiết phải áp dụng thêm bất kỳ hình thức xử phạt bổ sung hay khắc phục hậu quả nào.”

“Do đó, việc chính quyền đem lực lượng xuống phá khoá, vào nhà, bẻ trái tay người dân đem đi xét nghiệm là trái quy định. Đây là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm chỗ ở của người khác. Hành vi này có dấu hiệu phạm vào tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo điểm a, điểm b Khoản 2 Điều 157 BLHS và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo điểm a, điểm b khoản 2 Điều 158 BLHS.”

NGUỒN HÌNH ẢNH,NHAC NGUYEN/GETTY IMAGES

“Nhà nước Việt Nam nói chung và chính quyền tỉnh Bình Dương nói riêng không nên nhân danh phòng chống dịch bệnh mà ngang nhiên tước bỏ các quyền cơ bản của người dân về chỗ ở, về thân thể. Nếu cơ quan chức năng không khởi tố và xử lý nghiêm những cán bộ liên quan thì vô tình truyền tải các thông điệp sai đến công chúng: hoặc (i) việc làm của những cán bộ này là đúng, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hoặc (ii) Nhà nước Việt Nam đang “bật đèn xanh” cho các hành vi trái pháp luật của đội ngũ cán bộ công chức của mình; hoặc (iii) Việt Nam là một xã hội không có luật pháp;” ông Sơn lý giải.

Trên báo Tuổi Trẻ, luật sư Hoàng Văn Hướng từ Đoàn luật sư Hà Nội nói rằng hành vi của lực lượng chính quyền trong trường hợp tại Bình Dương là vi phạm pháp luật.

“Phải khẳng định đây là hành vi trái pháp luật và vi phạm nghiêm trọng quyền con người mà Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Bởi việc thực hiện một hành vi cưỡng chế một người phải thực hiện theo một quy trình hành chính. Clip về nội dung vụ việc cho thấy việc cưỡng chế không tuân theo một quyết định và một quy trình nào,” luật sư Hướng nhận định.

Bùi Thư,

BBC (29.09.2021)

 

 

Luật sư: “Phá nhà, cưỡng chế người phụ nữ đi xét nghiệm là bất hợp pháp”

Bà Lan bị ép xét nghiệm COVID-19 bên ngoài nhà hôm 28/9/2021  Ảnh chụp từ video

Luật sư Đặng Đình Mạnh vào trưa 29-9-2021 nhận định việc phá cửa xông vào nhà, cưỡng chế một người phụ nữ để buộc phải xét nghiệm nhanh COVID-19 tại chung cư Ehome 4, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương hôm 28/9 là bất hợp pháp.

Vụ việc xảy ra vào sáng ngày 28/9, khi phường huy động dân quân tự vệ, cảnh sát cơ động phá khoá cửa, ập vào nhà bà Hoàng Thị Phương Lan khi bà đang dạy Yoga online, khoá tay bà dẫn giải bà ra ngoài để thử COVID-19 giữa tiếng khóc thét của con bà, bất chấp phản đối của bà Lan.

Bà Lan sau đó đã viết trên Facebook cá nhân, phản đối hành vi này và cho biết bà đã tự xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 tại nhà và không muốn xét nghiệm ở bên ngoài nơi động người để tránh lây nhiễm chéo. 

Luật sư Mạnh thuộc đoàn luật sư TPHCM phát biểu với RFA: “Ông Bí thư phường chỉ đạo cho nhân viên công lực phá cửa tư gia của một người sau đấy họ ập vào và cưỡng chế chế đi để xét nghiệm.

Cái diễn biến của sự việc như vậy thì có thể gọi đấy là hành vi cưỡng chế của về phía chính quyền nhưng mà nội dung của việc cưỡng chế này là đưa đi xét nghiệm COVID thôi thì cái này thực ra không có luật pháp nào cho phép làm như vậy. Vì vậy cho nên tôi khẳng định rằng cái việc họ phá cửa đồng thời cưỡng chế bắt cô này đi xét nghiệm là một việc hoàn toàn bất hợp pháp.”

Cũng theo ông Mạnh, Nghị định 117/2020 về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế chỉ có phạt tiền chứ không có hình phạt nào có tính chất cưỡng chế người dân.

Luật sư Đặng Đình Mạnh khẳng định rằng qua vụ việc vừa nêu có thể thấy những hành vi vi phạm pháp luật của nhóm đột nhập vào nhà là việc phá hủy tài sản của công dân; và bắt giữ người trái pháp luật.

Ông cho rằng tổng hợp hai sự việc đó thì việc cưỡng chế không phù hợp vì vậy cho nên bà Lan có toàn quyền để khiếu nại sự xâm phạm đối với cơ thể và xâm phạm đến tài sản, bên cạnh đó có thể tham khảo thêm vấn đề xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Bà ấy có thể lựa chọn hoặc là khiếu nại hoặc là số cáo hành vi vi phạm pháp luật đó đến với cơ quan điều tra để xem xét xử lý.

Truyền thông Nhà nước hôm 29/9 cho biết, vào chiều cùng ngày, Thành uỷ Thuận An (tỉnh Bình Dương) đã lập đoàn công tác đến chung cư Ehome 4 (phường Vĩnh Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) để làm việc với bà Lan. Tại buổi làm việc, ông Võ Thanh Quan – Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phường Vĩnh Phú đã gửi lời xin lỗi đến bà Lan về việc phá khoá cửa, cưỡng chế chưa phù hợp với quy định, gây bức xúc dư luận.

RFA (29.09.2021)

 

 

Freedom House: Việt Nam vẫn không có tự do internet

Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia không có tự do internet, dẫn đầu là Trung Quốc, theo đánh giá của Freedom House trong một báo cáo mới được đưa ra trong tháng này.

Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm các nước “không có tự do” về internet trong đánh giá thường niên mới nhất của tổ chức Freedom House vừa được đưa ra trong tháng này, trong khi Hà Nội phủ nhận báo cáo của tổ chức ủng hộ dân chủ và nhân quyền có trụ sở ở Mỹ.

Trong báo cáo thường niên của Freedom House, có trụ sở ở Washington DC, về tự do internet có tên “Freedom on the Net 2021”, Việt Nam nằm trong nhóm 21 quốc gia không có tự do về internet, dẫn đầu là Trung Quốc. Việt Nam chỉ ghi được 22 trong thang điểm 100 và đây cũng là điểm số mà Freedom House dành cho Việt Nam trong báo cáo năm 2020, thấp hơn 2 điểm so với đánh giá trong báo cáo năm 2019.

Ngoài Trung Quốc và Việt Nam, nhóm các nước không có tự do về internet còn gồm Cuba, Iran và Myanmar. Iceland là quốc gia đứng đầu trong nhóm không có kiểm duyệt về internet, với 96 điểm. Nhóm “tự do internet” này còn gồm có Estonia, Canada, Costa Rica, Pháp, Anh và Nhật Bản.

Theo tổ chức cổ vũ cho tự do chính trị, một trong ba yếu tố ảnh hưởng đến tổng điểm của Việt Nam là áp lực ngày càng tăng của chính phủ Việt nam đối với Facebook để hạn chế và kiểm duyệt nội dung được coi là “nhạy cảm” hoặc “quan trọng” đối với nhà nước. Ngoài ra sự kiểm duyệt và các cuộc bắt giữ cũng như chiến dịch “bôi nhọ” một số ứng cử viên độc lập trong cuộc bầu cử Quốc hội của Việt Nam là một yếu tố khác được Freedom House dùng để đánh giá sự tự do trên internet của quốc gia độc đảng Đông Nam Á. Yếu tố thức 3 là một dự thảo nghị định liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó yêu cầu các nền tảng trực tuyến thu thập và lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng Việt Nam để cung cấp cho chính phủ khi được yêu cầu.

Luật An ninh Mạng gây tranh cãi của Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ internet nước ngoài lư trữ dữ liệu người dùng mạng ở nước sở tại. Một bản dự thảo nghị định được Bộ Công an soạn thảo và đưa ra vào tháng 1 năm nay, nhằm thực thi Luật An ninh Mạng, mở rộng yêu cầu đối với các nền tảng trực tuyến lớn và nhỏ để lưu trữ dữ liệu trên máy chủ ở Việt Nam. Theo đó, cơ quan chức năng có thể truy cập dữ liệu người dùng theo các điều khoản liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự công cộng.

Việc các công ty mạng xã hội tuân thủ đầy đủ luật này của Việt Nam, theo Freedom House, sẽ khiến các nhà hoạt động, nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền gặp rủi ro trước sự đàn áp khắc nghiệt của chế độ độc đảng đối với các ý kiến bất đồng.

Việt Nam đã phủ nhận báo cáo được đưa ra hôm 21/9 của Freedom House, như những lần trước đây khi tổ chức phi chính phủ này xếp Việt Nam vào nhóm không có tự do internet.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 23/9 nói rằng “báo cáo của Freedom House là vô giá trị và không cần thiết phải bình luận thêm.” Nói với các phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ ở Hà Nội, bà Hằng cho rằng “đây không phải là lần đầu tiên tổ chức Freedom House đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, định kiến dựa trên những thông tin sai sự thật về Việt Nam.”

Theo người phát ngôn của BNG, những “nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam” được các nước, tổ chức quốc tế “đánh giá cao” tại Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc qua các chu kỳ.

Tuy nhiên, Việt Nam là một trong 55 quốc gia mà Freedom House cho là nơi các quan chức chính phủ “điều tra, bắt giữ và kết án người dân vì những đăng tải trên mạng xã hội của họ.” Tổ chức này xếp Việt Nam trong nhóm 38 quốc gia “theo đuổi những cải cách ảnh hưởng tới việc quản lý dữ liệu của các công ty.” Báo cáo của Freedom House, đánh giá 70 quốc gia trên thế giới, cho rằng các thông tin về chính trị, xã hội hoặc tôn giáo bị chặn ở Việt Nam. Ngoài gia các thảo luận trên mạng ở Việt Nam cũng bị các “dư luận viên” thân chính phủ thao túng, theo đánh giá của tổ chức phi chính phủ.

Chín dân biểu liên bang Mỹ vào tháng trước nói rằng Việt Nam “sử dụng các điều luận ‘an ninh quốc gia mơ hồ’ để bắt giam tuỳ tiện những tiếng nói bất đồng chính kiến cũng như kết tội họ qua các bản án tù dài và khắc nghiệt” khi thúc giục Phó Tổng thống Kamala Harris nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm đến Hà Nội cuối tháng 8.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) xếp Việt Nam trong nhóm 6 quốc gia ít có tự do báo chí nhất trên thế giới và cho rằng Đảng Cộng sản cầm quyền tăng cường kiểm soát mạng xã hội cũng như tiến hành một làn sóng bắt giam các nhà báo độc lập trong năm qua.

VOA (27.09.2021)