Các nhà lập pháp châu Âu yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan, đẩy lùi các lời “đe dọa” từ phía Trung Cộng. Bắc Kinh đã quyết định dừng các chuyến tàu chở hàng của Trung Cộng đến Lithuania vào tháng 8, sau khi quốc gia vùng Baltic nhỏ bé này tiếp tục với kế hoạch tổ chức “Văn phòng đại diện Đài Loan” tại thủ đô Vilnius.
Một phiên điều trần tại Nghị viện châu Âu hôm 19/10 về quan hệ EU-Đài Loan.
Các công ty Lithuania cũng đã báo cáo việc mất giấy phép xuất cảng trong một số lĩnh vực sang Trung Cộng. Qua đó, Lithuania coi đây là hành động bắt nạt kinh tế từ phía Bắc Kinh. Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban Châu Âu Margrethe Vestager phát biểu và bày tỏ tình đoàn kết cùng với sự ủng hộ dành cho Lithuania.
Biện pháp mà bà Vestager đề cập là một dự luật chống cưỡng chế, dự kiến công bố vào tháng 12, dự luật sẽ cho phép EU thực hiện trả đũa đối với hành vi bắt nạt kinh tế. Trước đó, trong một cuộc gọi với Ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị vào tháng trước, Josep Borrell – Đại diện Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh – đã bảo vệ kế hoạch mở rộng quan hệ với Đài Loan của khối mặc dù họ không công nhận Đài Loan với tư cách là một quốc gia.
Trong một nghị quyết được thông qua hôm thứ Năm 21/10, các nhà lập pháp EU nói Liên hiệp châu Âu phải làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với Đài Loan và bắt đầu làm việc về một thỏa thuận đầu tư với hòn đảo. Động thái này khiến Bắc Kinh tức giận. Trung cộng và EU đã đạt được thỏa thuận tương tự hồi năm 2020 nhưng bị gác lại từ đó đến nay.
Nghị viện Châu Âu đặt tại thành phố Strasbourg của Pháp, với đa số 580 phiếu thuận trên 26 phiếu chống, đã ủng hộ nghị quyết không mang tính ràng buộc pháp lý. Nghị quyết đề nghị nhánh hành pháp của khối là Ủy ban châu Âu “khẩn trương bắt đầu đánh giá tác động, tham vấn công khai và tính toán quy mô về một thỏa thuận đầu tư song phương”.
Các nhà lập pháp cũng yêu cầu văn phòng thương mại của khối ở Đài Bắc được đổi tên thành văn phòng Liên hiệp châu Âu tại Đài Loan, về thực chất là nâng cấp phái bộ này mặc dù cả EU lẫn các quốc gia thành viên đều không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nơi bị Trung cộng tuyên bố là lãnh thổ của họ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Wang Wenbin (Uông Văn Bân) đưa ra “lời lên án mạnh mẽ”.
Ông nói với các phóng viên tại Bắc Kinh: “Nghị viện EU cần dừng ngay những lời nói và hành động gây hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung cộng”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ cảm ơn về sự ủng hộ của EU, nói rằng nghị quyết sẽ “đặt dấu mốc mới” cho mối quan hệ của hòn đảo với khối.
Căng thẳng quân sự giữa Trung cộng và Đài Loan đã gia tăng, kèm theo đó, Đài Bắc cho rằng Bắc Kinh sẽ có khả năng tiến hành một cuộc xâm lược “có quy mô toàn diện” đánh vào hòn đảo vào năm 2025.
Hồi năm 2015, EU đã đưa Đài Loan vào danh sách các đối tác thương mại đủ điều kiện để đi đến ký kết một thỏa thuận đầu tư, nhưng chưa tổ chức đàm phán với hòn đảo có chính quyền dân chủ về vấn đề này kể từ đó, mặc dù Đài Bắc rất muốn đạt được thỏa thuận.
EU và đối tác thương mại lớn là Trung cộng ký kết một thỏa thuận đầu tư tương tự hồi năm ngoái, nhưng nó đã bị chặn lại trong nhiều tháng nay. Nghị viện châu Âu hoãn việc phê chuẩn sau khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lập pháp EU vì hai bên có mâu thuẫn về nhân quyền.
Trong khi đó, cường quốc công nghệ Đài Loan ngày càng trở nên hấp dẫn đối với EU trong bối cảnh toàn cầu thiếu linh kiện bán dẫn khiến Brussels vận động hành lang để các nhà sản xuất chip quan trọng của Đài Loan đầu tư vào khối như họ đã làm ở Hoa Kỳ.
Theo VOA , SBTN (21.10.2021)