Dân biểu Mỹ đề nghị hạ bậc Việt Nam trong xếp hạng buôn người

Dân biểu Hoa Kỳ Christopher Smith đề nghị đưa Việt Nam xuống bậc 3 (Tier 3) vì có các vụ đưa lao động lậu ra nước người trong thời gian vừa qua. Hình chụp từ video điều trần Hạ viện Hoa Kỳ ngày 27/10/2021.

Tại phiên điều trần về nạn buôn người toàn cầu hôm 27/10, Dân biểu Hoa Kỳ Christopher Smith đề nghị đưa Việt Nam xuống bậc 3 (Tier 3) vì có các vụ đưa lao động lậu ra nước người trong thời gian vừa qua.

Dân biểu Smith nói trong phiên thảo luận được truyền trực tiếp từ Hạ viện Mỹ ở thủ đô Washington:

“Tôi tin rằng Việt Nam nên bị đưa xuống Tier 3, chủ yếu là do nạn buôn bán lao động”.

Trong bài phát biểu tại buổi điều trần, Dân biểu Smith nói rằng nạn buôn bán người lao động ở Việt Nam là nghiêm trọng.

Ông nhắc lại vụ Daewoosa vào năm 2000 khi gần 250 công nhân Việt Nam bị các doanh nghiệp nhà nước đưa sang American Samoa, nơi họ bị hành hung, bốc lột, nhưng sau đó được chính phủ Hoa Kỳ giải cứu.

“Một trong những trường hợp đầu tiên áp dụng Luật Bảo vệ Nạn nhân Buôn người (TVPA) của Hoa Kỳ là vụ Daewoosa ở American Samoa. Giới chức Việt Nam là thành phần đồng loã trong tội phạm lao động cưỡng bức. Họ không hề thay đổi trong việc thừa nhận tình trạng này hoặc giúp đỡ nạn nhân.”

Alex Thier, Tổng giám đốc của tổ chức Global Fund to End Modern Slavery (GFEMS).

Ông Alex Thier, Tổng giám đốc của tổ chức Global Fund to End Modern Slavery (GFEMS), phát biểu:

“Công việc của chúng tôi tại Việt Nam, hỗ trợ sự tái hòa nhập ban đầu cho những người sống sót sau nạn buôn bán tình dục gần biên giới Trung Quốc, gần đây đã được nêu bật trong báo cáo 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Nạn buôn người .”

Trong báo cáo gửi cho phiên điều trần tại một tiểu ban của Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện, ông Thier viết: “Ở tỉnh Hà Giang, miền Bắc Việt Nam, di cư là một phương tiện mưu sinh. Tỷ lệ nghèo cao và sự phụ thuộc vào nông nghiệp lợi nhuận thấp đã khiến người di cư vượt biên sang Trung Quốc, nhưng chính những điều này cũng khiến nhiều người dễ bị buôn bán và bóc lột.”

Vào tháng 7, trong báo cáo 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nạn buôn người, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách cần phải theo dõi, cấp độ 2 (Tier 2) vì chính phủ Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về xóa bỏ nạn buôn người.

Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Việt Nam được đặc miễn của tổng thống để không bị xếp bậc 3 năm nay vì: “chính quyền đã đầu tư đủ nguồn lực để soạn thảo một kế hoạch mà nếu được thực thi thì có lẽ sẽ là những nỗ lực đáng kể để đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu.”

Trong văn bản điều trần, ông Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch của tổ chức BPSOS, đề xuất rằng thay vì đặt niềm tin vào một kế hoạch tương lai kèm với lời hứa hẹn thực thi, Hoa Kỳ nên dùng các trường hợp nạn nhân buôn người ở Ả Rập Xê Út làm phép thử cho thực tâm phòng, chống buôn người của nhà nước Việt Nam:

“Việc phân hạng Việt Nam trong bản phúc trình về buôn người sắp đến phải dựa vào những nỗ lực của quốc gia này về giải cứu và bảo vệ những nạn nhận đã được nhận diện; điều tra và truy tố các thủ phạm đã được nêu tên và đảm bảo chúng phải bồi thường cho các nạn nhân; thông tin cho công chúng về các rủi ro và cách hành xử vô lương tâm đã rõ trong chương trình xuất khẩu lao động; và chứng tỏ sự hợp tác có ý nghĩa với các cơ quan quốc tế, giới chức Ả Rập, và các tổ chức phi chính phủ.”

VOA (28.10.2021)

 

 

Tòa kết án nhóm Báo Sạch từ 2-4,5 năm tù vì ‘lợi dụng tự do dân chủ’

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh làm việc hồi tháng 1/2019 khi còn tự do.

Tòa án huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, hôm 28/10 tuyên án tù từ 2 đến 4 năm rưỡi đối với 5 thành viên nhóm Báo Sạch vì phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”, căn cứ theo Bộ luật Hình sự.

Các bản tin của Reuters và báo chí Việt Nam cho biết ông Trương Châu Hữu Danh, 39 tuổi, nhận mức án nặng nhất là 4 năm 6 tháng tù.

Bốn người còn lại là Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã, Lê Thế Thắng, trong độ tuổi từ 36-41, bị phạt tù từ 2-3 năm. Tòa cũng phán rằng cả 5 ông bị cấm hành nghề báo chí trong 3 năm.

Báo chí trong nước dẫn lại quan điểm của tòa xác định rằng 5 thành viên nhóm Báo Sạch đã “đăng nhiều bài viết sai sự thật lên mạng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tổ chức, cá nhân”.

Như VOA đã đưa tin, 5 người kể trên lập ra nhóm Báo Sạch trên Facebok hồi năm 2019 và nhanh chóng gây nhiều tiếng vang, đạt được lượng theo dõi khổng lồ do họ đăng nhiều tin, bài về các sai phạm của các quan chức tham nhũng cũng như của một số doanh nghiệp ở Việt Nam.

Không ít độc giả của Báo Sạch nhận xét rằng nhóm có những bài viết rất thẳng thắn và có những bằng chứng rất xác thực.

Hồi tháng 12/2020, ông Trương Châu Hữu Danh bị bắt. Hơn 4 tháng sau, tiếp tục đến 3 thành viên nữa của Báo Sạch bị bắt, riêng ông Lê Thế Thắng được tại ngoại.

Trả lời phỏng vấn của VOA chỉ một ngày trước khi bị bắt, ông Danh nói rằng ông thường viết về các sai phạm cụ thể của các quan chức địa phương và “không liên quan đến chế độ” hay “thể chế”, vì vậy, ở thời điểm đó, ông không tiên liệu rằng mình sẽ bị bắt.

Ông Danh thậm chí còn cho rằng việc làm của cá nhân ông và của nhóm “nên được khuyến khích”.

Tuy nhiên, theo tường thuật của báo chí bị nhà nước Việt Nam quản lý, bản án của phiên tòa diễn ra từ ngày 27-28/10 viết rằng các bài viết của ông Danh và đồng phạm tuy “không sử dụng hình ảnh, câu chữ rõ ràng mang tính chống phá, nhưng qua cách thức, nội dung trình bày đã khiến dư luận tin vào bài viết là đúng”.

Hệ quả là có nhiều người vào bình luận, bày tỏ cảm xúc, chia sẻ, công kích, sử dụng ngôn từ khó nghe đối với các tổ chức, cá nhân, vẫn theo bản án.

Điều đó cho thấy “bị cáo có ý đồ, mục đích lôi kéo các đối tượng xấu tham gia bình luận chống phá đường lối, chủ trương của đảng, nhà nước”, bản án khẳng định.

Tại phiên tòa, hội đồng xét xử cho rằng hành vi của các bị cáo “gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò, uy tín của lãnh đạo đảng, nhà nước, chính quyền địa phương; gây hoang mang nghi ngờ, mất niềm tin trong nhân dân, gây bất ổn xã hội”.

Cũng đưa tin về phiên tòa song bản tin của Reuters trích lời ông Phil Robertson, Phó Giám đốc tại châu Á của tổ chức Human Rights Watch (Theo dõi Nhân quyền) nói rằng Việt Nam không được đối xử với báo giới như thể họ là “kẻ thù của nhà nước”.

“Tống giam thêm các nhà báo công dân vẫn sẽ không ngăn được mọi người lên tiếng khiếu nại hoặc đòi cải cách ở Việt Nam”, ông Robertson nói, và đề nghị chính phủ cần phải “công nhận rằng các nhà báo công dân và báo chí độc lập là đồng minh của nền quản trị tốt”.

Vụ bắt bớ và bỏ tù nhóm Báo Sạch nằm trong chuỗi các vụ có tính chất tương tự mà chính quyền Việt Nam thực hiện để trấn áp những người đăng bài “chống nhà nước” trên mạng xã hội.

Việt Nam lâu nay bị chỉ trích về việc chính quyền kiểm soát chặt chẽ thông tin, báo chí, và không khoan nhượng với các hành vi chỉ trích.

Các phiên xét xử giới bất đồng và các nhà hoạt động ở Việt Nam cũng thường bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền xem là bất công vì họ cho rằng ở Việt Nam không có nền tư pháp độc lập.

VOA (28.10.2021)

 

 

Phóng viên Không Biên giới (RSF) chỉ trích những bản án tuyên cho năm thành viên Báo Sạch

Các thành viên Báo Sạch tại phiên toà ở Toà án Nhân dân huyện Thới Lai, Cần Thơ, hôm 26/10/2021 Pháp Luật

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) ra thông cáo lên án việc Tòa tại Thới Lai, Thành phố Cần Thơ tuyên tổng cộng 14 năm sáu tháng tù đối với năm thành viên nhóm Báo Sạch hôm 28/10.

Theo RSF, những phóng viên Báo Sạch bị kết án chỉ vì có những bài biết chuyên mảng tham nhũng và những vấn đề liên quan tại Việt Nam. Qua biện pháp bỏ tù như thế, cơ quan chức năng Việt Nam tăng cường đàn áp giới truyền thông độc lập.

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị án cao nhất với bốn năm sáu tháng tù, Hai nhà báo Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng mỗi người ba năm tù; hai nhà báo Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã mỗi người hai năm tù giam. Năm người còn bị cấm hoạt động báo chí ba năm sau khi mãn án.

Ông Daniel Bastard, Trưởng đại diện khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của RSF cho rằng việc áp đặt những án tù dài như thế đối với năm thành viên nhóm Báo Sạch, cơ quan chức năng Việt Nam tạo thêm bằng chứng về cương quyết đàn áp mọi nỗ lực cung cấp tin tức và thông tin một cách tự do. Tệ hơn nữa, hình phạt cấm tác nghiệp báo chí đối với họ mà các thẩm phán tòa án Thới Lai đưa ra cho thấy lãnh đạo Việt Nam xem nhẹ báo chí đến thế nào. Năm nhà báo không thể phải ở tù.”

Theo RSF, quyết định ra những án tù nặng như thế đối với năm phóng viên thuộc nhóm Báo Sạch là sự tiếp nối biện pháp hà khắc hơn của Chính phủ Việt Nam đối với giới truyền thông độc lập. Biện pháp như thế tiếp diễn sau  khi ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, thành công để ra đường lối bảo thủ cứng rắn tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào đầu năm 2021.

Theo Chỉ số Báo chí Thế giới của RSF, Việt Nam xếp hạng thứ 175 trên tổng số 180 quốc gia. 

RFA (28.10.2021)

 

 

Nhóm Làm việc Liên Hiệp Quốc về Bắt giữ Tùy tiện công bố quan điểm về vụ Phạm Đoan Trang

Nhà báo Phạm Đoan Trang Facebook Phạm Đoan Trang

Nhóm Làm việc của Liên Hiệp Quốc về Bắt giữ Tùy tiện (WGAD) vào ngày 25/10 công bố quan điểm về vụ nhà báo Phạm Đoan Trang. Theo WGAD, việc giam giữ nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang do cơ quan chức năng Việt Nam thực hiện là tùy tiện và WGAD kêu gọi trả tự do ngay cho bà này.

WGAD cho biết Chính phủ Việt Nam có yêu cầu tổ chức này không đánh giá về vụ việc dựa theo những thông tin mà Hà Nội cho là chưa được kiểm chứng cũng như trước khi cơ quan chức năng Việt Nam hoàn thành kết luận điều tra.

WGAD nêu rõ có nguồn tin cho biết, bà Phạm Đoan Trang bị biệt giam hơn một năm trời. Suốt thời gian này, luật sư bào chữa và thân nhân không được tiếp xúc bà Trang.

Cáo buộc đối với bà này là vi phạm Điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, theo WGAD, đây là một điều luật mơ hồ không thể là căn cứ pháp lý để giam giữ bà Phạm Đoan Trang.

WGAD cho biết đã từng có một số lần nêu vấn đề cáo buộc theo những điều luật mơ hồ trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam; và điều luật này không tương thích với điều 11 trong Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp quốc. Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng từng kêu gọi Việt Nam cấp tốc điều chỉnh những điều luật mơ hồ như điều 117 Bộ Luật Hình sự.

WGAD cũng nhận định hành xử của bà Phạm Đoan Trang là thực thi quyền tự do bày tỏ ý kiến, quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội, hội họp một cách ôn hòa. Những quyền này được bảo đảm bởi Công ước và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của LHQ.

Theo WGAD, nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang bị tước mất những quyền tự do vừa nêu trên cơ sở bị phân biệt do bản thân là một nhà bảo vệ nhân quyền và quan điểm chính trị hoặc những ý kiến khác.

RFA (27.10.2021)

 

 

Tòa Hà Nội hoãn xử các nhà tranh đấu Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm

Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang (trái); các nhà tranh đấu Trịnh Bá Tư (giữa), Trịnh Bá Phương (phải).

Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội hôm 26/10 gửi thông báo đến các bên liên quan nói rằng họ hoãn các phiên xét xử sơ thẩm ba nhà hoạt động, nhà tranh đấu Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm.

Hồi cuối tháng 9 và giữa tháng 10, tòa Hà Nội lần lượt ra quyết định sẽ xét xử hình sự anh Trịnh Bá Phương, bà Nguyễn Thị Tâm về cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin nhằm chống nhà nước” vào ngày 3/11, và bà Phạm Đoan Trang về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” vào ngày 4/11.

Theo nội dung bản thông báo chị Đỗ Thị Thu, vợ anh Trịnh Bá Phương, nhận được và chia sẻ với VOA, tòa nói họ nhận được công văn từ Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị hoãn hai phiên tòa với lý do các kiểm sát viên làm việc về hai vụ án “hiện đang phải tự cách ly để phòng chống dịch COVID-19”.

Tòa giải thích thêm trong văn băn của họ rằng các kiểm sát viên đó “trong quá trình công tác có tiếp xúc gần” với người có liên quan đến các ca nhiễm COVID-19 mới ở một huyện của Hà Nội.

Thời gian mở lại các phiên tòa sẽ được tòa Hà Nội thông báo sau này với các bên liên quan, bản thông báo cho hay.

Như VOA đã đưa tin, nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Phạm Đoan Trang, cũng là tác giả của nhiều cuốn sách, bị nhà chức trách Việt Nam bắt cách đây hơn 1 năm ở thành phố Hồ Chí Minh. Bộ máy tuyên truyền trong nước sau đó công kích rằng bà Trang “có mối liên hệ mật thiết” với các tổ chức “phản động lưu vong” ở nước ngoài.

Hai nhà tranh đấu về quyền đất đai là anh Phương và bà Tâm bị bắt hồi tháng 6 năm ngoái. Họ là những người lên án mạnh mẽ vụ đột kích gây chết chóc của hàng nghìn cảnh sát cơ động vào làng Đồng Tâm hồi tháng 1/2019.

Mẹ của anh Phương, bà Cấn Thị Thêu, và em trai anh, Trịnh Bá Tư, cũng đã bị bắt và bị giam giữ.

Mỹ cùng với chính phủ một số nước và các tổ chức quốc tế trong hơn một năm qua nhiều lần kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà Trang, anh Phương và các nhà hoạt động, nhà tranh đấu khác.

Chị Thu, vợ anh Phương, viết trên Facebook cá nhân hôm 23/10 rằng chồng chị “giữ quyền im lặng” nên cơ quan an ninh điều tra “không khai thác được gì” và chị khẳng định anh Phương “vô tội”.

Hôm 27/10, sau khi nhận thông báo về việc hoãn phiên xét xử, chị cho VOA biết rằng trong cùng ngày chị đã đến Trại tạm giam số 1 của công an Hà Nội đề nghị được thăm chồng nhưng đại diện trại giam không đồng ý.

Trước đó, hôm 21/10, chị cũng đã đến trại giam, đề nghị được thăm anh Phương nhưng cũng bị phía trại giam từ chối.

“Một cán bộ tên là Ngọc Anh nói với tôi rằng vì lý do dịch bệnh nên không được vào thăm gặp”, chị Thu thuật lại.

Sau cả hai lần đến thăm không thành, chị đều gửi đơn kiến nghị đến trại giam và tòa án đề nghị được gặp chồng cũng như yêu cầu họ trả lời bằng văn bản về lý do không cho chị gặp.

Về việc cán bộ trại giam chỉ nói ra lý do dịch bệnh thay trả lời bằng văn bản, chị Thu nhận xét: “Tôi cho rằng phía trại tạm giam làm việc như vậy là thiếu tôn trọng người thân của người bị tạm giam, tạm giữ và coi thường người dân”.

Ngoài ra, chị Thu cho rằng với thực tế là chỉ thị giãn cách đã được bãi bỏ, Hà Nội mở cửa trở lại bình thường, việc trại tạm giam của công an Hà Nội “không cho gia đình tôi thăm gặp là vi phạm quyền thăm nuôi của chồng tôi”.

VOA (27.10.2021)

 

 

28 tổ chức yêu cầu Việt Nam trả tự do cho Phạm Đoan Trang

Trước phiên tòa sắp diễn ra vào ngày 4 tháng 11, hôm nay 28 tổ chức nhân quyền và tự do ngôn luận có tên dưới đây đã lên án việc giam giữ tùy tiện nhà báo độc lập và người bảo vệ nhân quyền Phạm Đoan Trang. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đồng thời từ bỏ mọi cáo buộc đối với bà Phạm Đoan Trang. Việc đàn áp Đoan Trang và những người bảo vệ nhân quyền khác, như các nhà văn và nhà báo độc lập, là một phần của cuộc tấn công ngày càng tồi tệ hơn đối với quyền tự do ngôn luận và thông tin ở Việt Nam.

Phạm Đoan Trang đã bắt giam hơn một năm trước tại Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 7 tháng 10 năm 2020, và bị khởi tố theo Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 và điều khoản kế thừa, Điều 117 năm 2015 Bộ luật Hình sự, cả hai đều hình sự hóa tội ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc phổ biến thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.’ Hiện bà Phạm Đoan Trang đang bị buộc tội theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999, theo bản cáo trạng được công khai vào ngày 18 tháng 10 năm 2021.

Một tháng trước khi bị bắt, Đoan Trang được nêu trên trong một bản phúc trình chung của năm Báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (các chuyên gia độc lập) về hành vi quấy rối đối với bà cùng những nhà văn và nhà báo độc lập khác. Vào Trong thư phúc đáp vào tháng 12 năm 2020, Chính phủ Việt Nam phủ nhận mọi cáo buộc về hành vi sai trái và không đưa ra bằng chứng, họ cho rằng việc Đoan Trang bị bắt là phản ứng trước cáo buộc lạm dụng internet để lật đổ Nhà nước.

Rõ ràng là Phạm Đoan Trang đang bị khủng bố vì những gì bà làm lâu nay là một nhà báo độc lập, nhà xuất bản sách và nhà bảo vệ nhân quyền, bà Trang nổi tiếng với bài viết về quyền môi trường đến bạo lực của công an, cũng như vận động cho tự do báo chí. Cơ quan chức năng của Việt Nam thường xuyên  sử dụng Điều 88 (và sau đó là Điều 117) Bộ luật Hình sự để trừng phạt những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và nhà văn độc lập, cùng những người thực hiện quyền con người ôn hoà.

Các chuyên gia nhân quyền quốc tế đã nhiều lần kêu gọi Việt Nam sửa đổi các điều khoản không tuân thủ quyền con người trong Bộ luật Hình sự và phù hợp với luật pháp quốc tế. Năm 2021, bốn Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc đã lưu ý rằng điệ 117 được sử dụng để bịt miệng những ai tìm cách thực thi quyền con người trong việc tự do biểu lộ quan điểm và chia sẻ thông tin. Năm 2019, Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc yêu cầu Việt Nam ‘ cấp bách’ sửa đổi những điều luật pháp mơ hồ và bao rộng như Điều 117, cũng như chấm dứt các hành vi vi phạm quyền tự do ngôn luận ngoại tuyến và trực tuyến.

Tháng 6 năm 2021, Nhóm công tác của Liên hợp quốc về giam giữ tùy tiện, phản ứng với việc giam giữ giam giữ các thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, chỉ ra ‘một mô hình bắt giữ quen thuộc không tuân theo các quy tắc quốc tế, được thể hiện trong các trường hợp bắt giữ, giam giữ kéo dài chờ xét xử mà không có quyền tiếp cận xét xử tư pháp, từ chối hoặc hạn chế tiếp cận với luật sư, giam giữ không chính thức, bị truy tố theo các tội hình sự mơ hồ vì thực thi quyền con người ôn hoà và từ chối tiếp cận với thế giới bên ngoài. Mô hình này cho thấy một vấn đề mang tính hệ thống đối với việc giam giữ tùy tiện ở Việt Nam, nếu tiếp tục, có thể vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Kể từ khi bị bắt, Đoan Trang bị giam giữ bất hợp pháp, cho đến ngày 19 tháng 10 năm 2021, cô mới được phép gặp một trong những luật sư của mình sau hơn một năm không được gặp mặt gia đình và luật sư. Việc giam giữ phi pháp kéo dài là một hình thức đối xử tệ bạc bị nghiêm cấm theo luật pháp quốc tế theo Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và Điều 7 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã phê chuẩn. Vì không được quyền xét xử công bằng, tự do và an ninh của mình, Đoan Trang có thể gặp bị tra tấn và đối xử tồi tệ hơn.

Ngày 30 tháng 8 năm 2021, sau khi kết luận điều tra của cơ quan công an điều tra, Viện Kiểm sát Hà Nội đã ra cáo trạng chính thức đối với Đoan Trang. Đáng báo động là gia đình bà Trang đã không được biết về việc này mãi cho đến hơn một tháng sau, ngày 7 tháng 10, và chỉ sau khi yêu cầu thông tin từ chính quyền. Gia đình và luật sư một lần nữa không được phép thăm nuôi. cơ quan điều tra vào thời điểm đó cũng từ chối cung cấp cho luật sư của Đoan Trang bản sao cáo trạng hoặc tiếp cận bằng chứng mà họ đã chuẩn bị để xét xử bà. Sự chậm trễ quá mức này trong các thủ tục tố tụng và việc từ chối cấp quyền tiếp cận luật sư do bà Trang lựa chọn là vi phạm quyền được xét xử công bằng theo Điều 14 của ICCPR.

Theo bản cáo trạng chỉ được công khai vào ngày 18 tháng 10 – hơn một năm sau khi bị bắt – Đoan Trang đang bị buộc tội theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự do hành vi tuyên truyền chống Nhà nước. cơ quan điều tra đã bỏ cáo buộc tương tự theo Điều 117 Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Có ba tác phẩm cụ thể được nêu ra trong bản cáo trạng . Đó là báo cáo  của Đoan Trang viết với Green Trees, một nhóm bảo vệ quyền môi trường, về thảm họa thép Formosa Hà Tĩnh năm 2016; năm 2017 báo cáo về tự do tôn giáo ở Việt Nam năm 2017; và một bài báo không ghi ngày tháng có tiêu đề ‘Đánh giá chung về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.’ Bản cáo trạng cũng cáo buộc bà Trang nói chuyện với hai cơ quan truyền thông nước ngoài là Đài Á Châu Tự Do và Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Anh (BBC) để nói xấu chính phủ Việt Nam và bịa đặt tin tức. Những ấn phẩm này nêu bật công việc quan trọng của Đoan Trang với tư cách là một tác giả, nhà báo và người bảo vệ nhân quyền đã làm việc không mệt mỏi vì một Việt Nam công bằng, hòa nhập và bền vững hơn. Các tổ chức ký tên dưới đây cho biết, hoạt động ôn hòa của bà cần được bảo vệ và thúc đẩy, không bị hình sự hóa, phù hợp với Tuyên bố của Liên hợp quốc về những người bảo vệ nhân quyền.

Việc sử dụng các báo cáo nhân quyền làm bằng chứng trong một vụ truy tố hình sự sẽ gửi một thông điệp lạnh lùng đến xã hội dân sự về việc tham gia viết tài liệu và vận động nhân quyền, đồng thời làm tăng nguy cơ tự kiểm duyệt. Trong thực tế, việc Đoan Trang báo cáo về Formosa cũng là một phần trực tiếp vận động với Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về độc tố và nhân quyền vào năm 2016, việc sử dụng báo cáo làm bằng chứng buộc tội có thể cấu thành một hành vi đe dọa và trả thù  vì đã hợp tác với LHQ và củng cố một môi trường sợ hãi, như đã được ghi nhận bởi một số các cơ quan LHQ.

Trước phiên tòa xét xử ngày 4 tháng 11 năm 2021, Đoan Trang chỉ được gặp luật sư lần đầu tiên vào ngày 19 tháng 10 năm 2021. Trong khi luật sư ghi nhận thái độ tích cực nói chung của Đoan Trang, ông cũng kể lại một số mối quan tâm nghiêm trọng về sức khoẻ. Đoan Trang từng bị công an đánh gãy chân vào năm 2015, chân bà ngày càng bị đau hơn do không được chăm sóc đầy đủ trong thời gian bị giam giữ. Bà Trang không được phép gặp bác sĩ để điều trị các bệnh sẵn có khácnhư huyết áp thấp, và kết quả là bà đã bị mất 10 kg.

Chúng tôi tố cáo hành vi từ chối đối với quyền được xét xử công bằng và không bị tra tấn, không bị đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hèn hạ khác và kêu gọi chấm dứt ngay lập tức việc giam giữ tùy tiện cũng như bãi bỏ mọi cáo buộc chống lại bà Trang.

Xuất thân của Đoan Trang là một nhà báo độc lập và nhà bảo vệ nhân quyền

Đoan Trang là một trong những tiếng nói hàng đầu và những cây bút độc lập nổi tiếng nhất trong xã hội dân sự Việt Nam và được quốc tế công nhận về những hoạt động bênh vực nhân quyền. Cô ấy là tác giả hàng nghìn bài báo, blog, bài đăng trên Facebook và nhiều cuốn sách về chính trị, công bằng xã hội và nhân quyền.

Bà là người đồng sáng lập nhóm bảo vệ quyền môi trường Green Trees, và các hãng truyền thông độc lập Tạp chí Luật Khoa, The Vietnamese, và Nhà xuất bản Tự do. Đoan Trang được nhận Giải Homo Homini 2017 do tổ chức nhân quyền Cộng hòa Séc trao tặng và Giải thưởng Phóng viên Tự do Báo chí năm 2019 có ảnh hưởng. Năm 2020, Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế đã trao giải thưởng Prix Voltaire cho Nhà xuất bản Tự do.

Phạm Đoan Trang không lạ gì việc bị Nhà nước sách nhiễu và đe dọa vì những bài viết và vận động nhân quyền. Trong đó có cả việc bị tra tấn và đối xử tồi tệ như cả đánh đập. Năm 2015, bà đã bị lực lượng an ninh đánh đập dã man đến nỗi bị tàn tật và từ đó thường phải đi nạng để hỗ trợ di chuyển. Năm 2018, bà phải nhập viện sau khi bị tra tấn khi bị công an giam giữ. Trong ba năm trước khi bị bắt, bà buộc phải di chuyển liên tục và sống trong nỗi sợ hãi bị công an và những cơ quan chức năng khác của Nhà nước đe dọa và quấy rối.

Theo quan điểm trên, chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam:

  • Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Phạm Đoan Trang và tất cả những người bảo vệ nhân quyền khác hiện đang bị cầm tù chỉ vì việc thực hiện ông hòa các quyền con người và các quyền tự do cơ bản;
  • Trong khi chờ đợi được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện, cần đảm bảo điều trị và điều kiện nhân đạo, và đảm bảo tiếp cận nhanh chóng với sự chăm sóc y tế;
  • Đảm bảo cho Đoan Trang tiếp cận không hạn chế và liên lạc thường xuyên với gia đình và tiếp cận riêng với luật sư bào chữa do bà lựa chọn;
  • Đảm bảo rằng các luật sư do bà lựa chọn được k truy cập kịp thời tất cả các tài liệu pháp lý liên quan và được trao quyền liên lạc và tiếp cận không hạn chế với Đoan Trang và có đủ thời gian và phương tiện để chuẩn bị cho việc bào chữa;
  • Đảm bảo phiên tòa được công khai, quan sát viên xã hội dân sự về ngoại giao và nhân quyền và giới truyền thông, đồng thời tránh bất kỳ hạn chế tùy tiện nào đối với việc đi lại hoặc can thiệp của các quan sát viên xét xử, phương tiện truyền thông và xã hội dân sự trước và trong quá trình xét xử;
  • Bãi bỏ hoặc sửa đổi căn bản Bộ luật Hình sự và các đạo luật không tuân thủ quyền con người khác, hiện được sử dụng để sách nhiễu và bỏ tù các cá nhân — như nhà báo độc lập và những người bảo vệ nhân quyền — để thực hiện các quyền cơ bản và tuân theo Công ước Quốc tế về Dân sự và Các Quyền Chính trị mà Việt Nam là Quốc gia thành viên kể từ năm 1982, cũng như các tiêu chuẩn và luật quốc tế hiện hành khác.

Các tổ chức tham gia ký kết

Access Now

ALTSEAN-Burma

Amnesty International

ARTICLE 19

Asia Democracy Chronicles

Asia Democracy Network

Asian Forum for Human Rights and Development (FORUM-ASIA)

Boat People SOS (BPSOS)

CIVICUS: World Alliance for Citizen Participation

Committee to Protect Journalists 

Defend the Defenders

FIDH – International Federation for Human Rights

Front Line Defenders

Green Trees

Human Rights Watch

International Commission of Jurists

International Publishers Association

Legal Initiatives for Vietnam

Open Net Association

PEN America

People in Need

Que Me – Vietnam Committee on Human Rights

Reporters Without Borders

Safeguard Defenders

The 88 Project

Vietnam Human Rights Network

Vietnamese Women for Human Rights

World Organisation Against Torture (OMCT)

 

https://www.article19.org/resources/vietnam-release-journalist-human-rights-defender-pham-doan-trang/

VNTB (27.10.2021)

 

 

Nhà báo công dân Lê Trọng Hùng: kết thúc giai đoạn điều tra sau bảy tháng bị bắt giam

Ông Lê Trọng Hùng  Facebook Hùng Gàn Lê

Hôm 26 tháng 10, Luật sư Hà Huy Sơn, luật sư bào chữa của nhà báo công dân Lê Trọng Hùng, thông báo rằng ông đã nhận được giấy phép bào chữa sau khi quá trình điều tra kết thúc.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra cũng đã hoàn tất quá trình điều tra vụ án và chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát. Từ đây, cáo trạng liên quan đến vụ án sẽ được lập, và sau đó thì phiên toà diễn ra.

Ông Lê Trọng Hùng bị bắt vào ngày 27 tháng 3 năm 2021, dưới cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại khoản 1 Điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Trả lời phỏng vấn của RFA, luật sư Hà Huy Sơn cho biết những cập nhật mới nhất về vụ việc của ông Lê Trọng Hùng:

Diễn biến mới nhất là từ ngày ông Hùng bị bắt thì đến 18 tháng 10 năm 2021 cơ quan điều tra kết thúc điều tra, trong ngày đó thì hồ sơ được chuyển qua Viện Kiểm sát thì Viện Kiểm sát cũng đã cấp thông báo người bào chữa cho tôi, nhưng đến ngày 25 tháng 10 tôi mới nhận được thông báo đó, và đến ngày 26 tháng 10 tôi đã vào trại tạm giam để gặp ông Hùng.”

Luật sư Hà Huy Sơn cũng thông tin rằng, trong cuộc gặp, ông Lê Trọng Hùng cho biết việc ông tuyệt thực trọng trại tạm giam. Luật sư Sơn nói chi tiết:

Khi mà tôi gặp ông Hùng thì ông ấy cho biết là trước khi bị bắt thì ông ấy nặng 73 kg, sau khi bị bắt thì ông ấy phản đối cơ quan điều tra vì bắt, khởi tố ông ấy vì cái tội làm, tàng trữ, tuyên truyền chống nhà nước. Thì ông ấy đã tuyệt thực 21 ngày, do tuyệt thực thì ông ấy giảm xuống còn 60 kg, sau đó thì ông ấy đã ăn trở lại và khi tôi gặp thì ông ấy đã 67 cân.”

Thời điểm của việc tuyệt thực không được ông Lê Trọng Hùng cung cấp, theo luật sư Hà Huy Sơn. Phía luật sư cũng cho rằng quá trình Viện Kiểm sát lập cáo trạng theo quy định thì sẽ kéo dài khoảng 30 đến 40 ngày, sau đó thì hồ sơ sẽ được chuyển qua cho toà án để tiến hành xét xử.

Ông Lê Trọng Hùng bị buộc tội theo khoản 1 của Điều 117, trong trường hợp bị buộc tội trước toà thì sẽ chịu mức án từ năm đến 12 năm tù.

Sau khi nghe tin tức về chồng mình, bà Đỗ Lê Na, vợ của nhà báo công dân Lê Trọng Hùng cho RFA biết cảm xúc của bà:

Đầu tiên thì cảm xúc của tôi rất là vui bởi vì sau bảy tháng bặt vô âm tín thì lần đầu tiên biết được tin tức cụ thể về chồng. Tuy nhiên là tiếp theo đó thì khi mà nghe tin là anh ấy có tuyệt thực ở trong thù và giảm đi 13 kg thì cái việc này, tôi thực sự là không bất ngờ. Bởi vì trước đấy thì anh có dặn với vợ là khi nào mà anh bị bắt trái phép thì anh sẽ tuyệt thực để phản đối.

Điều thứ ba nữa là khung hình phạt dự kiến dành cho chồng tôi, thì tôi cảm thấy nó quá nặng nề. Thực ra chồng tôi không phạm tội gì cả, bởi vì anh ấy chỉ tặng Hiến pháp cho dân, giúp dân hiểu rõ những quyền Hiến định cơ bản của mình được quy định ở trong Hiến pháp. Và nữa là, để thúc đẩy việc trao tặng Hiến pháp vào trong dân và để mở mang dân trí nhanh hơn thì anh ứng cử vào Đại biểu Quốc hội.

Chỉ vì như vậy mà họ bắt anh và khép anh vào khung hình phạt từ năm đến 12 năm thì tôi đấy điều đó là bất hợp lý, không thể chấp nhận được!”

Ông Lê Trọng Hùng sinh năm 1979, là cựu giáo viên dạy môn Hóa, Sinh của trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. 

Năm 2015, ông nghỉ dạy sau khi tố cáo những sai phạm của Hiệu trưởng nhà trường và sau đó tham gia làm báo độc lập bằng các chương trình phát sóng trực tiếp trên Facebook, YouTube với một số nhà hoạt động khác gọi là kênh truyền hình CHTV. 

Trong kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội năm 2021, ông Lê Trọng Hùng đăng ký tham gia với tư cách là ứng viên độc lập, tuy nhiên ông đã bị bắt trước khi kỳ bầu cử diễn ra.

RFA (27.10.2021)

 

 

Nhóm Công tác LHQ về Bắt giữ Tùy tiện ra phán quyết vụ Phạm Đoan Trang

 

Luật sư nhân quyền quốc tế Kurtulus Bastimar vừa nhận được phán quyết của Nhóm Công tác Liên hợp quốc về Bắt giữ Tùy tiện (UNWGAD) hôm 25/10, tuyên bố rằng việc chính quyền Việt Nam bắt giam và xét xử nhà báo Phạm Đoan Trang là vi phạm 5 khoản mục về việc giam giữ tùy tiện, chiếu theo các điều khoản của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Ngoài ra, ông cho biết phán quyết của UNWGAD không công nhận quyền công tố của Viện Kiểm Sát Nhân dân vì cơ quan này không độc lập.

Sau đây là nội dung trao đổi giữa luật sư Bastimar ở Thổ Nhĩ Kỳ với VOA.

VOA: Kính thưa ông Bastimar, trước hết xin chúc mừng ông về vụ kiện Phạm Đoan Trang. Ông có thể cho chúng tôi biết một số chi tiết về Phán quyết của Nhóm Công tác Liên hợp quốc về Bắt giữ Tùy tiện (UNWGAD) đối với trường hợp của Phạm Đoan Trang mà ông vừa nhận được ngày hôm qua?

Ông Bastimar: Trước hết, xin cảm ơn Đài tiếng nói Hoa Kỳ rất nhiều đã cho tôi cơ hội phát biểu trên đài hôm nay. Và tôi rất vui mừng thông báo rằng chúng tôi đã thắng kiện vụ Phạm Đoan Trang. Và đó là một trường hợp thực sự quan trọng và tôi muốn thông báo rộng rãi, dù nội dung hơi dài, nhưng tôi sẽ cố gắng tóm tắt. Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hợp Quốc trước hết đã ra phán quyết rằng Phạm Đoan Trang bị bắt mà không có lệnh bắt nào. Và đó là lý do tại sao các quyền của cô ấy theo Điều 9 (1) của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị đã bị vi phạm, và Nhóm Công tác của Liên Hợp Quốc cũng đã ra phán quyết rằng Phạm Đoan Trang không được thông báo về các cáo buộc, về lý do bị bắt. Và đó là lý do tại sao quyền của cô ấy theo Điều 9 (2) cũng bị vi phạm.

Luật sư nhân quyền quốc tế Kurtulus Bastimar (trái) và Phạm Đoan Trang.

Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hợp Quốc kết luận rằng Phạm Đoan Trang không được phép khiếu nại về việc tạm giam kể từ khi bị bắt. Điều đó có nghĩa là quyền của cô ấy về quyền được khắc phục hiệu quả theo Điều 2 (3) của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã bị vi phạm. Đó là một vi phạm nhân quyền thực sự quan trọng vì điều đó có nghĩa là cô ấy không thể phản đối quyết định của các cơ quan có thẩm quyền để phản đối phán quyết này. Đó là một vi phạm thực sự quan trọng trong phán quyết của Nhóm Công tác Liên hợp quốc.

Và điểm quan trọng nhất khác, khiến phán quyết này trở nên quan trọng trong mắt tôi là Nhóm công tác của Liên hợp quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng Viện kiểm sát nhân dân không phải là một cơ quan độc lập. Vì vậy, trong quyết định mà chính phủ tuyên bố hoặc biện hộ rằng lệnh bắt đã được Viện Kiểm sát Nhân dân phê chuẩn, nhưng Nhóm Công tác của Liên hợp quốc đã quyết định rõ ràng rằng cơ quan tư pháp này không có thẩm quyền. Vì vậy, đây là điểm quan trọng nhất mà tôi muốn quý vị lưu ý.

Và khi nói đến Điều 117 hoặc Điều 88 sửa đổi [Bộ luật Hình sự Việt Nam], Nhóm Công tác của Liên hợp quốc về khoản 68 đã nêu, trong trường hợp của Phạm Đoan Trang, chính phủ Việt Nam không thể viện dẫn Điều 117 hoặc 88 như một phương tiện pháp lý vì những điều khoản này của Bộ luật hình sự Việt Nam quá mơ hồ và quá rộng, điều đó có nghĩa là bất kỳ cá nhân nào sống ở Việt Nam cũng không thể hiểu được khi họ đọc những điều khoản này cấu thành tội phạm nên họ không thể điều chỉnh quyết định của mình theo luật này. Vì vậy, chẳng hạn họ không biết điều gì cấu thành tội “Tuyên truyền chống nhà nước”, nhằm “lật đổ nhà nước” bởi vì chính phủ có thể dễ dàng viện dẫn bất kỳ hành động hoặc thiếu sót nào của cá nhân hoặc công dân Việt Nam để khiến họ phải chịu trách nhiệm “Tuyên truyền chống nhà nước” và “Lật đổ nhà nước”. Và đây là một phần thực sự quan trọng của phán quyết.

Và một vi phạm khác như đã trình bày của Nhóm Công tác Liên hợp quốc mà tôi muốn các bạn chú ý là đoạn 77 trong đó Nhóm Công tác của Liên hợp quốc đã nêu rõ rằng hành vi của Phạm Đoan Trang, mà họ chắc chắn có thể thuộc phạm vi của Điều 19 và 22 của Công ước cụ thể là quyền tự do bày tỏ chính kiến và tự do ngôn luận, vì vậy Nhóm Công tác của Liên hợp quốc đã ra phán quyết rằng chính quyền không thể giam giữ, không thể bắt Phạm Đoan Trang dựa vào hành động của Phạm Đoan Trang, vì cô ấy là một tác giả đoạt giải thưởng, cô ấy là một blogger và nhà báo. Vì vậy, cô ấy có quyền tham gia vào các hoạt động xã hội để thực hiện các nghiên cứu, phân tích. Và chỉ vì cô ấy đã thực hiện các quyền dân sự và chính trị của mình và đó là lý do tại sao cô ấy bị bắt. Cô ấy đã bị giam giữ. Và đó là lý do tại sao Nhóm Công tác của Liên hợp quốc đã ra phán quyết rằng quyền của cô ấy được tham gia vào các hoạt động xã hội hoặc các vấn đề công cộng cũng bị vi phạm, cụ thể là Điều 25 (a).

Và ở điểm cuối cùng, Nhóm Công tác của Liên hợp quốc về giam giữ tùy tiện đã tuyên bố cô ấy có quyền được xét xử công bằng. Điều này thực sự quan trọng. Quyền được xét xử công bằng của cô cũng bị vi phạm vì việc chậm đưa Phạm Đoan Trang ra xét xử. Đó là một thời gian [tạm giam] rất dài và không có bất kỳ lời biện minh nào. Và đó là lý do tại sao quyền được xét xử công bằng của cô ấy đã bị vi phạm nghiêm trọng.

Và hạng mục cuối cùng mà Nhóm công tác phát hiện vi phạm là Nhóm công tác ra phán quyết rằng việc tạm giam Phạm Đoan Trang chắc chắn là có lý do chính trị, vì vậy cô ấy đã bị bắt từ khi cô ấy thực hiện quyền chính trị.

Cô ấy được coi là một nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền. Nhưng điểm đáng chú ý là chính phủ Việt Nam đã bắt và giam giữ cô ấy dựa trên lý do chính trị và đó là lý do tại sao Nhóm Công tác Liên Hợp Quốc yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho thân chủ Phạm Đoan Trang ngay lập tức và vô điều kiện.

Nói tóm lại, phán quyềt của UNWGAD nêu rằng Phạm Đoan Trang bị bắt mà không có bất kỳ lệnh bắt nào và cô ấy không được thông báo về bản chất của các cáo buộc. Và đó là lý do tại sao Điều 9 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị đã bị vi phạm và vi phạm quan trọng nhất là Phạm Đoan Trang đã không thể lên tiếng việc mình bị giam giữ. Và đó là lý do tại sao quyền của cô ấy theo biện pháp khắc phục hiệu quả, cụ thể là Điều 2(3) đã bị vi phạm và cô ấy bị đặt ngoài sự bảo vệ của pháp luật, và đó là lý do tại sao tiếng nói quan trọng nhất của cô ấy cũng bị vi phạm.

VOA: Xin chân thành cảm ơn ông đã chia sẻ 5 khoản mục mà chính phủ Việt Nam đã vi phạm về vụ Phạm Đoan Trang. Ông có thể vui lòng giải thích tại sao Phán quyết này lại quan trọng?

Ông Bastimar: Điều quan trọng là Nhóm công tác của Liên hợp quốc trong phán quyết này là Phạm Đoan Trang đã bị đặt ngoài phạm vi bảo vệ của pháp luật. Vì vậy, điều đó có nghĩa là cô ấy không được trao quyền được coi là bình đẳng trước pháp luật. Và điều này thực sự quan trọng. Điều đó có nghĩa là chính quyền đang giam giữ một người ngoài sự bảo vệ của pháp luật.

Và một phần quan trọng khác của phán quyết là tại cơ quan nhân quyền quốc tế, đó là Nhóm công tác của Liên hợp quốc về giam giữ tùy tiện, chẳng hạn, không công nhận Viện kiểm sát nhân dân hoặc các cơ quan tư pháp khác là cơ quan có thẩm quyền hoặc độc lập. Vì vậy, họ không độc lập trong mắt Nhóm công tác LHQ.

Đây là những mặt thực sự quan trọng của phán quyết.

Phần đầu phán quyết của UNWGAD. Văn bản này do LS Kurtulus Bastimar cung cấp cho VOA.

VOA: Ông nghĩ gì về các hồi đáp của Chính phủ Việt Nam đối với văn thư vào tháng 4 năm 2021 của Nhóm công tác LHQ liên quan đến Phạm Đoan Trang?

Ông Bastimar: Vâng, tất nhiên với tư cách là luật sư quốc tế của Phạm Đoan Trang, tôi đã nhận được giải trình từ chính phủ Việt Nam và trong đó họ nói rằng Phạm Đoan Trang bị bắt và tạm giam, không phải vì cô ấy thực hiện các quyền cơ bản của mình, mà cô ấy đã vi phạm pháp luật trong nước. Vì vậy, chính quyền khẳng định rằng, theo họ, Phạm Đoan Trang đã bị bắt vì cô ấy vi phạm pháp luật trong nước và họ cũng tuyên bố rằng lệnh bắt đã được Viện Kiểm sát Nhân dân phê chuẩn.

Nhưng những lời giải thích này rất mơ hồ và quá rộng, đó không phải là điều mà Nhóm Công tác LHQ yêu cầu chính phủ Việt Nam trả lời, vì họ cũng không đưa ra được cơ sở pháp lý rõ ràng và chính xác về việc kết tội hoặc bắt giữ Phạm Đoan Trang.

Vì vậy, về cơ bản họ đang mô tả tình hình mà họ nói rằng mọi quyền và tự do cơ bản đều được đảm bảo trong Hiến pháp và mọi thứ đều hoàn toàn ổn về mặt nhân quyền, nhưng khi Nhóm công tác của Liên Hợp Quốc đưa ra phán quyết này thì không như họ đã giải trình.

VOA: Thưa ông Bastimar, phán quyết này hỗ trợ cho ông và các luật sư khác trong nước bào chữa cho cô Phạm Đoan Trang tại phiên tòa sắp diễn ra vào ngày 4 tháng 11 tại Hà Nội như thế nào?

Ông Bastimar: Phán quyết này chắc chắn sẽ giúp ích cho chúng tôi vì nó có chứa thông tin và các vi phạm thực sự quan trọng và phán quyết đó sẽ giúp tôi tạo ra nhận thức quốc tế về các vụ khác trong cộng đồng quốc tế và phán quyết này cũng sẽ giúp ích cho các luật sư trong nước, bởi vì rõ ràng họ cũng có thể sử dụng thông tin này ở cấp trong nước, vì đây là một phán quyết quốc tế. Vì vậy, họ có nhiều điều để biện hộ hơn trong phiên tòa trong nước. Và một trong những diễn biến gần đây theo như tôi được biết thông tin trên mạng xã hội về cơ bản Phạm Đoan Trang vẫn chưa được gặp người nhà. Vì vậy nhóm công tác của LHQ trong phán quyết này cũng đã tuyên bố rằng những quyền liên hệ với thế giới bên ngoài cũng đã bị vi phạm. Vì vậy, tôi đã yêu cầu một luật sư trong nước đọc kỹ phán quyết này và sử dụng tất cả các thông tin về vi phạm nhân quyền hoặc vi phạm luật pháp quốc tế tại các tòa án trong nước.

VOA: Xin ông cho biết các bước tiếp theo của mình trong trường hợp này và điều gì xảy ra nếu chính phủ Việt Nam không tuân thủ Phán quyết của Nhóm Công tác LHQ? Chúng ta đều biết rằng Việt Nam là thành viên của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.

Ông Bastimar: Cảm ơn bạn rất nhiều về câu hỏi này nhưng tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam sẽ không phớt lờ hay không tuân thủ phán quyết này bởi vì khi chúng tôi bắt đầu đưa trường hợp của Phạm Đoan Trang ra các cơ quan quốc tế cụ thể là Nhóm Công tác Liên Hợp Quốc, cô ấy có thể sẽ bị kết án với khung hình phạt 20 năm, đối mặt án tù 20 năm, nhưng sau khi chúng tôi đệ trình lên Nhóm Công tác Liên Hợp Quốc, mức phạt được giảm xuống còn ba năm. Vì vậy, chúng tôi đã đạt tiến bộ rất nhiều về điều đó. Và bước tiếp theo mà tôi sẽ làm với tư cách là luật sư quốc tế của cô ấy là nâng cao nhận thức về phán quyết này và sự hợp tác với các tổ chức nhân quyền quốc tế để theo dõi và ủng hộ phiên tòa của cô Phạm Đoan Trang ở Việt Nam.

VOA: Được biết đây là vụ thứ hai mà ông bào chữa cho các nhà báo bị giam cầm tại Việt Nam tại Nhóm Công tác LHQ, sau vụ Lê Hữu Minh Tuấn được thông qua vào tháng 6 năm 2021. Và ông đã thắng cả hai vụ. Lý do thành công của hai trường hợp này là gì?

Ông Bastimar: Về cơ bản, tôi đã làm việc ở nhiều quốc gia nên tôi đang bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân ở các quốc gia khác nhau với tư cách là luật sư nhân quyền quốc tế chuyên nghiệp. Tôi đã theo học tại một trong những trường đại học nổi tiếng ở Châu Âu, Đại học Maastricht, vì vậy về cơ bản tôi đã cống hiến cuộc đời mình cho quyền con người trong môi trường quốc tế, vì vậy tôi đang chuẩn bị với tâm trạng rất tốt và tôi đang nghiên cứu rất tốt vì tôi dành tám hoặc chín tháng trong mỗi vụ trước Nhóm Công tác của Liên hợp quốc. Vì vậy, tôi đang dành nhiều thời gian và năng lượng hơn để bảo vệ thân chủ của mình bởi vì tất cả họ đều thực sự quan trọng đối với tôi vì tôi đang sát cánh cùng họ.

VOA: Từ hai vụ mà ông đã thực hiện, vụ Phạm Đoan Trang và vụ Lê Hữu Minh Tuấn, ông nghĩ gì về tình hình nhân quyền và tự do báo chí ở Việt Nam?

Ông Bastimar: Tự do báo chí và nhân quyền của Việt Nam chắc chắn là một vấn đề rất lớn, buộc những người đang chỉ trích chính phủ hoặc những người đang nói rằng họ không đồng tình với chính sách của chính phủ phải chịu một áp lực rất lớn. Họ chắc chắn bị bắt và giam giữ. Vì vậy, nó chắc chắn buộc những người bảo vệ nhân quyền phải chịu dựng một tình huống rất khủng khiếp. Vì vậy, nó rất tồi tệ về nhân quyền và tự do báo chí bởi vì nếu chính phủ trừng phạt một nhà báo hoặc blogger hoặc nhà văn vì họ bày tỏ ý kiến của mình, và điều đó cũng sẽ đặt ra một rào cản lớn để một chính phủ không tiếp cận với dân chủ, bởi vì các quyền cơ bản, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, là nền tảng để một chính phủ đạt được môi trường dân chủ.

VOA: Xin chân thành cảm ơn ông đã dành cho VOA cuộc phỏng vấn này.

VOA (27.10.2021)

 

 

Chính quyền có thể bỏ tù Báo Sạch, nhưng không thể ngăn người dân biểu đạt lương tâm

Nếu ai đó vì thực hành quyền tự do biểu đạt mà bị bỏ tù, bạn hãy vinh danh họ.

Bốn thành viên nhóm Báo Sạch tại phiên tòa ngày 26/10. Ảnh: Cửu Long/ VnExpress.

Vào ngày hôm nay, 28/10/2021, Tòa án Nhân dân huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ đã tuyên án đối với năm thành viên nhóm Báo Sạch sau ba ngày xét xử. Tổng mức án cho năm thành viên là 14 năm 6 tháng tù. [1]

Tội của họ đơn giản là đã viết ra những bài báo không lọt tai, không tâng bốc, nịnh hót các quan chức chính quyền. Bản án này là một sự sỉ nhục không chỉ đối với năm người bị kết án mà còn với tất cả những ai ủng hộ chính quyền này.

Báo Sạch là một hiện tượng báo chí độc lập giữa môi trường ngôn luận đầy ngột ngạt của Việt Nam, nơi nhà báo được dạy rằng phải bảo vệ đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, nơi bài báo chỉ trích chính quyền bị gỡ xuống trong tích tắc, nơi người dân bị chính quyền trả thù một cách công khai khi thực hiện quyền tự do biểu đạt.

Báo Sạch chắc chắn đã từng là hy vọng của những người đang tuyệt vọng đi tìm kiếm công lý. Đó là những gia đình tử tù, những thường dân bị bắt oan, những hộ dân bị chính quyền cưỡng chế đất đai.

Báo Sạch chắc chắn là nỗi khiếp sợ của những quan chức nhà nước, những người sở hữu những biệt phủ kín cổng cao rào, ảo tưởng không ai dám động đến họ.

Báo Sạch chắc chắn là đối thủ đã sửa lưng những tờ báo nhà nước trong các vụ việc nổi cộm, ngăn họ thao túng người dân.

Trong gần một năm qua, những điều trên đã biến mất. Người đi tìm kiếm công lý vừa có được hy vọng đã tuyệt vọng trở lại. Những quan chức với khối tài sản khổng lồ thở phào nhẹ nhõm. Các tờ báo nhà nước bớt đi một đối thủ đáng gờm, họ lại có thể viết mọi vấn đề theo quan điểm của nhà nước và giả vờ như đang phục vụ nhân dân.

Bốn thành viên của nhóm Báo Sạch (từ trái qua): Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Phước Trung Bảo, Trương Châu Hữu Danh. Người bị bắt còn lại là Lê Thế Thắng. Ảnh: RFA.

Nhưng hơn hết, bản án của Báo Sạch là lời cảnh cáo của chính quyền dành cho bạn. Khi quan chức, đảng viên sai phạm, bạn không được phép chỉ trích, phản đối mà chỉ được góp ý, sử dụng câu chữ nhẹ nhàng, nếu không bạn sẽ bị buộc tội kích động người dân chống chính quyền.

Kịch bản này không chỉ xảy ra với những người làm báo. Vào tháng 6/2021, Chung Hoàng Chương, một người bán sim điện thoại tại Cần Thơ, đã lãnh án tù giam 18 tháng chỉ vì đăng những bài viết chỉ trích chính quyền trên Facebook cá nhân. [2] Nếu điều này xảy ra đối với một người bán sim điện thoại, không có lý do gì nó sẽ không xảy ra với chính bạn.

Tự do biểu đạt là quyền thể hiện lương tâm con người

Hãy nhớ lại lần gần đây nhất bạn bức xúc trước một vấn đề xã hội. Đó có thể là tình cảnh những người công nhân chạy xe máy hàng nghìn cây số để về quê vì không trụ nổi ở TP. Hồ Chí Minh. Đó có thể là vụ việc đàn chó của một gia đình đã bị chính quyền ở Cà Mau tiêu hủy. Vì sao bạn bức xúc như vậy? Vì bạn có lương tâm.

Lương tâm không cho phép chúng ta quay mặt với những người đang cần giúp đỡ. Trong rất nhiều trường hợp, sự giúp đỡ đó chính là lên tiếng, yêu cầu ai đó phải có trách nhiệm, phải làm điều gì đó để cải thiện, để tình cảnh đó không xảy ra một lần nữa. Và để làm được điều đó, chúng ta kêu gọi những người khác cùng tham gia với mình. Việc này bắt đầu từ ý thức rằng chúng ta là một phần của xã hội. Đó chính là cội nguồn của việc thực hành quyền tự do biểu đạt, nhất là đối với các vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam đã làm thui chột lương tâm của chúng ta bằng cách đe dọa, trấn áp, bịt miệng những ai dám lên tiếng chỉ trích nhà nước bằng các điều luật của Bộ luật Hình sự.

Tôi tự hỏi chúng ta sẽ là một người như thế nào nếu không thể biểu đạt điều mà lương tâm đang đòi hỏi? Do không thể lên tiếng vì sợ bị chính quyền trả thù, chúng ta dần ít quan tâm hơn đến tình cảnh của những người khác trong xã hội. Làm như vậy, chúng ta sẽ thấy dễ chịu hơn đôi chút, nhưng thử nghĩ một xã hội thiếu vắng sự biểu đạt của lương tâm như vậy có làm bạn thấy an toàn hơn? Đó có phải là nơi đáng sống cho con cái, gia đình của bạn?

Tuy nhiên, tôi tin rằng những người bình thường vẫn có thể biểu đạt lương tâm của mình bằng nhiều cách để tránh những tổn thất không đáng có.

Có gì để hy vọng?

Bạn có thể thấy tuyệt vọng với những vụ án xét xử liên tiếp các nhà báo, người dân chỉ vì họ thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình. Tuy nhiên, đây cũng là hy vọng cho xã hội Việt Nam. Nó cho thấy lương tâm của chúng ta không sợ hãi trước những bản án tù.

Khi mãn hạn tù giam, người bán sim điện thoại Chung Hoàng Chương đã trả lời RFA rằng anh không hối hận về những việc đã làm dẫn đến án tù của mình. Chúng ta đang có nhiều Chung Hoàng Chương như vậy, cớ gì phải tuyệt vọng? [3]

Chung Hoàng Chương, hay còn gọi là Ch

Chung Hoàng Chương, hay còn gọi là Chương May Mắn. Ảnh: Facebook Chương May Mắn/ RFA.

Tự do không hề miễn phí. Nhiều đất nước đã phải trải qua tổn thất to lớn để giành lấy quyền tự do biểu đạt cho con cái của họ sau này. Ví dụ như Đài Loan.

Vào ngày 21/1/1989, Văn phòng Công tố của Tòa án Cấp cao Đài Loan ra lệnh triệu tập Trịnh Nam Dung, người sáng lập và điều hành Tuần san Thời đại Tự do, để điều tra về tội kích động người dân nổi loạn chống chính quyền. Trịnh Nam Dung (Cheng Nan-jung) khi đó được xem là một kẻ thù của chính quyền Quốc Dân Đảng do các hoạt động đòi dân chủ, đòi quyền tự do biểu đạt mạnh mẽ của mình. [4]

Một tuần sau khi có lệnh triệu tập, Trịnh Nam Dung tuyên bố: “Quốc Dân Đảng chỉ có thể lấy được cái xác của tôi chứ không bao giờ bắt sống tôi được”. Ông Dung đã tử thủ trong văn phòng nhiều tháng trời cho đến ngày 7/4/1989. Hôm đó, ông đã châm lửa tự thiêu khi quân đội bao vây và tấn công văn phòng của mình. Từ năm 2016, ngày 7/4 được xem là Ngày Tự do Biểu đạt của Đài Loan để tưởng nhớ tinh thần đấu tranh kiên cường của Trịnh Nam Dung. [5]

Đến nay, văn phòng đã bị thiêu cháy cùng Trịnh Nam Dung trở thành một viện bảo tàng. Các đồ vật bị cháy được giữ nguyên. Người Đài Loan không bao giờ quên sự hy sinh của ông – một biểu tượng của việc thực hành và cổ vũ quyền tự do biểu đạt dù phải đón nhận cái chết.

Đám tang của Trịnh Nam Dung, người đã tự thiêu để đòi hỏi quyền tự do ngôn luận ở Đài Loan. Ảnh: ThePeoplenews.

Bạn không cần phải trực diện lên tiếng để chính quyền trả thù bạn. Bạn có thể ủng hộ những người dám can đảm lên tiếng, phê phán chính quyền, bảo vệ những người yếu thế trong xã hội.

Bạn không cần phải đứng ra lập một tờ báo. Bạn có thể chọn trở thành độc giả của những tờ báo độc lập. Nếu bạn không thể viết báo, hãy cung cấp thông tin cho họ. Nếu bạn không thể cung cấp thông tin, hãy ủng hộ tài chính cho họ. Nếu bạn không thể ủng hộ tài chính, bạn có thể chia sẻ bài viết mà họ đăng tải. Nếu bạn không thể chia sẻ công khai, hãy chia sẻ hoặc kể bài viết đó cho người thân của mình.

Hiển nhiên bạn sẽ quan ngại đến độ khách quan của bài viết khi chia sẻ. Nhưng bạn đừng lo, vai trò của báo chí trước hết là khơi gợi các vấn đề quan trọng. Chính quyền nếu có liên quan phải có trách nhiệm giải thích, làm rõ vấn đề được khơi ra. Nếu bạn cho rằng báo chí độc lập không đưa thông tin khách quan, đa chiều nên không đáng để chia sẻ thì bạn đã rơi vào chiếc bẫy của chính quyền.

Ủng hộ báo chí độc lập, thực hành quyền tự do biểu đạt là con đường duy nhất để xây dựng một xã hội đáng sống, nơi mà mọi người có thể nâng đỡ lẫn nhau, không chịu bó tay trước những bất công xã hội.

Sau cùng, nếu chính quyền bỏ tù một người vì thực hành quyền tự do biểu đạt, bạn hãy vinh danh họ. Nhiều đất nước đã đi hết đường hầm tăm tối để thấy ánh sáng. Việt Nam rồi cũng sẽ như thế.

 THANH NGỌC

Luật Khoa (27.10.2021)