Chính quyền Biden-Harris: ‘Thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu’

Bà Lisa Peterson – Quyền Trợ lý Bộ trưởng Hoa Kỳ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vừa lặp lại cam kết của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam và nói rằng đây vẫn là “ưu tiên hàng đầu” trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Cam kết được đưa ra tại Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam thường niên lần thứ 25, được tổ chức vào ngày 9/11 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ.

Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Quyền Trợ lý Bộ trưởng về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Lisa Peterson, và đứng đầu phía Việt Nam là Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt.

“Cam kết của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy tôn trọng nhân quyền là nền tảng đối với quốc gia chúng tôi và là một yếu tố thiết yếu trong chính sách đối ngoại của chúng tôi”, thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng “Thúc đẩy và bảo vệ sự tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Biden-Harris và mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam”.

Vẫn theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đối thoại đã diễn ra với các cuộc thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến nhân quyền, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tín ngưỡng, quyền lao động, pháp quyền và cải cách luật pháp, hợp tác đa phương về nhân quyền và các trường hợp cá nhân được quan tâm.

Ngoài ra, Đối thoại cũng đề cập đến quyền của những người dễ bị tổn thương, như các nhóm dân tộc thiểu số, người đồng tính và người khuyết tật.

Ngay trước khi Đối thoại diễn ra, tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ trong Đối thoại lần này hãy thúc đẩy Việt Nam trả tự do cho những người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ và các hoạt động nhân quyền khác.

Tổ chức này nói chính phủ Việt Nam hiện đang bỏ tù ít nhất 145 người vì họ đã thực hiện các quyền căn bản một cách ôn hòa. Chỉ riêng trong năm 2021, Hà Nội đã truy tố và bỏ tù ít nhất 31 người, hầu hết vì họ đã bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội trái với quan điểm của chính phủ.

Cuối tháng trước, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức một hội thảo quốc tế tham vấn về dự thảo Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III của Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng “Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR” chu kỳ III để gửi lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Là một trong số ít các quốc gia xây dựng báo cáo này, Việt Nam nói hành động này “thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với Cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung”, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực vận động ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Trước đó, vào đầu năm nay, Việt Nam thông báo tham gia ứng cử vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam tham gia ứng cử vào vị trí này.

VOA (11.11.2021)

 

 

Nhóm công tác LHQ ra phán quyết về trường hợp Nguyễn Năng Tĩnh

Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh tại phiên phúc thẩm hôm 20/04/2020. Photo Truyen hinh Nghe An

Nhóm Công tác Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện (UNWGAD) vừa công bố phán quyết về trường hợp tù nhân lương tâm Nguyễn Năng Tĩnh và yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông ngay lập tức.

Ngày 8/11, bà Nguyễn Thị Tình, vợ của thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, nhận được thông báo kèm theo phán quyết của UNWGAD số 36/2021 trong đó nêu rõ rằng cáo buộc mà phía Việt Nam đưa ra đối với ông Nguyễn Năng Tĩnh là “quá mơ hồ, không thể là cơ sở pháp lý để giam tù ông”.

Phán quyết ngày 4/11/2021 được thông qua trong kỳ họp thứ 91 của UNWGAD mà VOA xem được cho rằng việc bắt giam, xét xử ông Tĩnh được xếp vào hành động giam giữ tùy tiện, vi phạm các chuẩn mực và công ước quốc tế mà Việt Nam là một quốc gia thành viên.

Trường hợp của ông Tĩnh, UNWGAD cho rằng chính quyền Việt Nam đã vi phạm 4 trong số 5 khoản mục về bắt giữ tùy tiện: thiếu cơ sở pháp lý để tước đoạt quyền tự do của một người; người bị tước đoạt quyền tự do khi thực thi các quyền cơ bản theo chuẩn mực quốc tế; vi phạm quyền được xét xử công bằng; và bị tước quyền tự do trên cơ sở phân biệt đối xử, do là một người bảo vệ nhân quyền, và là người bất đồng chính kiến.

UNWGAD ra phán quyết trường hợp Nguyễn Năng Tĩnh, ngày 4/11/2021. Photo UNWGAD.

Phán quyết, còn được gọi là Công bố Quan điểm (Opinion) có đoạn viết: “Nhóm công tác kêu gọi Chính phủ [Việt Nam] trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Tĩnh và thăm khám bệnh cho anh Tĩnh theo yêu cầu.”

“Nhóm làm việc cũng kêu gọi Chính phủ tôn trọng quyền tự do tôn giáo của ông Tĩnh khi bị giam giữ theo quy tắc 65 và 66 của Quy tắc Nelson Mandela, cũng như Điều 18 trong Tuyên bố Quốc tế về Nhân quyền và Điều 18 của Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị”.

Ông Nguyễn Năng Tĩnh, 45 tuổi, quê Nghệ An, là một thầy giáo dạy nhạc tại một trường cao đẳng ở tỉnh Nghệ An. Ông bị bắt vào 29/5/2019 và ngày 15/11/2019 bị tuyên 11 năm tù giam và 5 năm quản chế, và một phiên phúc thẩm vào tháng 4/2020 đã giữ nguyên mức án này. Hiện ông đang thụ án tù tại Trại 5, Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Bà Nguyễn Thị Tình cho VOA biết sau khi nhận được thông báo về phán quyết của LHQ:

“Tôi rất vui khi nhận phán quyết của Nhóm Công tác Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện. Phán quyết này hoàn toàn đúng. Sự việc đúng như phán quyết của LHQ nêu.

“Bản án mà chính quyền tuyên cho chồng tôi là hoàn toàn bất công và oan sai. Chồng tôi không làm điều gì sai hay vi phạm để mà bị kết tội cả. Anh chỉ làm những việc tốt cho cộng đồng. Trong cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm họ hoàn toàn không chứng minh được chồng tôi phạm tội.”

Chính quyền Việt Nam xét xử ông Tĩnh với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.

UNWGAD kết luận rằng Điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015 không tương thích với Điều 11(2) của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Điều 15(1) của Công ước Liên Hiệp Quốc về Các quyền Dân sự và Chính trị.

Bản thân ông Nguyễn Năng Tĩnh không thể tiên liệu được rằng việc thực thi quyền tự do biểu đạt để chuyển tải những ý kiến một cách ôn hòa trên mạng xã hội lại là hành vi phạm tội hình sự theo Điều 117, theo UNWGAD.

Ngoài ra, Nhóm Công tác lưu ý rằng Ủy ban Nhân quyền LHQ cũng đã kêu gọi Việt Nam khẩn trương thực hiện tất cả các bước cần thiết, bao gồm cả sửa đổi pháp luật, liên quan đến các tội danh được áp dụng rộng rãi trong các điều khoản khác nhau của Bộ luật Hình sự 2015, bao gồm cả Điều 117.

Trong văn thư giải trình gửi UNWGAD vào 15/4/2021, chính quyền Việt Nam cho rằng các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã điều tra và truy tố ông Tĩnh vì “ông đã vi phạm pháp luật Việt Nam, chứ không phải vì ông đã thực hiện các quyền tự do cơ bản”.

VOA (10.11.2021)

 

 

Fullbright Việt Nam đột ngột hủy bỏ sự kiện ra mắt sách của cựu Đại sứ Hoa Kỳ

Sự kiện trực tuyến chia sẻ về cuốn sách “Nothing Is Impossible” (Không gì là không thể) của Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius ở Đại học Fulbright Việt Nam đột ngột bị hủy bỏ mà không có thông báo về nguyên do khiến nhiều người thắc mắc. Cựu Đại sứ Ted Osius bày tỏ thất vọng về sự việc.

Vào hôm 4/11, ông nói với BBC News Tiếng Việt rằng, có vẻ như ai đó không thích nội dung cuốn sách.  Trong cuốn sách, ông Ted Osius có nhắc đến các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam như ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Chí Vịnh và nhiều nhân vật cấp cao khác mà ông có dịp tiếp xúc thời làm đại sứ.

Ngọc Anh, sinh viên đại học tại Sài Gòn, chia sẻ rằng cô định ghi danh tham gia thì phát hiện bài đăng đã bị xóa và cá nhân cô cảm thấy hành động hủy sự kiện không thông báo của FUV có phần mờ ám. Cụ thể, hôm 30/10, trường Đại học Fulbright Việt Nam đăng trên trang Facebook và trang mạng của trường về sự kiện gặp gỡ, trao đổi trực tuyến với Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius (2012-2014) về cuốn sách mới ra mắt của ông.

Theo thông báo, sự kiện sẽ diễn ra vào thứ năm ngày 4/11/2021 vào lúc 20:00 đến 21:30. Tuy nhiên, chương trình đã bị hủy bỏ mà không có bất kỳ thông báo nào.

Một nguồn tin giấu tên nói với BBC rằng, nhà cầm quyền cộng sản cho rằng nội dung cuốn sách của ông cựu đại sứ “có một số nội dung chưa phù hợp với Việt Nam”, vì vậy, có thể đã có yêu cầu để Đại học Fulbright Việt Nam phải hủy sự kiện, lặng lẽ xóa thông báo mà không giải thích nguyên nhân cho công chúng. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, trường Fulbright Việt Nam từ chối bình luận.

SBTN (10.11.2021)

 

 

Việt Nam – Hoa Kỳ tổ chức vòng đối thoại nhân quyền thứ 25

Hình minh hoạ: Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp các đại diện tổ chức xã hội dân sự ở Hà Nội hôm 26/8/2021  AFP

Văn phòng Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào chiều tối ngày 9/11/2021 phát đi thông cáo về ngày đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ lần thứ 25 vừa kết thúc tại Washington D.C.

Thông cáo cho biết cuộc đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ lần thứ 25 bàn nhiều vấn đề nhân quyền gồm tự do biểu đạt, tự do tôn giáo-tín ngưỡng, pháp trị và cải cách luật pháp, hợp tác đa phương về nhân quyền, cũng như những trường hợp cá nhân được quan tâm. Bên cạnh đó đối thoại còn bàn đến quyền của những người trong tình huống bị thương tổn như những nhóm sắc tộc thiểu số, những người thuộc cộng đồng LGBT+, người khuyết tật.

Cam kết thăng tiến việc tôn trọng nhân quyền của Mỹ là nền tảng của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ và là một yếu tố thiết yếu của chính sách ngoại giao của Washington. Công tác thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam tiếp tục vẫn là một ưu tiên của chính phủ Biden- Harris và mối quan hệ Mỹ- Việt.

Ngay trước ngày đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ lần thứ 25, tổ chức Giám sát Nhân quyền- Human Rights Watch (HRW) ra thông cáo báo chí kêu gọi thả trả tự do cho những nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam.

Theo HRW, hoạt động đối thoại nhân quyền song phương là vô cùng quan trọng, nhưng đó không phải là cơ hội duy nhất về nhân quyền.

Tổ chức này thống kê hiện Chính phủ Việt Nam đang giam tù ít nhất 145 người chỉ vị họ thực hành các quyền căn bản một cách ôn hòa. Riêng trong năm nay, cơ quan chức năng Việt Nam đã kết án và giam tù ít nhất 31 người. Hầu hết những người này chỉ bày tỏ ý kiến trên mạng, mà đó là những quan điểm trái với phía chính phủ.

Cũng trong năm 2021, Công an Việt Nam bắt giữ ít nhất 26 người khác, trong đó có một nhà vận động nhân quyền là bà Nguyễn Thúy Hạnh. Những người này bị bắt với những cáo buộc ngụy tạo, có động cơ chính trị như tuyên truyền chống Nhà nước hay lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Hồi năm ngoái, sau vòng đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ lần thứ 24 chỉ ít giờ, lực lượng chức năng Việt Nam tiến hành bắt giữ nhà báo độc lập/nhà hoạt động Phạm Đoan Trang. Bà là một trong những blogger tích cực viết và là một nhà hoạt động nhân quyền có ảnh hưởng tại Việt Nam.

RFA (09.11.2021)

 

 

Mỹ đòi Việt Nam thả Trần Huỳnh Duy Thức

Tin cho hay trước khi diễn ra cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ, Washington đòi Hà Nội trả tự do cho ba tù nhân lương tâm, trong đó có ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đã ngồi tù 12 năm.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức hiện đã ngồi tù hơn 12 năm và chịu án 16 năm tù. Courtesy of Facebook Tran Huynh Duy Tan

Nhà báo Nguyễn Văn Khanh cho biết, hôm 9/11/2021 (giờ Mỹ) tại Washington DC diễn ra cuộc thảo luận nhân quyền thường niên Việt – Mỹ trong hai ngày. 

Phái đoàn CSVN tại một kỳ Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ. Web screen capture

“Nói chuyện với những người điếc”

Tin hành lang cho hay từ tuần trước, Hoa Kỳ đã gửi công hàm ngoại giao yêu cầu Hà Nội trả tự do cho ba tù nhân lương tâm gồm các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Bắc Truyển và Nguyễn Văn Hóa. Ông Thức hiện đã ngồi tù hơn 12 năm và chịu án 16 năm tù. Ông Truyển bị phạt 11 năm tù và ông Hóa 7 năm tù.

Theo ông Khanh, vấn đề này chắc chắn sẽ được nhắc tới ở cuộc thảo luận lần này. 

“Từng có lúc phía Hoa Kỳ nói với tôi sau một cuộc thảo luận nhân quyền thường niên rằng “chúng tôi có cảm tưởng đang nói chuyện với những người điếc”. Hy vọng lần này khá hơn!,” nhà báo Nguyễn Văn Khanh cho biết.

Thường thì đại diện Việt Nam góp mặt tại sự kiện nêu trên là giới chức Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ và Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ. 

Trước sự kiện Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ năm nay, tổ chức Human Rights Watch (HRW) đã kêu gọi chính phủ Mỹ tận dụng cơ hội này để yêu cầu nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến và cải thiện các vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

HRW nhấn mạnh là nhà cầm quyền CSVN hiện đang giam giữ ít nhất 145 người chỉ vì họ thực hành các quyền cơ bản một cách ôn hòa. Chỉ tính trong năm 2021, nhà cầm quyền đã kết án và bỏ tù ít nhất 31 người, hầu hết chỉ vì đã bày ý kiến trên mạng ngược lại với quan điểm của chính quyền. 

Vừa xong “Đối thoại nhân quyền” là bắt người chỉ trích

Cũng cần nhắc lại, việc chỉ vài giờ sau cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ hồi năm ngoái (được tổ chức online do dịch bệnh COVID-19, nhà cầm quyền CSVN đã bắt giữ bà Phạm Đoan Trang, blogger và là nhà báo tự do. Bà Trang bị giam cầm hơn một năm, đến nay vẫn chưa bị đem ra xét xử.

Lần gần nhất báo đảng đưa tin về Đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ là hồi… năm 2009. Thời điểm đó, báo điện tử VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam cho hay: “Hai bên [Việt, Mỹ] đã trao đổi một cách cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề hai bên cùng quan tâm, như cơ chế nhân quyền quốc tế và khu vực, tự do tôn giáo, tự do lập hội…”  

Thời gian qua, báo đảng liên tục tuyên truyền về khái niệm “nhân quyền theo kiểu Việt Nam”.

Trong cuộc gặp kiều bào tại Anh mới đây, Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính phát biểu: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ người nào trên thế giới về vấn đề nhân quyền. Bởi với Việt Nam, nhân quyền lớn nhất của chúng ta là không để ai thiếu ăn, thiếu mặc; khi khó khăn chúng ta không để ai bị bỏ lại phía sau. Nhân quyền lớn nhất là chúng ta ổn định chính trị. Để bảo vệ nhân quyền thì phải có pháp quyền, và chúng ta đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.”

Phát ngôn của ông Chính cho thấy giới lãnh đạo CSVN cố tình diễn giải nhân quyền chỉ là “cơm ăn, áo mặc” và bỏ qua khái niệm tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu đạt.

Trong mắt nhà cầm quyền CSVN, bất cứ ai lên tiếng đòi các quyền trên thì đều bị chụp mũ “chống phá mang danh dân chủ, phản động” cũng như bị quy chụp là người của Việt Tân hoặc “nhận tiền của thế lực thù địch”.

Định Tường.

Đất Việt (09.11.2021)

 

 

HRW kêu gọi Mỹ gây sức ép với Việt Nam tại đối thoại nhân quyền

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp mặt các đại diện xã hội dân sự tại Hà Nội hôm 26/8. HRW thúc giục các quan chức Mỹ gây sức ép với Việt Nam tại Đối thoại Nhân quyền song phương dự kiến diễn ra hôm 9/11.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng thúc giục các chính trị gia Hoa Kỳ sử dụng đối thoại nhân quyền song phương với Việt Nam để kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động nhân quyền đang bị giam giữ ở quốc gia Đông Nam Á này.

HRW, có trụ sở ở New York, tin rằng “có ít nhất 145 người” đang bị giam giữ bất hợp pháp ở Việt Nam “chỉ vì thực hành các quyền cơ bản một cách ôn hoà”. Tổ chức thường lên tiếng về các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, ước tính có 31 người bị kết án và bỏ tù chỉ riêng trong năm 2021, với hầu hết trong số đó bị kết án “vì thể hiện ý kiến trên mạng ngược với quan điểm của chính quyền.”

Công an Việt Nam bắt giữ ít nhất 26 người khác trong năm nay, theo thống kê của HRW. Trong số đó có nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh, người bị bắt với các tội danh mà tổ chức này gọi là “nguỵ tạo, mang động cơ chính trị như tuyên truyền chống nhà nước hay lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.” Hai nhà hoạt động đất đai Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm cũng bị bắt hồi giữa năm ngoái vì cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 117 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

“Chính phủ Hoa Kỳ cần gây sức ép để Việt Nam có các hành động rõ ràng nhằm cải thiện nhân quyền, bắt đầu bằng việc phóng thích vô điều kiện và ngay lập tức các nhà hoạt động nhân quyền,” ông Phil Robertson, phó giám đốc Ban Á châu của HRW nói trong một thông cáo mà tổ chức này đưa ra hôm 8/11. Ông Robertson cáo buộc Việt Nam “chà đạp lên nhân quyền khi bắt giữ các nhà hoạt động với các cáo buộc nguỵ tạo rồi thẩm vấn khắc nghiệt trong thời gian giam giữ họ hàng tháng trời không có luật sư bào chữa.”

Đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 25 giữa Mỹ và Việt Nam dự kiến bắt đầu ngày 9/11 tại Washington, DC. Chỉ vài giờ sau cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 24, được tổ chức trực tuyến vào tháng 10 năm ngoái, chính quyền Hà Nội ngay lập tức bắt giữ nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang, một trong những blogger và nhà hoạt động nhân quyền có nhiều ảnh hưởng ở Việt Nam. Phiên toà xét xử nhà báo, từng được tổ chức Phóng viên Không Biên giới trao giải tầm ảnh hưởng, dự kiến diễn ra đầu tháng này nhưng đã bị hoãn lại và bà Trang vẫn đang bị giam giữ trong hơn 1 năm qua.

Thống kê của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, có trụ sở ở California, đưa ra hồi tháng 6 vừa qua cũng cho biết Việt Nam đang giam giữ gần 300 tù nhân lương tâm trong nhiều trại giam, với ít nhất 79 người bị bắt trong năm qua. Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn phủ nhận rằng không có “cái gọi là tù nhân lương tâm” ở đây và chính quyền chỉ giam giữ cũng như kết án những người “vi phạm pháp luật.”

Tuy nhiên, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vẫn luôn bị cho là yếu kém, dù có những cải cách đáng kể trong phát triển kinh tế, khi các tổ chức và chính phủ quốc tế, trong đó có Mỹ, thường lên tiếng chỉ trích việc đàn áp của chính quyền Hà Nội đối với các tiếng nói bất đồng chính kiến với Đảng Cộng sản.

Theo HRW, chính phủ Mỹ nên đặt quan ngại về nhân quyền vào vị trí trung tâm trong tất cả các mối tương tác với Việt Nam chứ không chỉ hạn chế trong một cuộc đối thoại mỗi năm một lần.

“Qua việc giam giữ các blogger và nhà báo công dân trong nhiều năm, chính quyền Việt Nam đang cho thấy rằng họ không mảy may tôn trọng tự do báo chí một chút nào,” ông Robertson nói. “Hoa Kỳ cần gây sức ép để Việt Nam chấm dứt việc áp dụng chế tài hình sự đối với người dân khi họ thực hành quyền tự do biểu đạt.”

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 4/11, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khi trả lời yêu cầu bình luận việc kết án nhóm Báo Sạch, nói rằng chính sách nhất quán của Việt Nam là “tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.”

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói rằng việc đối thoại nhân quyền thường niên là “một công cụ quan trọng” để củng cố các thông điệp mà Hoa Kỳ đưa ra một cách nhất quán ở cấp cao nhất về tầm quan trọng của việc tôn trọng và bảo vệ các quyền phổ quát. Thúc đẩy sự tôn trọng hơn nữa đối với nhân quyền là một yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, theo ĐSQ Mỹ, bao gồm cả trong quan hệ với Việt Nam và Hoa Kỳ cam kết tiếp tục thảo luận thẳng thắn và hiệu quả với chính phủ Việt Nam về những vấn đề này.

Trước chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Hà Nội hồi cuối tháng 8, nhiều tổ chức nhân quyền và cả các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng đã kêu gọi bà đề cập vấn đề nhân quyền cũng như thúc giục các lãnh đạo Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm.

Nhân quyền là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chính phủ Biden-Harris khi tiếp cận các vấn đề toàn cầu. Người được đề cử làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Marc Knapper, trong phiên điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ hồi tháng 7 nói rằng chỉ khi có những tiến bộ đáng kể về nhân quyền ở Việt Nam thì mối quan hệ đối tác giữa hai nước mới phát huy hết tiềm năng.

VOA (09.11.2021)