Tổng thống My Joe Biden trước thềm thượng đỉnh vì dân chủ. REUTERS – JONATHAN ERNST

 

Hoa Kỳ chủ trì hội nghị dân chủ toàn cầu

Hội Nghị Thượng Đỉnh về Dân Chủ (Summit For Democracy) theo sáng kiến của tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức mở ra hôm thứ năm, 09/12/2021, theo hình thức trực tuyến và sẽ kéo dài trong hai ngày. Tham gia hội nghị này có đại diện của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nga và Trung Quốc cực kỳ phẫn nộ vì không được mời tham gia. Với 110 quốc gia, nó sẽ tập trung vào ba trụ cột: chống chủ nghĩa độc tài, chống tham nhũng và thúc đẩy quyền con người.

Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ, trong hai ngày họp, hội nghị sẽ tập trung vào những thách thức và cơ hội mà các nền dân chủ đang phải đối mặt, cung cấp một diễn đàn để các nhà lãnh đạo công bố những cam kết, cải cách và sáng kiến nhằm bảo vệ nền dân chủ và nhân quyền ở trong nước và ngoài nước. 

Đây là những mục tiêu đáng khen ngợi. Song các chính phủ độc tài, chẳng hạn như Congo, các chính phủ có nạn tham nhũng tràn lan (Brazil) hay những nước vi phạm nhân quyền (Pakistan) lại đều nằm trong danh sách khách mời. Trong khi đó các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động không được mời, dù chính họ là những người sẽ kiểm tra xem các lời hứa tại hội nghị có được thực hiện hay không. Ngoài ra còn có câu hỏi liệu Mỹ có tư cách mặt đạo đức để chủ trì một sự kiện như vậy hay không sau nhiều năm nền dân chủ của chính họ cũng suy thoái.

Mục tiêu “Đổi mới dân chủ” có lẽ sẽ được đáp ứng tốt hơn bởi một danh sách khách mời khác. Nếu các nước phi dân chủ khác được mời, hội nghị thượng đỉnh có thể tạo cơ hội để khuyến khích họ cư xử tốt hơn. Ngoài ra, việc loại trừ họ làm tính dân chủ của hội nghị chỉ mang tính tượng trưng. Các khách mời hiện tại phản ánh mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ, chứ không phải dân chủ. 

 

Hãng tin Pháp AFP đã trích lời thứ trưởng ngoại giao Mỹ đặc trách An Ninh, Dân Chủ và Nhân Quyền Uzra Zeya khẳng định tính chất quan trọng của hội nghị, vào lúc “các nền dân chủ trên khắp thế giới đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng từ các mối đe dọa mới”, trong bối cảnh “hầu như ở tất cả các khu vực trên thế giới, các quốc gia dân chủ đều đã trải qua các mức độ thoái lui dân chủ khác nhau.” 

Hội nghị quy tụ đại diện của hơn 100 chính phủ, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức từ thiện, nhưng ngay khi được công bố, danh sách khách mời đã gây nên căng thẳng lớn, đặc biệt từ phía Trung Quốc và Nga đã bị Mỹ liệt vào diện hai nước cầm đầu phe phi dân chủ nên không được mời. 

Từ Washington, thông tín viên RFI Guillaume Naudin phân tích: 

“Thượng Đỉnh vì Dân Chủ là một cam kết tranh cử của ông Joe Biden và trong cương vị tổng thống Mỹ, ông đã thực hiện cam kết này bất chấp những điều kiện vệ sinh dịch tế khiến cho hội nghị không thể diễn ra dưới hình thức mặt đối mặt.  

Trong hai ngày, dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ, những người tham gia được mời lên tiếng về các cách thức thúc đẩy dân chủ, bảo vệ các nhà báo, chống tham nhũng và chống lại chủ nghĩa độc tài.  

Nhà Trắng đã cố phủ nhận lập luận theo đó Mỹ đã phân phát những điểm tốt và xấu, nhưng người ta vẫn ghi nhận nhiều sự vắng mặt đáng chú ý trong số khách mời, chẳng hạn như Nga và Trung Quốc. 

Truyền thông cả hai nước này đều nói xấu và đả kích việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Trung Quốc đặc biệt khó chịu trước lời mời được gởi tới Đài Loan mà Bắc Kinh coi là một phần không tách rời của họ.  

Trong số hơn một trăm nước tham gia hội nghị, không phải tất cả đều là mẫu mực của dân chủ, nhưng ít ra là họ cũng là đồng minh thân cận của Washington.  

Nhà Trắng giải thích rằng một số quốc gia có cùng những giá trị với Hoa Kỳ. Ngay cả khi một số vẫn còn đang trên đường phát triển dân chủ, thì ít nhất các nước này cũng có ý chí tiến lên trên con đường này.  

Dẫu sao thì đối với chính quyền Biden, dân chủ suy cho cùng là một công việc đang được tiến hành, một công trình lúc nào cũng cần phải xây dựng.” 

 

Theo Reuters, Thượng đỉnh vì Dân chủ: TT Biden muốn quy tụ các nước để chống lại chuyên chế 

Tổng thống Mỹ Biden phát biểu trong Thượng đỉnh vì Dân chủ, 9/12/2021.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Biden nói rằng tự do toàn cầu đang bị đe dọa bởi những kẻ chuyên quyền đang tìm cách bành trướng quyền lực, xuất khẩu sự ảnh hưởng và biện minh cho sự đàn áp.

Tổng thống Mỹ không nêu đích danh bất kỳ quốc gia nào, nhưng các cường quốc có chế độ chuyên chế là Trung Quốc và Nga đều vắng mặt trong danh sách khách mời.

Các viên chức Mỹ đã hứa hẹn về một năm hành động sẽ tiếp nối vào hội nghị kéo dài hai ngày của 111 nhà lãnh đạo thế giới.

Tò Bạch Ốc cho biết họ đang làm việc với Quốc hội để cung cấp 424,4 triệu đô la cho một sáng kiến mới nhằm thúc đẩy nền dân chủ trên toàn thế giới, bao gồm hỗ trợ cho các phương tiện truyền thông tin tức độc lập.

Sự kiện tuần này diễn ra đúng lúc có những câu hỏi về sức mạnh của nền dân chủ Mỹ. Tổng thống thuộc đảng Dân chủ đang chật vật để chương trình nghị sự của mình được thông qua tại một Quốc hội bị phân cực và sau khi ông Trump thuộc đảng Cộng hòa phản đối kết quả bầu cử năm 2020, dẫn đến việc những người ủng hộ ông Trump tấn công vào Điện Capitol, là tòa nhà của quốc hội, vào ngày 6/1.

Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Washington đã công bố các lệnh trừng phạt các quan chức ở Iran, Syria và Uganda mà họ cáo buộc rằng các nhân vật đó đàn áp người dân, Washington cũng trừng phạt những người mà họ cáo buộc là có liên quan đến tham nhũng và các băng nhóm tội phạm ở Kosovo và Trung Mỹ.

Các viên chức Hoa Kỳ hy vọng sẽ giành được sự ủng hộ trong các cuộc họp dành cho các sáng kiến toàn cầu như sử dụng công nghệ để tăng cường quyền riêng tư hoặc vượt qua kiểm duyệt. Họ cũng hy vọng các quốc gia đưa ra các cam kết công khai, cụ thể để cải thiện nền dân chủ của họ trước khi diễn ra một hội nghị thượng đỉnh nữa vào cuối năm 2022, khi đó các đại biểu sẽ có mặt trực tiếp.

 

Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã có bài phát biểu kết thúc ngày thảo luận đầu tiên và bà nhấn mạnh còn rất nhiều gian nan ở phía trước.

 

Tổng hợp tin RFI, VOA… (10.12.2021)