Nhạc sĩ Tuấn Khanh (lược dịch)
Cựu tù nhân chính trị, Trương Duy Nhất, biến mất ở Thái Lan sau khi tìm kiếm tình trạng tị nạn với LHQ.
Thứ Sáu tuần trước, ngày 25 tháng 1 năm 2019, cựu tù nhân chính trị, Trương Duy Nhất, được nhìn thấy lần cuối tại văn phòng của Liên Hợp Quốc HCR – Cơ quan tị nạn ở Bangkok, Thái Lan.
Ông Nhất đã ở đó để ghi danh với tư cách là một người xin tị nạn sau khi rời Việt Nam vào đầu tháng 1.
Theo gia đình và bạn bè của anh ấy, không ai nghe thấy gì từ ông Nhất kể từ thứ bảy tuần trước, và họ không thể liên lạc với ông.
Đươc biết, ông Nhất đã ở Thái Lan khoảng 21 ngày, gia đình cho biết.
Gia đình đã có thể xác nhận rằng ông Nhất không bị giam giữ bởi Thái Lan IDC (Trung tâm giam giữ người nhập cư bất hợp pháp). Họ cũng đã có thêm thông tin ngày hôm nay rằng chính quyền Thái Lan, cho đến thời điểm này, cũng không bắt giữ ông Nhất.
Số điện thoại của ông Nhất ở Thái Lan không bị tắt, nhưng không ai trả lời các cuộc gọi. Vợ và con gái ông lo lắng cho sự an nguy của ông, vì họ vẫn không thể liên lạc được với ông.
Blogger Trương Duy Nhất từng bị kết án hai năm tù năm 2014 theo Điều 258 Bộ luật hình sự năm 1999. Ông Nhất bị bắt vào tháng 5 năm 2013 và bị giam giữ cho đến khi xử án.
Chính phủ đã cáo buộc một số bài viết trên blog của ông ấy trên Blog Một góc nhìn khác là hành vi lạm dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền lợi của nhà nước.
Blog của ông Nhất thực sự là nơi chỉ trích chính phủ và các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một trong những bài được xuất bản trên blog vào tháng 4 năm 2013, ông Nhất kêu gọi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận thức sai lầm về chính trị và kinh tế của Đảng.
Sau khi được trả tự do vào năm 2015, ông Nhất tiếp tục viết blog và cư trú tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Vợ của ông Nhất vẫn còn ở Việt Nam, nhưng con gái ông đang học tại Vancouver, Canada. Họ kêu gọi mọi người hãy đưa ra bất kỳ thông tin hữu ích nào liên quan đến ông Nhất lúc này.
Blogger Trương Duy Nhất bị bắt ở Thái Lan sau khi xin tị nạn chính trị?
Hôm 1/2, trang The Vietnamese loan tin rằng cựu tù nhân chính trị Trương Duy Nhất bị mất tích ở Thái Lan sau khi đến văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tại Bangkok hôm 25/1. Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với chính quyền Việt Nam xác nhận với VOA rằng ông Trương Duy Nhất đã bị bắt tại Thái Lan, nhưng “tin mật” này chỉ được phép loan báo sau dịp Tết Nguyên Đán.
Theo trang The Vietnamese, Blogger Trương Duy Nhất đã rời Việt Nam vào đầu tháng 1/2019 và được nhìn thấy lần cuối tại văn phòng UNHCR ở Bangkok vào thứ Sáu tuần trước 25/1.
Trang The Vietnamese do hai nhà hoạt động ở trong nước là Phạm Đoan Trang và Trịnh Hữu Long biên tập, và Luật sư Tran Vi ở Hoa Kỳ làm Tổng biên tập.
Cộng đồng các nhà tranh đấu Việt Nam hôm 1/2 cũng đồng loạt loan tin ông Trương Duy Nhất bị mất tích.
VOA đã liên lạc với với con gái của ông ở Vancouver nhưng chưa được phản hồi.
Gia đình xác nhận với trang The Vietnamese rằng ông Nhất không bị chính quyền Thái Lan hay Trung Tâm Giam Giữ Người Nhập Cư Thái Lan (IDC) giam giữ.
Trước đây, vào năm 2014, ông Trương Duy Nhất bị kết án hai năm tù theo Điều 258 Bộ luật hình sự năm 1999.
Việt Nam đã cáo buộc một số bài viết trên blog Một góc nhìn khác của ông là “hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền lợi của nhà nước.”
Blogger này bị cáo buộc đã “đã làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và làm mất uy tín cá nhân các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước và chính phủ Việt Nam.”
Trong khi đó, những người ủng hộ ông Nhất cho rằng ông đã bị bóp nghẹt quyền tự do bày tỏ quan điểm của mình.
Sau khi được thả tự do vào năm 2015, ông Nhất tiếp tục viết blog và cư trú tại Đà Nẵng, Việt Nam. Vợ của Trương Duy Nhất hiện vẫn còn ở Việt Nam, trang The Vietnamese cho biết thêm.
VOA Tiếng Việt
Nhớ về Trương Duy Nhất
Trần Quốc Việt
Tôi với Nhất không phải là bạn. Chúng tôi chỉ là những người quen biết nhau trong những năm học ở Đại học Tổng hợp Huế. Tôi và Nhất là những người đồng khóa. Tôi học Anh Văn còn Nhất học Văn. Và chúng tôi cùng là dân Quảng khăn gói ra Huế học.
Nhất ban đầu học Nga Văn và ở chung phòng với tôi một thời gian ngắn. Tôi còn nhớ giường của Nhất ở tầng dưới nằm ngay cửa phòng. Sau mấy tháng đầu đánh vật không thành với môn Nga văn vốn là một sinh ngữ khó như phản ánh qua câu nói lưu truyền trong giới sinh viên ngoại ngữ hồi ấy là “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Nga”, Nhất xin đổi qua học Văn. Nhìn lại, sự rẽ hướng này quyết định phần nào sự thành danh và số phận của Trương Duy Nhất sau này.
Thời ấy tôi hay gặp Nhất và bạn bè Nhất ở quán cà phê, quán rượu nơi giới sinh viên hay lui đến. Nhiều lần chúng tôi gặp nhau trong tiệm cầm đồ ở đối diện trường. Thời sinh viên vô tư nào có mấy ai tưởng đến đường đời sau này của mình và bạn bè quen biết.
Nhất ra trường trước tôi một năm rồi về làm phóng viên ở Đà Nẵng. Tôi ra trường và không thể nào tìm việc làm do lý lịch “xấu”. Tôi bắt đầu dịch báo và viết bài để kiếm sống. Rồi tôi lại gặp Nhất ở tòa soạn báo gần nhà hay ở ngoài đường. Chúng tôi chỉ gật đầu chào nhau rồi như thời sinh viên mỗi người mỗi ngả.Về sau tôi vào Sài Gòn dịch thuật cho các báo một thời gian rồi theo gia đình rời Việt Nam.
Mười mấy năm sau Nhất trở thành cây bút nổi tiếng trong nước qua những bài viết chỉ trích không e dè các quan chức cấp cao nhất của chế độ. Từ phương trời xa tôi đọc các bài viết của Nhất và đôi lúc lấy làm kinh ngạc và cảm phục trước sự can đảm và bộc trực của Nhất. Tôi cũng bắt đầu trở lại việc dịch thuật và viết cho các trang Talawas và Dân Làm Báo.
Rồi Nhất bị bắt. Hình ảnh đọng lại trong lòng mọi người và tôi là hình ảnh Nhất bình thản và tự tin đi ra phi trường Đà Nẵng giữa các nhân viên an ninh.
Rồi Nhất ra tù vẫn quật cường như ngày nào, vẫn tiếp tục viết. Sau thời gian tôi luyện trong tù, Trương Duy Nhất viết trở lại ít hơn nhưng sắc bén hơn. Có lẽ bài viết cuối cùng Nhất là bài về dân oan vườn rau Lộc Hưng.
Rồi hôm nay tôi bàng hoàng nghe tin Nhất mất tích trên đất Thái sau khi nộp đơn xin tỵ nạn chính trị. Còn mấy ngày đến Tết sum vầy bên gia đình, người thân, và quê hương mà một người con đất Việt nữa phải qua đất Thái xin tỵ nạn chính trị. Tưởng không gì đau xót bằng cho Nhất và gia đình.
Là một người cầm bút, từ phương xa tôi viết những dòng này để bày tỏ niềm cảm phục với một người cầm bút vừa là đồng môn, đồng hương, và là đồng bào mình – Trương Duy Nhất – và cầu mong Nhất, dù ở đâu lúc này hay về sau, cũng luôn được bình an.
02.02.2019
Trần Quốc Việt