Nhà vận động nhân quyền Ales Bialiatski, người Belarus
Berit Reiss-Andersen, chủ tịch ủy ban Nobel Na Uy, cho biết, việc lựa chọn ba người chiến thắng năm nay là thông điệp rõ ràng gửi đến Vladimir Putin vào sinh nhật lần thứ 70 của tổng thống Nga.
Giải Nobel Hòa bình năm nay thuộc về nhà hoạt động nhân quyền Belarus, cùng hai tổ chức nhân quyền hoạt động tại Nga và Ukraine.
“Chúng tôi quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 2022 cho nhà hoạt động nhân quyền Ales Bialiatski tại Belarus, cùng tổ chức nhân quyền Memorial ở Nga và Trung tâm Tự do Dân sự có trụ sở tại Ukraine”, Ủy ban Nobel Na Uy thông báo hôm nay.
Berit Reiss-Andersen, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, lưu ý rằng cả ba người đoạt giải đều là “những người hàng xóm và các nhóm xã hội dân sự có sự hiểu biết chung về các giá trị mà họ muốn thúc đẩy”.
Bà Reiss-Andersen nói thêm, giải thưởng luôn được trao cho ai đó vì điều gì đó chứ không phải “chống lại ai đó”.
Cá nhân và tổ chức chiến thắng được lựa chọn bởi 5 thành viên trong Ủy ban Nobel Na Uy, thường là các chính trị gia đã nghỉ hưu được quốc hội Na Uy bổ nhiệm. Theo di nguyện của Nobel, giải được trao cho cá nhân, tổ chức “có đóng góp to lớn để thúc đẩy sự đoàn kết giữa các quốc gia, cắt giảm hoặc giải trừ lực lượng vũ trang thường trực, tổ chức và xúc tiến các hội nghị hòa bình”.
Lễ trao giải sẽ diễn ra tại Tòa thị chính Oslo vào ngày 10/12, trùng với ngày mất của nhà phát minh, nhà khoa học Alfred Nobel. Các cá nhân, tổ chức nhận giải Nobel Hòa bình sẽ được trao huy chương, chứng nhận và giải thưởng 10 triệu crown Thụy Điển (900.000 USD).
Nobel Hòa bình là một trong sáu giải thưởng do Alfred Nobel thiết lập năm 1895. Năm giải còn lại gồm Nobel Vật lý, Nobel Hóa học, Nobel Y sinh, Nobel Văn học và Nobel Kinh tế.
Đất Việt (07.10.2022)