Cuộc biểu tình hiếm hoi do một người thực hiện nhằm phản đối ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh đã truyền cảm hứng cho việc tỏ thái độ phản đối, biểu thị tình đoàn kết trên khắp thế giới, trong lúc đại hội đảng Cộng sản Trung cộng diễn ra vào tuần này.
Các tấm poster phản đối ông Tập Cận Bình được chăng trên một bức tường tại trường Central Saint Martins ở London
Hôm thứ Năm tuần trước, một người đàn ông đã giăng các biểu ngữ dọc cây cầu ở thủ đô của Trung cộng, cáo buộc ông Tập là kẻ độc tài.
Tuy nhanh chóng bị bắt giữ, nhưng những bức ảnh về hành động của ông đã lan truyền khắp thế giới.
Kể từ đó, các dấu hiệu và thông điệp tương tự đã xuất hiện tại một số trường đại học ở Mỹ, Anh, châu Âu, Úc và các nơi khác.
Một tấm biển viết tay tại Đại học Colby ở bang Maine của Mỹ đã ca ngợi hành động của người đàn ông Bắc Kinh và nói: “Chúng tôi, người dân Trung cộng, muốn lan tỏa đi thông điệp này, là thông điệp đã nói lên suy nghĩ của chúng tôi ở những nơi không bị kiểm duyệt.”
Nhiều người lặp lại các thông điệp được chăng lên hồi tuần trước trên cầu Sitong ở quận Haidian của Bắc Kinh.
Hình ảnh này được nhìn thấy tại Đại học Melbourne, Australia
Một số áp phích cũng thể hiện những thông điệp chống ông Tập như “Không phải là Chủ tịch của tôi” và “Bái biệt Cận Bình“.
Trên Instagram và Twitter, một số tài khoản hoạt động ở Trung cộng đã kêu gọi những người theo dõi hãy chú ý đến tiếng kêu gọi “tấn công” của người biểu tình đơn lẻ tại Bắc Kinh và hãy hành động trong tuần diễn ra đại hội Đảng Cộng sản.
Theo các tài khoản mạng xã hội, các dấu hiệu phản đối đã được nhìn thấy tại các trường Stanford, Emory và trường Thiết kế Parsons ở Hoa Kỳ; các trường Goldsmiths và Kings College ở London, và các trường đại học ở Hong Kong.
Tại một số trang web, các dấu hiệu đó dường như đã bị gỡ xuống ngay sau khi chúng được đăng lên.
Một dấu hiệu đăng ở Đại học Toronto đã thu hút sự phản bác, được đăng ngay cạnh nó, trên bảng thông báo, dưới dạng thư bênh ông Tập dán.
Các dấu hiệu tương tự cũng đã xuất hiện một cách có chủ đích ở Trung cộng, theo những hình ảnh được các nhóm hoạt động chia sẻ, với một số dấu hiệu có liên quan đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Thiên An Môn năm 1989 – một chủ đề cấm kỵ ở Trung cộng.
“Tinh thần của 8964 sẽ không bao giờ bị dập tắt,” một bức vẽ graffiti dường như được vẽ nguệch ngoạc trên một gian hàng trong phòng tắm công cộng ở Tứ Xuyên viết, nhắc tới ngày đàn áp.
Cuộc biểu tình tuần trước đã gây ra một cuộc trấn áp nhanh chóng trên mạng, với tất cả các cảnh quay, hình ảnh và các từ khóa như “Haidian”, “Người biểu tình ở Bắc Kinh” và “Cầu Sitong” đều bị xóa khỏi các nền tảng mạng xã hội Trung cộng.
Ngay cả những từ liên hệ rất mơ hồ tới sự kiện này, chẳng hạn như “anh hùng” hay “cây cầu”, cũng chỉ cho kết quả tìm kiếm rất hạn chế.
An ninh ở Bắc Kinh đã được tăng cường trong những ngày sau cuộc biểu tình, với việc có thêm cảnh sát và nhân sự đóng tại các cây cầu trong thành phố.
“Những người canh cầu” đã được điều tới tại trực các cây cầu ở Bắc Kinh sau cuộc biểu tình hồi tuần trước
Một số người dùng WeChat đã chia sẻ hình ảnh cuộc biểu tình lên mạng đã bị đình chỉ tài khoản, tin tức cho hay.
Một người đàn ông được cho là đã bị bắt sau khi chia sẻ hình ảnh trên Twitter, là mạng xã hội có thể được truy cập ở Trung cộng thông qua mạng riêng ảo (VPN).
Người biểu tình bí ẩn, được mệnh danh là “Bridge Man” (“Người trên Cầu”), đã được so sánh với “Tank Man” (“Người chặn Tăng”), người đàn ông Trung cộng vô danh đứng trước hàng xe tăng trong cuộc biểu tình Thiên An Môn.
“Bridge Man” đã là chủ đề của các cuộc điều tra trực tuyến sâu rộng về danh tính của ông.
Các ‘thám tử online’ đã xác định được rằng ông là một học giả và theo dõi hồ sơ mạng xã hội của ông, được cho là bao gồm hai tài khoản Twitter.
Một trong số này đã bị xóa vào cuối tuần và một dòng tweet mới được đăng – một dòng trích từ di chúc của nhà cách mạng Trung cộng Tôn Trung Sơn – theo đó nói nhà chính khách này đã cống hiến cả cuộc đời mình để tìm kiếm tự do và bình đẳng ở Trung cộng.
Các nhà hoạt động bày tỏ lo ngại về sự an toàn của “Bridge Man”, đồng thời ca ngợi ông vì cuộc biểu tình trong đó ông đã cải trang thành công nhân làm việc bên đường, dùng loa phóng thanh hô to các khẩu hiệu và đốt lốp xe.
Các đoạn video thu từ hiện trường cho thấy người đàn ông bị cảnh sát bắt và đưa vào xe hơi.
Cảnh sát Trung cộng đã từ chối trả lời các câu hỏi của BBC về vụ việc.
Cuộc biểu tình diễn ra vào trước ngày khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20, sự kiện chính trị quan trọng sẽ kéo dài đến cuối tuần này. Ông Tập dự kiến sẽ được bầu làm lãnh đạo đảng nhiệm kỳ thứ ba, củng cố quyền lực của mình.
BBC Tiếng Việt (18.10.2022)