Ngoại giao Đức: Thương mại, nhân quyền và chuyển đổi năng lượng công bằng

 

Thủ tướng Đức Frank-Walter Steinmeier và Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng tại Hà Nội ngày 23/1/2024

GETTY IMAGES Thủ tướng Đức Frank-Walter Steinmeier và Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng tại Hà Nội ngày 23/1/2024

 

 

Thục Quyên

Gửi cho BBC từ Munich, Đức

 

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier minh họa sống động đường lối ngoại giao của nền kinh tế số một EU.

Sự chú ý hợp tác ngày càng tăng với các nước Đông Á và cuộc chiến Ukraine có liên quan nhiều đến nhau.

Sau khi quay lưng với Nga, Đức đang định lại vị trí của mình về mặt chính trị và kinh tế. Ngoài ra, mối quan hệ với Trung Quốc và sự phụ thuộc kinh tế của Đức hiện được xem xét nghiêm túc hơn nhiều, so với chỉ vài năm trước.

Hàn gắn sau vụ Trịnh Xuân Thanh

Công thức ngắn gọn có thể là: cách xa Trung Quốc hơn và hợp tác nhiều hơn với các nước láng giềng của Trung Quốc – chẳng hạn Việt Nam.

Trong chiều hướng đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã cùng Bộ trưởng Lao động và Xã hội Hubertus Heil và một phái đoàn kinh doanh đã đến thăm Việt Nam và Thái Lan, với trọng tâm là thúc đẩy hợp tác kinh tế.

Đối với Việt Nam, Đức hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất ở châu Âu và là nhà đầu tư quan trọng thứ tư, với thương mại song phương hiện đạt 18 tỉ euro. “Dù vậy, tiềm năng quan hệ kinh tế giữa hai nước chúng ta còn rất nhiều,” Tổng thống Steinmeier đánh giá.

Xét về diện tích, Việt Nam gần bằng Đức nhưng với dân số gần 100 triệu hiện nay thì Việt Nam hơn Đức khoảng 15 triệu người.

Quan hệ Việt Nam và Đức có sự đóng góp đáng kể của cộng đồng người Việt tại Đức.

Từ thập niên 1950, hơn 300 sinh viên Việt Nam đã tới Cộng hòa Dân chủ Đức học tập. Trong giai đoạn Chiến tranh Việt Nam, thanh niên Việt Nam tiếp tục đến học tại cả Cộng hòa Dân chủ Đức lẫn Cộng hòa Liên bang Đức. Thập niên 1980 chứng kiến hàng chục ngàn người lao động Việt Nam đến Cộng hòa Dân chủ Đức. Con số này lên tới 60.000 vào thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.

Bên cạnh đó, sau Chiến tranh Việt Nam, khoảng 40.000 thuyền nhân chạy trốn sự áp bức của chính quyền Cộng sản trên những chiếc thuyền vượt Biển Đông đã được tị nạn tại Cộng hòa Liên bang Đức.

Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, năm 2022, có khoảng 207.000 người gốc Việt sống tại Đức.

Truyền thông Đức đánh giá nguyên nhân thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Đức và Việt Nam, một trong những quốc gia cộng sản cuối cùng, là việc thiếu lao động có tay nghề tại Đức, hiện lên khoảng 2 triệu người.

Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam đã được liên kết trong mối quan hệ “đối tác chiến lược” kể từ năm 2011. Tuy nhiên, cuối năm 2017, mối quan hệ đối tác này đã bị đình trệ liên quan đến sự việc ông Trịnh Xuân Thanh biến mất tại Berlin.

Sáu năm sau cáo buộc Việt Nam "bắt cóc" Trịnh Xuân Thanh ngay ở Berlin, chính phủ Đức vẫn đang điều tra và truy nã những nghi phạm liên quan.

AFP Sáu năm sau cáo buộc Việt Nam “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh ngay ở Berlin, chính phủ Đức vẫn đang điều tra và truy nã những nghi phạm liên quan.

Chính quyền Việt Nam loan tin ông này đã tự nguyện trở về đầu thú, nhưng phía Đức khẳng định đây là một vụ bắt cóc và là “sự vi phạm hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với luật pháp quốc tế và sự vi phạm lòng tin”.

Liên quan tới vụ việc, Đức đã trục xuất hai nhà ngoại giao, trong đó có Nguyễn Đức Thoa, sĩ quan tình báo Việt Nam tại Berlin, người có vai trò quan trọng trong việc theo dõi Trịnh Xuân Thanh.

Năm 2018, tòa án tại Berlin đã kết án một người ba năm mười tháng tù liên quan đến vụ bắt cóc, đến năm 2023, kết án thêm người thứ hai với mức án năm năm tù.

Sau vụ bắt cóc, các dự án hợp tác kinh tế vẫn được tiếp tục nhưng không có dự án mới nào được khởi động. Đại diện Chính phủ Đức chỉ hội đàm ở cấp chuyên viên và các nhà ngoại giao Việt Nam bị loại khỏi danh sách mời của Bộ Ngoại giao. Hiệp định thương mại tự do của EU với Việt Nam khi đó chưa được phê chuẩn cũng bị đình trệ một thời gian.

Cuối năm 2018, Đức giảm bớt áp lực và sau nhiều thương lượng ở hậu trường, hầu hết các biện pháp trừng phạt ngoại giao đã được dỡ bỏ. Điều này xuất phát từ việc Đức muốn khôi phục và thúc đẩy trở lại hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam năng động. Một phần nữa là do lợi ích về chính sách an ninh, khi Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc.

Tháng 11 năm 2022, Thủ tướng Olaf Scholz đã có mặt tại Hà Nội để bắt đầu vực lại mối quan hệ giữa hai nước.

Một tháng sau, văn phòng Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức đã chính thức yêu cầu Ủy ban châu Á-Thái Bình Dương các doanh nghiệp Đức (Asien-Pazifik-Ausschuss, APA) thăm dò và chuẩn bị thành lập một phái đoàn doanh nghiệp gồm các đại diện công ty cỡ lớn và cỡ trung bình để tháp tùng Tổng thống Steinmeier trong chuyến công du của ông tại Việt Nam và Malaysia dự định từ ngày 13/2 tới 19/2/2023.

Sau đó, tuy văn phòng Tổng thống Đức không đưa ra lý do, Campuchia đã được đưa vào lịch trình của Tổng thống Steinmeier sau khi chuyến đi theo kế hoạch của ông tới Việt Nam bị hủy. Sự việc này xảy ra ngay sau thời điểm có một “cơn địa chấn” tại Hà Nội: (Chủ tịch nước và từng là ) Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bị miễn nhiệm.

Thông điệp nhân quyền

Cuộc viếng thăm bị trễ hẹn gần một năm của Tổng thống Steinmeier, diễn ra trong hai ngày 23 và 24/1/2024, được truyền thông Việt Nam đồng loạt hân hoan đưa tin là đạt kết quả mĩ mãn.

Tuy nhiên, có những nhắn nhủ quan trọng của vị khách châu Âu đã bị truyền thông nước chủ nhà lờ đi.

Trong bài nói chuyện tại Đại học Việt Đức (Bình Dương), Tổng thống Đức đã nhắc đến nhiều chủ đề mà theo ông là đóng một vai trò quan trọng trong cuộc thảo luận ngày hôm trước của ông tại Hà Nội với giới lãnh đạo Việt Nam.

“Chúng tôi chờ đợi để chứng kiến việc Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc từ năm 2023 đến năm 2025 như là một cam kết đối với sự phát triển của xã hội dân sự và tuân thủ nhân quyền.”

Ông nói rằng “còn có một số khác biệt cản trở sự hợp tác của chúng ta hoặc gây nhiều lo ngại cho chúng tôi – chẳng hạn các vấn đề liên quan đến tự do báo chí, tự do ngôn luận”.

Học sinh Việt Nam vẫy cờ trong lễ đón Thủ tướng Đức Frank-Walter Steinmeier tại Hà Nội, ngày 23/1/2024

GETTY IMAGES Học sinh Việt Nam vẫy cờ trong lễ đón Thủ tướng Đức Frank-Walter Steinmeier tại Hà Nội, ngày 23/1/2024

Nhắc tới quan hệ đối tác quốc tế Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Tổng thống Steinmeier hứa sẽ hỗ trợ song phương Việt Nam trong việc giải quyết nhiệm vụ khó khăn này. Ông nhấn mạnh đến việc tuân thủ các quy tắc chung, đồng thời nói rằng chính sách bảo mật là tiêu chuẩn cho một mối quan hệ hợp tác đáng tin cậy và tin tưởng lẫn nhau.

Đức cam kết ủng hộ việc áp dụng và thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển ở Biển Đông. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các quy tắc bảo đảm trật tự an ninh thế giới bị vi phạm trắng trợn ở các khu vực khác – chẳng hạn khi Nga tấn công Ukraine, vi phạm luật pháp quốc tế – thì Đức cũng muốn có được sự ủng hộ tương tự đối với một trật tự dựa trên luật pháp và sự tin tưởng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nghênh đón vị khách quý và, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Steinmeier, đã đề nghị Đức hỗ trợ việc phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Đề nghị của ông Thưởng được đưa ra trong bối cảnh hiệp định này đang đặc biệt tùy thuộc vào sự lên tiếng của các tổ chức phi chính phủ về tình trạng nhân quyền “u ám” năm 2023 tại Việt Nam, mới nhất là sự phản đối của Liên minh Bảo vệ Khí hậu tại cuộc họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu quốc tế (COP28) về việc bắt giữ luật sư môi trường Đặng Đình Bách.