„Ở Việt Nam, các hoạt động tưởng nhớ luôn mang ý nghĩa chính trị… Chính quyền không quên quá khứ; nhưng chỉ tưởng nhớ chúng theo cách của mình…
Hà Nội vẫn tiếp tục xem thắng lợi trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ là nền tảng cho tính chính danh của chế độ.“
Nguyễn Khắc Giang
Việt Nam thường tự hào về thành tựu của người Việt ở nước ngoài, như cách chào đón nồng nhiệt nhà toán học Ngô Bảo Châu, người đoạt giải Fields, phần thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học, năm 2010. Tuy nhiên, khi những thành tựu đó đụng chạm đến vấn đề lịch sử và chính trị nhạy cảm, dường như Hà Nội chưa tìm được cách phản ứng hợp lý.
Khi Nguyễn Thanh Việt, một tác giả người Mỹ gốc Việt, đoạt giải Pulitzer cho cuốn tiểu thuyết đầu tay The Sympathizer (Cảm tình viên) vào năm 2015, các phương tiện truyền thông Việt Nam, bao gồm cả trang web chính thức của Đảng Cộng sản, đã hết lời khen ngợi ông. Nhưng chắc hẳn những nhà kiểm duyệt đã chưa đọc kỹ cuốn tiểu thuyết. Dù tác phẩm tập trung phản ánh quan điểm của người Việt về Chiến tranh Việt Nam, nó cũng bao gồm một số chỉ trích gay gắt đối với cách ứng xử của nhà nước ở miền Nam thời hậu chiến. Điều này giải thích tại sao, cho đến nay, bản dịch chính thức của cuốn sách vẫn chưa được phát hành trong nước, dù đã được dịch sang hàng chục thứ tiếng khác.
Khi HBO quyết định chuyển thể The Sympathizer thành loạt phim truyền hình dài tập có sự tham gia của đạo diễn Hàn Quốc nổi tiếng thế giới Park Chan-wook và siêu sao Hollywood Robert Downey Jr, chính quyền đã thận trọng hơn. HBO không xin được giấy phép ở Việt Nam, và đoàn làm phim buộc phải chọn Thái Lan làm điểm quay phim thay thế. Khi bộ phim ra mắt vào tháng Tư vừa qua và được đón chào trên toàn thế giới, khán giả ở Việt Nam không thể theo dõi. Các phương tiện truyền thông trong nước không đưa tin về bộ phim và lặng lẽ gỡ bỏ những thông tin trước đó về dự án này.
Cách đối xử này không chỉ xảy ra với riêng Nguyễn Thanh Việt. Các tác phẩm của nhiều tác giả Việt Nam nổi tiếng khác, bao gồm Hoa sen trong biển lửa của thiền sư Thích Nhất Hạnh và Bên Thắng cuộc của Huy Đức, cũng chịu chung số phận. Nguyễn Thanh Việt vẫn được độc giả Việt Nam yêu thích, và mặc dù The Sympathizer chưa được xuất bản trong nước, cuốn sách ít gây tranh cãi hơn về mặt chính trị của ông, The Refugees (Người Tị nạn), đã được dịch và phổ biến vào năm 2017. Chính quyền không quên quá khứ; nhưng chỉ tưởng nhớ chúng theo cách của mình. Cùng thời điểm công chiếu của The Symphathizer, Việt Nam bận rộn chuẩn bị lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nơi Việt Minh đánh bại quân đội thực dân Pháp với chiến công oanh liệt. Nhân sự kiện này, Hà Nội thậm chí đã mời Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu tới tham dự. Lễ duyệt binh hoành tráng được tổ chức ở Điện Biên Phủ, phát sóng trực tiếp trên truyền hình và trực tuyến trên internet, với sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao.
Ở Việt Nam, các hoạt động tưởng nhớ luôn mang ý nghĩa chính trị. Chúng thường được sử dụng để chính danh hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, trong khi hạ bệ “Phe khác” – có thể là người Pháp, người Mỹ hoặc chính thể Việt Nam Cộng hòa trước đây. Mặc dù gần đây đã có sự cải thiện đáng kể trong quan hệ Việt – Mỹ, thể hiện qua Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện được thiết lập vào tháng 9 năm 2023, Hà Nội vẫn tiếp tục xem thắng lợi trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ là nền tảng cho tính chính danh của chế độ. Khi làm vậy, Đảng Cộng sản nhấn mạnh vai trò lịch sử là động lực đưa dân tộc vượt qua chiến tranh, xung đột để hướng tới “độc lập, tự do, hạnh phúc”. Ngược lại, Hà Nội tránh nhắc tới cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 với Trung cộng một cách quá công khai, bởi lo ngại phản ứng của Bắc Kinh cũng như khả năng làm đào sâu thêm tâm lý chống Trung cộng khi nước láng giềng phương bắc đã trở thành một trong những đối tác kinh tế và chính trị quan trọng nhất của Việt Nam.
Nhà tâm lý học chính trị Vamik Volkan gọi hiện tượng này là “vinh quang được chọn”, khi chính quyền viện dẫn quá khứ hào hùng để thúc đẩy đoàn kết và tự hào dân tộc, cũng như để thu hút sự ủng hộ của quần chúng. Hiển nhiên điều này đồng nghĩa với việc việc ngăn chặn những ký ức tiêu cực vốn có thể làm tổn hại hình ảnh của chế độ. Hai ví dụ điển hình là chiến dịch “cải tạo” và cuộc khủng hoảng “thuyền nhân” thời hậu chiến, gây ra bởi sự đối xử khắc nghiệt của chế độ mới với những người có liên quan đến chế độ Việt Nam Cộng hòa, như được miêu tả trong The Sympathizer.
Tuy nhiên, diễn ngôn người chiến thắng cũng tạo ra nhiều thách thức khác nhau. Đầu tiên, nó làm hạn chế khả năng điều chỉnh định hướng khi cần thiết. Vào năm 2017, khi Hà Nội cố gắng tái hợp pháp hóa một phần chính thể Việt Nam Cộng hòa nhằm củng cố lập trường pháp lý chống lại Trung cộng trong tranh chấp Biển Đông, các cựu chiến binh và nhóm chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã phản ứng dữ dội. Các nhóm này thậm chí còn bày tỏ vui mừng một cách công khai khi ông Võ Văn Thưởng bị buộc phải từ nhiệm, hành động hiếm hoi trong một môi trường chính trị vốn được kiểm soát chặt chẽ. Họ cáo buộc ông Thưởng dung dưỡng cho “chủ nghĩa xét lại” và “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam. Trong nhiệm kỳ làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Thưởng được cho là đã chỉ đạo các phương tiện truyền thông nhà nước và nhà xuất bản không gọi Việt Nam Cộng hòa là “ngụy quyền” trong một số ấn phẩm, tiêu biểu gồm loạt phim tài liệu Việt Nam – Thời đại Hồ Chí Minh phát sóng trên truyền hình nhà nước và cuốn Gạc Ma – Vòng tròn bất tử kỷ niệm trận hải chiến Gạc Ma với Trung cộng vào năm 1988. Tâm lý này cũng làm cản trở khả năng tăng cường hợp tác với cựu thù Mỹ, đặc biệt vào thời điểm mà bất ổn địa chính trị trong khu vực khiến đây có thể là một lựa chọn có lợi cho Hà Nội.
Thứ hai, bằng cách bác bỏ bất kỳ diễn ngôn nào khác ngoài lối tư duy nhị nguyên “chúng ta và chúng nó”, khả năng hòa giải với hàng triệu người Việt ở nước ngoài vẫn là viễn cảnh xa vời. Điều này càng trầm trọng hơn với sự trỗi dậy của các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đề cập trước đó. Đã có những kêu gọi xem xét lại cách tưởng nhớ Chiến tranh Việt Nam. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng có câu nói nổi tiếng “triệu người vui, triệu người buồn” sau chiến tranh. Nhưng những tiếng nói ôn hòa như vậy không được lắng nghe.
“Mọi cuộc chiến đều diễn ra hai lần, lần đầu trên chiến trường, lần thứ hai trong ký ức”. Dòng mở đầu trong series The Sympathizer, trích dẫn tác phẩm Nothing Ever Dies (Không có gì chết đi) của Nguyễn Thanh Việt, phác họa rõ nét vì sao ký ức về chiến tranh tiếp tục vang vọng trong tâm trí một số người Việt, cả ở trong và ngoài nước. Vết thương quá khứ chưa lành, để lại hàng triệu vết sẹo cho cả hai bên sau gần 50 năm kể từ khi chiến tranh chấm dứt. Trong khi nhà nước vẫn thường kêu gọi “đoàn kết và hòa giải dân tộc”, hàn gắn thực sự chỉ diễn ra khi cả vinh quang và tổn thương trong quá khứ đều được tưởng nhớ một cách bình đẳng và đầy đủ.
Nguyễn Khắc Giang
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên chuyên trang bình luận Fulcrum.sg:
Politics of Memory in Vietnam: A War Fought Twice