Uy tín khoa học?
25-12-2021
Nghe PGS. Hồ Anh Sơn khoe “uy tín nhà khoa học“, tôi bỗng nhớ đến các Hội đồng khoa học ở xứ sở mà cái đầu của nhà khoa học chỉ nghĩ đến cái bụng.
Cách đây vài mươi năm, khi tôi làm trợ lý khoa học, trong một cuộc họp thông qua đề tài cấp Bộ, được chọn là “đề tài trọng điểm”. Đề tài có tên: Nghiên cứu nuôi cấy nấm sò cải thiện bữa ăn cho sinh viên. Tổng chi phí 300 triệu đồng. Thời giá lúc đó, có lẽ cũng bằng ba tỷ bây giờ. Tôi xem thuyết minh thấy có lắp đặt hai nhà lạnh và liệt kê khá chi tiết các trang thiết bị hiện đại.
Nghe đến đấy thì Hiệu trưởng đập bàn cái rầm, chửi: “Anh dân văn, ngu dốt, biết gì mà nói sang lĩnh vực sinh nông?”
Các thành viên cuộc họp cúi mặt im re. Và lặng lẽ giơ tay biểu quyết.
Tôi lặng lẽ theo dõi, suốt hai năm không thấy cái nhà lạnh nào được xây dựng. Lại chẳng thấy thí nghiệm và sản xuất ở đâu.
Đến hạn, đề tài được mang ra bảo vệ. Chủ đề tài báo cáo quy trình sản xuất, cứ như trình bày lại trên sách báo. Và sản phẩm được trưng bày là khoảng hơn chục cái nấm sò, có lẽ mới mua ở chợ. Bảo vệ xong cấp cơ sở, rồi cấp Bộ. Các Hội đồng đều đánh giá xuất sắc.
Ba trăm triệu moi từ ngân sách với một đề tài chỉ cần chép lại quy trình sản xuất đã có và sản phẩm là khoảng chục cái nấm được mua ở chợ. Trong khi cái bếp ở nhà ăn sinh viên từ đó về sau chưa bao giờ có cái món nấm được gọi là cải thiện.
“Uy tín của nhà khoa học” ở xứ sở này là vậy. Nhưng người ta vẫn bảo vệ đến cùng vì rất sợ mất uy tín.
Thưa PGS. Hồ Anh Sơn. Dẫu các ông nghiên cứu phát minh kiểu gì và các hội đồng thông qua loại gì, xuất sắc tới đâu đi nữa, nhưng về nguyên tắc, cái sản phẩm các ông làm ra không có tính khả thi hay khả thi kiểu Việt Á thì cũng hoàn toàn vô nghĩa. Cứ đánh giá từ Kit Việt Á, sản phẩm do chính các ông làm ra, thì cũng đủ rõ đó là sản phẩm mang giá trị “khống”, “đểu” chứ không phải là sự thật của khoa học.
Nếu là sự thật khoa học thì việc gì các ông phải tuyên truyền gian lận, rằng WHO đã chấp nhận, CDC Mỹ khen, Anh cấp chứng nhận tiêu chuẩn châu Âu và 20 nước đặt hàng?