NGUỒN HÌNH ẢNH,NHAC NGUYEN/AFP/GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ) chỉ ra trung bình mỗi người Việt Nam “ăn” 363,6 mg vi nhựa mỗi ngày. Ảnh: Rác nhựa ở Thanh Hóa, ảnh chụp vào năm 2018.

 

Các nhà khoa học từ Đại học Cornell (Mỹ) trong một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra người dân Việt Nam nằm trong nhóm hấp thụ vi nhựa nhiều nhất thế giới.

 

Các nhà nghiên cứu của Đại học Cornell chỉ ra con người hấp thụ vi nhựa qua hai đường chính: thực phẩm và không khí.

Các nước Đông Nam Á dẫn đầu bảng xếp hạng trong nghiên cứu tính theo bình quân đầu người, với các trường hợp điển hình là Việt Nam, Indonesia, Philippines và Malaysia.

 

Người dân Việt Nam xếp thứ 4 trong chỉ số tiêu thụ nhiều vi nhựa nhất qua đường thực phẩm. Nghiên cứu chỉ ra trung bình mỗi người Việt Nam “ăn” 363,6 mg vi nhựa mỗi ngày.

Trong khi đó, người dân Trung Quốc và Mông Cổ đứng đầu về lượng hấp thụ vi nhựa trong không khí.

Nghiên cứu tiến hành khảo sát 109 quốc gia, lấy dữ liệu từ năm 1990 – 2018, được hoàn thiện và xuất bản vào tháng 4/2024. Các nhà khoa học cũng tính đến các yếu tố như thói quen ăn uống, công nghệ chế biến thực phẩm và nhân khẩu học.

 

Vi nhựa, theo định nghĩa của các nhà khoa học của Đại học Cornell, là những hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm. Chúng có thể là những sợi, mảnh, hạt vụn đến từ các sản phẩm nhựa bị vỡ, bong tróc, hư hỏng.

 

Quá trình sản xuất, xử lý nhựa không đúng cách cũng khiến vi nhựa tràn ra ngoài môi trường.

 

Bệnh viện Đại học Y Huế định nghĩa vi nhựa là “những mảnh nhỏ được hình thành từ quá trình phân hủy các sản phẩm nhựa như chai nhựa, túi nilon, đồ dùng bằng nhựa,… thải ra môi trường”.

Ngoài ra, chúng còn được tạo ra ở kích thước siêu nhỏ trong các sản phẩm kem đánh răng và chất tẩy tế bào chết.

Một số nghiên cứu đã chứng minh mối quan hệ giữa vi nhựa và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng của con người. Chúng chứa những hóa chất độc hại có thể gây ung thư, bệnh tim hoặc khiến thai nhi kém phát triển.

 

Vì sao người Việt Nam ‘ăn nhựa’ nhiều?

 

NGUỒN HÌNH ẢNH,HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Việt Nam nằm trong nhóm tiêu thụ hải sản hàng đầu thế giới

 

Nghiên cứu chỉ ra quá trình công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển, đặc biệt là tại Đông Nam Á, là nguyên nhân chính dẫn đến việc tốc độ sử dụng nhựa tăng mạnh. Hoạt động xả thải nhựa ra môi trường tự nhiên từ đó cũng tăng theo.

Trong khi đó, các quốc gia phát triển lại chứng kiến chiều hướng ngược lại.

Vi nhựa trong không khí ghi nhận tại Việt Nam cao gấp 8 lần so với tại Nhật Bản.

 

Việt Nam đứng thứ hai thế giới về nhập khẩu rác thải, phế liệu nhựa, chỉ sau Malaysia, với lượng rác thải nhựa nhập khẩu hơn 2 triệu tấn trong năm 2022, theo Liên minh Không rác Việt Nam (Vietnam Zero Waste Alliance – VZWA).

 

Đánh giá về thực trạng này, VZWA cho biết:

“Chất thải nhựa nhập khẩu là hiện nay rất cần để bổ sung cho nguồn cung trong nước và đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành sản xuất, tái chế nhựa của Việt Nam.”

Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam trong năm 2023 cũng cho biết sản xuất của Việt Nam “phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu”.

 

Việt Nam có những làng nghề chuyên thu gom, xử lý phế liệu, rác thải nhựa, đơn cử như làng Minh Khai tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Tuy nhiên, việc xử lý rác thải nhựa ở các làng nghề như vậy có nhiều rủi ro do sử dụng máy móc lạc hậu, khiến cho phần nhựa không thể tái chế bị vứt bỏ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Nước trong quá trình xử lý nhựa mang các vi nhựa theo dòng chảy đi ra sông, biển.

 

Các hạt vi nhựa khi đi ra môi trường nước sẽ bị các sinh vật phù du ăn phải. Sau đó, các loài cá, động vật thủy sinh ăn các sinh vật phù du, và con người khi tiêu thụ những thủy hải sản này sẽ vô tình hấp thụ luôn cả vi nhựa.

 

Một báo cáo được công bố vào tháng 4/2024 của Liên Hiệp Quốc chỉ ra rằng Việt Nam đứng thứ 4 trong các quốc gia xả phế liệu, rác thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới.

Nghiên cứu từ Đại học Cornell cho biết hơn 50% lượng vi nhựa người dân Việt Nam “ăn” phải đến từ môi trường nước, đặc biệt là hải sản.

Một báo cáo khác của Liên Hợp Quốc được xuất bản vào đầu tháng 6/2024 cho thấy Việt Nam cùng 9 quốc gia khác đang chiếm đến 90% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu.

 

Báo Thanh Niên trong một bài viết vào tháng 3/2023 thông tin rằng Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia tiêu thụ hải sản cao nhất thế giới với 37 kg/người/năm.

 

Ngoài ra, vi nhựa cũng xuất hiện trong trái cây, rau, ngũ cốc, đồ uống, đường, muối và các gia vị khác.

Các công nghệ chế biến thực phẩm khác nhau cũng tạo ra lượng vi nhựa trong đồ ăn khác nhau.

 

Chẳng hạn, mức tiêu thụ muối ăn bình quân đầu người ở Indonesia và Mỹ tương đương nhau, nhưng nồng độ vi nhựa trong muối ăn của Indonesia cao hơn khoảng 100 lần.

 

Giải pháp nào cho Việt Nam?

NGUỒN HÌNH ẢNH,HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Báo cáo trong tháng 4/2024 của Liên Hợp Quốc cho thấy Việt Nam đang là một trong những điểm đến hàng đầu của rác thải trên thế giới

 

Đối với Việt Nam cũng như một số nước Đông Nam Á khác bao gồm Indonesia, Malaysia và Philippine, các nhà khoa học ở Đại học Cornell cho rằng cần có các biện pháp kiểm soát dòng chảy của chất thải hiệu quả cũng như cải thiện hệ thống xử lý nước thải.

 

Giải pháp này càng đặc biệt quan trọng khi người dân những quốc gia trên hấp thụ vi nhựa chủ yếu qua đường hải sản.

 

Việc thay thế chất liệu nhựa trong quá trình đóng gói thực phẩm, nước uống cũng nên được thay thế, qua đó hạn chế việc vi nhựa nhiễm vào đồ ăn, thức uống.

 

Về lâu dài, các nhà nghiên cứu của Đại học Cornell cho rằng các nước phát triển nên chia sẻ công nghệ cho những nước đang chịu tác hại nặng nề của nhựa.

Bên cạnh đó, cần có sự san sẻ về gánh nặng rác thải. Các nhà khoa học cho rằng rác thải, phế liệu cũng nên được đưa đến những quốc gia có công nghệ xử lý tiên tiến và khả năng quản lý hiệu quả thải.

Báo cáo trong tháng 4/2024 của Liên Hợp Quốc cho thấy Việt Nam đang là một trong những điểm đến hàng đầu của rác thải trên thế giới, và các chuyên gia thừa nhận tình trạng rác ở quốc gia này hiện bị quá tải, không thể nào xử lý hết.

 

Bà Coleen Salamat, chuyên viên về thương mại chất thải khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Break Free From Plastic, nhận định:

 

“Tôi nghĩ điều quan trọng nằm ở những nhà cầm quyền. Các nước phát triển thường nhắm đến các nước đang phát triển mà có chính sách, quy chế lỏng lẻo để xuất khẩu rác tới đó.”

 

BBC (12.06.2024)