Giới hoạt động: Mỹ cần mạnh tay chế tài quan chức Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo

Ảnh tư liệu: Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong một lần biểu tình phản đối đàn áp tự do tôn giáo Courtesy of anhbasam

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm thứ hai liên tiếp xếp Việt Nam trong Danh sách Theo dõi Đặc biệt, giới hoạt động cho rằng Mỹ cần có chế tài mạnh hơn chứ không thể nói suông.

Hôm 26/6, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken công bố Phúc trình về Tự do tôn giáo toàn cầu trong năm 2023, trong đó nêu lên thực trạng đàn áp quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam và một số cải thiện.

Trong báo cáo năm nay, Mỹ ghi nhận chính quyền độc đảng đã công nhận hai nhóm tôn giáo mới là Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn và Hội Thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, sau bốn năm liên tiếp không công nhận nhóm nào.

 

Cần có chế tài

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài, một tín đồ Tin Lành tị nạn tại Đức từ năm 2017, nói phúc trình năm nay liệt kê tương đối đầy đủ các vụ đàn áp tôn giáo ở trong nước, tuy nhiên, ông cho rằng Mỹ vẫn chưa nhận ra Chính phủ Việt Nam có hai hình thức đàn áp song song đó là đàn áp thô bạo và tìm mọi cách để chia rẽ các tôn giáo với nhau.

Ngoài ra, chính quyền còn tiến hành biện pháp làm tha hóa các tôn giáo để dễ dàng kiểm soát và lũng đoạn. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA):

Phật giáo Việt Nam hiện nay thì đã bị tha hóa gần như toàn bộ rồi, bây giờ họ tiếp tục làm tha hóa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Tin lành bằng cách cho những vị chức sắc ở trong một số tôn giáo đó một số quyền lợi rồi từ đó họ làm hỏng tôn giáo của mình.”

Theo ông, việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào Danh sách theo dõi đặc biệt không buộc Hà Nội giảm bớt đàn áp tự do tôn giáo, do vậy, Washington cần phải có chế tài cụ thể hơn. Ông đề nghị áp dụng Luật Magnitsky đối với những kẻ vi phạm tự do tôn giáo. Ông khẳng định:

Cần phải có những biện pháp chế tài, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần lập danh sách các quan chức ở địa phương cũng như một số chức sắc của các tôn giáo mà lại cấu kết chính quyền đàn áp những người đồng đạo của mình, vào danh sách cấm xuất cảnh vào Mỹ, cả vợ con của họ.”

Đạo luật Magnitsky được áp dụng trên quy mô toàn cầu hồi năm 2016, ủy quyền cho chính phủ Hoa Kỳ xử phạt những quan chức vi phạm nhân quyền, đóng băng tài sản và cấm họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Ông Lê Quang Hiển, Phó trưởng ban trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý, và là Tổng Thư ký Hội đồng Liên Tôn Việt Nam khẳng định:

Hội đồng Liên tôn Việt Nam đã có những thỉnh nguyện thư gửi cho Chính phủ Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ và kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào Danh sách những nước quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) tại vì ở Việt Nam này vấn đề tự do tôn giáo là một vấn đề rất xa xỉ.”

Ông Hiển cho rằng việc thực hành tự do tôn giáo đối với các tín đồ của Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý trong năm 2023 khó khăn hơn năm trước đó. Ông dẫn chứng: 

Mấy năm trước 2022 và 2021, họ cho chúng tôi dựng lễ đài, an vị chân dung Đức Huỳnh Giáo chủ tại lễ đài nhưng không cho dự. Nhưng cuối năm 2023, họ hoàn toàn cấm không cho dựng lễ đài luôn, phong tỏa trụ sở của Giáo hội Trung ương tại huyện Chợ Mới, không cho trị sự viên đến để dự lễ đài hay là treo băng rôn treo cờ đạo để chào mừng đại lễ.”

Ông cho biết tình trạng đàn áp xảy ra tương tự với các nhóm tôn giáo độc lập khác như Cao Đài Chơn truyền, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hay Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và các nhóm Tin Lành độc lập… Đó là những nhóm tôn giáo không được nhà nước công nhận, hay không muốn đăng ký với cơ quan nhà nước, như quy định của Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng.

 

Tăng cường đàn áp sau vụ 11/6

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc đến sự kiện ngày 11/6/2023 khi một nhóm người Thượng đã tấn công vũ trang vào hai cơ quan chính phủ ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm 9 người thiệt mạng. Nhà chức trách mô tả và điều tra vụ việc như một vụ tấn công khủng bố.

Theo đó, các nhân viên an ninh được cho là đã thẩm vấn và đe dọa các thành viên gia đình của lãnh đạo tổ chức phi chính phủ làm về quyền của người Thượng ở Tây Nguyên, buộc họ thừa nhận các thành viên gia đình có liên quan đến vụ tấn công.

Mục sư Aga, người sáng lập Hội Thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, một nhóm tôn giáo độc lập, cho hay sau sự kiện 11/6 chính quyền gia tăng đàn áp đối với các nhóm tôn giáo độc lập ở khu vực Tây Nguyên, đưa người đến ngăn cản các các buổi hành lễ của các tín đồ, và cấm họ đi lại khiến họ không thể cầu nguyện tập thể. Ông nói thêm:

Việc đàn áp từ chính quyền Việt Nam rất là trầm trọng, chính quyền cấm đoán không cho anh em tụ tập để thờ phượng Chúa, bắt anh em phải từ bỏ niềm tin tôn giáo riêng của mình, bắt anh em phải gia nhập Hội Thánh Tin Lành miền Nam Việt Nam. Ba vấn đề đó liên tục xảy ra trong năm.”

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về Phúc trình tự do tôn giáo năm 2023 của Hoa Kỳ nhưng chưa nhận được phản hồi.

Việt Nam luôn khẳng định tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo và không theo tôn giáo của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.

Tháng 5/2023, Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế 2023 của Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) và Phúc trình tự do tôn giáo quốc tế năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan dựa trên thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.

 

RFA (28.06.2024)

 

 

 

 

 

Phúc trình về Tự do tôn giáo Quốc tế 2023 của Hoa Kỳ: Việt Nam vẫn vi phạm, giới hạn quyền này

Minh họa: Người Khmer Krom biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở Washington DC hôm 21/8/2023.

 

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken vào ngày 26/6 (giờ miền Đông nước Mỹ) chính thức công bố phúc trình thường niên năm 2023 về tình hình tự do tôn giáo trên toàn thế giới, trong đó có phần về Việt Nam.

Đối với Việt Nam, phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhắc lại dù Hiến pháp nước này quy định rõ mọi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng- tôn giáo, luật lại cho phép chính phủ kiểm soát đáng kể việc hành đạo cũng như có những điều khoản mơ hồ cho phép hạn chế quyền tự do tôn giáo theo lý do an ninh quốc gia, đoàn kết dân tộc. Giới chức địa phương được phép ra những quyết định võ đoán về yêu cầu đăng ký và công nhận đối với những nhóm tôn giáo hoặc nơi thờ phượng mới.

Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo của Việt Nam duy trì quy định về tiến trình đăng ký và công nhận qua nhiều giai đoạn đối với các nhóm tôn giáo mà mỗi giai đoạn trong tiến trình này đều phải có quyết định riêng.

Phúc trình ghi nhận có hai tổ chức tôn giáo mới được cơ quan chức năng Việt Nam công nhận sau hơn bốn năm không có công nhận mới nào.

Phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dẫn lại báo cáo của các Tổ chức Phi Chính phủ (NGOs) và các tín hữu về những trường hợp giới chức Nhà nước xâm phạm thể lý tín đồ các nhóm tôn giáo thiểu số; đặc biệt người sắc tộc tại Tây nguyên và Tây Bắc, dù không rõ những trường hợp được báo cáo như thế chỉ liên quan duy nhất đến niềm tin tôn giáo.

Việt Nam tiếp tục bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì can dự hoặc dung thứ cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.

 

RFA (27.06.2024)

 

 

 

 

 

Bốn Thượng Nghị sĩ Mỹ kêu gọi “lồng ghép nhân quyền” trong tất cả cuộc đối thoại với Việt Nam

Một số tù nhân lương tâm tiêu biểu ở Việt Nam HRW

 

* Cập nhật bình luận của ông Phil Robertson, giám đốc tổ chức AHRLA

Nhiều nghị sĩ Mỹ quan ngại về tình trạng gia tăng đàn áp của chính quyền Việt Nam đối với những tiếng nói bất đồng trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước ngày một nồng ấm.

Hôm 25/6, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Ben Cardin cùng với ba Thượng nghị sĩ Chris Coons, Chris Van Hollen và Jeff Merkley gửi thư cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, thúc giục ông đưa các ưu tiên nhân quyền vào trong các cuộc đối thoại với Việt Nam.

Bức thư đồng thời được đăng tải lên trang web của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện có đoạn:

Hoa Kỳ phải lồng ghép nhân quyền vào tất cả các khía cạnh trong các cuộc thảo luận song phương của chúng ta, và không chỉ nêu những vấn đề này trong Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam.

Chúng tôi kêu gọi ngài nhấn mạnh với các quan chức Việt Nam rằng tiến bộ thực sự về nhân quyền sẽ tạo điều kiện cho mối quan hệ kinh tế, thương mại và an ninh sâu sắc hơn với Hoa Kỳ. ”

Cho rằng để mối quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù phát huy hết tiềm năng, cách tiếp cận của Mỹ là phải đi kèm với những tiến bộ rõ rệt về nhân quyền và quản trị tốt. 

 

Tăng cường quan hệ nhưng không đánh đổi nhân quyền

Các nhà làm luật của Mỹ nêu những quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, nhấn mạnh về xu hướng gia tăng đàn áp theo Chỉ thị 24.

Văn bản mật này do Bộ Chính trị Đảng Cộng sản ban hành vào tháng 7/2023 – chỉ hai tháng trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tổ chức Dự án 88 bạch hóa Chỉ thị này vào tháng 3 năm nay cho rằng nó nhằm củng cố hơn nữa chế độ độc đảng và ngăn cấm các quyền tự do.

Đánh giá về bức thư của bốn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, ông Josef Benedict, chuyên gia vận động khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Liên minh Xã hội Dân sự Toàn cầu (CIVICUS), nói trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 27/6:

Thư chung của bốn Thượng nghị sĩ gửi Ngoại trưởng Blinken là một lời nhắc nhở quan trọng đối với Chính phủ Hoa Kỳ rằng quan hệ đối tác chiến lược của họ với Việt Nam không được đánh đổi bằng việc gạt bỏ nhân quyền.

Chính phủ Việt Nam đã không thực hiện bất kỳ cải cách có ý nghĩa nào kể từ khi quan hệ đối tác được ký kết vào tháng 9 năm 2023 và chúng ta tiếp tục chứng kiến ​​một cuộc đàn áp có hệ thống đối với các quyền công dân và bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền, bao gồm các nhà hoạt động môi trường và nhà báo với những cáo buộc bịa đặt.”

Ông Phil Robertson, giám đốc tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA) thì cho rằng:

Bằng cách trích dẫn Chỉ thị 24 của Việt Nam, các Thượng nghị sĩ đang coi Blinken là một trò bịp bợm khi chỉ ra rằng sự thù địch của Hà Nội đối với nhân quyền và viện trợ nước ngoài là có hệ thống, không phải vài trường hợp cụ thể. Trong một thời gian quá dài, Bộ Ngoại giao (Hoa Kỳ- PV) đã tuyên bố cụ thể rằng việc nêu ra các vấn đề nhân quyền đằng sau hậu trường sẽ có tác động tích cực ở Việt Nam, nhưng họ không có bằng chứng nào chứng minh điều đó. Trên thực tế, rõ ràng mọi thứ về nhân quyền ở Việt Nam đang đi sai hướng như sự đàn áp các nhà hoạt động, nhà báo, nhóm xã hội dân sự và các nhà bảo vệ môi trường. ngày càng rộng hơn.

Chính Theo ông, Chính phủ Hoa Kỳ nên nói với Việt Nam rằng trừ khi họ bắt đầu thả tù nhân chính trị, bao gồm cả những người được các Thượng nghị sĩ nhắc trong thư, Hoa Kỳ sẽ cần phải đảo ngược các cam kết trước đó về đầu tư nước ngoài và các hỗ trợ kinh tế vốn hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam.

Bốn nhà lập pháp kêu gọi Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh với các quan chức Việt Nam rằng, tiến bộ thực sự về nhân quyền sẽ tạo điều kiện cho mối quan hệ kinh tế, thương mại và an ninh sâu sắc hơn với Hoa Kỳ. 

Đặc biệt, việc thúc đẩy quyền tự do lập hội là trọng tâm để thiết lập một môi trường pháp lý ổn định giúp các nhà đầu tư Hoa Kỳ tin tưởng lựa chọn Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đầu tư.

Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, cũng đồng ý với đề nghị cần phải đưa vấn đề nhân quyền vào tất cả các cuộc thương lượng song phương trong mọi lĩnh vực từ quân sự, kinh tế, thương mại… Ông nói với RFA trong ngày 27/6:

Nếu như Hoa Kỳ đặt những điều kiện về nhân quyền trong các cuộc thương lượng đó thì tôi nghĩ rằng vấn đề nhân quyền sẽ được cải thiện vì Nhà nước Việt Nam chỉ có thể cải thiện khi họ bị áp lực bởi những điều kiện kinh tế tài chính.”

Theo ông, Hoa Kỳ cần sử dụng đòn bẩy thương mại và kinh tế để buộc Việt Nam phải cải thiện hồ sơ nhân quyền. Hiện Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc.

Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 111 tỷ đô la Mỹ, và Việt Nam có thặng dư thương mại hơn 83 tỷ. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ và Việt Nam còn tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, môi trường, y tế…

 

Vận động phóng thích tù nhân lương tâm

Trong thư chung, bốn thượng nghị sĩ bày tỏ sự quan tâm đến việc nhiều người bảo vệ nhân quyền, nhà báo, người hoạt động môi trường đang bị cầm tù ở Việt Nam trong đó có bốn blogger của Đài Á Châu Tự Do là Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Tường Thụy và Trương Duy Nhất.

Đặc biệt, các Thượng nghị sĩ nhấn mạnh tới trường hợp của Nguyễn Văn Hóa, một người đóng góp cho các phóng sự của RFA vừa mãn hạn tù bảy năm hồi tháng 1 năm nay, nhưng vẫn bị quản thúc tại gia và có khả năng bị bắt lại.

Các thượng nghị sĩ nói rằng thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam không chỉ là giá trị quan trọng của Hoa Kỳ mà còn quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn và có ý nghĩa hơn giữa hai quốc gia, đồng thời người dân Việt Nam cũng đánh giá cao và ghi nhận sự trợ giúp của Hoa Kỳ cho nhân quyền ở Việt Nam.

Được hỏi ý kiến về thư chung của bốn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ gửi Ngoại trưởng Blinken, vợ một tù nhân lương tâm phát biểu trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh.

Tôi cảm ơn bốn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ về lời kêu gọi của họ, và tha thiết mong muốn Ngoại trưởng Blinken vận động để buộc Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền và trả tự do cho các tù nhân lương tâm đang bị đày đoạ trong các nhà tù khắp cả nước.

Chồng tôi và các tù nhân lương tâm khác không có tội, mà chỉ thực hành quyền con người nhằm xây dựng một nước Việt Nam tự do, văn minh, công bằng và phát triển bền vững.”

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao của cả Hoa Kỳ và Việt Nam với đề nghị bình luận về thư chung này nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

* Cập nhật phần bình luận của ông Phil Robertson, giám đốc tổ chức AHRLA lúc 15 giờ 40 ngày 27/6/2024

 

RFA (27.06.2024)

 

 

 

 

Bộ ngoại giao Mỹ: Việt Nam vẫn tiếp tục xâm hại, sách nhiễu tự do tôn giáo

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 26/6/2024 công bố báo cáo tự do tôn giáo năm 2023.

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 26/6 công bố báo cáo tự do tôn giáo về năm 2023, lưu ý rằng vẫn còn các trường hợp chính quyền Việt Nam xâm hại, sách nhiễu các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc của đất nước.

Các quan chức chính quyền ở các vùng khác nhau của đất nước bị xem là vẫn tiếp tục theo dõi, thẩm vấn, bắt giữ, đe dọa và phân biệt đối xử tùy tiện đối với các cá nhân, một phần là do các các hoạt động của họ có liên quan đến đức tin hoặc tôn giáo của mình, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.

“Các nguồn tin cho biết các nhân viên an ninh tỉnh Đắk Lắk xâm phạm thân thể hai người dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành trong khi chính quyền thẩm vấn về tôn giáo của họ và mối liên hệ của họ với các tổ chức phi chính phủ mà chính quyền cho là có liên quan đến các vụ tấn công ở tỉnh này”, bản báo cáo tóm tắt viết.

Ở Tây Bắc và Tây Nguyên, những vị lãnh đạo đại diện cho cả các nhóm tôn giáo đã đăng ký lẫn chưa đăng ký cho hay chính quyền thường xuyên sử dụng các phương pháp phi bạo lực hoặc ít hung hãn hơn trong cách đối xử với các nhóm tôn giáo so với những năm trước, chẳng hạn như triệu tập đại diện họp định kỳ, hoặc đe dọa hoặc xử phạt hành chính để gây áp lực buộc họ phải tuân thủ các yêu cầu của chính quyền, bao gồm cả việc đăng ký và chấm dứt các cuộc tụ tập bị coi là bất hợp pháp, vẫn theo báo cáo.

Bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Thành viên của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký nói rằng chính quyền đã gây áp lực cho các nhóm tôn giáo được công nhận để nhóm này can thiệp vào công việc nội bộ của các nhóm chưa đăng ký”.

“Các nhà bảo vệ nhân quyền nói rằng chính quyền địa phương ở các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn và Thái Nguyên tiếp tục cưỡng ép các tín đồ Dương Văn Mình từ bỏ đức tin bằng cách đe dọa và hành hung họ”, vẫn theo báo cáo.

Trong khi đó, chính quyền địa phương ở một số vùng ở Tây Nguyên bị cho là “đã hăm dọa và đe dọa dùng bạo lực” đối với các thành viên của một số nhóm Tin Lành chưa đăng ký, những nhóm đã trình báo các vi phạm nhân quyền cho các tổ chức phi chính phủ quốc tế hoặc các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, hoặc vào dịp kỷ niệm các ngày quốc tế liên quan đến tự do tôn giáo, báo cáo cho biết thêm.

Vào tháng 4/2023, chính quyền tỉnh Đắk Lắk bắt giữ ông Y Krec Bya, một thành viên của Hội thánh Tin Lành đấng Christ chưa đăng ký và buộc tội ông “phá hoại chính sách đoàn kết” theo Bộ luật Hình sự. Chính quyền địa phương cáo buộc ông thu thập và phổ biến thông tin “xuyên tạc”, “gây chia rẽ” giữa người dân với chính quyền và giữa các nhóm tôn giáo, báo cáo nêu ra một trong số các trường hợp bị trấn áp.

Ngày 18/5, chính quyền Phú Yên bắt giữ ông Nay Y Blang, cũng là thành viên của Hội thánh Tin Lành đấng Christ, và buộc tội ông “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Bộ luật Hình sự. Cơ quan công an địa phương cáo buộc ông truyền đạo và tiến hành các hoạt động tôn giáo “bất hợp pháp”, cùng nhiều cáo buộc khác.

Vào cuối tháng 7, chính quyền tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng đã bắt giữ ba người ủng hộ Phật giáo Khmer Krom với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, bao gồm Tô Hoàng Chương, Thạch Cương và Danh Minh Quang. “Ba người này đã lên tiếng báo động với cộng đồng quốc tế về việc chính quyền xâm hại quyền của họ và việc họ phổ biến các tài liệu quốc tế về quyền của người dân tộc thiểu số và tự do tôn giáo cho các thành viên cộng đồng”, báo cáo nhắc lại.

Phía Mỹ nhận định rằng chính quyền Việt Nam vẫn hạn chế quyền tự do đi lại hoặc quyền xuất cảnh của nhiều người ủng hộ tự do tôn giáo và đại diện của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký thông qua lệnh cấm xuất cảnh hoặc thu hồi hộ chiếu. Báo cáo dẫn trường hợp chính quyền Việt Nam vào hồi tháng 9 đã cấm xuất cảnh Chánh trị sự Nguyễn Xuân Mai, thuộc một nhóm Cao Đài độc lập và chưa đăng ký. Bà bị cấm đi ra nước ngoài để tham dự một cuộc hành hương tôn giáo.

“Các tín đồ [độc lập] bị vấn nạn là không thực hiện được quyền tôn giáo của mình tại Việt Nam. Mỗi lần đi thực hành tôn giáo thì nhà nước nói rằng nhóm nào không được công nhận thì không được thực thi sinh hoạt tôn giáo của mình”, bà Mai nêu ý kiến với VOA.

Vào tháng 12/2023, chính quyền An Giang kết án tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập Nguyễn Hoàng Nam 8 năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước”, cho rằng ông đăng tải các tài liệu “phá hoại chính sách tôn giáo hoặc đoàn kết dân tộc”.

Vào ngày 29/12/2023, theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998 đã được sửa đổi, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì đã tham gia hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo, báo cáo nhắc lại.

VOA liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra ý kiến về báo cáo mới này, nhưng chưa được phản hồi.

Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau luôn khẳng định rằng “mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.

Hôm 26/6, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ghi nhận việc chính quyền Việt Nam phóng thích nhà hoạt động cho tự do tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển hồi tháng 9/2023 nhờ “sự vận động không ngừng nghỉ” của bộ này.

“Ông Nguyễn Bắc Truyển được tự do và đoàn tụ với vợ ông. Ông là người đã đấu tranh không mệt mỏi trước việc bị giam giữ bất công ở Việt Nam”, Đại sứ Lưu động về tự do Tôn giáo Hoa Kỳ Rashad Hussain nói trong bài phát biểu ngày 26/6 khi công bố báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2023 sau bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Hà Nội phóng thích ông Truyển ngay khi lãnh đạo Việt Nam đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Truyển bị bắt hồi năm 2017 với tội danh “lật đổ chính quyền” và bị tuyên phạt 11 năm tù. Ông và vợ hiện đang tị nạn tại Đức.

 

VOA (27.06.2024)

 

 

 

 

 

Bốn thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi ưu tiên nhân quyền trong quan hệ với Việt Nam

Bốn Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ kêu gọi Washington ưu tiên nhân quyền trong quan hệ song phương với Hà Nội, ngày 26/6/2024.

 

Hôm 26/6, chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cùng ba đồng viện khác báo động với Bộ Ngoại giao Mỹ rằng “môi trường nhân quyền đang xấu đi ở Việt Nam” và kêu gọi Washington hãy ưu tiên nhân quyền trong quan hệ với Hà Nội.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ben Cardin, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cùng với các Thượng nghị sĩ Chris Coons, Chris Van Hollen và Jeff Merkley gửi thư cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, kêu gọi bộ ngoại giao giải quyết đầy đủ các mối lo ngại về nhân quyền ngày càng gia tăng và nên lồng ghép các ưu tiên nhân quyền vào mối quan hệ song phương Mỹ-Việt.

“Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính quyền trong việc tăng cường quan hệ Hoa Kỳ với Việt Nam, bao gồm cả việc ký kết Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam mang tính lịch sử. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại rằng trong khi hợp tác song phương của chúng ta ngày càng sâu sắc, môi trường nhân quyền lại ngày càng xấu đi ở Việt Nam”, bức thư viết.

Bốn thượng nghị sĩ Mỹ trong Ủy ban Đối ngoại lưu ý với “sự quan ngại” về những quyết định gần đây của chính quyền Việt Nam nhằm gia tăng các hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo và quyền lao động.

“‘Chỉ thị số 24’ do Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành báo hiệu sự đàn áp mạnh mẽ hơn nữa đối với xã hội dân sự và quyền tự do ngôn luận của công dân Việt Nam cả trong và ngoài nước”, các nhà lập pháp viết.

Ngoài ra, các thượng nghị sĩ còn bày tỏ quan ngại về việc giam giữ, bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ vận động trả tự do ngay cho ông Đặng Đình Bách, ông Đỗ Nam Trung, bà Hoàng Thị Minh Hồng và tất cả “các tù nhân chính trị hiện đang bị giam giữ vì bất đồng chính kiến ôn hòa”.

Các thượng nghị sĩ cũng yêu cầu ông Blinken vận động trả tự do ngay lập tức cho các nhà báo Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Tường Thụy, Trương Duy Nhất, Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang và Nguyễn Văn Hóa. Họ bày tỏ ý kiến thêm rằng ông Hóa dù được ra tù vào tháng 1/2024 sau khi chấp hành bản án tù 7 năm, nhưng hiện vẫn bị quản chế và “có khả năng bị bắt lại”.

Bức thư kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ nên tận dụng nhiều khía cạnh của quan hệ đối tác song phương giữa Hoa Kỳ với Việt Nam – bao gồm hợp tác kinh tế, thương mại và an ninh – để đạt được “tiến bộ rõ ràng và bền vững trong hồ sơ nhân quyền” của Việt Nam.

“Để mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam phát huy hết tiềm năng, sự can dự của chúng ta phải đi kèm với những tiến bộ rõ rệt về nhân quyền và quản trị tốt”, các nhà lập pháp viết.

“Thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam không chỉ là giá trị quan trọng của Hoa Kỳ mà còn quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn và có ý nghĩa hơn giữa hai quốc gia chúng ta”.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về lời kêu gọi trên của bốn thượng nghị sĩ, nhưng chưa được phản hồi.

Hồi tháng 4, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo nhân quyền thường niên 2023, trong đó có phần về Việt Nam, với các nội dung như quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội và nhóm họp, nói rằng các quyền này bị chính quyền Việt Nam “hạn chế nghiêm trọng”.

Vài ngày sau, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng rằng báo cáo nhân quyền của Mỹ “thiếu khách quan về tình hình Việt Nam”, cho rằng báo cáo này “dựa trên những thông tin không chính xác”.

 

VOA (27.06.2024)

 

 

 

 Dự án 88: BNG Mỹ nâng hạng Việt Nam trong Báo cáo buôn người là “vô lương tâm”!

Những người phụ nữ Việt lao động tại Ả Rập Xê Út kêu cứu BPSOS/CAMSA International

 

Báo cáo về buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố đã vấp phải chỉ trích của tổ chức Dự án 88 (Project 88), cho rằng Mỹ đã nâng hạng cho Việt Nam với mục đích chính trị và đề nghị minh bạch các tài liệu liên quan đến quyết định này.

Hôm 26/6, tổ chức chuyên tập trung vào tình trạng nhân quyền ở Việt Nam gửi thông cáo báo chí cho Đài Á Châu Tự Do (RFA), hai ngày sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo về nạn buôn người toàn cầu 2024, trong đó Việt Nam được nâng lên Cấp 2 (Tier 2) từ Danh sách theo dõi Nhóm 2 (Tier 2 Watch list) trong báo cáo phát hành năm 2023.

“Cấp 2” bao gồm các quốc gia chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về xóa bỏ nạn buôn người nhưng “đang nỗ lực đáng kể để tuân thủ.”

Trong khi đó, “Danh sách theo dõi Nhóm 2” đề cập đến các quốc gia nơi số lượng nạn nhân ngày càng gia tăng với ít nỗ lực chống lại nạn buôn người. 

Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ bày tỏ: 

Bộ Ngoại giao nên công bố tất cả các tài liệu nội bộ liên quan đến quyết định nâng hạng của Việt Nam trong báo cáo về Buôn người (TIP) năm 2024 để hỗ trợ cho tuyên bố của mình rằng quyết định này không mang tính chính trị.”

 

Quyết định nâng hạng mang tính chính trị

Trong phúc trình năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Chính phủ Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực tổng thể ngày càng tăng so với kỳ báo cáo trước trong phòng chống nạn buôn người, tuy nhiên, Dự án 88 nói rằng trước đó đã cung cấp bằng chứng với thông tin hoàn toàn trái ngược với đánh giá này.

Sau khi cung cấp thông tin về thực tế nạn buôn người ở Việt Nam cho phía Hoa Kỳ, Dự án 88 đã công bố báo cáo với tựa đề “Có phải Bộ Ngoại giao giúp Việt Nam trong vấn đề buôn người?” trong đó tổ chức này đã phân tích tài liệu nội bộ của Chính phủ Việt Nam và chỉ ra rằng Hà Nội đã không trừng phạt các quan chức chính phủ liên quan đến nạn buôn người, chính trị hoá việc phòng chống vấn nạn này bằng cách sử dụng đòn bẩy ngoại giao với Hoa Kỳ để nâng cấp thứ hạng TIP của mình, và lừa dối Hoa Kỳ về nỗ lực giải quyết nạn buôn người của mình.

Trong buổi họp báo công bố báo cáo về nạn buôn người toàn cầu, khi bị chất vấn bởi Dự án 88 về việc nâng hạng cho Việt Nam, bà Cindy Dyer- Đại sứ lưu động Hoa Kỳ phụ trách Giám sát và Chống buôn bán người giải trình rằng Chính phủ Việt Nam đã tăng cường xác định và hỗ trợ nạn nhân buôn người, cũng như tăng cường điều tra, truy tố và kết án những kẻ tình nghi buôn người.

Michael Altman-Lupu, nhà nghiên cứu Nhân quyền của Dự án 88, được trích dẫn cho biết:

“Chính phủ Việt Nam đã cố tình đánh lừa Bộ Ngoại giao về quy mô và bản chất của nạn buôn người trong nước cũng như những nỗ lực của chính phủ nhằm loại bỏ vấn đề này.

Những lời biện minh mà Bộ Ngoại giao đưa ra để nâng cấp trạng thái TIP của Việt Nam thật buồn cười. Với những bằng chứng do Dự án 88 đưa ra, lời giải thích khả thi duy nhất cho công việc nâng cấp là Bộ Ngoại giao đã chính trị hóa báo cáo TIP để mang lại lợi ích cho Việt Nam.

Dự án 88 nói theo tài liệu mà tổ chức này nhận được nhưng RFA không thể kiểm chứng độc lập, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức (Chánh văn phòng Bộ Công an- PV) tuyên bố rằng phía Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam đã làm việc với Bộ Công an để bao che cho các quan chức này.

Vì điều này sẽ phản ánh không tốt về Việt Nam nên ông này khuyến nghị chính phủ “không cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào (về vụ việc) để tránh phức tạp.”

Tổ chức này cho biết đã trình bày những phát hiện của mình với các quan chức Bộ Ngoại giao, các quan chức đại sứ quán và các thành viên của Văn phòng Giám sát và Chống Buôn bán Người trong Bộ Ngoại giao Mỹ, tuy nhiên, không một quan chức nào chỉ ra những gì, nếu có, đã được thực hiện để điều tra các cáo buộc.

Dự án 88 nhận định, dường như tính trung thực của báo cáo TIP đã bị hy sinh như một phần của chiến lược địa chính trị nhằm lôi kéo Việt Nam vào liên minh chống Trung Quốc, báo cáo này chỉ đơn thuần dựa vào các tiêu chí khách quan nhưng đã bị chính trị hóa.

Theo Chính phủ Việt Nam, ‘việc nâng hạng Việt Nam và quyết định trước đó không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Việt Nam khi xếp vào Cấp 3 trong Báo cáo TIP 2022 cho thấy Mỹ coi trọng sự hợp tác tổng thể với Việt Nam’.  

Việc các quan chức Mỹ miễn cưỡng xác minh những tuyên bố trong các tài liệu mà Dự án 88 thu được cho thấy rằng các quan chức Mỹ có thể đồng lõa trong nỗ lực chính trị hóa báo cáo của Việt Nam,” thông cáo báo chí của Dự án 88 khẳng định.

 

Không cho xã hội dân sự trợ giúp nạn nhân buôn người

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng biện minh cho việc nâng hạng của Việt Nam là Hà Nội đã làm được nhiều hơn để hỗ trợ nạn nhân buôn người. Tuy nhiên, Dự án 88 dựa theo tài liệu mà tổ chức này nhận được cho rằng Thiếu tướng Đặng Hồng Đức đã đề nghị Chính phủ không cho phép các tổ chức và cá nhân nước ngoài trực tiếp thành lập các cơ sở hỗ trợ nạn nhân buôn người ở Việt Nam.

Có vẻ như Chính phủ Việt Nam đang thực hiện các bước để hạn chế các dịch vụ trợ giúp cho nạn nhân buôn người và khả năng các tổ chức quốc tế tiếp cận những nạn nhân này, thay vì mở mọi con đường để bảo đảm nạn nhân nhận được hỗ trợ đầy đủ,” Dự án 88 nói.

Theo tổ chức này thì khuyến nghị của ông Đức nhất quán với các chính sách và thực tiễn gần đây của nhà nước đã hạn chế khả năng của các nhóm xã hội dân sự trong việc nhận viện trợ và hoạt động từ nước ngoài.

Trong Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị tháng 7 năm ngoái, ban lãnh đạo Việt Nam bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của nước ngoài và các cuộc cách mạng màu, đồng thời ra lệnh cho lực lượng an ninh trấn áp xã hội dân sự và hạn chế hợp tác quốc tế.

Phóng viên gửi email cho Quỹ trẻ em Blue Dragon, một tổ chức phi chính phủ chuyên về từ thiện giúp đỡ trẻ em đường phố và giải cứu nạn nhân khỏi nạn nô lệ và nạn buôn người ở Việt Nam, để hỏi về phúc trình của Mỹ, tuy nhiên tổ chức này từ chối bình luận.

Câu hỏi cũng được gửi cho Bộ Ngoại giao của cả Hoa Kỳ và Việt Nam về những vấn đề được Dự án 88 nêu ra trong thông cáo báo chí, tuy nhiên chưa lập tức nhận được phản hồi.

 

RFA (26.06.2024)

 

 

 

 

 

Buôn người: Mỹ nâng hạng Việt Nam dù lo ngại ‘sự đồng lõa của quan chức chính phủ’

Chụp lại hình ảnh,Nhiều lao động Việt Nam đi lao động ở Ả Rập Xê Út bị chủ đối xử tàn tệ (Ảnh minh họa)

 

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Hai (24/6) đã nâng thứ hạng của Việt Nam trong một báo cáo về nạn buôn người, ngay cả khi bộ này viện dẫn những lo ngại rằng Hà Nội đã không điều tra các quan chức chính phủ đồng lõa với tội phạm buôn người, theo Reuters.

Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 25, ông Ben Swanton, đồng giám đốc Dự án 88 – một tổ chức vận động nhân quyền cho Việt Nam – cho hay:

“Dự án 88 đã đưa ra bằng chứng thuyết phục cho Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy Hà Nội đã nghĩ ra kế hoạch nói dối Washington về những gì họ đang làm để giải quyết nạn buôn người ở Việt Nam.

“Bằng chứng cũng cho thấy chính phủ Việt Nam ở cấp cao đã có hành vi che đậy quá trình tố tụng hình sự nhằm xử lý các quan chức có liên quan đến một đường dây buôn người.

“Thay vì điều tra và hành động dựa trên bằng chứng, Ngoại trưởng Antony Blinken đã chọn cách trao thưởng cho Hà Nội vì hành vi phạm tội của họ và cho phép chính trị hóa Phúc trình thường niên về nạn Buôn người (TIP), rõ ràng là nhằm phục vụ cho một chiến lược địa chính trị đáng ngờ được thiết kế nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc.

“Để đảm bảo tính liêm chính đang diễn ra của quy trình TIP, ông Blinken nên công bố câu trả lời của Hà Nội so với bảng câu hỏi được sử dụng để thu thập thông tin cho báo cáo và công chúng có quyền kiểm tra lý do Bộ Ngoại giao Mỹ nâng hạng của Việt Nam – quốc gia này không đạt được tiến bộ đáng chú ý nào trong việc loại bỏ nạn buôn người trong năm qua.”

Dự án 88 tuần trước đã cáo buộc Hà Nội đưa ra thông tin sai lệch và cố gắng che đậy các vụ buôn người có dính đến quan chức khi cập nhật cho những người phụ trách Phúc trình thường niên về nạn Buôn người (TIP) của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Báo cáo thường niên TIP là cơ chế chính của chính phủ Mỹ nhằm buộc các quốc gia trên thế giới phải chịu trách nhiệm vì đã không ngăn được nạn buôn người, lao động cưỡng bức và các hình thức bóc lột khác, và nêu ra chi tiết những lĩnh vực mà mỗi nước cần hành động.

Việc không hành động để xử lý các vấn đề được nêu trong báo cáo này có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt như bị cắt viện trợ của Mỹ.

Washington đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách theo dõi trong TIP 2024, chỉ ra rằng Việt đã có “những nỗ lực tăng cường nói chung” để giải quyết nạn buôn người, bao gồm việc đệ trình luật chống buôn người lên cơ quan lập pháp, tăng cường các vụ truy tố đối tượng buôn người và hỗ trợ nhiều nạn nhân hơn.

Tuy nhiên, báo cáo TIP 2024 mà Hoa Kỳ mới công bố cũng chỉ ra một loạt lĩnh vực trong đó Việt Nam chưa đạt được các tiêu chuẩn tối thiểu, bao gồm việc xử lý các vụ buôn người mà các quan chức chính phủ đồng lõa.

Cindy Dyer, đại sứ lưu động của Hoa Kỳ về nạn buôn người, nói với các phóng viên rằng các quan chức đã xem xét nhiều thông tin, bao gồm cả từ các nhóm xã hội dân sự, để quyết định nâng cấp thứ hạng cho Việt Nam.

Bà Dyer nói: “Chúng tôi chắc chắn lưu ý rằng có những lĩnh vực cần cải thiện, cũng như ở mọi quốc gia.”

Bà cũng lưu ý rằng vấn đề quan chức đồng lõa là “một vấn đề đáng quan ngại lớn” với Việt Nam.

Việt Nam bị đưa xuống thứ hạng thấp nhất trong báo cáo TIP năm 2022, trong đó nêu cụ thể trường hợp một tùy viên lao động Việt Nam và một nhân viên khác ở Ả Rập Xê Út bị cáo buộc đã trực tiếp hỗ trợ, tạo điều kiện hoặc tham gia vào việc cưỡng bức lao động một số công dân Việt Nam.

Vụ việc được đưa ra ánh sáng sau khi một phụ nữ trẻ người Việt làm giúp việc ở Ả Rập Xê Út chết sau khi bị chủ lạm dụng.

 

Việc bị hạ bậc trong báo cáo TIP có thể dẫn đến bị Mỹ trừng phạt, đồng thời gây thêm khó xử cho quan hệ Mỹ-Việt trong bối cảnh Washington đang tìm cách thúc đẩy hợp tác với Hà Nội để chống lại Trung Quốc, theo Reuters.

Hai nước chính thức nâng cấp mối quan hệ vào năm ngoái.

Khi được hỏi liệu các mối quan tâm chiến lược có đóng vai trò trong quyết định nâng hạng Việt Nam hay không, bà Dyer cho biết các quan chức đưa ra “đánh giá khách quan nhất có thể” khi nói đến bảng xếp hạng TIP.

Hoa Kỳ đã nâng hạng Việt Nam trong báo cáo năm ngoái một phần vì nước này đã tiến hành tố tụng hình sự đối với hai quan chức trong vụ Ả Rập Xê Út.

Báo cáo TIP năm nay cho biết cuộc điều tra đã kết thúc và nhà ngoại giao này đã được phục hồi chức vụ trong chính phủ.

Báo cáo cho biết thêm: “Chính phủ Việt Nam không báo cáo bất kỳ cuộc điều tra, truy tố hoặc kết án nào đối với các nhân viên chính phủ đồng lõa với tội phạm buôn người.”

Đại sứ quán Việt Nam tại Washington đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Thứ hạng của Việt Nam đang được theo dõi chặt chẽ sau khi Dự án 88 công bố báo dài 100 trang phân tích các tài liệu nội bộ của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam mà tổ chức này có trong tay, cho thấy nỗ lực của Việt Nam để che giấu thông tin về vụ việc ở Ả Rập Xê Út.

Một công văn nội bộ của Bộ Công an Việt Nam – được viết vào tháng 2/2024 – mà Dự án 88 tiết lộ đưa ra các khuyến nghị cho các quan chức để soạn thảo câu trả lời cho các câu hỏi từ phía Mỹ cho báo cáo TIP.

Theo công văn – do Chánh văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức ký và Dự án 88 dịch – Việt Nam nên “kiên trì quan điểm ‘vừa hợp tác, vừa đấu tranh’… (và) tránh Mỹ lợi dụng vấn đề trên làm công cụ chính trị để hướng lái hệ thống pháp luật của quốc gia, cũng như can thiệp sâu vào công việc nội bộ của ta.”

Công văn viết rằng một đánh giá trước đó nhận thấy câu trả lời của Việt Nam cho các câu hỏi của Mỹ về nạn buôn người là “quá chi tiết và cụ thể” và đề xuất các câu trả lời mới.

Trong đó, một câu trả lời có liên quan đến trường hợp một lao động nhập cư Việt Nam bị bán sang Ả Rập Xê Út từ khi còn là trẻ vị thành niên, với sự tham gia của các quan chức Việt Nam, và sau đó đã chết sau khi bị chủ hành hạ.

Trường hợp này đã được Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc đến khi hạ bậc xếp hạng của Việt Nam trong báo cáo TIP 2022.

“Đề nghị xem xét không cập nhật thêm thông tin về việc xử lý nữa nhằm tránh phát sinh phức tạp,” công văn của Bộ Công an Việt Nam viết.

 

BBC (25.06.2024)

 

 

 

 

Báo cáo buôn người 2024: Mỹ đưa Việt Nam khỏi Danh sách theo dõi Nhóm 2

Người đi đường đi qua tấm biển cổ động chống nạn buôn người ở TPHCM hôm 24/2/2003 (minh họa) HOANG DINH NAM / AFP

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 25/6 đã nâng thứ hạng của Việt Nam trong một báo cáo về nạn buôn người, ngay cả khi Bộ này viện dẫn những lo ngại rằng quốc gia Đông Nam Á này đã không điều tra các quan chức chính phủ đồng lõa với tội phạm buôn người.

Một nhóm nhân quyền tuần trước đã cáo buộc Hà Nội đưa ra thông tin sai lệch và cố gắng che đậy các vụ buôn người liên quan đến các quan chức khi liên lạc với các quan chức Hoa Kỳ về báo cáo thường niên về Buôn bán người (TIP).

Washington đã loại Việt Nam khỏi danh sách theo dõi trong báo cáo năm 2024, trích dẫn “những nỗ lực tổng thể đã gia tăng” về nạn buôn người, bao gồm việc đệ trình luật chống buôn người lên cơ quan lập pháp để xem xét, tăng cường truy tố và hỗ trợ nhiều nạn nhân hơn.

Tuy nhiên, báo cáo của Hoa Kỳ công bố hôm thứ 25/6 đã trích dẫn một loạt lĩnh vực mà Việt Nam chưa đạt được các tiêu chuẩn tối thiểu, bao gồm cả việc xử lý nạn buôn người mà các quan chức chính phủ đồng lõa.

Bà Cindy Dyer, đại sứ lưu động của Hoa Kỳ về nạn buôn người, nói với các phóng viên rằng các quan chức đã xem xét nhiều thông tin, bao gồm cả từ các nhóm xã hội dân sự, trong quyết định nâng cấp thứ hạng cho Việt Nam.

Bà Dyer nói: “Chúng tôi chắc chắn lưu ý rằng có những lĩnh vực cần cải thiện, cũng như ở mọi quốc gia”.

Việt Nam năm 2022 bị hạ xuống mức thấp nhất của báo cáo là Cấp 3 (Tier 3), cụ thể trích dẫn trường hợp một tùy viên lao động Việt Nam và một nhân viên khác ở Ả Rập Saudi bị cáo buộc đã trực tiếp tạo điều kiện cho việc cưỡng bức lao động của một số công dân Việt Nam.

Vụ việc được đưa ra ánh sáng sau khi một cô gái Việt Nam được đưa đến làm việc ở Ả Rập Saudi khi còn nhỏ đã chết sau khi bị chủ xâm hại.

Báo cáo TIP năm 2023 nâng Việt Nam lên Danh sách theo dõi Nhóm 2, đề cập đến các quốc gia có số lượng nạn nhân ngày càng gia tăng với ít nỗ lực chống lại nạn buôn người.

Trong báo cáo, “Cấp 3” đề cập đến các quốc gia không đáp ứng các tiêu chuẩn của báo cáo về xóa bỏ nạn buôn người “và không nỗ lực đáng kể để làm điều đó.”

Khi được hỏi liệu các mối quan tâm chiến lược có đóng vai trò trong quyết định nâng hạng Việt Nam hay không, Dyer cho biết các quan chức đưa ra “đánh giá khách quan nhất mà chúng tôi có thể” khi nói đến bảng xếp hạng TIP.

Hoa Kỳ đã nâng hạng Việt Nam trong báo cáo năm ngoái một phần vì nước này đã khởi xướng tố tụng hình sự đối với hai quan chức trong vụ việc xảy ra ở Ả Rập Saudi.

Báo cáo năm nay của TIP cho biết cuộc điều tra đã kết thúc và nhà ngoại giao này đã được phục hồi chức vụ trong Chính phủ.

Báo cáo cho biết thêm: “Chính phủ không báo cáo bất kỳ cuộc điều tra, truy tố hoặc kết án nào đối với các nhân viên chính phủ đồng lõa với tội phạm buôn người”.

Đại sứ quán Việt Nam tại Washington đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Báo cáo cũng đánh giá cao những cải thiện trong nỗ lực chống buôn người của một số quốc gia khác.

Thứ hạng của Việt Nam đang được theo dõi chặt chẽ sau khi nhóm nhân quyền Project88 công bố một báo cáo dựa trên các tài liệu chính thức của Việt Nam mà họ thu được cho thấy nỗ lực làm suy yếu báo cáo của Hoa Kỳ, bao gồm cả việc che giấu thông tin về vụ việc ở Ả Rập Saudi.

Hồi năm ngoái, sau khi Mỹ đưa Việt Nam khỏi Danh sách theo dõi Nhóm 2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ ghi nhận phía Mỹ đã có đánh giá tích cực hơn trong báo cáo của mình, đồng thời mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới “để phía Mỹ có đánh giá khách quan, chính xác, toàn diện hơn nữa về tình hình, nỗ lực thực chất của Việt Nam”.

 

RFA (25.06.2024)