Ngày 8 tháng ba, lần đầu tiên tôi nghe nói đến ngày này là cách đây hơn 30 năm, khi nghe một cô bạn bên Việt Nam hỏi, anh có biết ngày hôm nay là ngày gì không. Thời đó chưa có Google và Internet chưa được phát triển hoàn hảo như bây giờ nên tôi đã được cô bạn giải thích một tăng, thật đầy đủ và tường tận. Từ đó mỗi năm, ngày 8 tháng ba lại khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh phụ nữ bình quyền, bình đẳng, sự đề cao phẩm giá, phẩm hạnh của phái yếu, những bó hoa tươi, những lời khen tặng dành cho phái đẹp… chẳng khác gì ngày lễ Valentine.
Tôi nghĩ Việt Nam mình hay thật, biết vinh danh người phụ nữ. Còn mình sống nơi xứ người đã mấy mươi năm nhưng chẳng biết gì cả; ra đường vào mấy ngày này thật yên lặng, chẳng nghe báo chí, truyền thanh truyền hình thông tin hoặc nghe ai nói gì cả, vào sở làm việc cũng chả có cô đồng nghiệp nào nhắc đến, nói chi bạn bè với mong đợi một bông hoa.
Nay vào lục kiếm trên internet, Wikipedia thì mới được biết thêm nhiều rằng thì là „Ngày Quốc tế Phụ nữ hay còn gọi là Ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế là ngày 8 tháng 3 hằng năm. Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 28 tháng 2 năm 1909 tại New York, Mỹ do Đảng Xã hội Mỹ tổ chức. Một cuộc biểu tình nhân ngày Phụ nữ vào ngày 8 tháng 3 năm 1917 tại Petrograd, Đế quốc Nga đã làm dấy lên cuộc Cách mạng Nga 1917. Liên bang Xô viết (Liên Xô) tuyên bố ngày này là ngày nghỉ quốc gia kể từ năm 1917, sau đó ngày lễ này chủ yếu được tổ chức trong các nước thuộc phong trào Xã hội Chủ nghĩa và các nước Cộng sản cho đến khi được Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1977.“
Cũng trên mạng internet, tôi đọc được rằng „Trên thế giới vào lúc này (năm 2019), chỉ có một nhúm nước (gồm 27 quốc gia) gọi ngày 8 tháng 3 là “ngày Quốc tế phụ nữ” để kỷ niệm trên qui mô quốc gia mà thôi. Gồm 4 nước xã hội chủ nghĩa là tàu cộng, Việt Nam, Lào và Cu Ba, 16 nước trước đây từng theo chế độ xã hội chủ nghĩa và một vài nước chậm phát triển như Burkina Faso, Guinea-Bissau…“ (QUỐC TẾ PHỤ NỮ” LÀ … QUỐC TẾ NÀO?…)
Như vậy Việt Nam phải là một trong những nước rất tôn trọng, biết vinh danh người PHỤ NỮ, có Hội Phụ Nữ, có Hội Bảo Vệ Bà Mẹ và Trẻ Em…. Với nhiều Luật bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ như Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình…
Nhưng nhìn về Việt Nam, xem tin tức thì thấy người phụ nữ Việt Nam vẫn phải cam nhận mọi thứ thiệt thòi, chịu đựng, hy sinh trong đời sống, định kiến, tập quán của văn hóa, xã hội, các tệ nạn bạo hành phụ nữ (và trẻ em) ngày càng tăng. Càng nhiều sự việc xảy ra hàng ngày tại quê nhà, những bất công, bóc lột, nạn bạo hành, xúc phạm tình dục, nhân phẩm với các em nữ sinh, giáo viên, công nhân, nông dân, các tù nhân nữ về tội chính trị tại trại tù cộng sản…
Điểm lại, có quá nhiều khuôn mặt các vị phụ nữ Việt Nam đã vì bản thân mình, gia đình và xã hội phải nổi dậy, phải lên tiếng phản kháng, đấu tranh, chống trả mọi bất công, áp bức: Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Thúy Hạnh, Đỗ thị Minh Hạnh, Cấn thị Thêu, Trần thị Nga, Huỳnh Thục Vy, Bùi Minh Hằng, Phạm Đoan Trang… và còn nhiều nữa. Những bà mẹ, những bà nội trợ, những công nhân, nông dân đã không quản ngại chân yếu tay mềm hay trình độ hiểu biết kém, bất chấp hiểm họa của đàn áp, đánh đập, bắt bớ, quản thúc, ngục tù… Họ lên tiếng phản kháng nhà cầm quyền hèn với giặc, ác với dân, họ xuống đường đấu tranh cho quyền lợi người dân, cho nền tự chủ của đất nước, người có trình độ thì viết sách, diễn thuyết về những tệ trạng, bất công đầy rẫy khắp nơi… Họ yểm trợ, khích lệ tinh thần cho nhau, ngay cả khi ở trong ngục tù hay bị quản thúc tại gia.
Nếu cần thiết phải có một bó hoa hoặc một bông hoa nào đó cho ngày 8 tháng ba, tôi xin dành kính tặng các vị nữ lưu này để bày tỏ lòng cảm phục của riêng mình.
Còn một ông nhà văn trí thức nào đó, mới đây lên tiếng nhân được truyền thông ngoại quốc hỏi về „cái gọi là Văn Đoàn Độc Lập“: „chúng tôi chưa muốn trở thành liệt sĩ…“
Đất nước mình đã có quá nhiều liệt sĩ rồi, bây giờ chỉ cần thêm những „trượng phu nam tử“, hay „thất phu“ cũng tốt. Vì „quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách“ .
Người Munich