Các đại diện Việt Nam và Liên minh Châu Âu tham dự lễ ký kết Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU-Việt Nam tại Hà Nội, ngày 30/6/2019. (Ảnh minh họa) REUTERS
Hôm 15/7/2024, nhiều hội đoàn xã hội dân sự trong và ngoài Việt Nam đã cùng gửi thông cáo “Tuyên bố về quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập của người lao động Việt Nam”. Thông cáo này được gửi đến Nhà nước Việt Nam, Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, các nước tham gia các hiệp ước thương mại như CPTPP, IPEF.
Việt Nam trì hoãn nghiệp đoàn độc lập
Trao đổi với RFA, ông Nguyễn Tiến Trung, một nhà hoạt động tham gia soạn thảo văn bản này, đã chia sẻ về lý do ông và các nhà hoạt động khác viết thông cáo về quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập của công nhân và người lao động Việt Nam vào thời điểm này. Theo ông, chính quyền Việt Nam đã liên tục có những động thái nhằm trì hoãn, thậm chí thủ tiêu quyền lợi chính đáng này của giai cấp công nhân Việt Nam. Cụ thể, ông Nguyễn Tiến Trung chỉ ra ba vấn đề thôi thúc ông và các nhà hoạt động khác lên tiếng về vấn đề nêu trên.
Vấn đề thứ nhất là chính quyền Việt Nam đã không ban hành thông tư, nghị định để hướng dẫn chi tiết cách thức người công nhân có thể đăng ký thành lập nghiệp đoàn độc lập. Ông nói:
“Tôi xin nhấn mạnh là người công nhân chỉ cần “đăng ký” chứ không phải “xin phép” chính quyền vì đó là quyền tự do thành lập nghiệp đoàn. Trong khi đó, để đối phó với quốc tế, chương 13 Bộ Luật Lao Động đã cho phép công nhân thành lập Tổ Chức Đại Diện Người Lao Động Tại Cơ Sở. Việc cố tình không ban hành thông tư, nghị định rõ ràng là để trì hoãn không cho người lao động thực hiện quyền của mình. Năm 2023 là thời hạn chót để công nhân Việt Nam có quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhưng bây giờ đã qua nửa sau của năm 2024.”
Vấn đề thứ hai là Hà Nội gần đây đã bắt giam một loạt nhà hoạt động trong nước và quan chức Chính phủ vận động cho quyền của người lao động theo Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO thuộc Liên Hiệp Quốc về quyền tự do lập hội của người lao động. Ông Trung nêu ra các trường hợp như Luật sư Đặng Đình Bách – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách phát triển bền vững, ông Vũ Minh Tiến (Trưởng ban Pháp chế và Chính sách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), và ông Nguyễn Văn Bình (Vụ trưởng Vụ pháp chế thuộc Bộ Lao động Thương binh Xã hội). Theo ông Nguyễn Tiến Trung, ông Đặng Đình Bách bị kết án tù vì ông đứng đầu một tổ chức xã hội dân sự uy tín tham gia vào việc giám sát thực thi các điều khoản trong Hiệp định Thương mại Tự do châu Âu – Việt Nam. Còn ông Bình và ông Tiến bị bỏ tù vì các ông đã dẫn đầu các nỗ lực thúc đẩy chính quyền Việt Nam thông qua Công ước 87 kể trên. Ông Trung nói tiếp:
“Việc trấn áp, đe dọa những người trí thức độc lập, thậm chí là quan chức chính phủ dám đòi hỏi quyền lợi cho người lao động là hành vi mang tính đe dọa đối với bất kì ai dám chủ động thành lập nghiệp đoàn độc lập thực sự tại Việt Nam. Nếu chính quyền cộng sản Việt Nam thông qua Công ước 87 của ILO vào tháng 10 năm nay như tin đồn thì có lẽ cũng chẳng còn ai dám đứng ra thành lập nghiệp đoàn độc lập thực sự. Nếu có thì đó chỉ là các nghiệp đoàn giả tạo do chính quyền Việt Nam lập ra để đối phó với quốc tế.”
Lý do cuối cùng thúc đẩy việc ra thông cáo nói trên là tình hình quốc tế gần đây. Ông Trung chỉ ra là trong năm nay (2024) chính quyền Mỹ sẽ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét một nền kinh tế có quy chế thị trường hay không là việc tiền lương được thỏa thuận thông qua đàm phán tự do giữa giới chủ và công nhân hay không. Trong đó, công nhân phải có quyền tự do lập hội và hội họp để tiến hành thương lượng tập thể với giới chủ. Do đó, ông Trung cho biết, tuyên bố của các tổ chức về quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập được đưa ra lúc này là để chính phủ Mỹ có thêm thông tin để cân nhắc, xem xét việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Trao đổi với RFA, bà Nguyễn Thị Ngọc Giao, Chủ tịch tổ chức dân sự phi lợi nhuận “Tiếng Nói Người Mỹ Gốc Việt” (Voice of Vietnamese Americans), nhấn mạnh đất nước Việt Nam đã thay đổi một thời gian dài, được nhiều sự giúp đỡ của quốc tế. Việt Nam đã được chấp nhận tham gia vào nhiều hiệp ước thương mại quốc tế như EVFTA, CPTTP. Các thành viên tham gia các hiệp ước này đều có trách nhiệm tôn trọng quyền của người lao động theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng Việt Nam vẫn không tôn trọng quyền của người lao động theo các tiêu chuẩn này. Nhắc lại việc bắt giam các ông Đặng Đình Bách, Vũ Minh Tiến, Nguyễn Văn Bình, bà Ngọc Giao cho rằng những vụ bắt giữ này cho thấy chính quyền Việt Nam không thực sự muốn làm những gì họ đã cam kết. Bà nói tiếp:
“Những vụ bắt bớ này mới chỉ diễn ra gần đây thôi, mới vào khoảng tháng 3 năm 2024 mới đây. Điều đó đã làm thế giới rất kinh ngạc. Nhưng đồng thời với chuyện đó thì Việt Nam lại muốn Hoa Kỳ phải công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường để được hưởng lợi về thuế.
Đây là hai thái độ trái ngược. Một mặt chính quyền muốn có lợi cho mình, nhưng mặt khác lại không muốn đem lại lợi ích cho người lao động. Trong khi đó, người lao động theo cách nói của chủ nghĩa cộng sản là nòng cốt của xã hội.”
Bà Ngọc Giao cho biết “Tiếng Nói Người Mỹ Gốc Việt” đã liên lạc với Đại sứ Katherine Tai, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ khóa 19 từ năm 2021, Bộ trưởng Gina Raimondo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Chủ tịch Liz Shuler của Liên đoàn Lao động và Đại hội các Tổ chức Công nghiệp Hoa Kỳ (AFL-CIO). Họ cũng đã gửi thư đến các Dân biểu trong Ủy ban Việt Nam (Vietnam Caucus) của Hạ viện Hoa Kỳ.
Công nhân nhà máy Tỷ Hùng của Đài Loan ở TPHCM hôm 30/11/2022 (minh họa). Hình: Nhac NGUYEN / AFP
Chấp nhận công đoàn độc lập: chỉ có lợi, tại sao không?
Câu hỏi đặt ra là tại sao chính quyền Việt Nam tìm cách trì hoãn công bố các hướng dẫn thành lập công đoàn độc lập, điều họ hứa sẽ thực hiện trong năm 2023? Câu trả lời thường thấy sẽ là do vấn đề “an ninh” của chế độ. Tuy nhiên, cả nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung và bà Nguyễn Ngọc Giao đều không đồng tình với lý do này. Bà Ngọc Giao chia sẻ góc nhìn của mình với RFA:
“Trên thực tế, nếu có công đoàn độc lập thì đó là một cách hóa giải những mâu thuẫn. Càng ngày khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam càng tăng. Nếu công đoàn độc lập, người công nhân có thể lên tiếng về nhu cầu của họ. Điều đó sẽ giúp hóa giải những bất công, áp lực xã hội. Điều đó sẽ giúp xã hội được ổn định hơn, giúp cho chế độ được vững bền hơn. Bất cứ nhà cầm quyền nào nếu lắng nghe người dân, hóa giải những bất công, đất nước an bình hơn thì vẫn ổn định hơn. Ngay lúc này, Việt Nam là một nước cộng sản và tất cả những hiệp ước thương mại chúng ta kí là kí với các nước thuộc thế giới tự do. Các quốc gia đó đều là các quốc gia dân chủ và coi trọng người lao động của họ. Nếu chúng ta kí hiệp ước với họ thì chúng ta phải tuân theo những điều đó. Nhưng Việt Nam không đi theo mà vẫn kiểm soát.”
Trao đổi với RFA, ông Nguyễn Tiến Trung cho rằng quyền lợi của công nhân có được bảo vệ thì đời sống người dân mới được ổn định. Nghiệp đoàn không có bổn phận bảo vệ chế độ mà bảo vệ người dân tránh khỏi bất công của giới chủ. Ông nói:
“Nhiệm vụ của nghiệp đoàn là bảo vệ quyền lợi công nhân, trong khi nhiệm vụ của Công Đoàn, hay Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, theo điều 1 của Luật Công Đoàn lại thòng thêm nhiệm vụ là bảo vệ chế độ XHCN, tức là chế độ độc đảng toàn trị hiện nay tại Việt Nam.”
Đồng tình với bà Ngọc Giao, ông Nguyễn Tiến Trung cũng cho rằng việc công nhân có thể liên kết với nhau để thành lập nghiệp đoàn độc lập sẽ giúp công nhân bảo vệ được quyền lợi của mình, giúp hóa giải bất công xã hội, tháo gỡ các xung đột xã hội, những dồn nén do bất công gây ra. Từ đó giúp cho xã hội ổn định. Và như thế, nghiệp đoàn độc lập giải tỏa được mối lo cho bất kì đảng cầm quyền nào là phải đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội. Ông nói tiếp:
“Nếu ĐCSVN khôn ngoan thì họ nên tạo điều kiện cho công nhân và người lao động Việt Nam thực thi quyền thành lập và tham gia nghiệp đoàn độc lập theo đúng như những gì họ đã ký kết trong EVFTA, CPTPP, và IPEF.”
RFA (16.07.2024)