Freedom House: Việt Nam tiếp tục siết chặt không gian mạng
Freedom House hôm 16/10/2024 ra báo cáo cho rằng Việt Nam không có tự do Internet.
Freedom House hôm 16/10 công bố báo cáo về tự do internet, nói rằng quyền tự do Internet vẫn bị hạn chế ở Việt Nam khi chính phủ nước này tiếp tục thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với môi trường trực tuyến của đất nước.
Freedom House, một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ chuyên hoạt động nhằm ủng hộ và bảo vệ dân chủ trên toàn cầu, đánh giá tự do internet mỗi nước theo thang điểm từ 100 đến 0, với 100 đại diện cho mức tự do cao nhất, và 0 là mức thấp nhất.
Trong báo cáo mới nhất, Freedom House tiếp tục liệt Việt Nam vào nhóm không có tự do internet, khi quốc gia này chỉ đạt 22 trên 100 điểm. Trong số 22 điểm này, mục rào cản tiếp cận bị đánh giá ở mức 12/25 điểm, mục hạn chế nội dung chỉ được 6/35 điểm, và mục vi phạm quyền của người dùng thậm chí còn thấp hơn, chỉ được 4/40 điểm.
Định danh người dùng
“Tự do internet vẫn bị hạn chế ở Việt Nam trong năm qua. Chúng tôi lo ngại về một dự thảo nghị định mới theo đó yêu cầu các nền tảng mạng xã hội định danh người dùng, chỉ cho phép các tài khoản đã được định danh đăng bài và có khả năng chặn các tài khoản chưa được định danh”, một đại diện của Freedom House trả lời VOA tiếng Việt trong cuộc họp báo trực tuyến công bố cáo cáo Tự do Internet toàn cầu hôm 16/10.
Freedom House đề cập đến dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP, trong đó các quy định mới được đề xuất sẽ buộc các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) chặn người dùng cá nhân truy cập internet nếu họ bị phát hiện có chia sẻ nội dung bị nhà nước coi là bất hợp pháp.
Ngoài ra, chính phủ Việt Nam vào tháng 6/2024 đã ban hành một nghị định khác về định danh và xác thực điện tử, theo đó nghiêm cấm sử dụng tài khoản định danh điện tử vào các hoạt động, giao dịch “trái quy định của pháp luật; xâm phạm đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia”. Nghị định 69/2024/NĐ-CP này có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
“Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với môi trường trực tuyến của đất nước. Nhà chức trách gây áp lực mạnh mẽ cho các công ty internet toàn cầu phải tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt nội dung và truy cập dữ liệu người dùng”, theo một đoạn trong báo cáo về Việt Nam của Freedom House.
Kiểm duyệt
Việc kiểm duyệt thường xuyên nhắm vào các trang blog hoặc trang web nổi tiếng có nhiều người theo dõi, cũng như nội dung bị xem là đe dọa đến sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, bao gồm thảo luận về tình trạng bất ổn xã hội hoặc bất đồng chính kiến, vận động cho nhân quyền và dân chủ cũng như chỉ trích phản ứng của chính phủ đối với vấn đề biên giới và tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, theo báo cáo mới nhất của Freedom House.
Nội dung các trang tin của các nhóm tôn giáo mà nhà nước coi là mối đe dọa tiềm tàng – bao gồm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Công giáo, Tin lành độc lập và nhóm Cao Đài – bị chặn ở mức độ thấp hơn nhưng vẫn đáng kể, vẫn theo Freedom House.
Báo cáo của tổ chức có trụ sở ở thủ đô Washington, Mỹ, nghi nhận rằng nội dung các bài đăng bị xóa ở mức đáng báo động trong thời gian qua và chính phủ đã sử dụng Luật An ninh mạng, có hiệu lực vào năm 2019, để gây áp lực cho các công ty truyền thông xã hội tuân thủ các yêu cầu xóa nội dung đó.
Nhà chức trách đã phạt nặng các bài đăng trực tuyến vì đăng “thông tin sai sự thật” và yêu cầu các cơ quan báo chí xóa nội dung mà các quan chức cho là “bất hợp pháp”.
Trang Zing News đã bị phạt hai lần trong thời gian qua, vào tháng 6 và tháng 7/2023, với tổng số tiền 423 triệu đồng (17.400 USD), vì đưa tin về các chủ đề bị cho là nằm ngoài phạm vi, nhiệm vụ của trang này. Chính phủ không công bố thông tin chi tiết, cụ thể là những bài đăng nào đã dẫn đến việc phạt này.
Ngoài việc kiểm duyệt, chính quyền Việt Nam còn “tích cực tìm cách thao túng dư luận trực tuyến”, thông qua các nhóm định hướng dư luận như “Lực lượng 47” của quân đội, “Ban chỉ đạo 35” của đảng ủy các cấp, theo Freedom House.
“Lực lượng 47, đơn vị quân đội hơn 10.000 người có nhiệm vụ chống ‘các quan điểm sai trái, xuyên tạc trên mạng’ được thành lập năm 2017 và từ đó đã mở rộng ra các quân khu ở nhiều tỉnh, thành”, báo cáo viết.
“Ở Việt Nam kiểm duyệt thông tin, kiểm duyệt internet một cách gắt gao, làm cho những người sử dụng internet rất khó chịu, đặc biệt là thông tin qua điện thoại, qua tin nhắn Messenger…”, nhà hoạt động Phạm Văn Trội, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, chia sẻ quan điểm của ông với VOA hôm 16/10.
Nhà hoạt động từng bị giam cầm 7 năm vì bị quy vào tội “lật đổ chính quyền” cũng bày tỏ quan điểm rằng nhà nước Việt Nam “đương nhiên gây khó khăn cho các nhà hoạt động, những người có quan điểm đối lập, bất đồng chính kiến”.
Bỏ tù người dùng mạng xã hội
“Chính quyền Việt Nam cũng áp đặt án tù đối với những người bảo vệ nhân quyền và người dân thường vì các hoạt động trực tuyến của họ, trong đó có một người bị kết án 8 năm tù chỉ vì là quản trị viên của một trang Facebook”, vị đại diện của Freedom House nói với VOA tại cuộc họp báo trực tuyến.
Báo cáo điểm lại thực trạng: “Nhà chức trách tiếp tục tiến hành trấn áp đáng kể đối với ngôn luận trực tuyến trong thời gian qua. Việc truy tố các hoạt động trực tuyến diễn ra phổ biến và một số blogger và người bảo vệ nhân quyền phải nhận các bản án tù dài hạn. Tính đến tháng 3/2024, 175 nhà hoạt động đã bị giam giữ vì thực thi các quyền cơ bản của họ, bao gồm cả quyền tự do ngôn luận”.
Một số nhà báo, nhà hoạt động và nhà bất đồng chính kiến đã bị kết án tù nặng nề trong thời gian báo cáo được lập, họ bao gồm cả những người bị quy là vi phạm Điều 117 của Bộ luật hình sự.
Tháng 3/2024, Nguyễn Văn Lâm, quản trị viên của trang Facebook “Nhật ký Yêu nước”, bị kết án 8 năm tù về tội “làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu chống nhà nước” theo Điều 117, Freedom House đưa ra dẫn chứng.
Ngoài ra, tổ chức này cũng nêu trường hợp của các nhà bình luận trên YouTube như Phan Sơn Tùng, Thái Văn Đường, Nguyễn Chí Tuyến, hay Facebooker Hoàng Việt Khánh bị chính quyền giam cầm vì các nội dung bị xem là “chống chính quyền” trên mạng xã hội.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ bình luận về báo cáo mới của Freedom House, nhưng chưa được phản hồi.
Sau các báo cáo của Freedom House với kết luận “không có tự do Internet” ở Việt Nam vào những năm trước, truyền thông trong nước lên án các “đánh giá mơ hồ” của tổ chức này. Báo chí của quốc gia cộng sản cho rằng đó là những “luận điệu xuyên tạc”, có “âm mưu chống phá, hạ thấp uy tín” của Việt Nam.
Ngoài Việt Nam, các quốc gia khác có chỉ số tự do internet thấp nhất theo bảng xếp hạng 2024 của Freedom House bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Iran, Cuba, Nga và Belarus.
VOA (17.10.2024)
Trần Huỳnh Duy Thức gửi thư cho Tô Lâm, tố cáo nhà tù ‘hà khắc’ ở Nghệ An
Nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức, người vừa ra tù hồi trung tuần tháng trước, công khai thư ngỏ đề gửi ông Tô Lâm, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, nhằm tố cáo sự khắc nghiệt của một nhà tù ở tỉnh Nghệ An.
Ông Thức được trả tự do sớm tám tháng so với bản án 16 năm tù, tại trại giam số 6 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, vào hôm 20 Tháng Chín. Đây là nơi đang giam cầm nhiều tù nhân lương tâm, trong số đó có ba người đang tuyệt thực dài ngày là các ông Bùi Văn Thuận, Trịnh Bá Tư và Đặng Đình Bách.
Trại giam số 6 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đang giam cầm nhiều tù nhân lương tâm. (Hình: Facebook Thu Đỗ)
Theo ảnh chụp thư ngỏ đăng trên trang cá nhân hôm 15 Tháng Mười, ông Thức tố cáo đích danh ông Thái Văn Thủy, phó giám thị nhà tù nêu trên, áp đặt chế độ “chuồng cọp,” nhắm vào các tù nhân lương tâm.
Theo đó, các “chuồng cọp” có diện tích chỉ vài mét vuông, nhằm ngăn cách tù nhân với sân tập thể dục và sân trồng rau.
Các tù nhân lương tâm bị giam cầm trong “chuồng cọp” 24/7 thay vì trong phòng giam thông thường 12 giờ rồi được cho ra tập thể dục và trồng rau như trước đây.
Theo lời ông Thức, ba ông Thuận, Tư và Bách tuyệt thực từ hôm 28 Tháng Chín để đòi chấm dứt chế độ “chuồng cọp” “hà khắc và phi nhân tính,” đồng thời kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam “trả tự do cho các tù nhân chính trị nhằm dân chủ hóa đất nước.”
Trong thư, ông Thức nhắc lại chuyện ông Tô Lâm từng có phát biểu cho rằng “con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại…”
Cuối thư, ông Thức bày tỏ mong muốn ông Tô Lâm “dành thời gian đọc thư” và “phản hồi.”
Từ trái, ông Trịnh Bá Tư, ông Đặng Đình Bách, và ông Bùi Văn Thuận bắt đầu tuyệt thực từ ngày 28 Tháng Chín. (Hình: Tài liệu)
Tính đến hôm 16 Tháng Chín, ông Bùi Văn Thuận và ông Trịnh Bá Tư tiếp tục tuyệt thực trong lúc ông Đặng Đình Bách đã nhận phần ăn trở lại do “không bảo đảm sức khỏe.”
Hồi trung tuần Tháng Chín, chỉ một ngày sau khi ra tù, ông Trần Huỳnh Duy Thức công khai thư ngỏ “gửi đồng bào,” tố cáo chuyện mình bị “cưỡng bức đặc xá” và khiêng ra khỏi trại giam số 6.
Việc trả tự do cho ông Thức hết sức gấp gáp vì diễn ra chỉ vài giờ trước khi ông Tô Lâm lên đường đi Mỹ dự họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và gặp ông Joe Biden, tổng thống Mỹ.
Nguoi Viet (16.10.2024)
Trại giam số 6: Hai trong số ba TNLT tiếp tục tuyệt thực sang ngày thứ 19
Ông Bùi Văn Thuận (trái) và Trịnh Bá Tư RFA edited
Ông Đặng Đình Bách đã ăn trở lại khi không đảm bảo sức khỏe, hai tù nhân lương tâm (TNLT) khác là ông Bùi Văn Thuận và Trịnh Bá Tư tiếp tục cuộc tuyệt thực của mình sang ngày thứ 19 trong Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An).
Cả ba ông bắt đầu cuộc tranh đấu của mình từ ngày 28/9 vừa qua để phản đối hình thức giam giữ TNLT trong “chuồng cọp” ở Phân trại 1, cũng như đòi trả tự do cho tất cả những người bất đồng chính kiến đang trong lao tù ở Việt Nam.
Ngày 16/10, ông Trịnh Bá Khiêm, bố của ông Trịnh Bá Tư, cùng con gái là Trịnh Thị Thảo, đã đến trại giam để thăm gặp nhà hoạt động trẻ tuổi này, người đang thi hành bản án 8 năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước.”
Trên đường trở về nhà trong chiều cùng ngày, bà Thảo nói với RFA:
“Anh Bách đồng hành với Tư và anh Thuận được 10 ngày tuyệt thực. Do sức khỏe của anh Bách yếu nên anh Bách dừng tuyệt thực sau 10 ngày, và sau hai ngày thì sức khoẻ dần ổn định.
Tư và anh Thuận sẽ vẫn tiếp tục tuyệt thực và chưa nói sẽ dừng ngày nào.”
Bà Thảo cho biết thêm sức khỏe của ông Tư tạm ổn dù có bị hoa mắt và chóng mặt, cân nặng giảm 9 kg (từ 68 kg xuống còn 59 kg). Riêng ông Thuận bị đau khớp nặng và không đi lại được trong khoảng 5-6 ngày nhưng hai ngày nay có thể đi lại nhẹ nhàng.
Bà Thảo nói rằng trong cuộc nói chuyện qua điện thoại và ngăn cách bằng lớp kính dày, mờ dưới sự giám sát chặt chẽ của nhiều an ninh, ông Tư cho biết ngày 14/10, đại diện trại giam là trung uý Nguyễn Ngọc Thuận đến làm việc với hai người đang tuyệt thực. Bà thuật lại:
“Phía trại giam có nói là sẽ mở cửa ‘chuồng cọp,’ mở một vài tiếng trong ngày chủ nhật để các anh em tù chính trị có thể ra tập thể dục ở sân chung. Họ nói là có đề xuất lên trên để chấm dứt cái tình trạng ‘chuồng cọp’ đối với các tù nhân chính trị và họ nói là sẽ trả lời sau.”
Tuy nhiên, hai ông Tư và Thuận vẫn tiếp tục tranh đấu cho đến khi được đáp ứng yêu sách là mở cửa “chuồng cọp” trong tất cả các ngày trong tuần.
Trước đó, vào ngày 9/10, cán bộ trại giam đưa người vào buồng giam để khám xét nhưng không tìm được gì vì hai ông đã cho toàn bộ thực phẩm dự trữ của mình cho các bạn tù khác.
Phóng viên không thể kết nối với số điện thoại của Trại giam số 6 đăng trên mạng Internet để đề nghị bình luận về cuộc tuyệt thực tập thể của tù nhân chính trị ở Phân trại 1.
Cựu TNLT Trần Huỳnh Duy Thức kêu gọi xoá bỏ hình thức “chuồng cọp”
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, người bị kết án 16 năm tù về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” bị giam trong cùng phân trại với ba tù nhân nói trên trước khi được phóng thích vào cuối tháng trước.
Ông là người trải nghiệm bị giam giữ trong “chuồng cọp” từ giữa tháng 4 cho đến khi được trả tự do,
Trên trang Facebook cá nhân, ông đã công bố thư gửi Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm với đề nghị cựu bộ trưởng công an dùng quyền lực của mình để xoá bỏ chế độ giam giữ chuồng cọp vô nhân đạo.
Trong thư đề ngày 13/10, ông viết:
“Chế độ giam cầm bằng chuồng cọp không chỉ vi phạm nhân quyền mà còn vi phạm luật pháp Việt Nam hiện hành. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và đi ngược lại những cam kết mà ông đã phát biểu.
Mọi người không thể hiểu được trong thế giới văn minh ngày nay lại có thể tồn tại những chế độ tù đày tàn ác và phi nhân tính đến như vậy.”
Ông Thức đề nghị ông Tô Lâm “xem xét và chấm dứt ngay chế độ giam giữ chuồng cọp ở Trại giam số 6, nhằm bảo đảm rằng các tù nhân được đối xử nhân đạo và công bằng dựa trên cơ sở pháp luật.”
Trước đó, ông Thức mô tả “chuồng cọp” trong Phân trại 1 là những ô vuông bằng song sắt chỉ có một mét vuông, ngăn cách buồng giam với sân chung, không đủ cho một người thoải mái di chuyển.
Từ buồng giam, tù nhân chính trị không thể ra ngoài khu vực sân chung để tập thể dục hoặc làm vườn do phó Giám thị trại giam Thái Văn Thủy yêu cầu khóa cửa “chuồng cọp” từ tháng 4.
RFA (16.10.2024)
Nữ ngôi sao nhạc trẻ gốc Việt- Hanni Pham, kêu gọi đối xử tốt hơn với giới nghệ sĩ
Citizen/RFA edited
Nữ ngôi sao nhạc trẻ gốc Việt, Hanni Pham, của nhóm nhạc New Jeans, vào ngày 15/10 lên tiếng tại một phiên điều trần ở Quốc hội Seoul về trường hợp bản thân bị bắt nạt với kêu gọi đối xử tốt hơn cho những nghệ sĩ trẻ như cô.
Reuters loan tin dẫn phát biểu của ca sĩ Australia gốc Việt 20 tuổi- Hanni Pham, rằng “Tôi hy vọng những nghệ sĩ thực tập không phải chịu áp lực và bị bắt nạt; đó là lý do tôi quyết định xuất hiện (tại phiên điều trần)”.
Việc ra làm chứng tại một phiên điều trần ở Quốc hội Hàn Quốc của một ngôi sao nhạc trẻ về thực tế bắt nạt trong ngành công nghệ giải trí như thế được cho là hiếm hoi.
Suốt nhiều năm qua, ngành công nghệ nhạc trẻ Hàn Quốc đầu tai tiếng về những than phiền quá áp lực và nạn bắt nạt những người trẻ bước chân vào nghề.
Vào năm ngoái, Hanni Pham, sinh năm 2004, người Australia gốc Việt, thành viên của nhóm nhạc New Jeans bị cộng đồng hâm mộ (fan) nhạc trẻ Hàn Quốc (K-pop) kêu gọi tẩy chay. Lý do vì ông bà, cha mẽ của cô này b cho “có tư tưởng theo chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH)”.
Từ ngày 6/2/2023, trên các diễn đàn cộng đồng fan Kpop tại Việt Nam như K CRUSH ĐỘNG với gần 589 ngàn thành viên, K Flower có hơn 418 ngàn người theo dõi… đều đồng loạt đăng tải các bài viết về xuất thân, gia thế của Hanni.
Các chủ tài khoản đó truy tìm tất cả tài khoản Facebook người thân của Hanni, từ ông bà, cha mẹ cho đến người thân của ca sỹ này đã từng chụp hình dưới lá cờ vàng của VNCH. Suy diễn được đưa ra là Hanni được nuôi dạy trong một gia đình theo VNCH nên ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.
Những bài viết này thu hút hàng ngàn bình luận. Cộng đồng fan Việt, mà đa phần là học sinh, sinh viên, cho rằng gia đình Hanni thuộc thành phần “phản động, ba que, bán nước”… cần phải tẩy chay cô ca sĩ này.
RFA (15.10.2024)
Vận động Quốc Hội Đức làm “sống” lại hồ sơ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Hành vi đàn áp xuyên quốc gia của nhà nước Việt Nam tại Đức
Ngày 10 tháng 10 vừa qua, trong phần phát biểu bế mạc Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng Thăng Tiến Tự Do Tôn Giáo, Nghị Sĩ Quốc Hội Đức Ông Frank Schwabe cho biết có thể sẽ triệu tập buổi điều trần về hành vi đàn áp xuyên quốc gia của một số chính phủ, trong đó có Việt Nam.
“Tại bữa cơm chiều hôm trước đó, tôi giới thiệu nhà báo Lê Trung Khoa với Ông Shwabe, nhấn mạnh rằng nhà báo này đang bị đe dọa bởi tòa đại sứ Việt Nam ở Berlin và được cảnh sát Đức bảo vệ,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, chia sẻ. “Ông Schwabe cho biết đàn áp xuyên quốc gia là lĩnh vực chuyên trách của Ông ở Quốc Hội Đức,”
Nghị Sĩ Frank Schwabe và nhà báo Lê Trung Khoa đang trao đổi thông tin cá nhân, ngày 09/10/2024 (ảnh BPSOS)
Trong phần trao đổi tiếp theo với nhà báo Lê Trung Khoa và Ts. Thắng, Ông Schwabe kể rành mạch vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: “Nó diễn ra cách đây chỉ mấy góc đường. Tôi theo dõi sát vụ này.”
Bữa cơm chiều ngày 9 tháng 10, do BPSOS đồng tổ chức, tạo cơ hội cho số người trẻ tham gia hội nghị cấp bộ Trưởng tiếp xúc các quan chức chính phủ và thành phần lãnh đạo quan trọng thuộc xã hội dân sự đến từ nhiều quốc gia.
Nghị Sĩ Schwabe là Uỷ Viên cho Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin của chính phủ Đức và đại diện quốc gia này trong Liên Minh Quốc Tế cho Tự Do Tôn Giáo và Niềm Tin, gồm 38 quốc gia thành viên, chưa kể 5 quốc gia thân hữu và 3 quốc gia quan sát viên. Ông là người đứng ra tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng vừa rồi.
Cũng có mặt tại bữa cơm chiều là Đại Sứ Robert Rehak thuộc Cộng Hòa Séc, đương kim chủ tịch của liên minh quốc tế kể trên.
Ts. Thắng đang làm việc với Giám Đốc Văn Phòng của Ông Schwabe về triển vọng thực hiện buổi điều trần về đàn áp xuyên quốc gia tại Quốc Hội Đức.
“Tôi đề nghị họ mời nhà báo Lê Trung Khoa làm nhân chứng điều trần, vừa trong tư cách nạn nhân vừa là nhà báo theo dõi và đăng tin về vụ bắt cóc Ông Trịnh Xuân Thanh,” Ts. Thắng cho biết.
http://machsongmedia.org (13.10.2024)
Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh mãn hạn tù và những uẩn khúc chưa sáng tỏ
- LS. Đặng Đình Mạnh
Ngày 6 Tháng Mười 2024, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh đã được chế độ Cộng sản trả tự do về nhà sau khi đã mãn hạn tù 3 năm 6 tháng tù giam. Bà bị bắt giữ vào ngày 07 Tháng Tư 2021 với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước…” theo điều 117 Bộ luật Hình sự.
Ngay khi về đến nhà tại Hà Nội, bà đã đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook vài dòng thông tin về sức khỏe, cùng lời cảm ơn mọi người đã quan tâm đến trường hợp của bà. Trong đó, ngoài căn bệnh trầm cảm, thì công chúng không khỏi ngỡ ngàng khi bà thông tin cả về căn bệnh ung thư đầy hiểm nghèo mà bà đang phải đối diện.
Trước đó, ngày 31 Tháng Bảy 2024, bà bị đưa ra xét xử tại Tòa án Thành phố Hà Nội một cách đầy lặng lẽ và chóng vánh. Thậm chí, đến cả các luật sư của bà cũng không hề được tòa án thông báo gì về phiên xử,và truyền thông trong nước cũng giữ thái độ im lặng đầy bất thường về một vụ xử án chính trị.
Danh tính bà Nguyễn Thúy Hạnh không hề xa lạ gì đối với những người đã từng quan tâm đến diễn biến thời cuộc trong nhiều năm trở lại đây, và lại càng trở nên nổi tiếng hơn khi gắn liền với Quỹ 50K do bà sáng lập và điều hành, một quỹ công khai quyên góp vật chất từ công chúng trong và ngoài nước để trợ giúp cho các gia đình tù nhân lương tâm Việt Nam.
Bài viết của bà Thúy Hạnh đăng tải trên trang mạng xã hội, đã thu hút hàng vài nghìn lượt bày tỏ cảm xúc, cùng với hàng trăm lời bình luận có nội dung chúc mừng, thăm hỏi sức khỏe cùng những lời cầu chúc tốt đẹp.
Tuy vậy, cùng với sự vui mừng mà công chúng dành cho bà, thì vẫn còn tồn tại khá nhiều uẩn khúc liên quan đến vụ án của bà vốn chưa từng được công khai. Mà có lẽ, chính người trong cuộc còn sẽ phải giữ kín đáo về nó vì lý do an ninh cho chính mình.
Theo đó, chúng ta chỉ có thể giải thích về chúng bằng sự xét đoán qua các thông lệ đã từng có từ trước cho đến nay, trong nền tư pháp đấy tính chất tùy tiện ở Việt Nam mà thôi.
Như, bà Thúy Hạnh đã bị xét xử theo tội danh gì? Xét xử vào lúc nào? Hình phạt đã tuyên như thế nào? Xét xử kín hoặc công khai mà truyền thông không đưa tin? Có luật sư tham gia hay không? Số tiền còn lại trong Quỹ 50K và đặc biệt, khoản tiền hơn 571 triệu đồng mà công chúng phúng điếu tang lễ cụ Lê Đình Kình đã được xử lý như thế nào?
Những điều đã biết:
– Về tội danh: Theo thông tin không chính thức mà chúng tôi được biết, thì bà Thúy Hạnh bị khởi tố hình sự, bắt giữ, cáo buộc và xét xử theo tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo khoản 1, điều 117 Bộ luật Hình sự. Hình phạt theo quy định khoản 1 có mức khởi điểm là 5 năm tù giam và cao nhất là 12 năm tù giam (Tham khảo thêm, mức hình phạt cao nhất tại khoản 2 có thể lên đến 20 năm tù giam).
– Về thời điểm xét xử: Phiên tòa xét xử vụ án của bà diễn ra lặng lẽ và hết sức chóng vánh trong buổi sáng ngày 31 Tháng Bảy 2024 tại trụ sở Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội.
– Về hình phạt: Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bà với mức án 3 năm 6 tháng tù giam, không có hình phạt bổ sung. Trong đó, thời gian bà bị điều trị bệnh trầm cảm bắt buộc được trừ vào thời gian thụ án. Bà được trả tự do sau khi đã mãn hạn tù giam chứ không được giảm án.
– Về thủ tục xét xử: Hệ thống truyền thông trong nước không đưa tin cũng như công chúng không có thông tin. Thế nhưng, chính thức thì phiên tòa xét xử bà là một phiên tòa công khai.
– Về luật sư: Đã có một số luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho bà. Tuy vậy, họ đã không được tòa án thông báo lịch xét xử. Vì lẽ, chính bà Thúy Hạnh đã từ chối nhận luật sư bào chữa trước đó.
Những điều chưa rõ:
Bao gồm số tiền còn lại trong Quỹ 50K và đặc biệt, khoản tiền hơn nửa tỷ đồng mà công chúng phúng điếu tang lễ cụ Lê Đình Kình đã bị chế độ ra quyết định xử lý như thế nào?
Trong đó, chúng ta có thể đánh giá một cách tổng quan như sau:
Về tội danh: Có thể khẳng định, một người bị cáo buộc với tội danh theo điều 117 là hoàn toàn bất công. Ít nhất vì 2 lẽ:
– Vì hành vi: Đối với các quốc gia văn minh, các hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”[*] như điều 117 Bộ luật Hình sự quy định chỉ có ý nghĩa biểu đạt chính kiến chính trị. Điều đó là quyền tự do của công dân. Chúng không phải là hành vi tội phạm để có thể phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
– Vì hình phạt: Đã không phải là tội phạm, mà chế độ còn quy định hình phạt quá hà khắc, trong đó, mức khởi điểm hình phạt đã là 5 năm tù giam. Mức cao nhất lên đến 20 năm tù giam chỉ vì “Tuyên truyền”?!
Do hình phạt theo tội danh theo điều 117 rất nặng, nên bà Thúy Hạnh chỉ bị tuyên mức án 3 năm 6 tháng tù, không bị quản chế sẽ rất dễ bị đánh giá là rất nhẹ, do mức án dưới khung hình phạt. Đồng thời, cũng rất nhẹ so với những người từng bị cáo buộc cùng tội danh này, như: ông Phạm Chí Dũng 15 năm tù, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Nguyễn Năng Tĩnh 11 năm tù, Trịnh Bá Phương, Đỗ Nam Trung 10 năm tù, Phạm Đoan Trang 9 năm tù, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư 8 năm tù… Tất cả đều phải kèm theo hình phạt bổ sung là án quản chế tại địa phương sau khi mãn hạn tù từ 3 đến 5 năm.
Tuy bà Thúy Hạnh có mức án tuyên nhẹ nhất, nhưng tính chất bất công của tội danh không thay đổi. Vì hành vi của bà cùng tất cả những người bị cáo buộc tội này đều không phải là tội phạm để phải chịu hình phạt tù đày.
Về việc phiên tòa xét xử lặng lẽ, không được thông tin
Trong hầu hết phiên tòa chính trị, truyền thông luôn luôn tham gia đưa tin để định hướng, tuyên truyền trong công chúng về hình ảnh “xấu xa” của tội phạm chính trị, nhằm mục đích “giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung”. Thế nhưng, vụ án xét xử bà Thúy Hạnh đã bị an ninh che khuất đến mức không có một dòng thông tin nào được truyền thông công khai là có lý do!
Lý do chỉ có một: Che dấu thông tin đáng xấu hổ về vụ án.
Về việc từ chối luật sư: Đối với những vụ án chính trị, Cơ quan An ninh Điều tra luôn luôn được chế độ Cộng sản “bảo kê” về quá trình điều tra vụ án. Điều này khiến cho các điều tra viên thường chủ quan, điều tra qua quýt, chứng cứ lỏng lẻo, đầy sơ hở… Thường là suy đoán chủ quan theo nguyên tắc rất vô pháp: “Đã bắt là có tội”.
Cho nên, chỉ cần một cậu luật sư trẻ trung, vừa “ra ràng” là đủ soi và phủ nhận hồ sơ điều tra vụ án. Vì thế, Cơ quan An ninh Điều tra luôn luôn dị ứng với việc có luật sư tham gia vụ án chính trị.
Giải pháp của họ là dụ dỗ, thuyết phục nghi can từ chối luật sư để được hưởng mức hình phạt nhẹ. Trong hoàn cảnh thiếu hiểu biết về pháp luật, luôn bị đe dọa, muốn thoát khỏi lao tù sớm… thì thường sẽ có “thỏa hiệp” với nhau.
Việc bà Thúy Hạnh phải từ chối luật sư và để phiên tòa xét xử mình diễn ra một cách lặng lẽ đã có thể là kết quả của sự thỏa hiệp đó.
Vấn đề còn lại là số tiền còn lại trong Quỹ 50K và đặc biệt, khoản tiền 571 triệu đồng phúng điếu tang lễ cụ Lê Đình Kình
Về bản chất pháp lý, cả 2 khoản tiền trên đều không thuộc sở hữu của bà Thúy Hạnh, mà nó là các khoản ký thác của công chúng nhờ bà ấy chuyển giúp đến các gia đình tù nhân lương tâm và cụ bà Dư Thị Thành (người phối ngẫu hợp pháp của ông cụ Lê Đình Kình, dân oan Đồng Tâm, người bị công an cộng sản bắn thẳng ngực).
Việc ký thác tiền và nhận ký thác tiền đều hoàn toàn tự nguyện. Hai bên thực hiện giao dịch một cách hợp pháp qua hệ thống ngân hàng. Mục đích ký thác cũng không thuộc các điều cấm của pháp luật. Thế nên, chế độ cộng sản không có tư cách lẫn thẩm quyền gì để tịch thu 2 khoản tiền ấy cả.
Thời điểm phong tỏa tài khoản lưu giữ tiền phúng điếu tang lễ cụ Lê Đình Kình vào thượng tuần Tháng Tư 2021, chế độ cộng sản đã cho rằng chúng là khoản tiền tài trợ khủng bố. Nhưng đến nay, đã không có bất kỳ hành vi khủng bố nào được xác định cả. Cho thấy việc phong tỏa tài khoản trước đây là vô căn cứ. Cần phải hoàn trả lại 2 khoản tiền nêu trên cùng với lãi phát sinh cho đến nay để bà Thúy Hạnh hoàn tất việc được công chúng ký thác.
Song song đó, với tư cách là người nhận ký thác, có lẽ bà Thúy Hạnh cũng nên sớm có câu giải thích về số phận của 2 khoản tiền ấy cho những người đã tin cậy, khi ký thác tiền cho bà nhờ chuyển giúp. Điều này hoàn toàn chính đáng và chẳng thể là lý do để lực lượng an ninh trách cứ sau khi bà đã minh bạch về chúng.
—
[*] Khái niệm “Nhà nước” trong chế độ cộng sản bị lạm dụng như một quốc gia. Trong thực tế, người đấu tranh chống lại chính quyền độc tài hoặc đảng cộng sản độc tài chứ không chống lại quốc gia mà mình là công dân.
DC, ngày 07 Tháng Mười 2024
Đặng Đình Mạnh
Nguồn: FB Manh Dang