„Hình như là quy luật, ở những nơi càng dân chủ, văn minh, thịnh vượng thì khẩu hiệu lại càng ít.“

Nguyễn Thành Trung

Nước Mỹ không có những khẩu hiệu như: “Hoa Kỳ muôn năm” hay: “Washington vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta”…, vậy mà vẫn là cường quốc số 1 thế giới, lớp lớp thế hệ người dân Mỹ suốt 243 năm qua vẫn yêu quý vị Tổng thống đầu tiên của họ; Cũng không có “Tinh thần ngày 1/5 bất diệt”, dù ngày quốc tế lao động sinh ra từ nơi đây;

Không có gì là “bách chiến, bách thắng và vô địch muôn năm”, vì mọi thứ (kể cả chân lý) đều có thể thay đổi theo thời gian…

Singapore không cần khẩu hiệu: “dân chủ, công bằng, văn minh” nhưng đất nước thịnh vượng, sạch đẹp, an bình, luật pháp nghiêm minh, tham nhũng gần như không tồn tại. Thủ tướng Lý Quang Diệu được coi là người hùng, là ân nhân của đất nước này, nhưng đi khắp Singapore không có bất cứ tượng đài hay quảng trường nào mang tên ông…

Nhật không có phong trào: “học tập và làm theo Nhật hoàng”. Nhưng người dân trung thành và phụng sự Tổ Quốc hết mình; sống giản dị, nhân văn, có trách nhiệm, làm việc chăm chỉ đến lúc chết.

Pháp cũng không có: “Hoàng đế Napoleon vĩ đại”, dù ông ta đã từng chinh phục cả châu Âu.

Đơn giản, vì tại các nước văn minh, việc ai nấy làm, họ coi đó là bổn phận đương nhiên vì lợi ích quốc gia; mọi thứ đều công khai, minh bạch, phân định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm.., nên không cần những khẩu hiệu sáo rỗng, với lời lẽ đao to búa lớn, bịp bợm, mị dân. Họ nói ít, làm nhiều, giá trị của mỗi người được nhìn nhận qua kết quả công việc và đóng góp cụ thể cho xã hội. Đặc biệt, họ không có thói quen tự ca ngợi, tâng bốc lẫn nhau, mà ngôn ngữ hiện đại gọi là “tự sướng”… Khi qua đời, dù danh nhân, vĩ nhân đều không ồn ào, khoa trương, kể lể công trạng; nấm mồ của họ chẳng hơn dân thường bao nhiêu…

Hình như là quy luật, ở những nơi càng dân chủ, văn minh, thịnh vượng thì khẩu hiệu lại càng ít.

(Thesaigonpost)