„Người Việt đã bỏ nước ra đi từ năm 75 và giờ vẫn ra đi.“

Đoàn Bảo Châu

Tự bản thân những con số đã nói lên nhiều. Những người bỏ quốc tịch Việt Nam có thể do quá sốt ruột nên không thể chờ đợi được tới ngày Việt Nam chính thức đặt chân lên thiên đường tươi đẹp của CNXH chăng?

Điều đáng buồn là hầu hết những người từ bỏ quốc tịch Việt Nam là những người có tiền, có năng lực. Họ là tiền bạc, họ là chất xám, họ đi là mang cả nguồn lực tài chính và chất xám ra đi.

Họ bỏ đi bởi họ nhìn thấy xã hội này đang thối rữa về nhiều mặt. Ô nhiễm trong đầu con người hay có thể gọi là sự suy thoái về văn hoá và trong môi trường. Không ngành nghề nào là không có vấn đề, ngành giáo dục là ngành quan trọng nhất thì lại cũng là ngành đáng buồn, đáng lo ngại nhất. Thay vì động viên tinh thần sống có trách nhiệm, ngành giáo dục mới ra quy định cấm học sinh không được viết làm “ảnh hưởng xấu” lên mạng xã hội.

Tất cả những sự xuống dốc ấy dẫn tới việc vị thế của đất nước kém đi trong tương quan thế giới. Đã bao giờ trong lịch sử mà dân tộc Việt phải chịu lép vế đến thế với thằng hàng xóm to xác chưa?

Mà điều chắc chắn là tình hình này sẽ trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Hãy nghe các quan chức phát biểu thì chúng ta sẽ thấy rõ điều ấy. Trong những lời phát biểu ấy, ta đã không thấy sự lấp lánh của trí tuệ, ánh sáng dẫn lối dân tộc mà nhìn thấy rõ sự tù túng, lạc hậu và ngây thơ trong tư duy, một lối tư duy của mấy chục năm trước.

Trong khi ấy thì người dân sẽ ngày càng bị bóp nghẹt về thuế má. Ở nhà thì bị ngành điện móc túi, ra đường thì có BOT bẩn, con cái đến trường thì bị ép học thêm, không học thêm thầy cô giáo trù dập, vấn đề này ở nông thôn tệ hơn ở thành thị khi mà người dân có nhiều nỗi sợ hơn, không có tri thức để phản kháng.

Người Việt đã bỏ nước ra đi từ năm 75 và giờ vẫn ra đi. Điều ấy thật vô cùng đáng buồn. Ngày xưa họ ra đi bởi bất đồng về chính trị, vì bị chèn ép khổ cực, giờ họ ra đi bởi trong lòng đã tắt ngấm hy vọng về một ngày mai tươi sáng ở mảnh đất này.

Đoàn Bảo Châu