Nguyễn Thanh Việt

Những ngày lễ tết Việt Nam luôn khiến tôi nghĩ ngợi về câu hỏi nếu là một người Việt thì có nghĩa gì, và nếu không phải thì sao. Tôi không quan tâm lắm đến bản thân câu hỏi vì sẽ không có câu trả lời nào xác đáng. Cái mà tôi quan tâm chính là những ẩn ý đằng sau.

Câu hỏi đó ngầm ám chỉ rằng có một cái gọi là “bản sắc Việt” và người ta định nghĩa nó bằng một danh sách: bạn là người Việt nếu biết phân biệt phở ngon và phở dở; bạn là người Việt nếu có một nhãn hiệu nước mắm ưa thích; bạn là người Việt nếu cảm động khi nghe Khánh Ly hát; bạn là người Việt nếu biết ai là Modern Talking; bạn là người Việt nếu…, danh mục cứ thế kéo dài. Điều duy nhất khiến tôi hứng thú với câu hỏi: “Người Việt nghĩa là thế nào?” là bởi vì chính tôi, hoặc chúng ta, hoặc bất kỳ ai khác, đều có thể bật ra câu hỏi đó.

Tôi hay nhận được những biến thể khác nhau của câu hỏi này. Tôi đến buổi tiệc Tết, trò chuyện với một học giả trẻ mới từ Việt Nam sang. Chỉ mới trao đổi khoảng một phút, bằng tiếng Anh, cô đã nói: “Anh không phải người Việt Nam, đúng không?”.

Chuyện này cũng nhắc tôi về lần tôi ăn tối với nhóm chuyên gia nghiên cứu Việt Nam trong đó có một nghiên cứu sinh trẻ cũng ở Việt Nam sang, người hỏi tôi sau một phút trò chuyện (bằng tiếng Anh): “Anh không còn nhiều chất Việt Nam lắm, phải không nhỉ?”. Nó cũng nhắc tôi về nhiều lần tôi về nước, nơi mọi người hay thốt lên (sau khi tôi nói vài từ tiếng Việt): “Tiếng Việt của anh tốt quá!”, nghĩa là họ đã nghĩ tôi không phải một người Việt, vì ai lại khen một người Việt Nam nói tiếng Việt hay bao giờ. Tôi đã cho rằng cảm giác ấy giống một người phương Tây sang Việt Nam và có thể thốt ra thứ tiếng Việt kiểu của anh ta hay cô ta. Mọi người bỗng nhiên đối xử dễ thương chỉ vì bạn có thể nói “Làm ơn đưa tôi ra Cho Ben Thanh”.

Bất cứ khi nào điều này lặp lại, ít nhất mỗi lần một tuần, nó khơi gợi trong tôi về những ngày ở San Jose khi tôi còn bé, vào những năm 1980, bố mẹ bắt tôi theo học ở trường Cơ đốc giáo bằng tiếng Việt vào Chủ nhật. Lúc đó tôi hầu như không nói được tiếng Việt, và vào khi đó, ở nơi đó, bạn không thể là người Việt nếu bạn không nói tiếng Việt. Chính trong lớp học bằng tiếng Việt ở nhà thờ Cơ đốc ấy, lần đầu tiên trong tôi đã nhen lên sự chán nản với cái gọi là bản sắc. Có lẽ áp lực của việc là “người ngoài”, người tị nạn, người mới đến với cuộc sống Mỹ khiến họ cảm thấy xa lạ, một cuộc sống họ không tự lựa chọn, đã làm cho những người Việt Nam tôi biết định nghĩa “Là người Việt Nam” theo nghĩa hẹp.

Bản sắc và văn hóa Việt Nam của họ cứ như một mảnh thiên thạch từ hành tinh xa xôi nào đã bị rơi xuống trái đất Mỹ và họ phải làm mọi cách có thể để giữ gìn nó. Vì vậy, họ đã sinh ra các nghi thức và lễ hội, lễ Thánh và trường lớp, nơi các quy tắc cho việc là người Việt được định hình rất rõ. Nếu bạn cảm thấy là một phần trong thế giới ấy, thì đó là nhà.

Nhà là một nơi dễ chịu, nơi mọi người luôn chào đón bạn, đảm bảo bạn có đủ ăn, biết gọi tên bạn thế nào. Nhà cũng là nơi mọi người hiểu bạn để đặt bạn vào đúng chỗ, không thích bạn, ghét bạn, lãnh đủ từ bạn, cả trút sự thất vọng và giận dữ lên bạn. Bố mẹ tôi sống và làm việc ở thế giới người Việt, và những người họ sợ nhất cũng là người Việt. Đây là mặt trái của tính bản sắc, là sự thật khi bạn nhận ra người Việt thực sự là thế nào, khi ấy bạn cũng sẽ biết đâu là điểm yếu và dễ gây tổn thương sâu sắc. Không ai biết cách cứa vào lòng bạn như một người Việt khác, người sẽ làm điều đó một cách thản nhiên.

Không có gì ngạc nhiên khi vào những năm 1980 ở San Jose, tội phạm mà người Việt Nam thường nói đến là đột nhập tư gia: đám thanh niên người Việt tấn công nhà của những người trông giống họ. Những kẻ này biết nên tới vào giờ nào trong ngày, đe dọa ai, tìm vàng và tiền mặt ở đâu. Có phải tôi đã tưởng tượng, hay đây chỉ là sự tái diễn của chiến tranh, những đứa trẻ này đã làm điều tương tự thế hệ trước đã làm ở Việt Nam.

Tôi nhớ vào năm lớp hai, khoảng năm 1979, bọn trẻ Việt trong trường San Jose nơi tôi học đã thành lập băng đảng và chiến đấu giành lãnh địa. Người Việt đã mang theo mình quê hương Việt Nam – nơi đã diễn ra cuộc chiến do người da trắng dẫn dắt và những kẻ đó luôn hài lòng khi chứng kiến chúng ta đánh lẫn nhau.  Ít nhất thì ở Việt Nam, chúng ta đã đánh lại bọn họ. Phải chăng là tôi mường tượng, hay là ngay cả khi ở Mỹ, người Việt vẫn cố gắng thể hiện để khiến người da trắng thấy thoải mái như ở nhà mỗi khi họ gặp ta.

Tôi chưa bao giờ vui như ngày cuối rời khỏi “nhà”. Cho đến tận hai thập kỷ sau, tôi mới có thể về lại San Jose mà không cảm thấy ngột ngạt bởi những bức tường “nhà” ở đó. Kỳ lạ thay, tôi lại cảm thấy dễ thở hơn khi về Việt Nam hơn là San Jose. Không phải vì Việt Nam không có những vấn đề, mà đơn giản khi đó chúng không phải là những vấn đề của tôi. Tôi đã không trở lại Việt Nam với kỳ vọng rằng tôi sẽ đột nhiên cảm thấy thân thuộc như ở nhà, 100% thuần Việt, sẵn sàng hôn đất Mẹ. Tôi biết rằng mình sẽ có cảm giác lạ lẫm như một người nước ngoài – vì tôi đã là như vậy. Vấn đề duy nhất là một khi người Việt biết gốc gác của tôi, họ lại mong chờ tôi hành xử như một người bản xứ, ngoại trừ chuyện tiền bạc.

Quá khứ đó dường như quá xa, phải vậy không? Ngày nay, người Việt đang định nghĩa lại tính bản sắc, vì cứ điều gì một người Việt Nam làm ở Việt Nam thì đương nhiên là thuần Việt. Giới nhà giàu đang làm việc mà người giàu làm ở mọi nơi, tìm ra những cách thức mới và sáng tạo vô bổ để tiêu tiền, như bát phở 37 USD hoặc một chiếc Lamborghini trên đường phố Sài Gòn, nơi bạn không thể lái xe nhanh hơn 30 dặm (khoảng 48 km) một giờ. Thử nghĩ xem, bạn không thể chạy xe ở bất cứ đâu tại Việt Nam vượt qua 30 dặm một giờ. Vì vậy, nếu cho đây hành vi ngoại lai, xa lạ diễn ra ở Việt Nam, thì nó vẫn cứ là hành vi của một người Việt.

Trong khi đó, có một thế hệ người Mỹ gốc Việt hoàn toàn mới ở Mỹ. Một số người trong họ lại muốn tổ chức các hoạt động để giữ gìn văn hóa Việt. Một số người thấy cần phải biết về cội nguồn của họ và chỉ an tâm khi tái diễn các lối hành xử xưa cũ, hay đối xử với văn hóa như là một thứ gì đó được tìm thấy trong bảo tàng, cứng nhắc và bất biến.

Nhưng những người Mỹ đương đại có cảm thấy nhu cầu chứng minh nền văn hóa Mỹ của họ bằng cách định kỳ đội tóc giả rắc bột phấn, đội mũ ba múi tricorn và nuôi nô lệ hay không? Chúng ta đã vượt ra ngoài tất cả những áp đặt đó, người Mỹ ngày nay hoàn toàn hạnh phúc khi James Franco đại diện cho văn hóa Mỹ với thế giới. Tôi cũng đã không tới dự một chương trình biểu diễn văn hóa Việt trong suốt mười năm qua và tò mò muốn xem liệu các sinh viên Mỹ gốc Việt ngày nay có còn múa quạt với nến trong trang phục nông dân – điều mà thế hệ tôi đã làm dù chưa ai nhúng đôi chân trần xuống một thửa ruộng.

Khi tôi lớn lên ở San Jose vào những năm tám mươi khó nhọc, tôi không có ý niệm gì về một thửa ruộng. Ý niệm trong tôi về tính cách Việt khi đó là những con người thông minh và lanh lợi, vừa biết cách làm việc để nhận tiền mặt trốn thuế, vừa lĩnh phúc lợi xã hội và tem phiếu thực phẩm. Tôi thực sự muốn xem một chương trình thể hiện đặc tính này.

Ngày nay, có một số người thuộc thế hệ mới, những người không nói một từ tiếng Việt nào, không quan tâm người da trắng nghĩ gì cũng như mình có bản sắc Việt hay không. Đôi khi tôi gặp gỡ trực tiếp hoặc quan sát họ từ xa, như Tila Tequila. Cô ấy không tuyên bố bản sắc Việt của mình, nhưng cô ấy là người Việt (theo cách nào đó) trong lối cô ấy hành xử. Tôi đã thấy nhiều người như cô ở Sài Gòn và San Jose, không ngừng phấn đấu và đã gặt hái thành công. Tôi giả định có nhiều, rất nhiều những phiên bản người Việt mà tôi sẽ không bao giờ gặp bởi tôi cũng không có lý do để tìm gặp – họ cũng đang không làm bất cứ điều gì để cố gắng tỏ ra “Việt”. Tốt cho họ thôi. Họ là người Việt và đồng thời không Việt chút nào trong cùng lúc. Những gì họ làm bởi vậy cũng là Việt và không Việt, có lẽ để không bị o ép bởi câu hỏi mang kỳ vọng của ai đó về sự xác thực khi phải đưa ra câu trả lời: “Vâng, tôi là người Việt” hoặc “Không, tôi không phải người Việt”.

Vì vậy, lần tới nếu có ai hỏi rằng tôi có thực sự là người Việt Nam không, tôi sẽ nói “có và không”, và đợi từ họ câu hỏi khác.

Nguyễn Thanh Việt

NGUỒN : VnExpress, 14.5.2019