Nhân kỷ niệm ngày sinh thứ 95 của nhạc sĩ Văn Cao
(15.11.1923 – 15.11.2018)
ĐỒNG CHÍ
Văn Cao
Người ta các đồng chí của tôi
Treo tôi lên một cái cây
Đợi một loạt đạn nổ
Tôi sẽ dẫy như một con nai con
Ở đầu sợi dây
Giống như một nữ đồng chí
Một anh hùng của Hà Tĩnh
Tôi sẽ phải kêu lên
Như mọi chiến sĩ bị địch bắn
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
Cho mọi người hiểu khi tôi chết
Vẫn còn là một đảng viên
Cho mọi người hiểu khi tôi chết
Máu của tôi vẫn còn là máu của Việt Nam
Ở dưới gốc cây có các cụ già các bà mẹ
đã nuôi cách mạng
Các em nhỏ từ ba tuổi đứng nhìn tôi
dẫy chết
Có mẹ tôi
Ba lần mang cơm đến nhà tù
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng chí bắn tôi
Tôi sợ các cụ già không sống được
Bao năm nữa
Để nhìn thấy xã hội chủ nghĩa
Của chúng ta.
Chết đi mang theo hình đứa con
Bị bắn
Tôi sợ các em còn nhỏ quá
Sẽ nhớ đến bao giờ
Đến bao giờ các em hết nhớ
Hình ảnh tôi bị treo trên cây
Bị bắn
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng chí bắn tôi…
Nước mắt lúc này vì Đảng nhỏ xuống
Dòng máu lúc này vì Đảng nhỏ xuống
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
Đảng Lao động…
(1956)
Bài thơ do nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cung cấp.
Nhạc sỹ Văn Cao lớn lên và bước vào nền Tân nhạc Việt Nam tại đất cảng Hải Phòng. Từ nhỏ sống với cha trong nhà máy bơm nước, kê tấm phản bên cạnh cái máy bơm làm bàn học, lớn lên đi làm ở nhà bưu điện rồi thất nghiệp, thế nhưng mảng nhạc tình của ông trước Cách mạng tháng Tám, viết trên cái nền bụi bặm của phố cảng và giữa cuộc sống nghèo khó, bấp bênh của mình, lại không gợn chút “bụi trần”. Cung đàn xưa, Thiên thai, Suối mơ, Bến xuân, Buồn tàn thu,… đều như những cõi mộng đẹp của một tâm hồn yêu đời, ham sống. Khát vọng tình yêu và hạnh phúc còn được Văn Cao tiếp tục phát triển ở hai tuyệt tác Trương Chi và Thiên Thai.
(Nhớ giai điệu u buồn Cung đàn xưa – Đào Tiến Thi )