Nguyên Lạc

“Bậu” là tiếng dân dã, tiếng thân yêu của vùng Tây Nam bộ chúng tôi. Mỗi lần nghe ai nói, hoặc gặp trong thơ văn là lòng tôi cảm thấy bồi hồi. Tiếng “bậu” nầy hình như bây giờ trong nước ít ai dùng, ít ai nhắc đến! Tại sao? Vì quê mùa? Tôi xin được tìm hiểu và giới thiệu đến các bạn vài bài thơ có liên quan đến chữ “bậu” thân yêu nầy.

ĐỊNH NGHĨA CHỮ BẬU

1. Chữ BẬU trong sách vở

Trong các sách vở khi định nghĩa “bậu”:

– Bậu: Chữ nôm, nghĩa: Em, mầy như chữ em bậu, bậu bạn (bạn hữu chung cùng; đi theo nhau, hôm sớm có nhau), qua bậu (Tao, mầy (tiếng nói thân thiết) như lớn nói với nhỏ, chồng nói với vợ) (1)

– Bậu chỉ người nói chuyện với mình khác phái, có ý thương mến, thân mật (2)

– Bậu chữ được dùng như tiếng “em”, tiếng gọi vợ, hoặc nhân tình, hay em bạn” (3)

– Bậu (danh từ) (xưa): tiếng thân kêu vợ mình. (4)

(Theo Hai Trầu – Lương Thư Trung)

2. Chữ BẬU theo cảm xúc của thi nhân

Xin được trích đoạn ra đầy ý nghĩ, cảm xúc về chữ BẬU của thi sĩ Lê Văn Trung:

“… Không biết các nhà ngôn ngữ học giải nghĩa “bậu” như thế nào, tôi vẵn đinh ninh rằng: dù giải nghĩa thế nào đi nữa cũng không thể lột tả hết ý nghĩa tình cảm sâu đậm thiết tha mà đầy thương cảm của đại danh từ ngôi hai nầy.

“Bậu là ai?

“Bậu” là một thoáng gặp gỡ trong đời nhưng làm ta ngây ngất và hình bóng “bậu” in mãi trong trái tim dào dạt thương yêu của ta.

“Bậu” là ai?

“Bậu” là sắc là hương bừng nở một thời trong đam mê say đắm của ta.

“Bậu” là ai?

“Bậu” là da là thịt là ái ân nồng thắm một đời vợ chồng…”

(“Bậu” Trong Thơ Trần Phù Thế – Lê Văn Trung)

“Bậu” có thể ở đâu đó trong bẽ bàng ngang trái, đã để lại trong lòng ta trong lòng “bậu” những vết cào xước đủ làm chảy máu trái tim.

“Bậu” đã có thể đã cùng ta đi trọn cõi trăm năm gian nan-cơ cực-hạnh phúc-khổ đau. Nhưng “bâu” cũng có thể ở đâu đó trong dang dỡ phân ly. Cho dù “bậu” là ai, một khi ta đã cất tiếng thiết tha gọi “bậu”, thì cái nghĩa trăm năm, cái tình vạn kiếp cứ mãi với ta lên thác xuống ghềnh. Không bao giờ ta quên! Không thể nào nguôi quên!

GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ TRẦN PHÙ THẾ

Xin được giới thiệu đến các bạn anh Trần Phù Thế, người thi sĩ thường dùng chữ “bậu” trong các bài thơ của mình; và lạ lùng thay, anh cũng là người cùng quê, học cùng trường với tôi. Chắc có lẽ chữ “bậu” này đã ngấm trong máu chúng tôi, người dân dã sống bên bờ sông Hậu, bên bờ kinh rạch Tây Nam bộ.

1. Tiểu sử Trần Phù Thế

Trần Phù Thế chào đời tại:

..Làng Hậu Thạnh thuộc quận Long Phú, tỉnh Sóc Trăng nằm trên trục lộ từ Sóc Trăng đi Đại Ngãi. Đó là nơi tôi chào đời năm 1943. Ba tôi làm ruộng và Má tôi buôn hàng xén tại nhà. Khi lớn lên nghe Ba tôi kể lại Năm 1945 người Miên từ xã Văn Cơ “nổi dậy”. Họ uống rượu say, mắt đỏ ngầu, tay cầm mã tấu gặp người Việt lá chém liền. Họ đi đến đâu là cướp của, đốt nhà. Ba tôi là nạn nhân của chúng. Nhưng may mắn chạy thoát được với vết thương trí mạng trên lưng vai trái. Sau đó Ba Má tôi dọn nhà ra chợ Đại Ngãi (nằm trên ngã ba sông Bassac và sông Đại Ngãi) cách Hậu Thạnh ba cây số. Thời đó, chợ Đại Ngãi rất trù phú, đông dân, trên bến dưới thuyền, là nơi tụ hội của giới thương hồ từ Long Phú, cù lao Dung lên, Cầu Quan, Trà Ôn qua và Kế Sách xuống. Khi gia đình sinh sống ở Đại Ngãi lúc đó tôi đã chín tuổi mới được đi học. Học xong Tiểu học tôi vào Sóc Trăng trường Trung học công lập Hoàng Diệu. Tôi đi lính K25/Thủ Đức năm 1967. Sau Tết Mậu Thân (1968) gia đình dọn về Cần Thơ. Cấp bậc sau cùng: Đại úy Quân báo. Sau năm 1975 học tập “cải tạo” 7 năm. Định cư tại Mỹ năm 1992 ...”

(Trích lời Trần Phù Thế trả lời phỏng vấn của nhà văn Hai Trầu – Lương Thư Trung)

2. Hoạt động thơ văn

“…Đầu năm 1967 tôi định in tập thơ “Thầm Yêu Trộm Nhớ”, nhưng lần lựa mãi. Tháng tư thì có lệnh gọi nhập ngũ. Vào lính mệt quá nên quên luôn chuyện xuất bản tập thơ. Tám năm cầm súng tôi có viết lai rai cho các tạp chí ở Sài Gòn. Sau năm 1975 gia đình đã tự thiêu bản thảo tâp thơ cùng với hơn 200 sách báo của tủ sách gia đình. Khi tôi định cư tại Hoa Kỳ năm 1992 lo đi cày mờ mắt, đâu có gìờ rảnh mà văn với thơ. Mãi tới năm 1998, tôi mới viết lại và cộng tác với các tạp chí: Khởi Hành, Văn Hóa Việt Nam, Thư Quán Bản Thảo.

Sách thơ được ấn hành:

– Giỡn Bóng Chiêm Bao của Trần Phù Thế, Thư Ấn Quán ấn hành lần đầu, Hoa Kỳ, năm 2003; tái bản lần thứ nhứt năm 2008

– Gọi Khan Giọng Tình của Trần Phù Thế, Thư Ấn Quán ấn hành lần đầu, Hoa Kỳ, năm 2007; tái bản lần thứ nhứt năm 2009.

Anh đã từng phụ trách trang Thơ của Tuần báo TRẺ trên Dallas (Texas, Hoa Kỳ) do Nhật Hoàng chủ biên năm 2008...”

(Trích trả lời phỏng vấn của nhà văn Hai Trầu – Lương Thư Trung)

ĐỐI THOẠI GIỮA HAI TRẦU VÀ TRẦN PHÙ THẾ VỀ CHỮ BẬU

Xin trích đoạn thêm ra đây cuộc phỏng vấn và trả lời để các bạn hiểu thêm về chữ “bậu”:

Hai Trầu:

Theo tôi, trong cả bốn định nghĩa ấy đều không có trách móc, giận hờn, nhưng sao ca dao mỗi khi nhắc đến “bậu” lại dường như chữ “bậu” được dùng để gọi nhau khi lúc dỗi hờn, lúc cơm không lành canh không ngọt như trong các câu ca dao hoặc trong các bài hát dỗ em, tôi còn nhớ dưới đây:

“Chẳng đánh bậu, để bậu luông tuồng,

Dang tay đánh bậu, thì buồn dạ anh.”

Ví dầu tình bậu muốn thôi,

Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra .”

Bần gie đóm đậu sáng ngời,

Lỡ duyên tại bậu, trách trời sao nên.”

Bậu nói với qua, bậu không bẻ lựu hái đào,

Chớ đào đâu bậu bọc, lựu nào bậu cầm tay .”

Hoặc như trong bài thơ “Bậu về”, “Tình bậu nhẹ hều” của anh ít nhiều cũng là một lời trách khéo. Anh nghĩ sao? (̣Hai bài thơ này ghi lại ở dưới – NL)

Trần Phù Thế:

Thưa anh Hai Trầu, phần lớn trong ca dao “Bậu” được chiếu cố rất tận tình. Nào là: trách khéo, giận hờn, ghen tuông… Thậm chí dùng từ rất nặng như: phụ phàng, phản bội… Nhưng theo tôi ngôi thứ nhất sử dụng những từ ấy với “Bậu” cũng chỉ vì yêu mà thôi. Tôi thấy điều đó rất bất công với “Bậu”. Như tôi là một tên si tình rất mê “Bậu”. Nên khi “Bậu” của tôi qua đời, tôi đã khóc “Bậu” bằng một bài thơ đấy thống thiết. Đến nỗi hai nhà thơ Hạ Đình Thao và Lê Văn Trung phải thốt lên “không có bài thơ khóc vợ nào tự cổ chí kim mà hay hơn được” (*):

BẬU ĐI

bậu đi biệt dạng hôm nào

ta trông mút mắt nhớ đau từng hồi

nhớ từ giọng nói tiếng cười

nhớ se tóc bạc cột đời hai ta

bậu đi hình như hôm qua

mà sao ta tưởng như là nhiều năm

bậu đi lạnh gối ta nằm

hình như cái lạnh, lạnh ngầm trong xương

bước qua ngưỡng cửa âm dương

bậu đi mình bậu chẳng vương vấn gì

còn ta ở lại sống lì

một thân, một bóng cu-ky một mình

bậu ơi, sao bậu làm thinh

nén nhang, cơm lạt bóng hình là đây

phất phơ hồn gió theo mây

mỗi đêm giỡn bóng trăng gầy tàn đêm

bậu về ta thấy lòng êm

như trăng thuở nọ bên thềm thanh xuân

như là tiếng hát bậu ngân

xuống câu vọng cổ tình quân phụ phàng

bậu về trăng sáng ngút làng

hương thơm dậy đất bàng hoàng hồn ta

ngất ngây ôm chặt trăng, và

tưởng đâu ôm bậu thịt da vẫn nồng

bậu đi hồn có về không

nhắn tin theo gió cho lòng ta yên

dầu cho bậu ở cõi trên

hay đang cõi dưới trong miền u-minh

một mai ta đã dọn mình

qưyết theo chân bậu lênh đênh cõi nào

dầu cho đất thấp trời cao

tử sinh là mới bắt đầu cuộc chơi

ngày mai bậu trở lại đời

và ta trở lại làm người bậu ưng

giọt mừng nước mắt rưng rưng

hai tay ôm bậu mà rung dậy tình

(Bậu đi – Trần Phù Thế)

………

(*) Trích bài viết “BẬU Trong Thơ Trần Phù Thế.” (Lê Văn Trung – trong tập san “Thư Quán Bản Thảo” số 38 tháng – 2009.

Hai Trầu:

Vâng thưa anh, đúng thế! Dường như trong văn chương truyền khẩu có sự bất công với chữ “bậu” hơi nhiều. Trong thơ văn ngày nay, tôi nghĩ chưa ai dám dùng chữ “bậu” trong thơ như anh và có lẽ chí có một Trần Phù Thế rất “mê” chữ “bậu” này như anh vừa kể và với những bài thơ trách bậu, thương nhớ bậu quá tha thiết mà anh vừa dẫn đủ để nói lên cái nét đặc thù trong thơ Trần Phù Thế. Và tôi nghĩ chữ “bậu” ngày nay ít người còn dùng nhưng chắc hồn chữ nghĩa của nó sẽ rất vui với tấm lòng ưu ái của anh dành cho “bậu” vậy!…

(Trích trả lời phỏng vấn của nhà văn Hai Trầu – Lương Thư Trung)

VÀI BÀI THƠ VỀ BẬU

A. Thơ Trần Phù Thế:

1.

Bài thơ “Bậu về” dưới đây, in trong thi phẩm “Gọi Khan Giọng Tình”

BẬU VỀ

bậu về liếc mắt đong đưa

gió Xuân đầy mặt

như vừa chín cây

bậu về má đỏ hây hây

ta mười lăm đã lòng say bậu rồi

bậu còn

chơi ác nói cười

những câu dí dỏm

chết đời ta chưa

bậu về nhớ nắng thương mưa

hình như cây cỏ cũng ưa bậu về

như là có chút nắng hè

như là có cả

chùm me chua lừng

như là xoài tượng thơm giòn

thêm vào nước mắm chút đường khó quên.

bậu về

Đại Ngãi mình ên

bỏ quên kẹp tóc

bắt đền tội ta

bậu quên là tại bậu mà

tại sao bậu bắt đền ta một đời

tội này không chịu bậu ơi!

(Trần Phù Thế)

Nhận xét của Hai Trầu:

“Bài thơ như một lời ca dao rặt miền Tây Nam Phần với sông nước Hậu Giang ngọt mát bốn mùa. Tài tình nhất là các chữ dùng rặt miền quê mà ngập tràn thương mến, hình ảnh rất đơn sơ mà làm nên nỗi nhớ cả một đời, nào là “chùm me”, “xoài tượng”, “nước mắm”, “chút đường”, “mình ên”, “kẹp tóc”… Phải chăng Trần Phù Thế làm thơ tình không giống ai và không có ai làm thơ tình giống Trần Phù Thế nổi? Anh nghĩ sao?”

2.

“Bậu về Đại Ngãi mình ên/ bỏ quên kẹp tóc bắt đền tội ta/ bậu quên là tại bậu mà/ tại sao bậu bắt đền ta một đời/tội này không chịu bậu ơi!”: Bậu là ai đã về Đại Ngãi và để quên kẹp tóc (thật hay giả bộ?) rồi bắt đền thi sĩ một đời?

Đây là BẬU theo lời “thành thật khai báo” của thi sĩ:

“… Chuyện nầy nói ra thiệt là mắc cỡ quá chừng. Lúc mà ta mười lăm đã lòng say bậu rồi… Tôi khoái một cô bé tên Thương Huyền. Gia đình cô bé rất giàu có, nên cô ấy vô cùng kiêu ngạo. Hơn nữa ba cô bé mặt lạnh như tiền. Tôi đành nhốt hình bóng kiều diễm của bé vào trái tim. Tôi bắt đầu làm thơ…”

Gia đình Thương Huyền vượt biên năm 1980 và định cư tại Đức. Thương Huyền cho biết đã đọc bài thơ “Tuổi Thơ Đại Ngãi” của Trần Phù Thế trong tuyển tập của Nhóm Văn Hóa Pháp Việt và bần thần suốt ngày. Những kỷ niệm thời thơ ấu như sống lại, hiển hiện trước mắt, bà bèn tìm địa chỉ và đã viết thư cho thi sĩ với lời cám ơn.

Đây là lời của Trần Phù Thế tâm sự với Hai Trầu trong cuộc phỏng vấn:

“Anh Hai biết không: Đọc thư xong, niềm cảm khái dâng trào, tôi ngồi vào bàn viết và viết trong bốn mươi lăm phút là hoàn tất bài thơ “Bậu về”. Tối hôm đó, tôi đọc lại bài thơ vừa sáng tác “Bậu về” cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó. Thế là tôi viết luôn bài thơ “Tình Bậu Nhẹ Hều,” ý trách nàng một chút, để xoa dịu lòng nhát gan của mình.”

TÌNH BẬU NHẸ HỀU

rất nhẹ nhàng

hình như không lay động

bậu nhẹ về

như hơi thở dòng sông

ta ngây ngất

thèm đôi môi đỏ mộng

bởi mê tình nên nuôi mãi tình không

bậu biết đó

tình nào không mê mệt

những thiết tha

cùng nhịp đập con tim

nên một bữa

dạt dào tình dậy sóng

khi tóc thơm phảng phất một mùi quen

như bữa đó

bậu về trong cơn gió

gió thênh thang

bay khắp nẻo vô chừng

bậu lại nữa lượn lờ không biết mỏi

chỉ riêng ta khan tiếng gọi người dưng

mong đêm nay

bậu về trong giấc ngủ

trong mùi thơm

hoa sứ trước hiên nhà

con bướm nhỏ quạt hoài chùm hoa sứ

cũng như ta đuổi mệt tình càng xa

ta rất nhẹ nâng niu tình hai đứa

cất trong tim

không dám chạm vào tim

ta chỉ sợ một giây hai phút nữa

tình biệt luôn trốn mất biết đâu tìm

bậu coi nhẹ, nhẹ hều tình hai đứa

ta nặng tình, dẫu chết chẳng hề quên.

(Trần Phù Thế)

B. Thơ Nguyên Lạc

– Trước khi giới thiệu vài bài thơ về “Bậu” của tôi, tôi xin có vài hàng về sự quen biết giữa tôi và Trần Phù Thế. Anh Trần Phù Thế chào đời ở làng Hậu Thạnh như đã nói trên, tôi sanh tại làng Đại Ngãi, học cùng trường Tiểu học Đại Ngãi, rồi Trung học Hoàng Diệu, Sóc Trăng với anh, nhưng sau 3 lớp. Anh nhập ngũ 1967 còn tôi vẫn tiếp tục lên Đại học Cần Thơ và mãi đến 1973 mới nhập ngũ, gia nhập Quân y VNCH, vượt biển đển BiDong, Malaysia 1987 rồi định cư tại Mỹ 1988, trước anh 4 năm.

Đêm nay chợt nhớ con kinh

Hai bờ dừa nước. dòng tình xuôi êm

Hậu Thạnh đồng lúa êm đềm

Anh ra Đại Ngãi tìm em má hồng

Trường xưa. còn nhớ hay không?

Phượng hồng. mắt biếc. tình nồng. duyên quê…

(Ra Đi, Về Tìm – Nguyên Lạc)

Đại Ngãi còn được gọi là Vàm Tấn – vàm (danh từ): cửa sông, nơi rạch chảy ra sông hoặc sông con chảy ra sông lớn.

Do cùng sống bên dòng sông Hậu và các kinh rạch nên chữ “bậu” cũng thấm vào máu tôi, như anh.

Mời các bạn đọc vài bài thơ về “Bậu” của tôi:

TỘI GÌ NHỚ THƯƠNG

“Đất Sóc Trăng khô cằn nước mặn

Tôi ra Vàm Tấn chở nước về xài

Về nhà sau trước không ai

Hỏi ra bậu đã theo trai mất rồi”

Giậm chân tôi réo ông trời

Gây chi bao cảnh sầu đời thế ni

Thuận tay nhổ một cây mì

Gõ vào đầu ba cái… tội gì nhớ thương!

MÔI TÍM MỒNG TƠI

.

Thò tay ngắt trái mồng tơi

Bậu thoa môi tím nhìn tôi bậu cười

Chuồn chuồn cắn rún tập bơi

Trên bờ dừa nước bậu cười giòn tan

Động con còng gió đỏ càng

Thòi lòi trố mắt bậu càng cười tươi!

*

Đời người như áng mây trôi

Mươi năm tìm lại đâu rồi bậu xa

Bờ kinh dừa nước là đà

Thằng tôi thời cũ tóc giờ điểm sương

Lục bình trôi xuống trôi lên

Bậu trôi mất dấu mình ên tôi ngồi!

.

Nhớ ơi môi tím mồng tơi!

.

(Nguyên Lạc)

……….

Chú thích

a. Còng gió (Ocypode ceratophthalma): Gọi còng gió vì đây là loại còng chạy rất nhanh, tưởng có thể bằng cả tốc độ của gió. Mặc dù có bộ dạng nhỏ thó, nhưng đôi càng của còng gió đực (một lớn, một nhỏ) lại là vũ khí hết sức đáng sợ, càng nó rất khỏe, mép càng sắc như dao, kẹp có thể đứt thịt. Ở quê tôi, Đại Ngãi, Sóc Trăng, Hậu Giang nơi các sông rạch, còng gió lớn cỡ ngón tay màu xanh blue rất đẹp.

b. Cá thòi lòi (Periophthalmodon schlosseri), là một loài cá thuộc họ Cá bống trắng (Gobiidae), Cá thòi lòi phổ biến nhất dọc các bãi lầy ở cửa sông, không ngập quá 2m nước Loài cá này sinh sống trong hang hốc vét ở bãi lầy. Khi thủy triều xuống thì cá chui ra, nhất là những ngày nắng ráo.

Cá có khả năng di chuyển trên mặt bùn khá nhanh, gần như chạy nhảy. Với hệ thống hô hấp bằng phổi cá thòi lòi có thể thở trên cạn. Khi dưới nước thì dùng mang.

THƯƠNG BẬU

Tưởng bậu sâu, thả một câu

Dè đâu bậu cạn! Tiếc câu bậu chề!

Ghét người, tôi lập lời thề!

Nhưng quên tuốt luốt đêm về… bậu ơi!

Tức mình, dậm cẳng kêu trời

Thương chi cho dữ, để rồi… mọc rong!

Bậu ơi! Có biết hay không?

TÌNH QUÊ

1.

Vũng nước trong con cá lòng tong bơi lội

Xa nhau rồi tội lắm bậu ơi!

Chẳng thà không gặp thì thôi

Gặp nhau ruộng vắng trao đời nhớ không?

Nhớ thương từng chỗ bậu nằm

Từng lời bậu nói hàm răng bậu cười

Quên tôi bậu đã quên rồi!

Chạy theo phù phiếm bỏ đời tôi đau

2.

Buồn trông con nhện té ao

Con cá vội đớp lòng sao ngậm ngùi

Ngẫm tôi cũng té lâu rồi

Lụy đời vì bậu mắt ngời lá răm

Vẳng khuya cá đớp bóng trăng

Hồn tôi bậu đớp bao lần biết không?

Huơ tay chỉ lạnh chỗ nằm

Chiếu chăn xô lệch mất tăm bậu rồi!

Sáng ra bến nước trông vời

Chỉ màu tím biếc bông trôi lục bình

Lòng tôi tím ngắt như bông

Bậu quên tuốt luốt… bậu đành bỏ tôi!

ĐỨNG NGỒI HỎNG YÊN

Bậu về ngắt ngọn mồng tơi

Hái thêm đọt bí ngọt nồi bậu ơi!

Lững lờ con nước cứ trôi

Tại qua mà bậu đứng ngồi hỏng yên

Lục bình hoa tím muộn phiền

Qua sang thăm bậu, nụ duyên bậu cười

Giờ đây bậu trách ông trời

Xe chi lộn mối, qua rồi bậu xa!

Chiều chiều ra đứng hàng ba

Chờ qua không thấy, bậu sa lệ sầu!

Không thương thì có sao đâu?

Mảng sầu qua, bậu ốm o gầy mòn *

…….

* Chim chuyền nhành ớt líu lo

Mảng sầu con bạn ốm o gầy mòn (Ca dao)

Nguyên Lạc

…………………..

Ghi chú của Hai Trầu:

[1] Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, nhà xuất bản Rey, Curiol&Cie, Sài gòn, 1895; nhà Văn Hữu, Sài Gòn, tái bản năm 1974

[2]Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, nhà xuất bản Khai Trí, Sài Gòn, năm 1970, quyển thượng.

[3]Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Việt Nam, năm 2007.

[4] Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị, nhà xuất bản Thời Thế, Sài Gòn, năm 1951.

Nguồn: Về Chữ “BẬU” – Nguyên Lạc (Văn Việt)

***

Bài 2:

Chữ “bậu” trong hò, lục bát ca dao

Nguyên Lạc

Bài viết này là bài thứ hai trong loạt bài giới thiệu quê hương Nam bộ bình dị và thân thương của chúng tôi.


Trong cuộc Nam tiến, nhiều dòng người từ các nơi đã đến vùng đất mới này sinh cơ lập nghiệp, nhất là những đợt di dân từ đất ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Tín, Quảng Nam và Quảng Ngãi) vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17. Trên bước đường chinh phục hoang vu, từ những chiếc ghe bầu, ghe chài, tam bản, xuồng ba lá… hành trang mang theo của những di dân này có cả những câu ca dao để làm chỗ dựa tinh thần trên bước đường xa xứ. Lênh đênh sông nước, những hành trang tinh thần này được họ – các tiền nhân – cách tân, sáng tác thêm cho phù hợp với hoàn cảnh mới của mình, rồi phổ biến rộng rãi. Chữ “bậu” đặc biệt của Nam bộ xuẩt hiện trong ca dao. Những câu hò, điệu lý… từ những ca dao này được hình thành. Tôi xin được tiếp tục giới thiệu đến các bạn sơ lược về hò và một số bài lục bát ca dao có chữ “bậu” thân thương này.

.
SƠ LƯỢC VỀ HÒ
.
Hò là một trong những thể loại âm nhạc dân gian miền Nam Việt Nam, được du nhập bởi những đợt di dân từ đất ngũ Quảng, từ vùng ngoài đưa vô vùng đất mới phía cực Nam của đất nước ta.
Hò rất được ưa chuộng ở miền Nam vì có sức hấp dẫn lạ thường. Chúng tôi xin tạm phân làm ba loại hò: Hò trên cạn, hò trên sông nước và hò giao duyên hay đối đáp.


Về hò trên sông nước, “hò chèo ghe Bạc Liêu” (có thể xem như đại diện cả vùng đồng bằng sông Cửu Long) là một làn điệu dân ca mang hình thức diễn xướng của cư dân Bạc Liêu, hình thành trong môi trường chèo xuồng, ghe trên sông nước; có từ thời khẩn hoang nhằm gửi gắm tình cảm, bày tỏ nỗi lòng của mình cho con người và thiên nhiên.


Vùng đất Bạc Liêu đã lưu hành nhiều loại hò của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long như hò sông Hậu, hò Bến Tre, hò Trà Vinh, hò Vĩnh Long; nhưng mỗi loại hò khi được sử dụng đều có pha trộn, giao thoa tiết tấu hay giai điệu để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế. Sẵn nói luôn: Tên tuổi nhạc sĩ Cao Văn Lầu với bài Dạ Cổ Hoài Lang đặt nền móng cho nền cổ nhạc Nam bộ cũng gắn liền với vùng đất này.
.
“…Ðường dù xa ong bướm/Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang/Đêm luống trông tin bạn/Ngày mỏi mòn như đá vọng phu/Vọng phu vọng luống trông tin chàng/Sao nỡ phũ phàng…” (Dạ Cổ Hoài Lang –Cao Văn Lầu)
.
Hò chèo ghe Bạc Liêu có hai loại là hò đơn và hò đôi:


– Hò đơn: Có hai giọng là hò chậm và hò nhanh. 
– Hò đôi: Giọng hò lúc này không còn mang tính tự sự đơn giản nữa, mà mang đậm nét trữ tình, giao lưu, trao đổi tình cảm. Hình thức hò này nhanh chóng trở thành sinh hoạt tập thể như đối đáp, huê tình và được nâng lên thành hình thức sinh hoạt văn hoá văn nghệ của cộng đồng. Cũng giống trên, nó có hai loại: Hò đối đáp chậm và hò đối đáp nhanh.
.
Xin được ghi ra đây vài hàng đóng góp của bạn Đỗ Phú:
.
“… Cư dân miền Tây vốn “có của để dành” sẵn từ thiên nhiên; chiều nay ăn hết, sang mai lại có. Từ thời mở đất đã không e ngại cảnh đói no. Mưa nắng điều hòa, nhịp sống yên bình, không mấy khi gấp gáp. Từ nơi này qua nơi khác, xóm này qua xóm khác chỉ có chèo xuồng, bơi ghe… là thuận tiện.

– Giả dụ như có hai ghe, chiếc trước chiếc sau, chàng trai thường nhún nhường hò gọi:

“Theo em đứt bộ quai chèo
Em thương bớt lái, khoan chèo đợi anh”

– Gió sông thổi nhẹ, sóng nước lăn tăn. Chàng trai ngồi trên xuồng ở vàm kinh câu cá, thả lưới; cô gái trên biền (bờ) hái rau choại, nhổ hẹ nước. Chợt nhìn thấy nhau cũng hò, nàng hò đố bâng quơ mời gọi:

“Đố ai quét sạch lá rừng
Để em khuyên gió, gió đừng rung cây”


Bất kể là chàng trai nào, có vợ hay chưa, ở trong khung cảnh đó mà không hò đáp lại nàng thì không phải dân miền Tây sông nước.
Ghe thương hồ thường đậu trạm ở mấy giáp nước (chỗ tiếp giáp hai dòng nước – NL) chờ nước giựt ròng để xuôi ra sông lớn cho nhẹ ghe. Như sông Vàm Nao nối sông Tiền và sông Hậu, hay giáp nước Thủ Thừa nối hai sông Vàm Cỏ ở Long An. Trường hợp này là hò rộn ràng nhất, chẳng cần có trọng tài, nhưng cuộc hò tự động chia thành hai phe, phe trai và phe gái đấu nhau. Chọc ghẹo đùa giỡn nhau qua câu hò, lúc thanh, khi tục, có hồi suôn, có hồi bí, có gỡ quê, có gỡ bí. 
Hễ cặp nào thích nhau thì nhổ sào, chống ghe xáp lại gần tâm sự. Có không ít tình bạn chí thiết phát sinh từ đây. Cũng nhiều đôi khác xứ, gặp gỡ, nên duyên chồng vợ ở tại chỗ này…” (Đỗ Phú)


.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Bậu có thương thì thương cho chắc
Chi bằng trục trặc thì trục trặc cho luôn
Đừng làm như con thỏ nọ đứng ở đầu truông (ơ ờ)…
Hò ơ ớ ơ ơ …
thỏ nọ đứng ở đầu truông…
Khi vui giỡn bóng khi buồn giỡn trăng (ơ ơ)

.
.

VÀI CÂU HÒ ĐỐI ĐÁP MIỀN NAM
.
Xin được ghi ra đây vài câu hò đối đáp giữa nam và nữ.
.
1.
.
– Cô gái hò:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Ghế mất một chân nên gọi là ghế gãy
Người lạc tâm hồn bậu hỡi gọi sao?
Ngẩng đầu ngắm những vì sao (ơ ờ)…
Hò ơ ớ ơ ơ…
những vì sao…
Cái lu cái tỏ… cái nao riêng mình? (ơ ơ)
.
– Chàng trai hò đáp:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Trách ai quên hai chữ nghĩa tình
Quên câu thề hẹn đôi mình trăm năm
Chống chèo theo nước lớn ròng (ơ ờ)…
Hò ơ ớ ơ ơ …
theo nước lớn ròng…
Dò tìm bóng bậu cõi lòng nát tan (ơ ơ)
.
– Chàng trai hò tiếp:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Bìm bịp kêu con nước giọng khàn
Rạch sông mù lối khói sương mù trời
Biết tìm đâu hỡi bậu ơi (ơ ờ)…
Hò ơ ớ ơ ơ …
tìm đâu hỡi bậu ơi…
Bóng chiều dần xuống mưa rơi mịt mùng (ơ ơ)…
.
Hò ơ …
“Tìm bậu như thể tìm chim

Chim bay biển Bắc (ơ ơ ơ) tôi tìm biển Nam” (ơ ơ) 
.

2.
.
– Cô gái hò:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
“Gá duyên chẳng đặng hội này
Tôi chèo ghe ra sông cái (ớ ờ)
Tôi chèo ghe ra sông cái, nước lớn đầy… tôi chèo vô” (ơ ơ) 
.
– Chàng trai hò đáp:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Chèo vô chẳng thấy bậu đâu!
Nước ròng sông cạn (ớ ờ)
Nước ròng sông cạn lòng đau thấu trời (ơ ơ) 
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Ước gì như áng mây trôi
Anh bay đi kiếm (ớ ờ)
Anh bay đi kiếm tìm người anh thương! (ơ ơ) 
.
3. 
.
– Cô gái hò:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
“Trượt chân em té xuống bùn
Mình em lấm hết (ớ ờ)
Mình em lấm hết anh hun chỗ nào?” (ơ ơ) 
.
– Chàng trai hò đáp:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Chỗ nào qua cũng muốn hun
Bậu mà trượt té (ớ ờ)
Bậu mà trượt té qua nhảy xuống bùn bồng lên! (ơ ơ) 
.
– Chàng trai hò tiếp:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
“Trống treo ai dám đánh thùng
Bậu không ai dám (ớ ờ)
Bậu không ai dám dở mùng chun vô” (ơ ơ) 
.
– Cô gái hò:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Chun vô lẹ lẹ chun vô
Nhẹ nhàng anh nhé (ớ ờ)
Nhẹ nhàng anh nhé mẹ ho kia kìa! (ơ ơ) 



VÀI CÂU LỤC BÁT CA DAO VỀ CHỮ BẬU
.
Nhớ quê hương thân thương, xin tiếp tục mời các bạn đọc thêm vài bài lục bát ca dao liên quan đến chữ BẬU quê Nam bộ chúng tôi:

.

LỜI TÌNH TRÊN SÔNG 
.
Sóng xô gió lộng sông Tiền
Kiếp sau hãy gặp… có phiền bậu không?
.
– “Kiếp sau gặp mặt… hỏng quen
Kiếp này nhất quyết… đỏ đèn cũng theo!”
.
Bậu theo thì hãy cứ theo!
Chim trời, cá nước, kiếp nghèo chịu hong?
.
– “Sá gì ba chuyện cỏn con
Giàu nghèo cam chịu miễn không phụ tình”
.

TRÁCH BẬU I
.
“Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi”
Cớ sao bậu lại phụ tôi?
Bỏ tôi cơ khổ bậu quên lời thề xưa!
.
Rạch sông tứ phía mù mưa
Dò tìm bóng bậu ruột như tơ vò 
Sầu như con nước vượt bờ
Vỡ con đê chặn ngập bờ ruộng khoai
.
Trách bậu lòng dạ đổi thay
Trách tôi sao vẫn mãi hoài nhớ thương 
Nhớ câu: “Gả thiếp về vườn
Ăn bông bí rợ dưa hường nấu canh” 
.
Giờ sao bậu lại nỡ đành
Chạy theo phù phiếm sầu dành riêng tôi?
Dẫm chân than tiếng trời ơi
Người ăn ở vậy ông trời chứng sao?
“Thương tầm cởi áo bọc dâu
Tưởng người có nghĩa hay đâu bạc tình”

TRÁCH BẬU II
.
Cá lia thia lâu rồi quen chậu?
Vợ chồng rồi thì cũng quen hơi? 
Tủi thân tôi lắm bậu ơi!
Hơi đâu không thấy… bậu rồi xa tôi!
.
Chiều chiều ra ngõ trông vời
Chim kêu vượn hú thấy đời quạnh hiu!
Đêm về một bóng cô liêu
Gió lùa khe cửa mối khêu nỗi buồn!
.
Huơ tay lạnh một chỗ nằm
Sáng ra bến nước mắt đăm ngóng nhìn
Bậu đâu? Chỉ tím lục bình
Lặng lờ con nước buồn tình hoa trôi!
.
Tôi giờ nhớ lắm bậu ơi!
Bậu giờ có nhớ những lời thề xưa?
.
“Trách ai rọc giấy bỏ bìa
Khi thương thương vội, khi lìa lìa xa” 
.

TRÔNG NGÓNG
.
“Đất Sóc Trăng khô cằn nước mặn
Tôi ra Vàm Tấn chở nước về xài
Về nhà sau trước không ai 
Hỏi ra bậu đã theo trai mất rồi” 
.
Bậu đi thì kệ bậu thôi! 
Ngu chi tơ tưởng để rồi nhớ thương? 
.
Cố quên, sao vẫn tỏ tường
Mắt huyền bậu liếc, hàm răng bậu cười
Tức mình đấm ngực kêu trời
Nhớ chi dữ vậy để rồi hận nhau?
.
“Con mèo trèo lên cây cau”
Trêu đùa chú chuột tôi sao hở người?
Kêu chiều chim vịt bồi hồi 
“Bâng khuâng nhớ bậu đứng ngồi hỏng an”
.
Lệ sao cứ chảy hai hàng!
Đêm nghe tiếng chuột rõ ràng bên khe 
Lời xưa mai chắc bậu về
 (*)
Sáng ra sông đợi chỉ dề hoa trôi!
.
Lục bình tím ngắt bậu ơi!
Xuôi dòng nước biếc bỏ tôi hàng bần
Sầu ai bần rụng trái xanh?
Chua lòng tôi lắm, ngó quanh vắng người!
.
Khi nao gặp lại bậu ơi?
Chắc gì bậu nhớ những lời thề xưa?!
Gió đưa gió đẩy hàng dừa
“Thổi bay cây cải, chỉ chừa rau răm” 
(**)
.
Một ngày ba bận ngóng trông
Thấy người thiên hạ, mà không thấy nàng!
“Canh chầy thơ thẩn, mơ màng
Đêm mơ thấy bậu, dậy còn chiếu không”!
.
Bậu ơi có biết hay không?!
Lòng anh vẫn mãi chờ mong dáng nàng!
………….
(*) Trong dân gian, người xưa tin (cho) rằng: Đêm chuột kêu thì sáng sẽ có người đến nhà, thân sơ tùy tiếng chuột kêu.
(**) Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu lời (đời) đắng cay…(Ca dao)
.

MUỐI XÁT GỪNG
.
“Xốn xang như muối xát gừng 
Phải chi hồi trước ai đừng biết ai!”
 (Ca dao)
.
Sông sâu tím một dòng sầu
Gây chi bao cảnh bể dâu đổi dời?
Bậu rồi mù dấu phương người
Vời xa nơi ấy cuộc đời khá không?
.
Huơ tay chỉ lạnh chỗ nằm!
Khuya nghe tiếng mối cõi lòng chẳng an!
Sáng ra níu áng mây ngàn
Nhắn giùm tôi những lời thương đến người!
.
Quê hương vắng bóng bậu rồi!
Khi nao gặp lại một thời trăng thanh?
Tiếng chày giã gạo đón xuân
Lời ca hòa nhịp nỗi mừng tình đôi!
.
Bậu giờ mù dấu phương người 
Xốn xang. thương nhớ bậu ơi “muối gừng”! 
Nhớ thương chỉ biết nhớ thương!
Gây chi bao cảnh đoạn trường quê tôi?
.

CÁCH CHIA
.
“Chim xa bầy còn thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm bậu ơi!
Chẳng thà không gặp thì thôi” 
(*)
Gặp nhau quấn quýt trao lời nhớ thương
.
Khổ đời bậu phải mù sương
Để tôi ở lại nỗi lòng nát tan
Chiều nay níu áng mây ngàn
Hỏi thăm tình vẫn chứa chan nhớ về?
.
Lạnh đồng gió chướng buồn thê
Sáo diều đâu nữa?
Đừng về bậu ơi!
Còn đâu!
Quê đã đổi dời
Lối nao còn đợi 
mưa đời sầu giăng!
.
Bậu xa có nhớ hay không?
Câu ca “Dạ Cổ Hoài Lang” đêm nào?
 (**)
Thuyền xuôi nhẹ bến Gành Hào
Tiếng đàn quyện lấy lụa đào trăng thanh
.
Nhớ thôi tôi bậu phải đành!
…….


(*) Ý ca dao. 
(**) Dưới trăng dòng sông trôi rất dịu dàng/Như dải lụa vàng xuôi về phương Đông/Gành Hào ơi, nửa đêm ai hát lên câu hoài lang/Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm… (Dạ Cổ Hoài Lang, Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang – Cao Văn Lầu, Vũ Đức Sao Biển)
.

Nguyên Lạc

Nguồn: Chữ “Bậu” trong hò lục bát, ca dao – Nguyên Lạc (Văn Việt)