Gia tăng hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và châu Âu nhắm vào Trung cộng ?

Lãnh đạo ngoại giao và an ninh của Liên Âu, bà Federica Mogherini, Hà Nội, ngày 5/8/2019.Nhac NGUYEN / AFP

Với tư cách là một khối, Liên Hiệp Châu Âu trở thành đối tác hợp tác quốc phòng an ninh đầu tiên của Việt Nam, thông qua việc hai bên sẽ ký kết thỏa thuận thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động giải quyết khủng hoảng của Liên Hiệp Châu Âu – FPA (*). Đây là cũng là nội dung chính chuyến công du Việt Nam của bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao của Liên Hiệp Châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh, tại Hà Nội, từ ngày 03 đến 05/08/2019.

Chính những yêu sách độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh đã buộc Việt Nam phải phòng vệ. Song song với việc mở rộng hợp tác quân sự với nhiều nước (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Úc…), chính phủ Việt Nam cũng tăng thêm ngân sách quốc phòng, từ 5,1 tỉ đô la cho năm 2019, lên thành 5,5 tỉ đô la cho năm 2020 và đạt đến mức 7,9 tỉ đô la vào năm 2024 (**).

Vậy hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu về quốc phòng và an ninh mang lại lợi ích gì cho cả hai bên ? Liên Hiệp Châu Âu có thể giúp gì cho quốc phòng Việt Nam ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

RFI : Trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 08/2019 của bà Federica Mogherini, Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu đã thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phòng vệ và an ninh. Quan hệ đối tác hợp tác này có ý nghĩa gì ?

Benoît de Tréglodé : Trước tiên cần phải nhắc đến bối cảnh. Thỏa thuận quốc phòng này nằm trong loạt thỏa thuận giúp Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam xích lại gần nhau. Thỏa thuận quan trọng nhất dĩ nhiên là Hiệp định Tự do Thương mại (EVFTA), sau bốn năm dài đàm phán giữa Hà Nội và Bruxelles, đã được kí vào tháng 06/2019 và đang chờ được Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn.

Điều này cho thấy Liên Hiệp Châu Âu mạnh mẽ tỏ rõ ý chí củng cố hoạt động trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, và đặc biệt hơn là với một số nước đối tác trong vùng. Vì thế, đây là một thỏa thuận đối tác chiến lược.

Vậy một đối tác chiến lược có nghĩa là gì ? Đó chính là kết quả cuối cùng của toàn bộ loạt thỏa thuận tiên quyết, từ thỏa thuận chính trị, kinh tế, văn hóa, đến những thỏa thuận chiến lược được đặt chung thành một khối và nhằm chứng tỏ sự hợp tác giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đã đến thời điểm chín muồi, để đó tiến xa hơn sau đó. Vì thế, đây không hẳn là kết quả mà còn là một bước khởi đầu, hướng đến hợp tác trong mỗi lĩnh vực.

RFI : Hà Nội và Bruxelles trông đợi gì qua thỏa thuận đối tác này ?

Benoît de Tréglodé : Dĩ nhiên là mỗi bên đều có những trông chờ đặc biệt. Đối với Bruxelles, trước tiên là nhằm khẳng định hoặc tăng cường hiện diện ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Liên Hiệp Châu Âu đã kí thỏa thuận tương tự với ba nước, New Zealand, Úc và Hàn Quốc. Thỏa thuận với Việt Nam là thỏa thuận đầu tiên mà Bruxelles kí với một nước Đông Nam Á.

Đúng là hai bên tỏ rõ thiện chí, đã có từ lâu. Chúng ta đừng quên rằng Liên Hiệp Châu Âu là thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum, ARF), được thành lập năm 1994 và được coi là cuộc họp đa phương đầu tiên tư vấn các vấn đề an ninh trong vùng. Liên Hiệp Châu Âu luôn muốn có trọng lượng và đóng vai trò trong những vấn đề này ở Châu Á-Thái Bình Dương. Hiện nay, tham vọng của Bruxelles được củng cố thông qua Diễn đàn Khu vực ASEAN, mà theo quan điểm của Bruxelles có rất nhiều mục tiêu lớn, rõ nét.

Phía Việt Nam thì khác hơn một chút. Chúng ta vẫn nhớ bài diễn văn nổi tiếng của cựu ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Dy Niên, nếu tôi nhớ không nhầm là vào khoảng năm 1990-1991. Trong đó ông phát biểu rằng sau chiến tranh lạnh, từ giờ chỉ có một thế giới. Việt Nam nên kết bạn ở khắp nơi vì đó là giải pháp duy nhất để duy trì sự độc lập trong một thế giới không còn là thế giới hai cực nữa.

Vì vậy, Hiệp định với Bruxelles còn là một thắng lợi cho ngành ngoại giao Việt Nam vì Hà Nội đã chờ đợi thời điểm này từ lâu và vì Liên Hiệp Châu Âu là một đối tác có chủ đích đóng vai trò quan trọng. Như vậy, Việt Nam có một lá phiếu ủng hộ chính trị của Liên Hiệp Châu Âu, có trọng lượng, trong bối cảnh quan hệ phức tạp, trong đó có quan hệ với Bắc Kinh và tại vùng Biển Đông.

RFI : Trong khuôn khổ Hợp tác quốc phòng và an ninh với Bruxelles có một điểm là Việt Nam sẽ tham gia các chiến dịch quản lý khủng hoảng do Liên Hiệp Châu Âu đảm nhiệm trong khuôn khổ các chiến dịch của Liên Hiệp Quốc. Những chiến dịch này có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với Việt Nam ?

Benoît de Tréglodé : Thời điểm rất có lợi cho việc Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam xích lại gần nhau về mặt chính trị. Việt Nam sắp giữ nhiều chức vụ quan trọng trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Năm 2020, Việt Nam sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, cũng như chức thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Vì thế, Liên Hiệp Châu Âu, để gia tăng ảnh hưởng của khối trong vùng Đông Nam Á, cần đến sự ủng hộ của quốc gia có sức ảnh hưởng trong các hồ sơ. Đây là một điểm quan trọng !

Việc Việt Nam tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc không có gì là mới. Điểm mới, được nêu trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác chiến lược về quốc phòng với Bruxelles, là Việt Nam cũng sẽ tham gia những nhiệm vụ ở cấp độ Liên Hiệp Châu Âu. Những cam kết này nhằm giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn vào cộng đồng quốc tế và các cấp độ quốc tế. Và đây là điểm tốt cho cả hai bên !

RFI : Thông qua hợp tác quốc phòng và an ninh, Liên Hiệp Châu Âu có thể giúp gì cho Việt Nam về mặt quốc phòng ?

Benoît de Tréglodé : Chúng ta biết là chính sách phòng thủ của Liên Hiệp Châu Âu vẫn còn đang trong quá trình soạn thảo và xây dựng với những tham vọng lớn mà chúng ta có thể hoan nghênh.

Nhưng điểm thú vị cần lưu ý là Việt Nam đang trong quá trình tìm kiếm ủng hộ quốc tế. Và những tuyên bố về mục tiêu được nêu trong văn kiện đối tác chiến lược này cũng theo hướng bao gồm tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, dù chúng ta biết rằng, trên thực tế, rất ít nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu thực sự tỏ ra tích cực trong vấn đề tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông hoặc đối với những quan hệ đối tác mang tính quân sự, quốc phòng. Đó là những vấn đề thường được xử lý dễ dàng hơn trên phương diện song phương.

Vì vậy, chúng ta cần hoan nghênh khuôn khổ chung đang được triển khai và cho phép hợp pháp hóa « hàng loạt hợp tác trong tương lai ». Tôi muốn nhấn mạnh là « hợp tác tương lai » về mặt quân sự và an ninh. Và tôi cho rằng Việt Nam có thể hoan nghênh thỏa thuận này.

Phải nhắc lại rằng thỏa thuận với Bruxelles không gây tác động đến những cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa Việt Nam và một số nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Hà Nội đã kí và thúc đẩy một số thỏa thuận đối tác chiến lược với một số thành viên khác trong Liên Hiệp Châu Âu và những thỏa thuận này đã được thúc đẩy hơn một chút.

RFI : Để tăng cường hiện diện tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Pháp cần phải tham gia nhiều hơn vào cấu trúc quốc phòng, an ninh trong khu vực. Theo ông, Pháp có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Việt Nam không ?

Benoît de Tréglodé : Tôi nghĩ là dĩ nhiên Pháp có thể trông cậy vào Việt Nam nhưng tất cả mọi vấn đề không thể giải quyết được ở cấp một Nhà nước. Chúng ta đang ở trong một thực tế đa phương và thực tế, có thể nói là rất ASEAN, tức là hoạt động dựa trên đồng thuận. Một mình Việt Nam không thể quyết định được việc để Pháp tham gia nhiều hơn vào các tổ chức đa phương về an ninh.

Trước tiên, những tổ chức nào hoạt động thực sự ? Chúng ta đã nhắc ở trên đến Diễn đàn an ninh Khu vực ASEAN (ARF), được tổ chức lần đầu vào năm 1994 theo sáng kiến của Singapore. Đó là một cơ chế đối thoại không chính thức quy tụ 27 nước, gồm các nước thành viên ASEAN, các nước láng giềng và các cường quốc thế giới. Pháp tham dự diễn đàn nhưng không phải với tư cách là một quốc gia, mà thông qua ghế của Liên Hiệp Châu Âu.

Ngoài ra còn có nhiều cơ chế khác. Cơ chế có thể nói là hiệu quả nhất, đó là ADMM+ (ASEAN Defense Ministers Meeting+), gồm bộ trưởng Quốc Phòng các nước trong vùng. Pháp đã chính thức gõ cửa xin tham gia cách đây vài năm, nhất là sau một bài diễn văn của bộ trưởng Quốc Phòng Pháp tại Đối thoại Shangri-la, diễn ra hàng năm vào tuần đầu tiên của tháng Sáu, ở Singapore.

Cần phải nhắc lại một lần nữa là gia nhập một tổ chức đa phương như vậy cần đến một thỏa thuận, trong đó Việt Nam là một đối tác. Tôi cho rằng, nếu nhìn về mặt ngoại giao, Việt Nam cần phải làm thế nào để các nước ngoài, như các nước châu Âu, hoặc phương Tây, kể cả nước Pháp, một ngày nào đó có thể tham gia vào các cơ chế đa phương kiểu này. Nhưng Việt Nam sẽ không thể đơn phương làm được một mình mọi thứ.

RFI : Để đối phó với mối đe dọa Trung cộng, Việt Nam gia tăng ngân sách quốc phòng, mở rộng quan hệ quân sự với nhiều nước lớn trong thời gian gần đây. Ông đánh giá như nào về sự kiện này ?

Benoît de Tréglodé : Từ 20 năm nay và từ khi đa số các nước thành viên trong vùng phê chuẩn Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS, kí tại Montego Bay, được phần lớn các nước phê chuẩn trong thập niên 1990), có thể nói chúng ta chứng kiến xu hướng gia tăng ảnh hưởng trên biển.

Những nước không hẳn có truyền thống lâu đời về hàng hải, không hẳn có lực lượng hải quân lớn, nhận ra rằng từ giờ trở đi thách thức không chỉ nằm trên đất liền mà đến từ biển. Và điều này dẫn đến sự chồng chéo về lập luận lợi ích chiến lược, cùng với việc kí kết Công ước Quốc tế về Luật Biển.

Công ước này đã buộc các nước Đông Nam Á từ giờ phải coi thách thức hàng hải là những vấn đề ưu tiên quốc gia. Trường hợp này trước đây không có. Đây thực sự là điều hoàn toàn mới, đến với các nước Đông Nam Á vào cuối những năm 1990. Từ giờ các nước ASEAN phải trực tiếp xử lý các vấn đề chủ quyền. Sau những biến động trên, đa số các nước trong vùng, kể cả Trung cộng, đã quyết định hiện đại hóa lực lượng hàng hải phù hợp theo bối cảnh hiện nay.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

*****

(*): Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu đã kết thúc các cuộc đàm phán về Hiệp định thiết lập khuôn khổ tham của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên Hiệp Châu Âu (FPA). Văn bản này đã được các đại sứ của Ủy ban Đại diện thường trực của Liên minh châu Âu (COREPER) phê chuẩn. Hai bên đang hoàn thiện các thủ tục nội bộ cho phép ký kết, phê chuẩn và thực hiện Hiệp định này.

(**) : The Future of the Vietnamese Defense Industry to 2024

RFI (07.09.2019)

Giới nghiên cứu: ‘Nguy cơ lớn’ ở Tư Chính; TBT-CTN Trọng vẫn dịu giọng

Tọa đàm về bãi Tư Chính, diễn ra ở Hà Nội hôm 7/10/2019

Giới nghiên cứu và các nhà ngoại giao kỳ cựu cảnh báo rằng trong tương lai Việt Nam sẽ “không có biển” nếu để mất bãi Tư Chính vào tay Trung cộng, đồng thời đề xuất Việt Nam “khởi kiện” Trung cộng ra tòa án quốc tế.

Hai quan điểm nêu trên được đưa ra hôm 6/10 tại cuộc tọa đàm do Viện Nghiên cứu chính sách luật pháp và phát triển tổ chức ở Hà Nội.

Tham gia tọa đàm là nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, cựu quan chức, trong đó có tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, giáo sư Chu Hảo, thạc sĩ Hoàng Việt, thiếu tướng Lê Văn Cương, các cựu đại sứ Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Trung, Trương Triều Dương, và một số học giả khác.

Ông Hoàng Việt thuộc Quỹ nghiên cứu Biển Đông tóm tắt cho biết VOA rằng những người tham gia tọa đàm có nhận định chung là tình hình bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hiện “hết sức nghiêm trọng”.

Các động thái ngày càng leo thang của Trung cộng ở khu vực này trên Biển Đông đang “đặt Việt Nam vào thế rất nguy hiểm”, những người tham gia tọa đàm khẳng định, theo lời tường thuật của thạc sĩ Hoàng Việt.

Theo cập nhật hồi trưa ngày 7/10, giờ Việt Nam, trên trang Facebook mang tên Dự án Đại sự ký Biển Đông, tàu khảo sát địa chất của Trung cộng Haiyang Dizhi 8 (Hải dương Địa chất 8) mới thực hiện đường khảo sát thứ 5, đi sâu thêm 4,7 hải lý vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và cách bờ biển Việt Nam chỉ còn khoảng 89,1 hải lý (165 km).


Dự án phi lợi nhuận, phi chính trị – của một nhóm các nhà nghiên cứu tự nguyện thực hiện – cho biết thêm là phạm vi và tính chất hoạt động tàu khảo sát kể trên và các tàu hộ tống “đã thay đổi và có tính thách thức nhiều hơn” so với đợt thứ 4 hồi ngày 28/9.

“Khu vực khảo sát của Haiyang Dizhi 8 đã không chỉ còn quanh quẩn trong một phạm vi gần khu vực các bãi ngầm Tư Chính cho tới Phúc Tần, mà đã kéo dài lên tận phía bắc giữa Quy Nhơn và Quảng Ngãi, trải dài hơn 220 hải lý”, trang Dự án Đại sự ký Biển Đông nói hôm 7/10.

Thạc sĩ Hoàng Việt, cũng là thành viên Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho VOA biết những người tham gia tọa đàm hôm 6/10 đưa ra cảnh báo như sau:

“Nếu để mất khu vực biển này vào sự kiểm soát của Trung cộng cũng đồng nghĩa là trong tương lai Việt Nam sẽ không có biển. Như vậy, đó là nguy cơn rất lớn đối với đất nước và dân tộc Việt Nam”.

Tại tọa đàm, ông Trương Triều Dương, cựu Đại sứ Việt Nam tại Phi Luật Tân, cho rằng “dã tâm của Trung cộng với Biển Đông sẽ không dừng lại”, theo một bài báo của Thanh Niên.

Vị cựu đại sứ tiên liệu rằng “làm chủ Biển Đông sẽ là điều Trung cộng ‘cố sống, cố chết’ làm”, vẫn theo tin của Thanh Niên. Củng cố cho nhận định của mình, ông Dương nêu ra lý do: “Vì đó là con đường duy nhất để Trung cộng trở thành cường quốc trên biển, cơ sở quan trọng cho tham vọng cường quốc đứng đầu thế giới”.


Để chống lại và chặn đứng các hành động của Trung cộng, giới nghiên cứu, các cựu quan chức tham gia tọa đàm đề xuất rằng Việt Nam cần đưa vấn đề ra một số diễn đàn quốc tế lớn.

Thạc sĩ Hoàng Việt tường thuật thêm với VOA:

“Tất cả những người tham gia tọa đàm đều đồng ý với nhau một ý kiến là Việt Nam cần phải mạnh mẽ hơn, cụ thể thông qua các hành động. Thứ nhất là khởi kiện Trung cộng ra một tòa án quốc tế nào đó mà có thể kiện được. Và thứ hai, Việt Nam phải đổi mới về chính sách đối ngoại, trong đó là xích lại với phía Mỹ nhiều hơn để làm đối trọng với Trung cộng trong khu vực Biển Đông”.

Trong một video về cuộc tọa đàm, do nhà văn Phạm Viết Đào ghi lại và đăng lên YouTube, giáo sư Chu Hảo phát biểu:

“Chắc chắn phải đi đến hành động quyết liệt là phải kiện Trung cộng. Kiện Trung cộng bây giờ, theo quan điểm của tôi, là đúng thời điểm và là thời điểm quan trọng nhất. Đây là lúc lãnh đạo nhà nước và toàn dân phải lấy quyết định quan trọng nhất vào thời điểm quan trọng nhất”.

Một ngày sau buổi tọa đàm, hôm 7/10, trong diễn văn khai mạc một hội nghị của Đảng Cộng sản, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được giới quan sát cho là vẫn dịu giọng về vấn đề Biển Đông khi ông chỉ đề cập đến vấn đề này chỉ đúng một lần.

Bản tin của Tuổi Trẻ, VietnamNet, và một số trang tin khác cho hay tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành trung ương khóa 12, ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị hội nghị “phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua”.


Không có tin tức gì thêm cho thấy nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam có phát biểu nào cụ thể hơn về Biển Đông nói chung hay diễn biến ở bãi Tư Chính nói riêng.

Khi được VOA hỏi cuộc tọa đàm hôm 6/10 có phải là một động thái được nhà nước hậu thuẫn nhằm thăm dò dư luận trong nước và quốc tế, hay đó là một hoạt động chuyên môn đơn thuần, thạc sĩ Hoàng Việt khẳng định cuộc tọa đàm hoàn toàn là “tiếng nói của xã hội dân sự”:

“Việc xin phép, thành lập, tổ chức hội thảo hoàn toàn là tư nhân, không có cái gì của nhà nước trong này. Nhà nước không có liên quan gì trong này. Thậm chí nhà nước còn không muốn cho tọa đàm được mạnh mẽ hơn, lan tỏa nhiều”.

Ông Việt cho biết thêm rằng trên thực tế Viện Nghiên cứu chính sách luật pháp và phát triển phải vượt qua nhiều khó khăn mới có thể tổ chức được cuộc tọa đàm. Lẽ ra sự kiện này đã diễn ra hôm 22/9 song bị hoãn lại, phải đến hôm 6/10 mới được thực hiện, vị thạc sĩ cho hay.

VOA (07.10.2019)

Hoa Kỳ tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (trái) và tàu tấn công đổ bộ USS Boxer diễn tập. Ảnh: navy.mil

Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và tàu đổ bộ USS Boxer của Mỹ đã thực hiện cuộc tập chung tại khu vực Biển Đông với đạn thật nhằm thể hiện thông điệp ủng hộ một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở cửa.

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (hàng trên, trái) và tàu đổ bộ USS Boxer (hàng trên, phải) dẫn đầu nhóm tàu chiến tập trận ở Biển Đông ngày 6/10 (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Trang web chính thức của hải quân Mỹ ngày 6/10 phát đi thông báo về cuộc tập trận của các máy bay và tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Mỹ tại khu vực Biển Đông.

Ngoài sự tham gia của lực lượng hải quân, cuộc tập trận còn có sự góp mặt của máy bay từ thủy quân lục chiến Mỹ.

“Hoạt động của chúng tôi ở Ấn Độ – Thái Bình Dương tập trung vào việc duy trì an ninh và ổn định tại khu vực. Sự hiện diện của chúng tôi thể hiện những cam kết với những giá trị mà chúng tôi đã chia sẻ với rất nhiều đối tác và đồng minh trong khu vực. Chúng tôi, bằng lực lượng áp đảo gồm nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm và các nhóm đổ bộ tấn công của Mỹ, đã chuẩn bị để ngăn cản những bên thách thức những giá trị chung”, Chuẩn Đô đốc George Wikoff, Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm 70, thuộc Hạm đội 7, cho hay.

Khi diễn tập, lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ đã trau dồi khả tăng chiến đấu thông qua hàng loạt các bài tập được thiết kế nhằm nâng cao năng lực sẵn sàng tác chiến. Các bài tập bao gồm tấn công trên biển, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, phòng thủ và phản công nhanh, chặn tiếp tế hàng hải, diễn tập bắn đạn thật với vũ khí hạng nhẹ, phòng không và tác chiến chống ngầm.

“Sự linh hoạt của lực lượng Mỹ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương là điểm then chốt trong khả năng sát thương của chúng tôi. Khả năng tác chiến xuất sắc của nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm phối hợp với sức mạnh chiến đấu viễn chinh của hải quân và thủy quân lục chiến cũng như mạng lưới đồng minh và đối tác lớn của Mỹ mang lại cho chúng tôi lợi thế cạnh tranh thực tế”, Chuẩn Đô đốc Fred Kacher, Chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 7 cho biết.

USS Ronald Reagan (CVN 76) là tàu chủ chốt trong nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm số 5 bao gồm phi đội máy bay, các tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga, các tàu khu vực tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke.

Mặc dù không có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, nhưng Mỹ thường xuyên triển khai tàu chiến, máy bay thực hiện các nhiệm vụ tuần tra tuân thủ luật pháp quốc tế tại khu vực nhằm đảm bảo tự do hàng không, hàng hải tại đây. Động thái này được coi là nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý, hành vi bồi đắp, quân sự hóa trái pháp luật của Trung cộng tại Biển Đông.

VietBF (06.07.2019)

Tàu Trung cộng thăm dò ngày càng sát bờ biển Việt Nam  

Thông tin từ giới chuyên gia theo dõi tình hình lưu hành trên mạng Internet cho thấy là từ cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019, tàu Trung cộng đã mở hai mặt trận trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ngày 03/10/2019, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam tố cáo Trung cộng cho tàu mở rộng hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng không cho biết chi tiết cụ thể.

Tuy nhiên, theo quan sát của giới chuyên gia, một mặt, Bắc Kinh cho tàu thăm dò ngày càng áp sát bờ biển miền Trung Việt Nam. Mặt khác, Trung cộng tung tàu hải cảnh đẩy mạnh các hoạt động phá hoại công việc của giàn khoan Hakuryu tại lô 6.1 gần Bãi Tư Chính.

Trên mạng Twitter, tài khoản Pham Thang Nam công bố một loạt hình ảnh sơ đồ vị trí chiếc tàu Trung cộng dựa theo tín hiệu nhận dạng AIS, cho thấy rõ hành trình của tàu khảo sát Trung cộng Hải Dương Địa Chất 8 từ lúc chiếc tàu này trở lại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam lần thứ tư hôm 28/09. Bản đồ công bố sáng ngày 06/10/2019 cho thấy chiếc tàu Trung cộng chỉ cách bờ biển Việt Nam không đầy 100 hải lý.

Ảnh chụp màn hinh tin nhắn từ tài khoản Twitter Pham thang Nam về hành trình dọc bờ biển miền Trung Việt Nam của tàu khảo sát Trung cộng Hải Dương Địa Chất 8.Copie écran Twitter

Tàu khảo sát Trung cộng lần này không đi xuống phía bãi Tư Chính, mà đi ngược lên phía bắc, di chuyển lên xuống theo chiều dọc trong dải biển nằm giữa vĩ độ ngang với Phan Thiết ở phía dưới, và gần ngang với Quảng Ngãi ở phía trên.

Điều đáng nói là chiếc tàu này ngày càng áp sát bờ biển Việt Nam, và theo ghi nhận mới nhất vào 5 giờ sáng nay 06/10, giờ Việt Nam, vị trí con tàu có lúc chỉ cách đảo Hòn Lớn ở tỉnh Khánh Hòa hay mũi Đại Lãnh tỉnh Phú Yên khoảng 90 hải lý.

Các dữ liệu do tài khoản này tiết lộ trùng hợp với cảnh báo hôm 30 tháng 9 vừa qua của giáo sư Ryan Martinson thuộc trường Hải Chiến Mỹ,  cũng đã công bố một bản đồ xác định sự kiện là từ ngày rời Đá Chữ Thập ở Trường Sa hôm 27/09, tàu khảo sát HD 8 của Trung cộng đã đi ngược lên phía bắc để thăm dò một khu vực dọc theo bờ biển Việt Nam từ Phan Thiết lên đến gần Quảng Ngãi.

Song song với việc cho tàu khảo sát lên hoạt động trong vùng biển Việt Nam ngoài khơi miền Nam Trung Bộ, Bắc Kinh tiếp tục cho tàu hải cảnh sách nhiễu hoạt động của giàn khoan Hakuryu 5 tại khu vực Lô 6.1.

Tài khoản IndoPacific_SCS_Info hôm 03/06 báo động là trong 24 tiếng đồng hồ trước đó, hai tàu hải cảnh Trung cộng là 37111 và 31302 đã có những thao tác gây nguy hiểm, cắt đường đi của chiếc tàu hậu cần Crest Argus 5 phục vụ cho giàn khoan Hakuryu 5.

Theo nguồn tin này, thì đó là một hành vi « leo thang nghiêm trọng, có thể dẫn đến hậu quả khó lường ».

Ngày hôm qua, 05/10, tài khoản này cho biết là một số nguồn tin tiết lộ rằng có đến 28 tàu hải cảnh và dân quân biển Trung cộng hoạt động hỗ trợ cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 và sách nhiễu giàn khoan của Việt Nam tại Bãi Tư Chính.

Bình luận về các thông tin nói trên, ông Shekhar Sinha, một phó đô đốc Hải Quân Ấn Độ đã hồi hưu, hiện là chuyên gia phân tích, trong một tin nhắn Twitter vào hôm qua đã cho rằng diễn biến tại Bãi Tư Chính đã « trở nên nguy hiểm cho hòa bình thế giới », và đã đến lúc Liên Hiệp Quốc phải quan tâm, và nhóm P4, tức là 4 thành viên thường trực còn lại (Nga, Anh, Pháp, Mỹ) của Hội Đồng Bảo An có trách nhiệm nêu lên vấn đề.

RFI (06.10.2019)

Nhóm tàu tác chiến Hoa Kỳ làm dậy sóng biển Đông

Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và nhóm tàu sẵn sàng đổ bộ Boxer của Mỹ vừa tập trận chung ở biển Đông trong nỗ lực đảm bảo một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở.

Trang web chính thức của Hải quân Mỹ navy.mil hôm 6-10 đưa tin tham gia cuộc diễn tập bao gồm các tàu và máy bay của Hải quân cũng như máy bay của Thủy quân Lục chiến Mỹ. Chúng nằm trong nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và nhóm tàu ARG được triển khai tới khu vực hoạt động của Hạm đội 7.

“Những hoạt động của chúng tôi ở Ấn Độ – Thái Bình Dương tập trung vào việc duy trì sự ổn định và an ninh khu vực. Chúng tôi phản ánh cam kết với các giá trị mà chúng tôi chia sẻ với nhiều đối tác và đồng minh trong khu vực. Chúng tôi cũng sẵn sàng ngăn chặn những người thách thức các giá trị này bằng lực lượng áp đảo bao gồm các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm và đổ bộ kết hợp của mình” – Chuẩn Đô đốc George Wikoff phát biểu.

Ảnh: Hải quân Mỹ

Trong khi hoạt động cùng nhau, lực lượng Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ được dịp tăng cường khả năng tương tác thông qua một loạt bài tập nhằm thúc đẩy khả năng sẵn sàng chiến đấu. Các bài tập bao gồm tấn công trên biển, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ – tấn công nhanh, kết hợp hàng hải, sử dụng vũ khí nhỏ, phòng không và tác chiến chống ngầm.

Chuẩn Đô đốc Fred Kacher ca ngợi sự linh hoạt của các lực lượng Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương: “Khả năng kết hợp cộng thêm khả năng đáng kinh ngạc của nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm, sức mạnh chiến đấu viễn chinh của Hải quân – Thuỷ quân Lục chiến cũng như mạng lưới đồng minh và đối tác rộng lớn của Mỹ mang đến cho chúng tôi lợi thế cạnh tranh thực sự”.

Theo navy.mil, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan còn có tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga và tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke. Trong khi đó, nhóm tàu sẵn sàng đổ bộ Boxer gồm tàu tấn công đổ bộ USS Boxer, tàu cập cảng đổ bộ lớp San Antonio và tàu đổ bộ lớp Harpers Ferry.

Theo navy.mil (06.10.2019)

3 tàu Trung cộng truy đuổi tàu Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế

Trung cộng liên tiếp cản phá ngư dân Việt Nam. (Ảnh qua hanoimoi)

Vào khoảng 14h40′ ngày 5/10, một tàu cá BĐ 91386 TS của Bình Định đã bị 3 tàu Trung cộng truy đuổi không cho đánh bắt tại khu vực phía Nam Đông Nam cách tỉnh Khánh Hòa khoảng 112 hải lý (khoảng 204 km). 

Nhận định về sự việc trên, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ ông Trần Công Trục khẳng định, sự việc 3 tàu Trung cộng truy đuổi tàu cá Bình Định là vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế  theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). 

Trung cộng liên tục vi phạm công ước của Liên Hợp Quốc 

Tình trạng ngư dân Việt Nam đi đánh bắt hải sản tại các ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa và Trường Sa trong những năm qua bị các tàu cá cũng như tàu chấp pháp của Trung cộng sách nhiễu, truy đuổi, đâm va, tịch thu hải sản, ngư cụ… không phải chuyện hiếm. Trước đây từng có những vụ bắt ngư dân Việt rồi đòi tiền chuộc và những vụ ngư dân Việt bị phía Trung cộng bắn chết. 

Và mới đây nhất là việc liên quan đến tàu cá ĐNa 90929 TS với 9 lao động của Đà Nẵng bị phá nước, chìm vào ngày 26/9 ở khu vực cách phía Đông đảo Bạch Quy (Quần đảo Hoàng Sa) khoảng 5 hải lý, hiện việc trục vớt phải dừng do phía Trung cộng ngăn cản.

Chủ tàu cá ĐNa 90929 TS bị nạn đã thuê 2 tàu cá của Quảng Ngãi (QNg 90019 TS và QNg 66018 TS) đến hiện trường để trục vớt tàu và tài sản.

Tuy nhiên, lúc 14h20 ngày 3/10, phía Trung cộng điều một ca nô ra ngăn cản hoạt động trục vớt tàu chìm của ngư dân. Đến chiều 3/10, cả 2 tàu cá của Quảng Ngãi phải dừng hoạt động trục vớt tàu ĐNa 90929 TS, và di chuyển về đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) do phía Trung cộng điều động ca nô ngăn cản các hoạt động trục vớt.

Theo Tinhhoa.net (07.20.2019)

Vụ bãi Tư Chính “cực kỳ nguy hiểm” cho an ninh quốc phòng VN

Các đại biểu tham dự cuộc Tọa đàm khoa học

Vụ việc ở vùng biển bãi Tư Chính là “cực kỳ nguy hiểm” không chỉ với chủ quyền biển đảo mà còn cho an ninh quốc phòng của Việt Nam, “kể cả trên đất liền”, một nhà nghiên cứu chính sách và pháp luật nói với BBC News Tiếng Việt ngay sau một Tọa đàm Khoa học ở Hà Nội hôm Chủ nhật, 06/10/2019 về vùng biển này và luật pháp quốc tế.

“Không phải như những lần trước, năm 2016 hay trước nữa, là họ vào rồi họ ra như phép thử, mà lần này nó thể hiện một loạt hành động nhất quán và bây giờ vẫn đang hoạt động,” PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, từ Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), đơn vị đồng tổ chức, tóm lược với BBC kết quả và nội dung chính của Hội thảo.

Tôi không thể duy trì chính sách “Ba không” nếu như chính sách ba không đó không giúp cho tôi bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển và trong trường hợp nếu tôi bị xâm lăngPGS. TS. Hoàng Ngọc Giao

“Đang có những hành động sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền của Việt Nam. Cho nên cái đầu tiên phải nhận diện rõ đây là nguy cơ rất lớn đối với Việt Nam,” nguyên Phó vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ VN nói.

“Thế nhưng cùng với nguy cơ đó, cũng có ý kiến cho rằng và cũng nhiều người đồng tình là trong nguy cơ này cũng lại có một cơ hội để Việt Nam có thể vượt qua nguy cơ này và phát triển được.

“Đó là phải xác định rõ bạn – thù, đó là việc Việt Nam phải liên minh với Hoa Kỳ và các nước phương Tây, ở đây cũng đã nhắc đến chính sách ‘Ba không’, thì cần phải hóa giải chính sách ba không này bởi một điều khoản rất quan trọng của Hiến chương Liên hiệp quốc – đó là quyền tự vệ chính đáng.

“Tôi không thể duy trì chính sách “Ba không” nếu như chính sách ba không đó không giúp cho tôi bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển và trong trường hợp nếu tôi bị xâm lăng, thì Liên Hiệp quốc cho phép tôi có được quyền tự vệ chính đáng.

“Và để làm sao đó tránh được cuộc chiến tranh, nếu như Trung cộng gây chiến, thì Việt Nam phải mạnh lên, mạnh dạn hơn trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là phải tỏ rõ lập trường của mình trong quan hệ với Hoa Kỳ, cũng như các nước văn minh, các nước phát triển trong khu vực như là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và xa hơn nữa là các nước EU.

“Đấy chính là một trong những giải pháp để mà Việt Nam trong nguy cơ đó, có thể hóa giải được hành vi xâm lăng, bành trướng của Trung cộng ở bãi Tư Chính, đấy là một nhận định, ý kiến theo tôi rất quan trọng, nhận diện được vấn đề và tìm gia một giải pháp.

“Và cái thứ hai, vấn đề cũng rất lớn, đó là khẳng định rằng đây chính là thời cơ chính muồi, đây chính là thời cơ quan trọng nhất, ở thời điểm quan trọng nhất để khởi kiện Trung cộng ra cơ quan tài phán quốc tế.”

‘Khẳng định thành công’

Nhà nghiên cứu nói thêm về kết luận và nội dung chính rút ra từ hội thảo:

“Và về phía Việt Nam, mọi người khẳng định rằng: thứ nhất chính nghĩa, thứ hai bằng chứng, chứng cứ lịch sử pháp lý về chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa khu vực bãi Tư Chính là có thể nói và khẳng định là không có vấn đề.

“Khẳng định là chắc chắn và việc khởi kiện cũng mang lại thành công cho Việt Nam,” ông Hoàng Ngọc Giao nói về cuộc Hội thảo từ quan điểm cá nhân từ Hà Nội.

Cuộc Tọa đàm khoa học hôm Chủ nhật trước đó đã được Ban tổ chức chủ động rời thời gian lại để chuẩn bị tốt hơn và phù hợp hơn với thời gian của khách mời, ông Giao cho biết.

Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES Image caption Một cảnh sát biển Việt Nam trong lúc quan sát tàu hải cảnh VN di chuyển gần dàn khoan của Trung cộng tháng Năm, 2014.

Căng thẳng và đối đầu giữa Việt Nam và Trung cộng vùng biển bãi Tư Chính đã nóng lên trong suốt các tháng Hè và kéo dài chưa dứt qua mùa Thu năm 2019.

Theo Điều 5 Tuyên bố về Ứng xử của Các Bên ở Nam Hải (DOC) và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Việt Nam phải ngay lập tức chấm dứt các hoạt động đơn phương và phải khôi phục hòa bình trong khu vựcCảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng

Về phía Trung cộng, tháng trước, nước này nói Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính, nơi mà Trung cộng gọi là Vạn An Than, và có tên tiếng Anh là Vanguard Bank.

Các hoạt động tại vị trí ở ngoài khơi Vũng Tàu này, Bắc Kinh tuyên bố hôm thứ Tư, 18/9/2019, là “vi phạm chủ quyền của Trung cộng ở Nam Hải (cách Trung cộng gọi Biển Đông)”.

Trong cuộc họp báo định kỳ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của Việt Nam theo đó nói các tàu nghiên cứu Trung cộng đã xâm phạm quyền tài phán của Hà Nội ở Biển Đông.

“Việt Nam đã đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí từ tháng Năm tới nay, và việc này vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích của Trung cộng, đồng thời vi phạm các thỏa thuận song phương giữa Trung cộng và Việt Nam,” ông Cảnh Sảng nói.

“Theo Điều 5 Tuyên bố về Ứng xử của Các Bên ở Nam Hải (DOC) và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Việt Nam phải ngay lập tức chấm dứt các hoạt động đơn phương và phải khôi phục hòa bình trong khu vực.”

“Trung cộng sẵn sàng giải quyết các vấn đề liên quan thông qua các tham vấn hữu nghị với Việt Nam,” ông Cảnh Sảng nói thêm.

Đầu tháng này, trong một diễn biến liên quan, Việt Nam qua kênh ngoại giao nói sẽ nâng cao nhận thức về tình hình Biển Đông trong cuộc đối thoại an ninh hàng năm với Ấn Độ trong tháng Mười, HinduStan Times trích lời Đại sứ Việt Nam, ông Phạm Sanh Châu, cho hay.

Căng thẳng giữa Hà Nội và Trung cộng ngày càng gia tăng vì sự xâm nhập liên tục của các tàu Trung cộng vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, và Việt Nam dường như đang cố gắng củng cố sự hỗ trợ của Ấn Độ trong vùng biển này.

Trả lời phỏng vấn của thời báo Ấn Độ, Đại sứ Việt Nam tại nước Nam Á này cho biết kể từ tháng 7/2019, các tàu Trung cộng đã bốn lần xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Vụ xâm nhập mới nhất của 28 tàu Trung cộng bắt đầu vào ngày 30 tháng 9 và vẫn đang tiếp tục mặc dù Việt Nam đã 40 lần lên tiếng phản đối qua các nẻo ngoại giao, kể từ lần xâm nhập đầu tiên ba tháng trước.

”Chúng tôi nói với họ rằng họ không nên vi phạm vùng biển của Việt Nam và nên rút tất cả các tàu về càng sớm càng tốt,’ nhà ngoại giao Việt Nam được báo Ấn Độ dẫn lời nói hôm 2/9.

BBC (07.10.2019)

Quốc gia nào ủng hộ Trung Cộng trong tranh chấp Biển Đông

Tập Cận Bình (phải) trong môt lần gặp TT độc tài Mugabe của Zimbabwe. Photo Courtesy

TT Phi Luật Tân, Rodrigo Duterte kết thúc chuyến viếng thăm Trung Cộng vào cuối tháng 8, 2019.

Theo TT Rodrigo Duterte, Tập Cận Bình đề nghị Phi Luật Tân và Trung Cộng cùng hợp tác và chia lợi từ các nguồn tài nguyên trong khu vực tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông với một điều kiện Phi Luật Tân phải bỏ qua phán quyết của tòa án The Hague.

Bắc Kinh không bác bỏ những lời tuyên bố của Duterte.

TT Rodrigo Duterte chỉ thấy cái lợi trước mắt nhưng không thấy hay không quan tâm đúng mức mối hại lâu dài.

Nhắc lại các bài trước, Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) viết tắt là PCA đặt tại The Hague cho rằng Phi Luật Tân đúng khi chống lại các đòi hỏi của Trung Cộng trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Tòa Trọng tài Thường trực nhận xét rằng Trung Cộng không có một cơ sở pháp lý nào để đòi quyền lịch sử đối với tài nguyên trong “đường chín gạch” mở rộng nhiều trăm hải lý từ phía nam và đông của đảo Hải Nam.

Tòa cũng nhận xét không có một vùng nổi bật trên biển (sea features) nào mà Trung Cộng cho là của họ có khả năng tạo ra một EEZ (Exclusive Economic Zone) để qua đó giúp cho Trung Cộng quyền sở hữu các tài nguyên như cá, dầu, khí trong vòng 200 hải lý tính từ đất liền.

Tòa khẳng định “Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Phi Luật Tân” vì đã xâm phạm, quấy phá, khai thác dầu khí, xây dựng các đảo nhân tạo và thất bại trong việc ngăn chận tàu Trung Cộng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền Phi Luật Tân.

Tòa cũng tìm thấy Trung Cộng đã “tạo sự hư hại trầm trọng” đến vùng san hô chung quanh các đảo nhân tạo do Trung Cộng xây dựng và “vi phạm trách nhiệm duy trì và bảo vệ hệ thống sinh thái rất mong manh” trong biển. Các tàu đánh cá Trung Cộng cũng diệt chủng loại rùa biển hiếm với một quy mô lớn.

Trung Cộng tức khắc phủ nhận phán quyết của tòa án The Hague và khẳng định chủ quyền của Trung Cộng trên khoảng 90 phần trăm Biển Đông.

Ngoài miệng phủ nhận nhưng các kế sách có nội dung thỏa hiệp của họ Tập trong thời gian qua cho thấy y thừa nhận.

Về bang giao quốc tế, nhiều tranh chấp dẫn đến kết quả hai bên đều thắng (win-win).

Tuy nhiên, trường hợp giữa Trung Cộng và Phi hay Trung Cộng và Brunei, Trung Cộng là quốc gia thắng lớn.

Từ một kẻ hai tay không, bị quốc tế phủ nhận, Trung Cộng trở thành một kẻ thủ lợi chính về trước mắt, lâu dài và cả chủ quyền biển đảo được hai bên mặc nhiên công nhận qua các “status quo”.

Trung Cộng cũng khoác lóac cho biết có trên 60 quốc gia và tổ chức quốc tế ủng hộ quan điểm và chủ quyền của Trung Cộng trên Biển Đông.

Nhưng họ là ai?

Khi liệt kê danh sách, 60 quốc gia và tổ chức quốc tế đó đa số là đám con buôn Á Rập như Emirate, Kuwait và có tới 39 con nợ nghèo Phi Châu như Togo, Sudan, Nigeria, Mozambique, Somalia.

Tại Đông Nam Á, Bounnhang Vorachith đu dây của Lào và “thằng em phản bội CSVN” Hun Sen của Cambodia ủng hộ quan điểm của Tập Cận Bình.

Hun Sen nguy hiểm nhất.

Hun Sen đứng về phía Tập vì:

(1) lợi ích kinh tế;

(2) duy trì quyền lực;

(3) tranh với Sam Rainsy quyền được nịnh Tập;

(4) chứng tỏ với dân Cambode có máu thù Việt Nam rằng Cambode không lệ thuộc vào CSVN.

(Bốn điểm này đã được người viết trình bày chi tiết trong loạt hai bài về “Chu kỳ thù hận Việt Trung Miên”).

Chỉ có bốn nước (Nga, Serbia, Montenegro, Belarus) trong số 44 nước thuộc Châu Âu ủng hộ Trung Cộng. Hầu hết các quốc gia dân chủ và cường quốc kinh tế Châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Ý v.v.. không ủng hộ.

Chỉ ba nước nhỏ gồm Bolivaria, Grenada va Dominica trong số 33 nước Nam Mỹ Châu và Caribbean ủng hộ Trung Cộng trong lúc 30 quốc gia khác thuộc khối quốc gia đang nổi (Emerging countries) không ủng hộ.

Những quốc gia đang nổi là khối quốc gia có những điều kiện trở thành những nước phát triển trong tương lai gần và là những quốc gia cạnh tranh sát ván trên thị trường quốc tế với Trung Cộng.

Về các tổ chức quốc tế. Theo Yearbook of International Organizations, hiện có hơn 20 ngàn Tổ chức Quốc Tế Phi Chính Phủ (INGOs) nhưng trong danh sách do Trung Cộng đưa ra chỉ vỏn vẹn 2 tổ chức gồm Liên Đoàn Á Rập (League of Arab States) và Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization) ủng hộ quan điểm của Tập Cận Bình. Xin nhớ một trong đó một trong hai tổ chức, Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, vốn đã thuộc Trung Cộng.

Dù luôn mạnh miệng để tiếp tục hâm nóng chảo dầu cực đoan Đại Hán, họ Tập cũng biết thời gian sắp tới sẽ là thời gian đầy khó khăn.

Đương đầu trên bốn mặt trận cùng lúc:

(1) suy thoái kinh tế;

(2) chiến tranh thương mại với Mỹ;

(3) bị bao vây và cô lập;

(4) phong trào dân chủ Hong Kong, Trung Cộng buộc phải “thỏa hiệp” nhiều hơn.

Nói chung, các quốc gia ủng hộ quan điểm của Trung Cộng hoặc thuộc thành phần cơ hội như Nga, Emirate, Kuwait hay thuộc thành phần kiếm ăn không cần biết nguyên nhân tranh chấp như mấy chục nước độc tài châu Phi.

Như đã chứng minh qua sự sụp đổ của “Hiệp ước Warsaw”, những liên minh không tin cậy dựa trên quyền lợi ngắn hạn và có tính áp đặt sẽ tức khắc tan vỡ một khi quyền lợi và tính áp đặt không còn tồn tại.

Trần Trung Đạo

(7-10-2019)