Chu Mộng Long
Lớp học ở vùng sâu. Sâu đến mức nền đất sũng nước.
– Các con có thấy mát mẻ không?
Cô giáo tìm cách gợi hứng cho học sinh để chúng quên sự lầy lội trong phòng học. Cô nhìn lên mái rồi nhìn quanh tường. Trên mái lợp lá, vây quanh cũng phên lá. Mưa nhỏ giọt qua mấy cái lỗ trống hoác, rớt trên đầu cô trò. Cô trò vừa dạy học vừa vuốt mặt vuốt mũi. Thỉnh thoảng một cơn gió thốc qua lạnh buốt làm cả cô trò phải co rúm lại.
– Cô ơi, lạnh quá, em không viết được nữa…
Có đứa thốt lên, giọng run rẩy như thể không chịu được thêm phút nào nữa. Tiết học mới bắt đầu. Lại là bài học về đạo đức lãnh tụ. Không thể dừng ngang. Cô nhìn một đứa, rồi hai đứa, rồi cả lớp, đứa nào cũng tím tái. Chúng ráng hết sức để nắn nót tên lãnh tụ, nhưng chữ cứ xiêu vẹo. Mưa không lớn, nhưng rét mướt. Nền đất nhão ra. Cả đám học trò lấm lem từ chân đến thắt lưng. Có đứa không cẩn thận để bùn quệt lên đến đỉnh đầu.
– Sự học vất vả thế đấy, các con ạ. Lãnh tụ dạy “gian nan rèn luyện mới thành công”, các con ạ.
Động viên xong, cô tiếp tục đọc cho học trò chép cho hết bài. Rồi cô kể chuyện lãnh tụ đã gian nan rèn luyện như thế nào trong nhà tù của giặc. Hết chuyện lãnh tụ cô kể đến lãnh đạo thời nay, rằng người thì từng học ở chuồng trâu, người thì từng học bằng đèn đom đóm… Xong cô nhắc nhở: “Học đi em, học đi mà nhớ mãi…” Lẽ ra cô đọc cho hết đoạn thơ “quê hương ta liền một dải, từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái…“, nhưng chợt nhớ bài học chưa có phát vấn câu nào theo yêu cầu dạy học phát triển năng lực, cô dừng lại và hỏi:
– Sau này làm lãnh đạo, các con nhớ mãi điều gì khi còn đi học?
Có đứa trả lời như lãnh đạo, rằng nhớ nhất là mùi cứt trâu, nhớ cái đèn đom đóm lập lòe, đọc chữ “nhân” ra chữ “nhục”, đọc chữ “huệ” ra chữ “họe”… Một đứa nói:
– Thưa cô, con nhớ nhất là học trong cái chuồng bò…
Một đứa quên luôn cả run, đứng dậy nói:
– Lẽ nào bò lên làm lãnh đạo?
Cả lớp ồn ào. Cô thấy tình hình nghiêm trọng về đạo đức, tư tưởng trong cái phát ngôn ấy, bèn chấn chỉnh:
– Các con nên nói là học bên cạnh chuồng bò hay chuồng trâu, chuồng heo gì cũng được. Không được nói học trong chuồng. Học trong chuồng trâu, chuồng bò, chuồng heo thì là trâu, bò, heo lên làm lãnh đạo à?
Bị mắng, học sinh im lặng phăng phắc. Nhưng nhìn lớp học, cả cô lẫn trò không ai không khỏi chạnh lòng. Còn 15 phút nữa hết giờ, cô lại phải động viên:
– Các con cố gắng. Học xong tiết này, cô cho các con ra xem tượng đài. Tượng đài xây ngàn tỷ, ở đó khang trang, đẹp đẽ biết nhường nào. Cố gắng học rồi sau này đến lượt các con sẽ thành các tượng đài khang trang, đẹp đẽ…
Cả lớp nghe vậy thì phấn chấn hẳn lên. Chúng tưởng tượng được đứng trên bục cao lộng gió rồi có bao nhiêu người đến chiêm ngưỡng và chụp ảnh chụp hình khoe phây búc.
Mưa vẫn rây đều. Gió vẫn thốc từng cơn. Cả cô trò đều tím ngắt trong cái gió mưa của vùng sâu. Không còn gì để học. Cả lớp im phăng phắc như một quần thể tượng trang nghiêm trước gió mưa lạnh buốt…
Chu Mộng Long
*
Bài đọc thêm:
Nghèo không có tội
Tôi đã từng nghèo, rất nghèo. Nghèo đến mặc áo toác lưng, quần rách đít đi học suốt bao cấp, từ phổ thông đến đại học. Và tôi biết, nhiều thầy cô giáo thời đó cũng như tôi, trừ một số người sinh ra trong gia đình có của ăn của để do tích luỹ từ trước, hoặc con các quan ngồi chỗ béo bở. Tôi đã nỗ lực học hành và vượt lên chính mình bằng năng lực trí tuệ, bằng công sức lao động của mình, cho nên tôi, trước sau vẫn không quên người nghèo và khẳng định: Nghèo không có tội!
Sinh thời, khi thấy tôi đã có nhà cửa, có cái ăn và của để, ba tôi dặn dò: “Con làm thầy giáo mà nếu không quan tâm đến người nghèo thì không thể có tư cách dạy dỗ ai“. Tôi trả lời ông: “Con hiểu ba nói gì. Cốt của thầy giáo là lương tâm. Lương tâm dành cho ai nếu không dành cho người nghèo. Không có lương tâm ấy, thầy giáo chỉ có thể lên lớp dạy học trò toàn những điều ba hoa, dối trá!”
Và tôi quyết làm điều ba tôi tâm nguyện.
Nay trong vụ tăng giá sách giáo khoa, các giáo sư tiến sĩ, tức bậc thầy của các thầy, lạnh lùng biện bạch rằng, muốn học thì phải chi nhiều tiền mua sách để người làm sách, in sách không bị lỗ, mặc dù họ đã ngốn 34 ngàn tỷ ngân sách từ vay vốn ODA và bắt dân phải còng lưng ra trả!
Lạnh lùng hơn nữa là một cựu giảng viên ở Đại học Thái Nguyên, vì để bảo vệ cho phi vụ buôn sách của các thầy mình, đã tuyên bố xanh rờn, rằng nghèo thì đừng đẻ con, lỡ đẻ con thì phải bỏ tiền ra mà nuôi dạy tử tế! Lâu nay anh ta chửi quan chức tham nhũng, chửi giáo dục Nho giáo cổ hũ, đòi hiện đại hoá, văn minh hoá, tôi tin và yêu anh ta, bây giờ thì vỡ nhẽ. Té là con buôn cũng cần hiện đại, văn minh, nhưng chỉ nghĩ đến… tiền. Tiền đã lột mặt nạ đạo đức, dù nó nhân danh đạo đức hiện đại của kinh tế thị trường.
Với lý luận ấy, các bạn không ngạc nhiên khi bà Phó giáo Nguyễn Hoàng Ánh tuyên bố chính thống rằng, phụ huynh mới là lực cản của cải cách giáo dục!”. Tôi đọc hết cả bài dài và tóm ý bà đưa ra về cái lực cản đó chính là do phụ huynh nghèo và ngu! Nghèo không có tiền nên đòi giáo dục giá rẻ. Ngu vì không hiểu “tiền nào của nấy”, không hiểu giáo dục của các nước còn nặng nề hơn giáo dục của ta! Bà làm như chỉ có bà mới biết giáo dục ở nước ngoài, còn lại bị mù.
Sáng nay lại thấy một người bạn mà tôi từng tin yêu khác, bề ngoài tỏ ra không bênh vực gì cho bà phó Ánh, nhưng khi dẫn câu chuyện một Việt kiều nói về nội dung giáo dục cái gì, hàm ý bạn ấy vẫn khẳng định “tiền nào của nấy! Và vẫn hàm ý đổ lỗi do phụ huynh!
Đem só sánh giáo dục Việt Nam với giáo dục của các nước văn minh rồi đòi “tiền nào của nấy” là lý luận nguỵ biện của kẻ bất lương. Sao không so sánh kinh tế thị trường của họ với kinh tế thị trường của ta, một bên cạnh tranh tự do, sòng phẳng và một bên là thị trường giả tạo để lũng đoạn và vẫn độc quyền? Sao không so sánh thu nhập của dân các nước văn minh với thu nhập của dân ta, khi mà trừ thiểu số người trung lưu, còn lại đến 80, 90 phần trăm thuộc diện thu nhập quá thấp?
Một gia đình trung lưu Việt Nam, chỉ cần nuôi hai đứa con từ phổ thông đến đại học đã kiệt sức và rơi xuống nghèo đói. Trách họ rằng, ai khiến nghèo mà đẻ con ư? Họ không đẻ con thì lấy ai lao động, nộp thuế mà nuôi cái mồm các người để các người leo lẻo đủ thứ đạo đức, văn minh?
Tôi khuyên, nếu các bậc thầy của các thầy muốn có nhiều tiền thì hãy nhìn trực diện vào tiền túi của dân. Nhưng hãy nhìn vào đúng nghĩa, rằng nó còn bao nhiêu để bòn vét, chứ đến khi vét sạch cả nồi… chẳng nhẽ bậc thầy của các thầy phải ăn… giẻ rách, hay nói như dân gian là “ăn chó cả lông”? Con dân có ăn học để thành tài thì quốc gia mới phát triển, túi dân mới có tiền để móc chứ không thì chỉ có lôi ra toàn giẻ rách thật. Dân vừa nuôi con vừa còng lưng ra gánh nợ ODA đấy! Đừng giàu trí tưởng bở, rằng tiền ODA là vốn của nước ngoài, tao cứ móc mà không ảnh hưởng gì đến dân!
Chu Mộng Long