Đôi khi máy bay hoản chuyến cũng có cái … lợi. Đó là trường hợp của tôi ngày hôm qua, sau khi xong hội nghị ở Melbourne tôi và vài bạn vội vã bay về Sydney để còn kịp có một ngày nghỉ Chủ nhật. Thay vì bay lúc 6 pm, hãng hàng không bảo là máy bay đến trễ nên phải chờ đến 8 giờ tối. Thật ra, họ “xạo” thôi, chứ chẳng trễ gì cả. Lí do đơn giản là họ thấy chuyến bay 6 pm có ít khách quá, nên họ dồn lại cho chuyến bay 8 pm để bay một chuyến, vừa tiết kiệm xăng dầu, vừa gọn nhẹ, và đương nhiên là lời nhiều hơn. Mấy hãng hàng không bây giờ là thế cả. 

Nhưng còn hành khách như tôi thì phải hứng chịu sự tiết kiệm của họ. Ui chao, phải làm gì trong cái thời gian 2 giờ ở cái phi trường buồn tẻ này? Nhìn quanh mấy nhà hàng toàn là loại “fast food giết người”, mới nhìn qua dầu mỡ đã phát ngán. Mấy tiệm bán sách thì giá tận mây xanh! Loay hoay một hồi, tôi chợt nhớ mình có đem theo cuốn tiểu thuyết Thời của thánh thần mà tôi chưa đọc hết trong chuyến bay từ Sài Gòn về Sydney trước đây. Suốt gần 4 giờ liền chờ máy bay và đi máy bay, tôi đọc ngấu nghiến cuốn tiểu thuyết hấp dẫn này. Gấp lại cuốn sách, nghĩ mình đã học được cái gì về chuyện nhân tình thế thái, ý nghĩa của tác giả muốn nhắn gửi là gì, văn chương ra sao, v.v… cứ quay quẩn trong đầu. Thế là sáng nay tôi vội viết vài hàng để cứ như xem là nhật kí vậy.

Thời của thánh thần (TCTT) là sáng tác của Nhà văn Hoàng Minh Tường (hình như là người Hà Nội) mới được Hội Nhà Văn in vào quí III/2008 thì đã bị thu hồi. Phải nói rằng lệnh thu hồi càng làm cho tôi tò mò và tác giả nổi tiếng thêm. Thế là trong chuyến về quê vừa qua, trong thời gian ở Hà Nội tôi cố tìm cuốn sách cho được. Các bạn ngoài đó dù hứa là sẽ tìm ra nhưng mãi đến khi tôi lên máy bay vào TPHCM mà vẫn chưa có. May mắn thay, một anh bạn văn ở TPHCM có nhã ý cho tôi đọc cuốn sách này. Cuốn này anh mua khi sách mới ra lò, bìa màu xanh và đen. Phía sau có trích dẫn vài phê bình (khen) của các nhà nghiên cứu văn học và nhà văn. Nhìn vào phía trong thấy người biên tập là Nhà văn Trung Trung Đỉnh, cũng là một trong những người tôi hay đọc. Chà, điệu này chắc Trung Trung Đỉnh cũng bị “hỏi thăm” quá. 

Cầm cuốn tiểu thuyết dầy cộm gần 650 trang giấy tôi cũng … nao núng, vì muốn đọc hết cũng chiếm nhiều thời gian chứ đâu phải chuyện đùa, mà thời gian thì tôi lúc nào cũng thấy eo hẹp. Nói vậy thôi, trong quãng đường SGN – Sydney, tôi cũng “ngốn” trên 400 trang sách. Nói như thế để các bạn thấy cuốn tiểu thuyết có nhiều tình tiết hấp dẫn và lôi cuốn người đọc. (Lại quảng cáo cho bác Hoàng Minh Tường!) 

Câu chuyện Thời của thánh thần

Không gian của TCTT là một làng quê ngoài Bắc có tên là làng Động, huyện Phương Đình, tỉnh Sơn Minh. Thời gian của những câu chuyện trong TCTT kéo dài từ thời kháng chiến chống Pháp, Cải cách ruộng đất, đến giải phóng miền Nam năm 1975, và những biến động lớn sau cái thời điểm lịch sử đó. Bối cảnh của TCTT là những câu chuyện đau lòng (vâng, chỉ có thể nói là “đau lòng”), những mâu thuẫn mang màu sắc đạo đức, xã hội và chính trị trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Tác giả hình như muốn giải phẫu lịch sử nước nhà trong thời gian đầy biến động đó qua những xung đột trong một gia đình Việt Nam. 

Đó cũng là một điều thú vị, bởi vì trong tiểu thuyết TCTT là tác giả không dựng một nhân vật chính; toàn bộ cuốn tiểu thuyết chỉ xoay quanh gia đình họ Nguyễn Kỳ. Ông Nguyễn Kỳ Phúc (còn gọi là ông Cử Phúc) có 4 người con ruột: Kỳ Khôi, Kỳ Vỹ, Kỳ Vọng, và cô con gái Kỳ Hậu. Ngoài ra, ông còn có một người con nuôi là Nguyễn Kỳ Quặc. Vì Kỳ Vọng và Kỳ Quặc sinh cùng năm, và sợ khó nuôi nên ông Cử Phúc còn đặt tên cho hai đứa là Vện và Cục! Do đó, Kỳ Quặc còn có tên là Kỳ Cục.

Cho đến ngày ông Cử Phúc qua đời, không ai biết cha mẹ ruột của Kỳ Quặc là ai. Thật ra, Nguyễn Kỳ Quặc là con của bà Đào Thị Cam. Bà Cam là một thiếu nữ xinh đẹp nhất làng, bị tên đồn trưởng lai Tây Trương Phiên làm nhục, mang thai, và hạ sinh ra nó, rồi bỏ trong một bụi cây. Đến khi bà cử Phúc đi qua đường thấy được rồi mang về nuôi và xem như là một đứa con trong nhà. Kỳ Quặc được ông bà Cử Phúc xem như con ruột, bình đẳng với các anh em khác, thậm chí còn được ưu tiên vì sự bất hạnh của Kỳ Quặc. 

Sau vụ bị làm nhục, Đào Thị Cam bỏ vào chùa đi tu với pháp danh Đàm Hiên. Nhưng sau đó, Đàm Hiên bỏ tu và theo kháng chiến, rồi trở thành một cán bộ cao cấp trong phong trào phụ nữ. Trong thời gian theo kháng chiến, Cam yêu một đồng chí của mình có tên là Lê Thuyết. Hai người chưa kịp thành hôn thì Lê Thuyết hi sinh trong một trận đánh Tây. Lúc bấy giờ, Cam đã là một cán bộ lãnh đạo huyện và hay giả trang đến nhà ông Cử Phúc để thầm kín thăm con. 

Nguyễn Kỳ Khôi thoát li gia đình đi theo cách mạng (Việt Minh) từ năm 15 tuổi. Trong môi trường kháng chiến, Kỳ Khôi trở thành một cán bộ xuất sắc, lập được nhiều công trạng và được cấp trên ưu ái. Tổ chức quyết định đặt tên mới cho Kỳ Khôi là Chiến Thắng Lợi. 

Kỳ Khôi lần đầu gặp Đoàn Thị Cam thì mê mẩn tâm hồn, dù Cam lớn hơn Kỳ Khôi vài tuổi. Sau khi kháng chiến thành công, Kỳ Khôi và Cam lại gặp nhau ở Hà Nội. Hai người trong tình cảnh “tình trong như đã mặt ngoài còn e” gặp nhau trong ngày vui của cách mạng, họ kéo nhau đến phố Phương Đình và sống như hai vợ chồng trong ba ngày liền. Kết quả của ba ngày là một bào thai, và sau này Cam đặt tên là Lê Kỳ Chu. Cam đặt họ Lê để qua mắt Tổ chức rằng đó là con của Lê Thuyết, chứ không dám đặt họ Nguyễn Kỳ, bởi vì nếu như thế là … mất đạo đức cách mạng. Trong một thời gian dài Kỳ Khôi (hay Chiến Thắng Lợi) không hề biết mình có con là Kỳ Chu! 

Sau khi Việt Minh cướp chính quyền, một số lớn người công giáo, dưới sự kích động và tuyên truyền của thực dân Pháp rằng Chúa đã vào Nam, bỏ theo vào Nam. Nguyễn Kỳ Vọng lúc đó ở Hà Nội và có quen một gia đình Công giáo cũng mạo hiểm theo gia đình này vào Nam. Nguyễn Kỳ Vọng từng đỗ bằng Thành Chung trước đây, giỏi Pháp văn, được chính quyền Ngô Đình Diệm trọng dụng, cho đi học ở Mĩ và tốt nghiệp kĩ sư công chánh. Sau khi về nước, Kỳ Vọng được bổ nhiệm làm trưởng ti công chánh. Ở trong Nam, Kỳ Vọng lập gia đình, có con ngoan vợ đẹp, và thành đạt trong nghề nghiệp. 

Trong khi đó, ở ngoài Bắc, Nguyễn Kỳ Vỹ cũng thoát li gia đình theo cách mạng. Kỳ Vỹ có tài viết văn làm thơ, và dưới sự hỗ trợ ngầm của người anh Chiến Thắng Lợi trở thành một nhà văn sáng chói trên văn đàng. Kỳ Vỹ nổi tiếng với tập thơ Thời của thánh thần, qua sự lăng xê của cán bộ quản lí văn hóa là Ngô Sỹ Liên (bí danh Tư Vuông). Khi đoàn quân chiến thắng về tiếp quản thủ đô, Kỳ Vỹ tình cợ gặp và yêu một người con gái đẹp như trong tranh tên là Đào Trinh Khiêm, ái nữ của một gia đình giàu có ở Hà Nội. Trinh Khiêm cũng rất yêu thơ của Kỳ Vỹ, nên hai người rất tâm đầu ý hợp với nhau. Mặc cho những “đấu tranh giai cấp” và cảnh cáo của Tổ chức, Kỳ Vỹ nhất định thành hôn với Trinh Khiêm. 

Nhưng người anh Chiến Thắng Lợi lại còn nổi tiếng hơn trên trường chính trị. Thắng Lợi lúc tiếp quản thủ đô là một thủ trưởng quan trọng trong guồng máy chính quyền cách mạng. Do có quan hệ với một người con gái dân tộc Tày tên Là trong thời đóng quân ở Sơn La, nên trên đường về Hà Nội, Tổ chức buộc Thắng Lợi phải thành hôn với Là. Sau này, Là trở thành cửa hàng trưởng bách hóa, và cũng là một vị trí đem lại nhiều lợi lộc kinh tế cho gia đình trong thời bao cấp. 

Tưởng cách mạng thành công thì gia đình ông Cử Phúc sẽ sống trong hạnh phúc trước sự thành đạt của con. Nhưng đùng một cái, cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) diễn ra ở miền Bắc làm đảo lộn trật tự đạo đức gia đình và xã hội, và gia đình ông cũng không nằm ngoài biến động đó. Dù kinh tởm trước những cái chết oan ức của bạn bè ông trong cuộc CCRĐ, ông Cử Phúc vẫn tự tin rằng mình từng là cán bộ cách mạng, có con làm quan to trong chính quyền cách mạng, ông sẽ an toàn thôi. Nhưng sự đời trớ trêu đã dẫn đến những biến động và hệ quả khôn lường. 

Trước ngày CCRĐ, Kỳ Khôi có ghé qua làng Động thăm nhà. Bây giờ Kỳ Khôi đã là một quan cách mạng với danh xưng Chiến Thắng Lợi lẫy lừng, đi đâu cũng bằng xe ôtô có người lái và bảo vệ. Những tôi luyện của Tổ chức trong thời cách mạng đã biến Kỳ Khôi thành một người hoàn toàn xa lạ với những chuẩn mực đạo đức, lễ nghi và truyền thống dân tộc. Chiến Thắng Lợi chỉ biết có mình, và gia đình và những người anh em trong gia đình phải là nền tảng trong sạch để anh thăng tiến trong sự nghiệp cách mạng. Cho nên khi về đến nhà, anh cảm thấy bực mình, có khi khinh bỉ những lễ nghi truyền thống vốn có bao đời nay, anh muốn đập đổ hết những “hủ tục” này, muốn hiện đại hóa làng Động bằng những chuẩn mực đạo đức mới: đạo đức cách mạng. Hãy đọc một đoạn anh nói với bố mình: 

Vẽ vời quá! Lợi lắc đầu – chúng ta đang bắt đầu một thời đại mới, thời đại xóa bỏ tận gốc rễ những tàn dư của phong kiến đế quốc, xóa bỏ triệt để mê tín dị đoan. Nếu không có anh em chúng con, Thầy muốn làm gì mặc Thầy. Nhưng bây giờ, khi vợ chồng anh em chúng con đã về, thì mọi việc phải khác. Con xin Thầy nhớ cho rằng anh em chúng con bây giờ đã là cán bộ cách mạng. Nhất cử, nhất động quần chúng đều nhìn vào đánh giá, bọn phản động dòm ngó xuyên tạc.”

Khi phát hiện người em Kỳ Vọng của mình đã bỏ đất Bắc vào Nam, Chiến Thắng Lợi như con hổ bị thương. Trong suy nghĩ của Chiến Thắng Lợi, Kỳ Vọng vào nam đồng nghĩa với việc theo ngụy, có nghĩa là lí lịch của anh có một vết đen, và con đường thăng tiến của có thể sẽ khó hanh thông. Không chấp nhận giải thích của ông Cử Phúc về lí do kỳ Vọng vào Nam, Chiến Thắng Lợi nói thẳng với bố mình bằng những câu như: 

Chúng bạn nào rủ rê? Thầy xui nó. Thầy muốn bắt cá hau tay. Rút cục Thầy vẫn lòi cái bản chất tư sản phong kiến, chân nọ chân kia. Thằng Vọng cam tâm làm tay sai cho địch rồi. Nó nhảy sang chiến tuyến bên kia. Nó là thằng Việt gian phản động. Tôi mà biết âm mưu phản dân hại nước của nó từ trước, tôi sẽ bắn bỏ. Hai thằng chúng tôi không quản hi sinh xương máu, đi theo cách mạng là muốn cứu cho cái lí lịch bất hảo của gia đình này. Vậy, Thầy và nó đã làm hỏng tất cả.”

Đã đến nước này thì tôi phải nói thật với Thầy. Tôi phải từ thằng Vọng. Từ nay thầy u và cái chi họ Nguyễn Kỳ này đừng gọi tôi là Nguyễn Kỳ Khôi nữa. Thằng Khôi đã chết rồi. Mấy năm ở Việt Bắc, tôi đã có tên mới là Chiến Thắng Lợi …” 

Những câu nói như thế làm cho ông Cử Phúc nổi điên. Ông đuổi ngay Chiến Thắng Lợi ra khỏi nhà, và nói: “Anh không còn là con tôi nữa. Bước ngay ra khỏi cái nhà này!” Từ đó, Chiến Thắng Lợi say mê theo sự nghiệp cách mạng và không gặp lại cha mình một lần nữa. Ngay sau vụ xung đột cha con đó là vụ CCRĐ và kết cục là cái chết không tòan thây của ông. 

Cuộc CCRĐ đã cung cấp một cơ hội cho những người nghèo và thiếu học trong làng Động vốn từng làm công và hưởng ơn của ông Cử Phúc trở thành những quan tòa xử ông và đồng môn của ông. Một trong những nhân vật quan tòa đó chính là Đĩ Ngao, người được tác giả mô tả là “thấp lùn, răng vẩu, mặt rỗ chằng chịt” chuyên nghề mổ thịt trong làng. Nhưng điều làm cho ông Cử Phúc đau lòng nhất là Kỳ Quặc, do những người trong làng xúi dục, đã đứng lên tố cáo cha nuôi của mình là một địa chủ ác ôn! Hãy nghe một đoạn bi hài trong lời đấu tố của Kỳ Quặc:

Lý Phúc, mày có biết ông là ai không? – Cục đã lặp lại hoàn toàn từ lời nói đến điệu bộ cuộc đấu tố của Đĩ Ngao với Chánh tống Thiện hôm nào. Anh hùng hổ xông đến trước mặt Lý Phúc, chỉ thẳng và mặt ông bố nuôi, giọng run bắn và nhòe nhoẹt vì vừa tu một hơi hết ba chai rượu ngang để lấy dũng khí — ông là Nguyễn Kỳ Quặc hay Cục cứt chó mà mày đã bóc lột từ lúc mới đỏ hỏn nhặt từ ông Đống về đây Ngay cả cái tên Nguyễn Kỳ Quặc mà máy đặt cho ông cũng đã thể hiện sự khinh bỉ và đểu giả. Ông bị vợ chồng mày bóc nột từ khi mới nọt nọng cất tiếng khóc oe oe chào đời.”

Cuộc đấu tố qua ngòi bút của tác giả quả là đầy chất bi hài, tục tĩu, nhưng cực kì dã man. Ông Cử Phúc không giận mà chỉ buồn. Ông giải quyết cái buồn bằng cách treo cổ tự tử giữa nhà. Cái chết của ông Cử Phúc làm rúng động cả làng Động. Cái chết bi thảm của ông còn làm cho Kỳ Quặc thức tĩnh, ăn năn hối lỗi, quay trở về với đạo đức làm con. Sau này, chính Kỳ Quặc là người gìn giữ tông đường giòng họ Nguyễn Kỳ.

Cái chết bi thảm của ông Cử Phúc được mục kích bởi cô con gái út của ông là bé Kỳ Hậu. Chứng kiến cảnh cha mình chết trong tư thế treo cổ và không toàn thây, Kỳ Hậu phát bệnh câm. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, Kỳ Hậu chỉ là cái bóng bé nhỏ bên những người anh trong gia đình.

Sau thời CCRĐ là vụ Nhân văn Giai phẩm. Lần này, nạn nhân trong gia đình Nguyễn Kỳ là Kỳ Vỹ, và nhân vật Chiến Thắng Lợi được tác giả đưa ra như là một tương phản cho hai tính cách: một bên là tự do tư tưởng, và một bên là bảo thủ. Kỳ Vỹ được cử đi học ở nơi hẻo lánh thuộc Liên Xô cũ. Trong thời gian ở đây, anh được tiếp cận với những ý tưởng mới và cộng với những trải nghiệm của cá nhân trong thời chiến ở trong nước, anh đã có những sáng tác làm cho cơ quan quản lí tư tưởng văn hóa khó chịu. Đỉnh của những sáng tác này là bài thơ Tiếng hát nhân dân được tạp san Giai phẩm bốn mùa công bố. Liền sau đó là hàng loạt bài phê phán Kỳ Vỹ một cách nặng nề. Những nhãn hiệu ghê gớm được dán lên tên Kỳ Vỹ: nào là sự tha hóa của một ngòi bút, văn nghệ chống Đảng, phản động, v.v… Tổ chức phải triệu hồi Kỳ Vỹ về nước và được giao cho những công việc không hợp với khả năng. Anh sáng tác nhưng chẳng báo nào dám in vì đã có chỉ thị của Tổ chức. Người thương bảo anh cứ sáng tác và kí tên người khác để họ đem đi đăng báo. Nhưng tính người nghệ sĩ vẫn phóng khoáng và Kỳ Vỹ lại gặp trở ngại vì những sáng tác của mình mà người ta phát hiện tác giả chính là Kỳ Vỹ. Sau lần này, Kỳ Vỹ bị cho đi lao động khổ sai và đi tù một thời gian đến nỗi Kỳ Vỹ mang bệnh trầm cảm và bất lực. Nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tình của đồng nghiệp là nhà văn Châu Hà và sự chung thủy của người vợ anh yêu mến Đào Trinh Khiêm, anh được ra tù. Trong một thời gian dài cho đến sau thời giải phóng miền Nam, Kỳ Vỹ sống trong thiếu thốn và đau khổ.

Biến động gia đình lần thứ ba xảy ra trong thời gian sau khi miền Nam được giải phóng. Sau năm 1975, Nguyễn Kỳ Vọng vẫn được chính quyền cách mạng ưu đãi, tuy không còn là trưởng ti công chánh, nhưng Kỳ Vọng vẫn được làm việc chuyên môn mà không phải đi học tập cải tạo. Thật ra, Kỳ Vọng rất được các quan chức cách mạng kính trọng vì kiến thức chuyên môn uyên thâm của anh, và được mời soạn thảo báo cáo trình bày cho Bộ giao thông vận tải. Sau ngày giải phóng, Chiến Thắng Lợi cho người bí mật dò la tông tích của Kỳ Vọng. Chiến Thắng Lợi thờ phào nhẹ nhõm khi biết rằng Kỳ Vọng không phải là một tên phản động, mà là một chuyên gia kĩ thuật giỏi. 

Kỳ Vọng quyết tâm làm một chuyến ra Bắc thăm nhà. Chuyến về quê gợi cho Kỳ Vọng bao nhiêu kỉ niệm, nhưng điều buồn nhất là anh biết được cái chết bi thảm của bố mình. Anh đem tiền vàng ra cho anh em trong nhà để trang trải những khó khăn trong thời bao cấp. Sau khi về lại Nam thì Kỳ Vọng phát hiện vợ con anh đã vượt biên sang Mĩ. Sự ra đi của vợ con là một vết đen cho sự nghiệp của Kỳ Vọng. Từ đó, anh bị kì thị, nghi kị, không cho làm việc, và bị theo dõi gắt gao. Sau một thời gian không chịu nỗi sự hà khắc của chế độ mới, anh lại vượt biên sang Mĩ. Chuyến đi để lại trong anh nhiều nỗi kinh hoàng trên biển và mãi mãi thay đổi suy nghĩ của anh về đất nước và con người. Càng đau lòng hơn khi sang đến Mĩ anh biết rằng người vợ anh từng yêu quí đã sống chung với một người Mễ, còn cô con gái anh bị chết trên biển trong chuyến vượt biên với mẹ mà anh không hề được báo trước đây. Ở Mĩ, anh sống cuộc đời một chuyên gia lành nghề nhưng là một người tha hương. Anh quay về mối tình đầu của mình tức Tạ Thị Thu Uyên, người đã lôi kéo anh mạo hiểm vào Nam. 

Trong một lần hội ngộ với người bạn văn chương của Kỳ Vỹ là Châu Hà trên đất Mĩ, tác giả đã để cho Kỳ Vọng thốt lên những lời nói mà có lẽ người vượt biên chẳng lấy gì làm lạ: 

Tôi nói anh đừng giận. Bởi tôi có 4 năm ăn lương công chứng cộng sản. Trong thời gian ấy tôi đã tìm đọc hầu hết các tác giả văn học thế hệ các anh … Các anh đã tìm thấy căn bệnh, nhưng các anh không dám dũng cảm chữa trị …

Văn chương của các anh chỉ là sự minh họa … Văn chương cũng như xã hội, mắc phải bệnh giả dối trầm trọng. Đời sống xã hội nước ta không tự nhiên như nó cần phải có. Lúc nào người ta cũng lên gân với nhau. Cha lên gân với con, chồng lên gân với vợ, cấp trên lên gân với cấp dưới … Trẻ học mẫu giáo mà toàn như cụ non, cũng lên gân để cố yêu tổ quốc, yêu đồng bào, học vẹt những điều lớn lao, sáo rỗng. Chúng không được dạy yêu ông bà, cha mẹ, yêu cái gia đình nhỏ bé của mình trước khi yêu những gì rộng lớn hơn … Văn chương thì chỉ một gam tô hồng, coi cách mạng Việt Nam là nhất thế giới, là tiên phong của nhân loại. Chủ nghĩa xã hội là thiên đường, tư bản là xấu xa, đang giãy chết … Căn bệnh chủ quan giáo điều, bệnh thành tích là nguyên nhân của thói giả dối, đạo đức giả.”

Ai tin tôi? Ai cho tôi cống hiến? Các vị có cả một hệ thống tổ chức từ cơ sở đến trung ương để chọn lọc những người cầm quyền. Từ tổ phó trở lên đã phải qua hệ thống sàng lọc trước khi đề bạt. Dân thường chẳng ai chen chân vào được. Đất nước của các vị chứ đâu phải của mọi người Việt? Anh có biết bạn tôi, nhà sử học Võ An Thới, nói gì không? Anh ta bảo rằng các anh sổ toẹt hết lịch sử. Giành được nước là các anh đút túi như của cải riêng của mình. Các anh vô ơn, chẳng cần biết rằng đất nước này có tới 4000 năm dựng nước và giữ nước, mà các anh mới chỉ là khoảnh khắc, công lao như cái móng tay. Nếu không có công lao mỡ cõi của tổ tiên từ thời Lý, Trần, nếu không có Đoan Quận công Nguyễn Hoàng với cuộc vượt biên vào Ái Tử, Quảng Trị năm 1558, rồi đến các đời Chúa Nguyễn đưa dân vào mở mang khai khẩn thì ranh giới nước Việt còn ở tận Châu Ô, Châu Rí, tận Thuận Quảng, Phú Yên, chứ đâu có Sài Gòn, Cà Mau, Hà Tiên, Phú Quốc … cho các anh giải phóng. Vậy mà vừa vào Sài Gòn, việc đầu tiên của các hậu sinh là xóa sổ hết những con đường, những địa danh mang tên Nguyễn Hoàng và các hậu duệ, các công thần nhà Nguyễn …

Tuy nhiên, dù gay gắt như thế nhưng TCTT có một kết cục có hậu (happy ending). Đến khi Nhà nước mở của kinh tế, thì cũng là lúc Chiến Thắng Lợi nghỉ hưu, và tìm lại người con đầu lòng của mình, tức Lê Kỳ Chu. Cả nhà phải tổ chức một buổi lễ nhỏ để đổi họ Lê Kỳ Chu thành Nguyễn Kỳ Chu. Nguyễn Kỳ Chu là một “đại gia” ở Nga về nước mở doanh nghiệp làm kinh tế rất khá. Nguyễn Kỳ Chu còn cho người em cùng cha khác mẹ làm tổng giám đốc công ti ở Việt Nam. Kỳ Vọng có dịp về quê và hợp lực với người cháu Nguyễn Kỳ Chu bỏ tiền ra xây lại nhà tổ Nguyễn Kỳ. Lúc này thì nhân vật Chiến Thắng Lợi đã nhạt nhòa trong tiểu thuyết, và nhường cho nhân vật Đào Thị Cam. Trong giây phút lâm chung, Đào Thị Cam cho cả gia đình biết Nguyễn Kỳ Cục chính là đứa con của bà. Tên Tây lai Trương Phiên, khi vào Nam trở thành một chuẩn tướng nổi tiếng ác ôn và khát máu. Khi miền Nam bị thất thủ, Trương Phiên và đồng bọn bỏ chạy sang Mĩ và trở thành thủ lãnh một tổ chức kháng chiến chống cộng. Nhưng cuối cùng y cũng nhớ về quê hương và xin được bà Cam tha thứ. 

Vài nhận xét 

Đọc TTCT tôi thấy dễ đồng ý với nhận xét của Nhà văn Nguyễn Khắc Trường: đáng lẽ tên của tiểu thuyết phải là “Những người khốn khổ” hay “Những kẻ khốn khổ”. Quả vậy, nguyên cuốn tiểu thuyết, Hoàng Minh Tường đã thành công phác họa nên những số phận nghiệt ngã trong một gia đình có nề nếp gia phong. Đọc những mánh khóe xảo quyệt, lừa dối trẻ con, mưu mô hại nhau giữa những người từng quen biết nhau mà ngán ngẩm cho thế thái nhân tình trong thời bao cấp. Thật ra, những “thói đời” này hoàn toàn có thật ngoài đời, không phải ngày xưa thời bao cấp, mà còn ngay ngày nay. Những nghiệt ngã này do thời thế gây nên, cũng như là những cành cây bị gió bụi làm cho ngã bên này, nghiêng bên kia, và khi cơn gió bay qua thì để lại trên cành cây đầy thương tích. Tôi nghĩ có lẽ đó chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc, và nếu đó là chủ đích thì tác giả đã thành công. 

Bối cảnh và câu chuyện hấp dẫn, nhưng điều đáng tiếc là tác giả ít khi nào phân tích tâm lí. Tác giả chủ yếu mô tả câu chuyện, và cố nhồi nhét vào miệng nhân vật những thông điệp mình muốn nói. Không biết bạn đọc khác thì sao, nhưng tôi khi đọc tiểu thuyết thường thích đọc những phân tích tâm lí mà tác giả chiêm nghiệm qua các nhân vật và sự kiện mà họ dựng nên. Tôi nghĩ làm nhà văn giỏi phải là một nhà phân tích tâm lí giỏi. Không có phân tích tâm lí làm giảm giá trị nhân văn của cuốn tiểu thuyết một phần. 

Tác giả đã nói rõ rằng toàn bộ nhân vật và không gian trong tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu, tác giả chẳng ám chỉ ai, và chúng ta có thể tin như thế. Nhưng cách đặt tên cho nhân vật của tác giả cũng có thể cho chúng ta lí do để đặt câu hỏi. Tôi đoán rằng giới văn học ở Hà Nội chắc chắn có thể liên tưởng những nhân vật trong tiểu thuyết với một số nhân vật ngoài đời. Chẳng hạn như như đặt tên nhân vật triết gia Trần Đức chắc tác giả cũng muốn nói đến một nhân vật có thật ngoài đời, hay tờ báo talaviet cũng là một diễn đàn internet do một số người Việt ở nước ngoài thành lập. Những cái tên Kỳ Cục, Kỳ Khôi, Kỳ Vỹ, v.v… cho thấy tác giả cũng có óc hài hước rất … Bắc Hà. Không biết trong thực tế có cái làng nào tên làng Động hay không, nhưng có lẽ đó cũng là một cách sáng tác của tác giả muốn ngầm gửi gắm một thông điệp là cái làng bạo động hay nhiều biến động. 

Về văn chương, tôi không thấy những nét đặc sắc nào so với những văn của Bùi Ngọc Tấn hay Nguyễn Khải. Tác giả tỏ ra muốn thu hút người đọc bằng vài câu chuyện phòng the. Nhưng rất tiếc là những mô tả về sex không đạt, vì những câu chữ trong sách lặp đi lặp lại nhiều lần đến độ nhàm chán. Mà, ngay cả những mô tả này cũng không có gì hay, đọc lên giống như là đọc những câu chuyện nhảm nhí hay thấy trong sách được bày bán ở các phi trường nhằm giết thì giờ, chứ không phải là những mô tả ý nhị và thi vị. 

Tuy nhiên, tôi thấy trân trọng Hoàng Minh Tường ở chỗ tác giả có tinh thần khai sáng, phê phán, thách thức, đánh đổ, và vượt qua ý thức hệ. Cuốn tiểu thuyết cho thấy trong thời gian khó khăn đó, những bản năng cơ bản của con người, sự suy nghĩ, nhạy cảm, nhận thức, phán đoán của cá nhân bị kiềm chế hoặc làm cho còi cọc đi. Từ đó, văn học đôi lúc chỉ có chức năng thể hiện những hiện thực giả dối. Thể hiện cụ thể nhất ở điểm này là nhân vật Tư Vuông và Văn Quyền, những người bất tài về văn chương nhưng có tài nói dối và có tài xu nịnh để được thành danh. Điều đáng nói là họ viết những điều mà ngay cả chính họ cũng biết không phải là sự thật, một sự phản bội lại chính mình! 

Những đoạn tác giả cho nhân vật Kỳ Vọng nói cũng là một cách gián tiếp ghi nhận những quan điểm của nhiều người bỏ nước ra đi sau 1975. Những quan điểm đó dù không phản ảnh đầy đủ, nhưng cũng nói lên sự chịu khó tìm tòi và khả năng lắng nghe của tác giả. Có lẽ phần này là phần yếu nhất trong tác phẩm TCTT. Những đoạn viết về những chống đối của những người cực đoan ở hải ngoại có thể nói là khá gượng ép. Thật vậy, đây đó trong cuốn tiểu thuyết chúng ta sẽ thấy một vài câu chữ, một vài thông điệp liên quan đến người Việt ở nước ngoài mang nặng tính tuyên truyền. Người đọc tinh tế sẽ có cảm nhận dejà vu, vì những khẩu hiệu hay câu chữ này mình như đã từng đọc hay thấy trong thời … bao cấp. 

Gấp lại cuốn sách, tôi nghĩ đến trong thời bao cấp văn học bị đặt nằm trong khuôn khổ của một ý thức hệ chính trị hay hệ thống đạo đức, và điều này đồng nghĩa với việc biến văn học thành một công cụ tuyên truyền, công cụ đạo đức, và là một nỗi bất hạnh của văn học. Chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa yêu nước đã làm cho việc thực thi một chế độ tự do tư tưởng rất khó khăn. Những người trí thức như Kỳ Vỹ hay Châu Hà có thể can đảm chống hệ thống giá trị đạo đức và quyền lực của Tổ chức, nhưng họ lại tỏ ra bất lực khi đương đầu với sự mê tín hiện đại. Sự mê tín này nảy nở và phát triển nhờ vào một tập hợp tiềm thức có qui mô quốc gia, được núp dưới bản năng sinh tồn hàng ngày, chứ không phải dưới danh nghĩa một hiện tượng đạo đức xã hội nào cả. Những bạn bè chung quanh Kỳ Vọng và Kỳ Vỹ bày mưu tính kế chỉ để lấy căn nhà, chứ chẳng phải đạo đức gì cả. Điều bi hài là họ thể hiện những mưu mô xảo trá này bằng cái gọi là “tình cảm cách mạng”! 

Như nói trên, tôi nghĩ Nhà văn Hoàng Minh Tường có tham vọng lớn là làm một cuộc phẫu thuật lịch sử Việt Nam qua một gia đình nhỏ mà những biến động trong gia tộc có nhiều điểm trùng hợp với lịch sử nước nhà. Tuy nhiên, tôi nghĩ kĩ thuật để làm cuộc phẫu thuật vẫn chưa được sắc bén lắm, và sau cùng là ý định của tác giả vẫn chưa thực hiện được. Giải pháp hay lời giải thích của tác giả có thể tóm lược trong câu nói cuối cùng trước khi chết của bà Cam (“Thời cuộc sinh ra thế. Đất nước chúng ta từng trải qua những khúc nhôi bi đát như thế. Chúng ta đều là những đứa con khốn khổ của mẹ Việt Nam. Mẹ Việt không chối bỏ đứa con nào”) tuy có phần ấn tượng nhưng không nói lên được điều gì.

Không biết bạn đọc khác thì sao, nhưng tôi khi đọc tiểu thuyết hay sách nào đó là đi tìm một sự thách thức về tư tưởng, nhưng TCTT không có những thách thức đó mà lại kết thúc có hậu. Kết thúc có hậu có thể làm hài lòng người đọc, nhưng tôi không nghĩ đó là một nốt nhạc ngân vang, một khía cạnh mà tôi nghĩ tiểu thuyết cần phải/nên có. 

Bài viết này chẳng phải giới thiệu tác phẩm của Hoàng Minh Tường (vì tác phẩm đã bị thu hồi rồi) và cũng không phải là một phê bình, mà chỉ là một vài cảm nhận nhanh sau khi đọc xong cuốn sách. Tôi tưởng những vết thương CCRĐ, Nhân văn Giai Phẩm, những dư chấn Giải phóng miền Nam, v.v… đó đã qua lâu rồi, và thời gian đã đủ để một cuốn tiểu thuyết như TCTT được trình làng (như nhiều tiểu thuyết về Cách mạng Văn hóa bên Trung Quốc đã ra đời). Nhưng hình như các cơ quan quản lí văn hóa nhận định rằng thời gian trên 30 năm qua vẫn chưa đủ để đẩy lùi quá khứ chìm nổi, nên tác phẩm của Hoàng Minh Tường chưa có cơ hội đến tay người đọc rộng rãi hơn. Và, đó là một thiệt thòi cho văn học nước nhà. 

NVT