Việt Nam bắt một Facebooker vì ‘sao chụp, phát tán bí mật nhà nước’
Ngày 20/10, công an tỉnh Đồng Nai bắt giam Facebooker Nguyễn Quang Khải và ngày hôm sau gia đình được chính quyền thông báo là ông bị bắt “khẩn cấp” vì “sao chụp, phát tán hình ảnh tài liệu bí mật nhà nước”.
Linh mục Lê Xuân Lộc thuộc Dòng chúa Cứu thế Sài gòn, người quen biết ông Khải, cho VOA biết hôm 22/10 về việc bắt giữ này:
“Tôi có liên hệ với vài người và biết chắc rằng anh Khải đã bị công an tạm giữ để điều tra với văn bản ghi là có hành vi “sao chụp, phát tán hình ảnh tài liệu bí mật nhà nước”.
“Tôi có gặp anh Khải vài lần và theo dõi Facebook của anh. Tôi thấy anh là thường lên tiếng trước những bất công, ngang trái ở xã hội Việt Nam. Tôi nghĩ đây là nguyên nhân khiến anh bị nhà cầm quyền quấy nhiễu”.
Trang Facebook của ông Võ Ngọc Lục, một người bạn của ông Khải, hôm 21/10 đăng thông báo của Công an tỉnh Đồng Nai về “việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp” gửi cho gia đình, cho thấy ông Nguyễn Quang Khải, 51 tuổi, làm nghề buôn bán tại nhà, theo đạo Thiên chúa, bị bắt theo Điều 337 Bộ Luật hình sự.
VOA đã liên lạc với cán bộ điều tra của Công an Đồng Nai nhưng không được phản hồi.
Linh mục Lê Xuân Lộc cho biết thêm về cáo buộc đối với ông Khải:
“Tôi nghĩ cáo buộc này rất phi lý khi chính quyền quy chụp cho một người dân như anh Khải. Anh Khải chỉ là một người buôn bán nhỏ thì không thể nào ‘phát tán hình ảnh tài liệu bí mật nhà nước’ được!”.
Được biết trước đó, vào ngày 22/04, ông Khải đã bị Công an huyện Trảng Bom gửi “giấy mời” làm việc về “vi phạm” một chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ “vì đã tập trung đông người” ngày 12/04.
Việc bắt ông Nguyễn Quang Khải diễn không lâu sau khi chính quyền Việt Nam bắt giữ nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang vào ngày 6/10 với báo cuộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Hôm 16/10, 12 Dân biểu Hoa Kỳ viết thư cho Ngoại trưởng Mike Pompeo bày tỏ quan ngại về việc bắt giữ này và kêu gọi gây áp lực với chính quyền Việt Nam để trả tự do cho bà Trang ngay lập tức.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 21/10, Luật sư Nguyễn Văn Miếng thông báo trên Facebook rằng Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất điều tra vụ án Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập và kết luận điều tra đã được chuyển qua Viện Kiểm Sát ngày 15/10.
Theo thông báo đề ngày 16/10 được Luật sư Miếng công bố, từ nay các nhà báo độc lập bao gồm Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn sẽ được các luật sư tư vấn và bào chữa trước tòa với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015.
Theo VOA (22.10.2020)
Làm sao để nhân quyền thành niềm tự hào quốc tế cho Việt Nam?
NGUỒN HÌNH ẢNH,HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES. Chụp lại hình ảnh,Gia đình chờ đón các tù nhân được trả tự do tại một nhà tù ở Hải Dương, Việt Nam năm 2013
Cứ mỗi lần nhà nước Việt Nam bắt giam và truy tố một nhà hoạt động, một nhân sĩ theo Điều 117 hay trước đó Điều 88 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam, thì thế giới và chính phủ Việt Nam lại tung ra những tố cáo lẫn nhau.
Gần đây nhất là vụ Phạm Đoan Trang, Nguyễn Năng Tĩnh, hay Nguyễn Đình Quý – phía quốc tế lần nữa lên tiếng chỉ trích, lên án; phía Việt Nam thì phản đối và phủ nhận các cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Phía Ân Xá Quốc tế hay Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới thì cho đó là vi phạm nhân quyền vì chính quyền “đàn áp những người bất đồng chính kiến.” Phía chính phủ Việt Nam thì đáp trả rằng họ chỉ “truy tố những kẻ vi phạm pháp luật” và cho rằng những lời chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền là “ngang ngược,” “vô căn cứ” và “can thiệp thô bạo vào chuyện nội bộ “ của một quốc gia có chủ quyền.
Khác biệt về điểm đứng, góc nhìn
NGUỒN HÌNH ẢNH,PHAM DOAN TRANG. Chụp lại hình ảnh,Nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang bị bắt hôm 7/10/2020
Phía quốc tế thường lấy tiêu chuẩn nhân quyền trên cơ sở tự do cá nhân mà trong đó quyền tự do ngôn luận, phát biểu quan điểm chính trị, chỉ trích chính quyền, là các quyền công dân cơ bản. Hiến Chương Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, mà Việt Nam đã đồng thuận ký kết tuân thủ, đã nói rõ về các quyền cơ bản đó.
Đảng CSVN lại nhìn nhân quyền qua lăng kính giá trị tập thể. Họ luôn nói quyền con người không thể tách rời khỏi quyền lợi và nhu cầu an ninh, ổn định quốc gia. Mỗi nước có quyền thi hành luật pháp theo tiêu chuẩn và nhu cầu riêng. Việt Nam cũng thường viện dẫn lịch sử chống ngoại xâm nhằm bảo vệ quyền tự quyết và sống còn dân tộc như là một biểu hiện nhân quyền tối thượng.
Câu chuyện quen thuộc nầy, ngôn ngữ qua lại như thế, nghe hoài cũng trở nên nhàm chán. Với không ít người, đây là những điệp khúc chạy đi chạy lại từ đĩa nhạc cũ kỹ. Đến nỗi mỗi lần nhà nước Việt Nam bắt giữ một nhân sĩ hoạt động chính trị, thì các ngôn từ cũ lại được hai phía đưa ra như là một bản văn sớ cúng thần linh nơi đình làng cho nhu cầu nghi thức và khẩu hiệu. Thực chất hai bên đều biết phía đối diện chẳng chú tâm bao nhiêu, người ta gọi là ‘nói cho có’.
Đối tượng “dâng sớ” cho cộng đồng nhân quyền quốc tế là vị thần tôn vinh chức năng và giá trị tự do cá thể.
Trong khi đó vị thần của chính quyền Việt Nam là một huyền thoại từ quá khứ đầy hào quang lịch sử vốn chỉ coi trọng nhu cầu quốc gia đại thể là trên hết.
Cần thiện chí hòa giải từ hai phía
Vậy làm thế nào để cung cách đối thoại về nhân quyền cho Việt Nam được đặt trong một khung tham chiếu mà hai phía không cần phải lập lại những ngôn từ gần như vô nghĩa, hoàn toàn thiếu tác dụng?
Trước hết, cả hai phía nên chấm dứt và không cần phải lên tiếng “dạy dỗ” nhau về nhân quyền nữa. Khung tham chiếu về giá trị và đối tượng khán thính giả trong câu chuyện nầy, không phải là một khối khái niệm trừu tượng, hay là một thần đế mơ hồ để tôn vinh.
Thay vào đó, tôi nghĩ rằng hai phía, quốc tế và Việt Nam, hãy nhìn vào những ý nghĩa và tác dụng thực tiễn vượt qua quá trình đầy những lời qua tiếng lại vốn không đi đến đâu. Cả hai bên phải biết nhân nhượng, điều tiết quan điểm cứng ngắt của mình, và tránh những tuyên bố thuần tính chất khẩu hiệu.
Về phía các cơ quan nhân quyền, báo chí quốc tế, trước khi lên án về một vụ bắt bớ hay kết án nào đối với các nhân sĩ hoạt động, thì hãy nghiên cứu nội dung sự kiện (facts) một cách khách quan. Hãy áp dụng sự kiện hành vi vào luật pháp Việt Nam với quy chuẩn Hiến chương Nhân quyền Liên Hiệp quốc hiện hành nhằm đi đến một kết luận rằng Việt Nam đã vi phạm điều khoản nào về pháp chế, về tinh thần và chủ địch của các điều khoản nhân quyền quốc tế, và đã vi phạm điều khoản nào theo Hiến pháp Việt Nam.
Quốc tế phải biết tôn trọng một chu vi vừa phải trong bối cảnh lịch sử và chính trị thực tiễn hiện nay ở Việt Nam vốn đặt trọng tâm vào an ninh nội an, ổn định xã hội và duy trì quyền lực độc đảng. Dù rằng biên độ tôn trọng chủ quyền quốc gia của Việt Nam có thể vi phạm trên bình diện tinh thần nội dung các công ước về quyền con người phổ quát, nhưng đây là cái giá phải trả, vốn cần thiết cho một cuộc đối thoại có ý nghĩa về nhân quyền hiện nay.
Về phía Việt Nam phải nên biết nhân nhượng để nhìn nhận rằng nhu cầu độc quyền chính trị và ổn định xã hội không phải chỉ được duy trì bằng các phương thức trấn áp mạnh tay với ngôn ngữ biện chính thiếu thuyết phục – mà hãy bước lên một bước về phía tiêu chuẩn quyền công dân hoàn vũ.
Bước nhân nhượng vừa phải và hợp lý trong giai đoạn nầy là Việt Nam hãy hủy bỏ điều 117 và trước đó Điều 88 của Bộ Luật Hình sự đi đối với việc vô hiệu hóa các bản án liên hệ.
Bước kế tiếp và hãy thiết lập một quy chuẩn pháp chế về hành vi, ngôn ngữ và hoạt động chính trị mà theo đó, công dân chỉ bị bắt giữ và truy tố hình sự khi họ cổ võ bạo động, âm mưu lật đổ chính quyền bằng vũ lực.
Đây sẽ là một nấc thang chuyển hóa và cải cách pháp chế mang tính thuyết phục cao tới cộng đồng quốc tế. Việt Nam nên tiên phong đi bước đầu tiên vì nhân dân và thế giới mong chờ thiện chí mở đầu nầy.
Chuyển sự xấu hổ thành niềm hãnh diện quốc tế
Không lẽ mỗi lần một nguyên thủ quốc gia vốn rất thân thiện đến thăm Việt Nam đều mở đầu câu chuyện bằng lời khuyến cáo về vi phạm nhân quyền. Dù rằng, những tuyên bố đó chỉ là ngôn ngữ ngoại giao phục vụ chính trị nội bộ cho quốc gia khách đó, nhưng đấy chính là một nỗi nhục lớn trên bình diện quốc thể cho Việt Nam.
Không lẽ một dân tộc hào hùng với cả ngàn năm dựng nước, bảo vệ độc lập thống nhất trước các cường quốc hàng đầu thế giới, lại phải nghe mãi những tuyên bố mang tính dạy dỗ, lên giọng đạo đức từ các bộ ngoại giao, cơ quan truyền thông, các tổ chức dân sự thế giới.
Dân tộc Việt Nam đã hy sinh bao nhiêu thế hệ chiến đấu để được thế giới tôn trọng, nể phục, mà nay chỉ vì vài điều luật hay những bắt bớ, truy tố liên hệ mà trở nên một nhược điểm ngoại giao lớn trên cộng đồng thế giới.
Đã nhiều lần, chính tôi có dịp gặp mặt các phái đoàn ngoại giao cao cấp Việt Nam công tác trên thế giới, trong những lần nói chuyện riêng, họ than phiền rằng bên công an ra những quyết định bắt giam và truy tố các nhân sĩ hoạt động mà không tham khảo và đánh giá hệ quả tác hại với phía ngoại giao.
Cả thập kỷ vun bồi thiện ý trên thế giới về một hình ảnh Việt Nam văn minh, hòa hoãn, tiến bộ lại cứ bị phá hủy bởi những vụ bắt bớ không cần thiết về bình diện an ninh quốc gia, với những bản án vô lý và rất là ‘phản chính trị’.
Tại sao một đằng thì Việt Nam luôn muốn thế giới coi trọng mình, quan tâm đến sĩ diện quốc gia, nhưng một đằng thì cứ tự lấy tro bôi mặt mình? Xin Bộ Công An hãy đắn đo, mang trí tuệ vào sách lược an ninh, để cùng bên Ngoại giao cân nhắc cẩn trọng về hệ quả trên trường quốc tế đối với các hành vi trấn áp như vậy.
Không ai chối cãi rằng Việt Nam trong những thập kỷ gần đây đã thành công và tiến bước khá xa, khá vững mạnh trên tiến trình xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Tuy nhiên, những hành vi bắt giam và truy tố theo Điều 117 và 88 Bộ Luật Hình sự là một điểm nghẽn cần phải vượt qua nhằm đem quốc gia và dân tộc lên một nấc thang tiến bộ mới, hãnh diện đứng ngang hàng với các quốc gia văn minh, tiến bộ trên trường quốc tế.
GS Nguyễn Hữu Liêm (San Jose, Hoa Kỳ)
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư, tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm từ Hoa Kỳ. Một số sách của ông gồm ‘Thời tính, Hữuthể và Ý chí: Một luận đề siêu hình học” được xuất bản ở Việt Nam năm 2018. Hiện ông làm việc tại công ty luật The Law Firm of Henry H. Liem, P. C, San Jose, California.
BBC (22.10.2020)
Kết thúc giai đoạn điều tra 3 lãnh đạo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam
Các nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn (trái), Nguyễn Tường Thuỵ (giữa), và Phạm Chí Dũng (phải) Photo: RFA
Hôm 21 tháng 10 năm 2020, Luật sư Nguyễn Văn Miếng nhận được thông báo của Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an TPHCM về việc “để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra vụ án”, qua đó cho biết đã kết thúc giai đoạn điều tra đối với 3 lãnh đạo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
Cả 3 ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn bị truy tố trong vụ án “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do Chủ tịch hội là ông Phạm Chí Dũng đứng đầu.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng vào tối ngày 21 tháng 10 nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại như sau:
“Họ cấp cho mình một cái thông báo bào chữa, trường hợp này là do tôi có khiếu nại việc tham gia bào chữa đối với các bị cáo, các thân chủ của tôi.
Nhưng mà cũng may mắn là bên cơ quan điều tra đã ra một thông báo là họ vừa mới kết thúc điều tra xong vào ngày 15 tháng 10, cho nên họ nói chúng tôi phải liên hệ với lại Viện Kiểm sát để nơi đó cấp thông báo bào chữa.
Khi có thông báo bào chữa rồi thì chúng tôi được phép nghiên cứu hồ sơ và được phép vô trong trại giam, được gặp mặt thân chủ không hạn chế số lần ra vô trại.”
Theo Luật sư Miếng, Công an TPHCM đã có kết luận điều tra, tuy nhiên chưa giao cho luật sư.
Việc của luật sư bây giờ là gặp mặt thân chủ trong trại tạm giam từ đó lập ra phương án bào chữa khi ra tòa.
Bà Nguyễn Thị Lân, vợ của Phó Chủ tịch Hội – ông Nguyễn Tường Thụy trong cùng ngày cũng lên tiếng trên Facebook cá nhân bày tỏ:
“Không biết họ điều tra cái gì khi những người này không hề vi phạm gì theo quy định của pháp luật Việt nam hiện hành. Tôi cực lực lên án nếu chính quyền kết tội họ!
Để đòi được công lý cho những người nằm trong đó có chồng tôi – anh Nguyễn Tường Thuỵ, tôi tha thiết cầu mong sự lên tiếng của các cá nhân, tổ chức của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, các tổ chức nhân quyền kêu gọi trả tự do cho chồng tôi Nguyễn Tường Thuỵ, Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn”.
Cũng theo bà Lân, từ khi bị bắt tại Hà Nội và di lý vào TPHCM hồi tháng 5-2020 đến giờ, bà chưa một lần nào được gặp mặt ông Nguyễn Tường Thụy.
Ngày 21 tháng 11 năm 2019, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng – Chủ tịch của Hội nhà báo độc lập Việt Nam (một tổ chức không được nhà nước công nhận) bị Cơ quan an ninh điều tra Công an TPHCM bắt tạm giam để điều tra theo điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo thông tin công bố trên Cổng thông tin điện tử của Công an TP.HCM, thời gian qua, ông Phạm Chí Dũng bị cho là “có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm; tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự thành phố.”
Những hoạt động này được biết đến như là viết báo, viết blog chỉ trích các chính sách của chính phủ cũng như trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài.
Hai ông Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn lần lượt bị bắt giữ vào tháng 5 và tháng 6 năm 2020.
RFA (21.10.2020)
Nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển được trao Giải Stefanus 2020
Nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển.
Một tù nhân chính trị Việt Nam, nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển, vừa được trao giải thưởng Stefanus 2020, tổ chức Liên minh Quốc tế Stefanus ở Na Uy đưa ra thông cáo hôm 20/10.
Luật sư Nguyễn Bắc Truyển, 52 tuổi, là một tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo hiện đang thụ án 11 năm tù và 3 năm quản chế tại Việt Nam với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Trước khi bị bắt giam vào năm 2014, ông Truyển được biết tiếng về các hoạt động đấu tranh cho dân chủ, quyền đất đai và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Ông từng giúp tư vấn pháp lý miễn phí cho các nạn nhân bị mất đất, cộng tác trong các hoạt động tôn giáo và giúp đỡ tù nhân chính trị.
Trước đó, vào năm 2007, ông Truyển đã bị kết án 3 năm 6 tháng tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88.
Trong thông cáo trao giải, Chủ tịch Ủy ban trao giải Stefanus, ông Ingvill Thorson Plesner, ghi nhận việc ông Nguyễn Bắc Truyển đã “nhiều lần mạo hiểm tính mạng bản thân và an toàn của gia đình cho cuộc đấu tranh vì quyền của những người có tín ngưỡng khác với mình”.
“Chúng tôi rất vui mừng trước quyết định của hội đồng trao Giải thưởng Stefanus cho ông Nguyễn Bắc Truyển”, Tổng thư ký Liên minh Quốc tế Stefanus Ed Brown nói. Theo ông, những khó khăn mà ông Truyển đã và đang trải qua vì dám đứng lên bảo vệ cho quyền của thiểu số tôn giáo tại Việt Nam đã làm cho ông Truyển trở thành “một người rất xứng đáng giành giải thưởng”.
Liên minh Quốc tế Stefanus cho biết vào tháng 1 năm 2019, liên minh đã tổ chức một chiến dịch viết thư để động viên ông Nguyễn Bắc Truyển trong nhà giam, nhưng hàng trăm bức thư gửi đi đã bị các cán bộ trại giam An Điềm ngăn chặn tất cả nên ông Truyển không nhận được bất cứ lá thư nào.
Hồi đầu tháng này, ba dân biểu Hoa Kỳ Harley Rouda, Zoe Lofgren và Alan Lowenthal đã gửi thư cho Ngoại Trưởng Mike Pompeo, thúc giục ông kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển.
Vào tháng 4, Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF) cũng kêu gọi Hà Nội phóng thích ông Nguyễn Bắc Truyển, sau khi nhận bảo trợ cho ông vào tháng 11 năm ngoái.
Giải Stefanus là giải thưởng được tổ chức tôn giáo – nhân quyền của Na Uy lập ra vào năm 2005. Giải thưởng kèm theo 10.000 euro này được trao cho các cá nhân hoặc tập thể có đóng góp đặc biệt cho quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng trên toàn thế giới. Ông Truyển đã được đề cử bởi tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) của Anh.
VOA (21.10.2020)
CSVN độc quyền nhận tiền từ thiện, ca sĩ Thủy Tiên đối mặt với rắc rối
Ca sĩ Thủy Tiên gây chú ý sau khi tuyên bố đã nhận 100 tỷ đồng ($4.3 triệu) từ cộng đồng để cứu trợ người dân bị bão lụt ở miền Trung. Tuy nhiên, Nghị Định 64/2008 của nhà cầm quyền CSVN đang có hiệu lực có thể khiến nữ ca sĩ gặp rắc rối về pháp luật.
Con số 100 tỷ đồng quả là “không tưởng” với một loạt cơ quan, tổ chức do nhà cầm quyền CSVN lập ra để kêu gọi người dân đóng góp tiền cứu trợ đồng bào bị thiên tai: Quỹ Vì Người Nghèo, Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam…
Ca sĩ Thủy Tiên trao quà cho những người ở vùng bị bão lụt. (Hình: Zing)
Tuy vậy, đây mới là những nơi được Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc khuyên người dân nên góp tiền, dù các tổ chức này chưa từng giải trình hay minh bạch về thu chi.
Báo Pháp Luật TP.HCM hôm 21 Tháng Mười cho hay, Nghị Định 64/2008 không cho phép cá nhân được vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Văn bản nêu trên quy định chỉ có những tổ chức sau được nhận tiền cứu trợ: Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam; báo đài của trung ương, địa phương, Hội Chữ Thập Đỏ các cấp ở địa phương. Bên cạnh đó là các quỹ xã hội, quỹ từ thiện “được thành lập, hoạt động theo quy định.”
Nhà báo Tâm Chánh, cựu tổng biên tập tờ Sài Gòn Tiếp Thị, bình luận trên trang cá nhân: “[Chỉ có] thể chế vô minh mới cấm đoán hoạt động từ thiện. Nhưng điều phối cứu trợ lại là một việc làm cần thiết. Sơ sịa thì phân công đầu mối. Mà tư duy theo lối đầu mối thì sẽ sinh lục cục. Còn một mạng lưới thiện nguyện hiệu quả có thể đặt Mặt Trận [Tổ Quốc] vào vai trò một liên minh các tổ chức và cá nhân thuộc xã hội dân sự, đối tác với chính phủ, các chính quyền địa phương. Mà Mặt Trận có thể có vai trò này thì phải chờ trả nợ quyền lập hội.”
Cùng thời điểm, nhà quan sát Phạm Ngọc Hưng nhận định trên mạng xã hội: “Mỗi lệnh chuyển tiền ủy thác cho cô Thủy Tiên cũng là một lá phiếu chống lại đoàn thể chính thống của nhà nước trong việc cứu trợ, vì thế con số 100 tỷ có ý nghĩa như sự thất bại hoàn toàn của hệ thống.”
Người Việt (21.10.2020)
Đặc uỷ nhân quyền Đức lo ngại về vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang
Trong một bài viết trên mạng xã hội Twitter, bà Kofler kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tôn trọng quyền tự do bày tỏ chính kiến vốn được bảo đảm bởi Hiến pháp Việt Nam và nhiều công ước quốc tế. Tài khoản Twitter của Tòa Đại sứ Đức tại Việt Nam sau đó cũng dẫn lại nguyên văn phát biểu này của bà Kofler.
Trong một diễn biến khác, ngày 18/10, tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch- HRW) ra thông cáo báo chí kêu gọi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga gây sức ép lên nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam về vấn đề nhân quyền trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi ông nhậm chức thủ tướng.
Đặc uỷ Nhân quyền Kofler và nhà hoạt động Phạm Đoan Trang (RFA)
HRW nói Nhật Bản nên sử dụng đòn bẩy kinh tế để gây sức ép để yêu cầu cộng sản Việt Nam chấm dứt vi phạm quyền con người vì Hà Nội tiếp tục có những vi phạm về các quyền dân sự và chính trị của người dân bằng cách hạn chế quyền tự do bày tỏ ý kiến, lập hội, tụ tập ôn hoà, tự do tôn giáo.
Vụ bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang gần đây nhất là một ví dụ nữa về sự đàn áp này. HRW kêu gọi “Thủ tướng Suga nên đặt nhân quyền là điểm quan trọng trong chính sách đối ngoại theo một cách mà những người tiền nhiệm của ông chưa bao giờ làm.”
20.10.2020