Human Right Watch kêu gọi Nhật ngừng tài trợ cho công an Việt Nam

Logo của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch @HRW © HRW

Ngày 30/10/2020, tổ chức nhân quyền Human Right Watch (HRW) ra thông cáo đề nghị chính phủ Nhật Bản “ngay lập tức hủy bỏ các kế hoạch cung cấp hỗ trợ tài chính cho bộ Công An Việt Nam”, vì những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của cơ quan này.

Thông cáo của HRW nêu rõ, hôm 19/10/2020, bộ Ngoại Giao Nhật công bố khoản tài trợ 300 triệu yên (2,84 triệu đô la Mỹ) cho bộ Công An Việt Nam để mua trang thiết bị chống khủng bố. Theo Tokyo, khoản tài trợ trên để giúp “tăng cường các biện pháp chống khủng bố và giữ gìn trật tự công cộng”, ổn định xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên theo lời của ông Phil Robertson, phó giám đốc ban châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền này, “cung cấp thiết bị cho Việt Nam dưới vỏ bọc chống khủng bố và bảo vệ trật tự công cộng sẽ chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho công an Việt Nam đàn áp những người biểu tình ôn hòa một cách khốc liệt hơn”, trong khi mà bộ Công An Việt Nam là đối tượng chủ yếu vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống, với các vụ tra tấn ngược đãi các nghi can hình sự, cũng như các nhà hoạt động nhân quyền. 

Thông cáo của HRW cũng dẫn ra một số trường hợp nghi can hình sự hay tù chính trị, những người bị giam giữ chỉ vì thực hành hoặc đòi các quyền cơ bản một cách ôn hòa, đã bị công an Việt Nam tra tấn, ngược đãi trong những năm gần đây. 

Những người đóng thuế cho chính phủ Nhật Bản cần yêu cầu chính phủ mình đề cao các nguyên tắc nhân quyền trong các chương trình tài trợ nước ngoài, bắt đầu bằng việc hủy bỏ gói tài trợ này cho cơ quan cấp bộ của Việt Nam xâm phạm nhân quyền nặng nề nhất”, ông Robertson nói trong thông cáo.

RFI (30.10.2020)

HRW kêu gọi Nhật dừng tài trợ cho Công an Việt Nam

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội ngày 19/10/2020.

Hôm 30/10, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi chính phủ Nhật nên hủy các kế hoạch tài trợ hàng triệu đôla cho Bộ Công an Việt Nam vì cho rằng cơ quan này là “đối tượng chủ chốt vi phạm nhân quyền.”

Vào ngày 19/10/2020, Bộ Ngoại giao Nhật công bố khoản tài trợ 300 triệu yên (2,84 triệu đôla Mỹ) cho Bộ Công an để mua các thiết bị không xác định cho mục đích “chống khủng bố” và “duy trì trật tự công cộng.” Bộ Ngoại giao Nhật tuyên bố khoản tài trợ sẽ “đóng góp” vào việc “tăng cường các biện pháp chống khủng bố và duy trì trật tự công cộng,” và sẽ “ổn định xã hội” ở Việt Nam.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của HRW cho biết trong thông cáo ngày 30/10: “Chính phủ Nhật không nên trao một đồng yên nào cho Bộ Công an Việt Nam, một bộ phận vi phạm nhân quyền khét tiếng với bề dày thành tích tra tấn các nghi phạm và những người bảo vệ nhân quyền.”

Ông Robertson nói thêm: “Cung cấp cho Việt Nam trang thiết bị dưới chiêu bài “chống khủng bố và trật tự công cộng” sẽ chỉ giúp cảnh sát dễ dàng đàn áp dã man các cuộc biểu tình ôn hòa.”

Trong nhiều thập kỷ qua, lực lượng công an Việt Nam, hoạt động dưới sự giám sát của Bộ Công an, đã đánh đập, tra tấn và đối xử tệ bạc với vô số người bị giam giữ mà hầu như không bị trừng phạt, tuyên bố cho biết.

Thông cáo của HRW cũng dẫn ra một số trường hợp nghi can hình sự hay tù chính trị, những người bị giam giữ chỉ vì thực hành hoặc đòi các quyền cơ bản một cách ôn hòa, đã bị công an Việt Nam tra tấn, ngược đãi trong những năm gần đây.

“Những người đóng thuế cho chính phủ Nhật Bản cần yêu cầu chính phủ mình đề cao các nguyên tắc nhân quyền trong các chương trình tài trợ nước ngoài, bắt đầu bằng việc hủy bỏ gói tài trợ này cho cơ quan cấp bộ của Việt Nam xâm phạm nhân quyền nặng nề nhất”, ông Robertson nói trong thông cáo.

Khi được HRW hỏi về loại thiết bị nào sẽ được mua bằng viện trợ tài chính của Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết sẽ “phối hợp với chính phủ Việt Nam trong tương lai.”

HRW khuyến nghị rằng thay vì hỗ trợ tiền cho công an Việt Nam, Nhật nên kêu gọi chính phủ Việt Nam thực hiện cải cách thể chế lớn trong Bộ Công an, bao gồm việc thành lập một ủy ban khiếu nại độc lập của công an để tiếp nhận các khiếu nại từ công chúng và giám sát các vấn đề nội bộ và các đơn vị trách nhiệm chuyên môn của công an.

Bộ Công an cũng nên sửa đổi các quy định và hướng dẫn trong ngành về việc sử dụng vũ lực để phù hợp với các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế, HRW đưa ra khuyến nghị.

Tuyệt thực vì Nhân quyền Việt Nam tại Tokyo, Nhật tối ngày 16/10/2020. Photo Hoàng Dung

Cũng trong tháng này, trước khi tân Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga lên đường thăm chính thức Hà Nội hôm 19/10, cộng đồng người Việt tại Nhật và các nhóm nhân quyền gốc Việt đã tổ chức tuần hành và tuyệt thực tại Tokyo để kêu gọi chính phủ Nhật gây áp lực với Việt Nam về các vi phạm nhân quyền.

Trong một bức thư ngày 16/10, HRW hối thúc Thủ tướng Suga nên nêu lên mối quan ngại về việc Việt Nam vi phạm các quyền dân sự và chính trị, bao gồm tự do ngôn luận, tụ họp ôn hòa và quyền tự do đi lại với giới lãnh đạo Việt Nam.

VOA (30.10.2020)

Tòa án nào xét xử Đảng CSVN khi vi phạm Hiến pháp và pháp luật?

Hình minh hoạ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm lễ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 23/10/2018.  Reuters

Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vào hôm 28/10, phát biểu tại trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, thành phố Hà Nội, và được truyền thông Nhà nước Việt Nam trích dẫn nguyên văn:

„Thẩm phán phải là những chiến sỹ kiên trung trên mặt trận đấu tranh bảo vệ pháp chế, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật; gương mẫu, đi đầu trong thực hiện trách nhiệm nêu gương. Các toà án phải tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; rèn luyện phẩm chất đạo đức để mỗi cán bộ, thẩm phán luôn nhận thức đầy đủ, rõ ràng trách nhiệm trong thực thi công vụ. Hoạt động trong môi trường xét xử, phán quyết tính đúng sai của các sự kiện pháp lý, cán bộ, thẩm phán thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân. Vì vậy, hơn lúc nào hết, hệ thống toà án càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng; tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán”.

Lời phát biểu này đã được Báo Tuổi Trẻ Online, trong cùng ngày đăng tải và chạy tít với câu nói của bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân “Tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán”.

Đài RFA ghi nhận cộng đồng cư dân mạng ở Việt Nam lan tỏa bài báo với tựa đề của Tuổi Trẻ Online trong sự bày tỏ bức xúc mạnh mẽ.

 PGS-TS. Mạc Văn Trang, trên trang Facebook cá nhân đã nêu câu hỏi vì sao lại “tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán”?

Tiến sĩ Mạc Văn Trang, vào tối hôm 29/10 lý giải với chúng tôi về thắc mắc mà ông đã đưa ra:

“Không có một cái gì là tuyệt đối cả. Bởi vì con vật biết nghi ngờ. Khi một người lạ cho con vật ăn cái gì đó thì nhiều lúc nó không ăn. Con chó, chẳng hạn, còn nghi ngờ, ngửi và nhìn người cho nó đồ ăn. Thế cho nên nghi ngờ là một phản xạ tự nhiên của động vật. Còn đối với con người thì không những có phản xạ mà còn có tư duy. Con người luôn luôn phải biết nghi ngờ, mà nhờ vào đó thì mới có tò mò, khám phá và mới có phản biện, tiến bộ, khoa học, mới tìm tòi chân lý. Cho nên khi nói “tuyệt đối không để dân nghi ngờ” thì lời phát biểu đó rất là không hiểu gì cả. Có thể nói là rất ấu trĩ và ngu. Điểm thứ hai là không nghi ngờ sự thanh liêm của thẩm phán. Về vế đầu ‘tuyệt đối không để dân nghi ngờ’ thì đã là một cái sai. Thêm vế thứ hai là ‘tuyệt đối không để dân nghi ngờ về sự thanh liêm của thẩm phán” thì trở thành hài hước. Bởi vì, tòa án và thẩm phán tại Việt Nam có thanh liêm hay không thì người dân ai cũng biết rồi. Bao nhiêu vụ án oan, án sai được người dân biết rất rõ, nhất là vụ án Hồ Duy Hải, vụ án của ông Thanh Chấn và đặc biệt là vụ đại án Đồng Tâm.”

Từ Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài nêu lên nhận xét của ông khi nghe lời tuyên bố như thế của bà Nguyễn Thị Kim Ngân:

“Trong một câu phát biểu như vậy có hai ý nghĩa. Thứ nhất, bà Ngân nhắc nhở ngành tòa án không để cho các thẩm phán không được có vấn đề gì để cho người dân nghi ngờ. Thứ hai là mang ý nghĩa như một mệnh lệnh, tức là họ phải kiểm soát suy nghĩ của người dân. Điều này ngụ ý rằng nếu như người dân có nghi ngờ về sự thanh liêm của thẩm phán thì cần phải xử lý. Nghĩa là hàm ý đe dọa người dân, chứ không chỉ gửi thông điệp đến các thẩm phán trong ngành tòa án Việt Nam. Hàm ý đó là đe dọa người dân khi có những lời lẽ bình luận trên mạng xã hội, hay có những bài viết nói về thẩm phán này, thẩm phán kia không đảm bảo công bằng, khách quan trong vấn đề xét xử.”

Không ít cư dân mạng cho rằng bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu như vậy cho thấy một sự áp đặt độc đoán lên người dân Việt Nam.

Cựu tù nhân lương tâm-thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung đăng tải ý kiến của anh rằng “Dân nghi ngờ thẩm phán thì cứ vu cho là ‘thế lực thù địch’ rồi bắt nhốt thôi. Thế là không còn ai dám nói tôi nghi ngờ nữa”.

Bài báo của Tuổi Trẻ Online, ngày 28/20/2020, đăng tít lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Courtesy: Facebook Mạc Van Trang

Phát biểu của Chánh án Tòa án Tối cao Việt Nam

Bên cạnh lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lời phát biểu của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình càng gây chú ý trong công luận nhiều hơn.

Ông Nguyễn Hòa Bình khi đề cập đến những bài học thành công của hệ thống tòa án Việt Nam suốt 75 năm qua, đã nói rằng trước hết tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, tuân thủ sự lãnh đạo và toàn diện của Đảng; tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng; thượng tôn pháp luật và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc tư pháp đã được hiến định.

Tiến sĩ Giáo dục Mạc Văn Trang có lời nhận xét với RFA rằng ông Nguyễn Hòa Bình đã phát biểu rất trung thực về hệ thống tòa án Việt Nam xét xử theo chỉ đạo của Đảng CSVN.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Đài, xác nhận:

“Điều đó chắc chắn nói đến có sự can thiệp từ bên Đảng. Bởi vì theo nguyên tắc của Hiến pháp quy định rằng thẩm phán chỉ tuân theo sự thật khách quan của pháp luật thôi. Tuân thủ luật thì không được chấp nhận mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Thế nhưng khi ông Bình nói đến vấn đề trung thành với Đảng hay tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng thì rõ ràng đã khác rồi. Bởi vì trong một số vấn đề giữa đường lối, chính sách của Đảng CSVN với một số vụ án rất khác nhau, đặc biệt trong vụ án chính trị. Bởi vì người dân đấu tranh dân chủ thì họ chỉ thể hiện khát khao quyền tự do dân chủ của họ thôi, nhưng khi Đảng can thiệp và đưa quan điểm chính trị của họ vào thì rõ ràng sẽ làm cho những thẩm phán không còn khách quan, công bằng trong xử lý những vụ án như vậy nữa.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài nhấn mạnh thêm rằng bản chất củng cố hệ thống chính trị Cộng sản thì không có tam quyền phân lập mà Đảng lãnh đạo Việt Nam coi ngành công an, viện kiểm sát và tòa án chỉ là công cụ để bảo vệ quyền lực và lợi ích của Đảng CSVN, chứ không phải là ngành độc lập.

Trong phiên họp Quốc hội hồi trung tuần tháng 6 vừa qua, Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng, thuộc tỉnh Quảng Trị, đã nêu lên trường hợp vụ án buôn lậu gỗ ở địa phương Quảng Trị có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong tố tụng mà Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị đã giám sát và báo cáo. Mặc dù nhiều Đại biểu Quốc hội kiến nghị giám đốc thẩm vụ án, thế nhưng đã gần một năm vẫn chưa được xem xét.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng và các Đại biểu Quốc hội trong phiên họp ngày 13/6 cũng trưng dẫn các phán quyết của tòa án cũng như vi phạm trong hoạt động tố tụng trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải và vụ án lùi xe trên đường cao tốc đã gây nghi ngờ, nghi vấn trong nhân dân. Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng phát biểu trước Quốc hội rằng “Có thể nói đây là phần nổi của tảng băng đang bào mòn lòng tin của người dân”.

Luật sư Nguyễn văn Đài khẳng định với RFA rằng:

“Chỉ trừ khi nào Việt Nam có đa Đảng, có tự do dân chủ và có tam quyền phân lập thì khi đó ngành tòa án mới trở lại đúng bản chất của nó bao gồm độc lập và tuân thủ pháp luật. Chế độ nào một Đảng thì vẫn theo đường lối của họ. Chừng nào còn một Đảng thì vẫn theo đường lối cũ và mãi mãi không bao giờ thay đổi cả.”

Một số ý kiến trong dư luận bày tỏ trên mạng xã hội rằng “Tòa án Nhân dân” nên đổi tên thành “Tòa án Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Cựu tù nhân lương tâm, anh Nguyễn Tiến Trung lập luận rằng “Đảng CSVN vi phạm Hiến pháp và luật pháp trong việc tước đoạt quyền làm chủ của nhân dân thì đâu có tòa án nào dám xét xử Đảng”.

RFA (29.10.2020)

Ông Michael Nguyễn nói bị Việt Nam ‘bắt cóc’ và ‘bí mật phóng thích’

Ông Michael Nguyễn đoàn tụ cùng gia đình sau khi được Việt Nam phóng thích ngày 21/10/2020. Ảnh do gia đình cung cấp thông qua Văn phòng Dân biểu Katie Porter.

Hôm 28/10, lần đầu tiên công dân Mỹ Michael Nguyễn nói về việc ông được “bí mật phóng thích”, những thử thách của ông khi bị giam cầm hơn hai năm ở Việt Nam, từ việc “bị bịt mắt”, “bắt cóc”, đến việc “bị thẩm vấn suốt 16 giờ liền trong nhiều ngày”, hay việc Bộ Ngoại giao Mỹ khuyên gia đình không nên tiết lộ công khai về trường hợp của ông.

Tại cuộc họp báo trực tuyến do văn phòng Dân biểu Katie Porter thu xếp, ông Michael Nguyễn tiết lộ việc ông được Việt Nam trả tự do hôm 21/10: “Việc phóng thích tôi hoàn toàn bí mật đối với tôi cho đến khi tôi có mặt tại sân bay ở Sài Gòn”.

Ông chia sẻ những thử thách khi bị chính quyền Việt Nam bắt giam vào tháng 7/2018:

“Về cơ bản, tôi đã bị bắt cóc, tôi và 3 người khác, bị bắt lên xe. Không có lý do nào được đưa ra cho tôi. Những người bắt tôi cũng không xuất trình giấy tờ. Những người mặc thường phục bắt tôi đi, họ bịt mắt, còng tay tôi, rồi đưa vào xe ôtô”.

“Tôi bị giam giữ và thẩm vấn trong 16 giờ liền, suốt trong nhiều ngày”, ông nói thêm.

 EMBED SHARE

Ông cho biết trong suốt 11 tháng liền ông không được tiếp xúc với luật sư bào chữa.

“Thậm chí tại tòa, họ nói với tôi rằng tôi có thể tự giải thích, nhưng khi tôi bắt đầu nói, họ đã ngăn tôi lại. Họ buộc tôi phải im lặng”, ông nói về phiên tòa ở thành phố Hồ Chí Minh xử ông 12 năm tù với cáo buộc “lật đổ chính quyền”.

Ông cho biết thêm: “Trong thời gian dài tôi bị tù, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã yêu cầu gia đình tôi không được nói một cách công khai về những điều [xảy ra ở Việt Nam], vì làm như vậy có thể khiến trường hợp của tôi thêm khó giải quyết. Tôi cũng sẽ làm như vậy, sẽ không nói thêm về trường hợp của mình để không ảnh hưởng đến trường hợp của người khác”.

Cũng tại buổi họp báo trực tuyến hôm 28/10, Dân biểu Katie Porter nói: “Tôi hy vọng rằng việc trả tự do này là một dấu hiệu cho thấy những điều sắp xảy ra trong mối quan hệ Việt – Mỹ, nhưng chỉ có thời gian mới trả lời được”.

“Phía Việt Nam gọi đây là một cử chỉ nhân đạo”, bà Porter nói thêm.

Cũng hôm 28/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam bất ngờ loan báo rằng Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo sẽ có chuyến thăm hai ngày đến Hà Nội, từ ngày 29 đến 30/10, nhằm “đánh dấu kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao” giữa hai nước. Chuyến đi này không nằm trong lịch trình công bố trước của Bộ Ngoại giao Mỹ.

 EMBED SHARE

Dân biểu Porter nhận định rằng việc bắt giam ông Michael cho thấy “rõ ràng là chính phủ Việt Nam sợ tự do ngôn luận và sợ những người có tư tưởng tự do như ông Michael”, và rằng việc Hà Nội “bắt giữ các nhà hoạt động dân chủ là thiển cận, vì như vậy cũng sẽ không ngăn cản nền dân chủ ở Việt Nam, mà chỉ trì hoãn nó thôi”.

Bà nói trong thông cáo gửi cho VOA: “Những lạm dụng này gây ra sự ngờ vực và chia rẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, vào thời điểm mà chúng ta có thể hợp tác về thương mại, an ninh và biến đổi khí hậu”.

“Dưới áp lực liên tục từ gia đình, từ Quốc hội, từ Bộ Ngoại giao Mỹ, đề nghị trả tự do cho ông Michael Nguyễn, và buộc giới lãnh đạo Việt Nam phải luôn suy nghĩ về điều này và vấn đề chỉ là thời điểm mà thôi”, trang Orange County Register dẫn lời nữ dân biểu đại diện địa hạt 45 của California nói.

Trang này dẫn lời Dân biểu Alan Lowenthal, đồng chủ tịch của Uỷ ban về Việt Nam ở Hạ viện, cho biết rằng không rõ động cơ nào khiến Việt Nam thả ông Michael Nguyễn. Ông Lowenthal nhận định rằng áp lực từ các quan chức Hoa Kỳ đóng một vai trò nào đó, nhưng ông lưu ý rằng trong quá khứ, các quan chức Việt Nam đã trả tự do cho các tù nhân lương tâm khi việc phóng thích gắn liền với các vấn đề chính trị khác.

Trong một tuyên bố hôm 28/10, Dân biểu Alan Lowenthal cho biết: “Ngay từ đầu, lẽ ra không nên có chuyện bắt bớ ông Michael Nguyễn và tôi sẽ tiếp tục vận động cho nhân quyền và tù nhân lương tâm ở Việt Nam”.

Tương tự, Dân biểu Harley Rouda, ra tuyên bố: “Trường hợp của ông Michael là một lời nhắc nhở khác về sự cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy nhân quyền và các giá trị dân chủ ở Việt Nam. Tôi sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo quyền con người được quốc tế công nhận được bảo vệ tại Việt Nam cho tất cả mọi người”.

VOA (29.10.2020)

TNLT Lê Đình Lượng ngưng tuyệt thực sau khi một số yêu cầu được đáp ứng

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng  RFA edit

Gia đình tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng vừa nhận được tin ông đã ngưng tuyệt thực sau khi một số yêu cầu của ông được trại giam đáp ứng

Bà Nguyễn Thị Quý, vợ của người tù nhân chính trị, cho Đài Á Châu Tự Do biết như vậy qua điện thoại vào tối ngày 29 tháng 10.

“Anh ấy điện về nói hôm nay nói ‘Bố hôm nay không tuyệt thực nữa’. Ngày anh ấy điện về, 26 hay 27 gì đó, nói ‘Anh không tuyệt thực nữa. Trại đảm bảo cho anh đòi được những quyền của anh vậy thì anh ngưng tuyệt thực’. Và gia đình cũng viết thư bảo anh ấy đừng tuyệt thực nữa vì anh ấy bệnh và già rồi.”

Hình minh hoạ. Nhà hoạt động Lê Đình Lượng trước phiên toà ở Nghệ An hôm 16/8/2018 AFP

Tù nhân Lương tâm Lê Đình Lượng đang thụ án tù 20 năm tù và 5 năm quản chế vì cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Trước đây vào ngày 5 tháng 10, bà Quý và con dâu đi thăm nuôi ông Lượng tại trại giam Ba Sao-Nam Hà tỉnh Hà Nam thì được ông cho biết ông sẽ tuyệt thực từ ngày 11 tháng 10 vì trại giam không cho ông dùng Kinh Thánh và Lịch Phụng vụ và không cho ông dùng giấy bút. Đồng thời ông cũng phản đối điều kiện hà khắc từ nguồn nước tại trại giam ô nhiễm nặng nề, không khí bụi bặm từ mỏ đá gần trại giam.

Bà Quý nói tiếp: “Ngày mùng 5 ra thăm, ngày đó là ngày thứ 2. Anh ấy bảo ngày Chúa Nhật tuần sau ngày 11, anh ấy sẽ tuyệt thực. Vài ngày sau đó gia đình ra gặp anh ấy thì trại không cho. (Xoan, con dâu) về viết lá thư bảo bố nên ngưng tuyệt thực vì hao tốn sức khỏe. Cháu Xoan gửi thư ra, trại nhận mà không đưa cho anh ấy. Trại bảo với anh Lượng là điện về cho cháu Xoan. Hôm nọ là 26, 27 gì đó, anh điện về nói là ‘Bố ngưng tuyệt thực rồi mẹ à’. Thì chỉ biết thế thôi”.

Bà Quý cho biết vì chưa được gặp trực tiếp và chỉ được ông Lượng điện thông tin như thế rất ngắn nên gia đình không thể xác định được tình trạng sức khỏe của ông ra sao, ông Lượng đã tuyệt thực trong bao nhiêu ngày và những điều ông tuyệt thực để phản đối được giải quyết như thế nào. Bà cho biết thêm, lần đi đến trại giam mà không được gặp chồng, thì gia đình bà có nói với trại giam:

“Tôi nói các ông cho cây bút mà không cho quyển vở thì lấy gì mà viết, hoặc các ông cho quyển vở mà không cho cây bút thì lấy gì mà ghi? Họ bảo họ sẽ khắc phục. Thì tôi cũng chỉ biết vậy thôi, vì 1 tháng chỉ cho gặp một lần, còn một tháng cho điện thì có 5 phút, chưa kịp nói là đã hết rồi”.

Bà Nguyễn Thị Quý cho biết đầu tháng 11 này sẽ lên trại giam để xin được gặp chồng. Bà nói:

“Khi tuyệt thực thì nói thật, tôi cũng đã cầu nguyện và xin lễ để cầu nguyện cho chồng mình bởi vì biết chồng mình là một người đấu tranh thực sự. Một người hy sinh, một người bệnh tật nhiều vì lớn tuổi rồi. Nhưng làm những việc đó là những việc tâm linh, tôn giáo của tôi. Còn gia đình thì rất lo lắng về sức khỏe của anh ấy. Khi mà anh ấy điện về, thì không có chi mừng bằng là chồng mình đã điện về cho gia đình để biết được là chồng mình ngưng tuyệt thực. Đó là điều rất mừng cho gia đình”.

„Không phải vì chồng đi tù mà không đấu tranh. Hiện nay gia đình vẫn đấu tranh, bởi vì thấy án tù của chồng mình oan sai quá. Vô tội mà lại 20 tù và 5 năm quản chế.“ Bà Nguyễn Thị Quý

Bà khẳng định rằng cho dù người chồng, người cha có ngồi tù, gia đình bà vẫn tiếp tục lên tiếng khi thấy bất công trong xã hội và đấu tranh cho lẽ phải.

“Không phải vì chồng đi tù mà không đấu tranh. Hiện nay gia đình vẫn đấu tranh, bởi vì thấy án tù của chồng mình oan sai quá. Vô tội mà lại 20 tù và 5 năm quản chế. Mà anh ấy hiền lành”.

Ông Lê Đình Lượng, 54 tuổi, bị bắt vào ngày 24/7/2017 và bị biệt giam gần 1 năm trước khi Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm ngày 16/8/2018. Phiên phúc thẩm tại Toà án tỉnh Nghệ An hôm 18/10/2018 đã giữ y án 20 năm tù và 5 năm quản chế. Ông Lượng là nhà hoạt động nhân quyền và môi trường đã lên tiếng về thảm họa môi trường, cá chết hàng loạt ở miền Trung do nhà máy thép Formosa gây ra năm 2016.

Gần đây, TNLT Trịnh Bá Tư, dân oan Dương Nội, từ cuối tháng 8 đã tuyệt thực 20 ngày tại trại tạm giam tỉnh Hòa Bình. Ba của ông Trịnh Bá Tư là ông Trịnh Bá Khiêm qua livestream trên Facebook ngày 20 tháng 10 chia sẻ là 10 ngày sau khi có thông tin con trai mình tuyệt thực 20 ngày rồi, thì ông thấy có hóa đơn của con trai mua đồ trong trại trở lại.

TNLT Trần Huỳnh Duy Thức được gia đình cho biết đã tuyệt thực từ ngày 6 tháng 10 tại trại giam số 6 để yêu cầu Tòa án Nhân dân Tối cao xem xét đơn yêu cầu miễn hình phạt còn lại cho ông.

RFA (29.10.2020)

VN trả tự do công dân Mỹ Michael Nguyễn: ‚Thắng lợi về nhân quyền‘?

NGUỒN HÌNH ẢNH,FRIENDS OF MICHAEL   NGUYEN/CHANGE.ORG. Chụp lại hình ảnh,Ông Michael Phương Minh Nguyễn sinh sống cùng gia đình ở Quận Cam, California, Hoa Kỳ

Chính phủ Việt Nam trả tự do cho Việt Kiều Mỹ Michael Nguyễn (còn gọi là Michael Phương Minh Nguyễn) sau hai năm giam giữ, ngay trước chuyến thămHà Nội của Ngoại trưởng Pompeo.

Theo thông cáo báo chí của văn phòng Dân biểu Alan Lowenthal, ông Micheal Nguyễn đã đoàn tụ với gia đình ở Quận Cam, California hôm Chủ nhật. Việc ông Micheal được trả tự do „đánh dấu một thắng lợi về nhân quyền và một bước tiến tích cực trong quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ“.

Cũng theo thông cáo, Dân biểu Porter là người đã đấu tranh ‚không mệt mỏi‘ trong suốt hai năm để ông Michael được trả tự do.

Dân biểu Porter được trích lời trong thông cáo, nói:

„Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì Michael đã được đoàn tụ với vợ, Helen và bốn cô con gái của họ. Michael và cả gia đình họ Nguyễn đã thể hiện sức mạnh và sự kiên trì đáng kinh ngạc. Việc ông ấy trở về nhà vào Chủ nhật là một cuộc đoàn tụ được mong đợi từ lâu.“

Dân biểu Alan Lowenthal phát biểu trong thông cáo được gửi đi hôm 28/10:

„Tôi rất phấn khởi khi nghe tin ông Michael Nguyễn, công dân Mỹ bị bắt giam, tuyên án, và cầm tù một cách sai trái bởi chính quyền Cộng sản Việt Nam đã được trả tự do, trở về với gia đình và cộng đồng tại Mỹ. Tôi cảm kích sự tận tâm và nỗ lực vận động của Bộ Ngoại giao Mỹ, các nhân viên Đại Sứ Quán và Tổng Lãnh Sự Mỹ, đặc biệt là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink. Tôi cũng cảm ơn các vị Dân biểu đã hết lòng hỗ trợ vận động cho Michael Nguyễn được trở về với gia đình.“

Dân biểu Brad Sherman bày tỏ:“Trong một thời gian dài, các thành viên lưỡng đảng của Hạ viện và Thượng viện, bao gồm cả tôi, đã kêu gọi trả tự do cho Michael Nguyễn. Tôi đã tổ chức các cuộc gặp với các Đại sứ Việt Nam và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, gửi thư cho chính quyền, gặp các quan chức trong chính quyền, và hoan nghênh Helen Nguyễn đến điều trần trước Tiểu ban Châu Á để vận động thay cho Michael.“

„Việc trả tự do cho ông Nguyễn sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự vận động của Dân biểu Porter. Đây thực sự là một chiến thắng đáng kinh ngạc về nhân quyền, và là một bước tiến quan trọng trong phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ „.

Gia đình ông Michael Nguyễn cũng bày tỏ lòng biết ơn với các thành viên Quốc hội, Bộ Ngoại giao, nhân viên Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ trong nỗ lực đưa ông trở về.

‚Đấu tranh suốt 2 năm‘

Trong suốt thời gian làm Đại diện cho Quận 45 của California, Dân biểu Porter đã liên tục ủng hộ việc trả tự do cho ông Michael Nguyễn ngay lập tức và an toàn. Bà đã mời vợ của ông Michael làm khách của mình tại State of the Union vào năm 2019 để nâng cao nhận thức về việc ông Michael bị giam cầm.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Trump với Kim Jong Un tại Hà Nội vào năm ngoái, Dân biểu Porter là người khởi xướng một lá thư lưỡng đảng kêu gọi Tổng thống có thêm hành động để đảm bảo việc thả ông Michael.

Tháng 11/2019, bà tham dự phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện để báo cáo trực tiếp với Bộ Ngoại giao Mỹ về trường hợp của Michael.

Bà Porter cũng viết một bài phân tích trên Orange County Registrar về việc cần khẩn cấp đưa ông Michael về Mỹ. Đầu năm nay, bà đã cùng các thành viên khác của phái đoàn quốc hội Quận Cam đón tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Dan Kritenbrink tại một tòa thị chính ở địa phương.

‚Tư pháp Việt Nam vận hành một cách khó hiểu‘

Trong bài báo Vietnam Justice Works in Strange Ways đăng trên Asiasentinel, nhà cựu ngoại giao Mỹ tại Việt Nam David Brown viết:

„Ông Nguyễn hẳn không thuộc kiểu người chế tạo bom dưới tầng hầm nhà riêng. Có vẻ như là, ông ấy chỉ là người thích tụ tập với bạn bè, uống vài cốc bear và mơ tưởng về việc lật đổ chế độ độc đảng của Việt Nam. Tuy nhiên, theo cảnh sát Việt Nam thì ông ấy đã cố gắng thực hiện những điều ông tưởng tượng. Chỉ có điều là thời điểm ông thực hiện nó lại rất tồi, rõ ràng là vụng về, giống như cách ông đảm bảo an ninh cho mình.“

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES. Chụp lại hình ảnh,Ông Michael Phương Minh Nguyễn trong phiên tòa năm 2019 tại Việt Nam

„Sau khi ở tù hai năm ở Việt Nam, mặc dù không phải là đại diện của cộng đồng những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam, Nguyễn đã trở thành một con tốt trong cuộc đối thoại hàng năm của chế độ Hà Nội với Hoa Kỳ về quyền tự do dân sự. Chỉ hai tuần trước đó, giới chức Hoa Kỳ và Việt Nam đã có cuộc thảo luận song phương thường niên về nhân quyền.“

„Bảo đảm việc trả tự do cho ông Nguyễn chắc chắn là một trong những mục tiêu chính của phía Hoa Kỳ. Và trớ trêu thay, gần đúng lúc hai bên đang gần như gói lại sự việc, thì Phạm Đoan Trang bị bắt với tội danh „tuyên truyền chống phá nhà nước“. Và, không giống như Michael Nguyễn, khi những người bất đồng chính kiến sing sống tại Việt Nam bị bắt, họ bị từ chối cho người đến thăm hoặc nhận đồ gửi từ nhà, trừ khi họ thú nhận ý định phạm tội của mình.“

So sánh trường hợp ông Nguyễn và Phạm Đoan Trang, ông David Brown viết rằng họ không thiếu bạn đồng hành trong tù. Thời điểm ông Micheal Nguyễn bị bắt năm 2018, có 147 tù nhân chính trị trong nhà tù Việt Nam. Vào tháng 10/2020 khi Phạm Đoan Trang bị bắt, con số đã tăng lên 254 người.

„Gia đình ông Nguyễn và những người hàng xóm của ông tị nạn sang Mỹ sau khi chế độ chống Cộng sản miền Nam Việt Nam sụp đổ, hiện định cư ở Nam California. Họ đã làm việc chăm chỉ, thịnh vượng và đồng hóa ít nhiều. Nhiều người vẫn còn đeo bám ý niệm rằng một ngày nào đó, chế độ Cộng sản Việt Nam sẽ bị lật đổ và họ sẽ có thể „trở về nhà,“ ông David Brown viết.

Ông Micheal Nguyễn là ai?

Ông Michael Nguyễn được cho là đến Việt Nam thăm người thân vào tháng 6/2018. Ông bị bắt vào 7/7 cùng năm, sau đó bị giam tám tháng tại Trại giam Phan Đăng Lưu, Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi bị đưa ra xét xử.

Trong phiên tòa kéo dài 4 giờ ngày 26/4/2019, ông Michael Nguyễn bị tuyên 12 năm tù với tội danh ‚hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân‘ theo Điều 1, Khoản 109 Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với BBC Tiếng Việt sau phiên tòa rằng ông Michael Nguyễn tại tòa rất ‚điềm đạm‘ và ‚khai nhận tất cả những gì ông làm‘, và rằng ông „không biết hành vi muốn giúp ích cho quê hương của ông lại vi phạm pháp luật Việt Nam.“

Trước đó, ông Michael là doanh nhân sinh sống ở Quận Cam, bang California, Mỹ. Ông thường xuyên chia sẻ các bài viết của giới bất đồng chính kiến về hiện tình đất nước trên mạng xã hội.

BBC (29.10.2020)

Nền Tư pháp Việt Nam kỳ lạ

David Brown, Khánh An biên dịch

Công dân Hoa Kỳ được trả tư do trong khi đàn áp những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam gia tăng. 

Vào ngày 21 tháng 10, chính phủ Việt Nam đã giao ông Michael Nguyễn, một người cha 55 tuổi ở miền nam California, cho Đại sứ quán Hoa Kỳ. Một ngày sau, ông Michael Nguyễn được đoàn tụ với gia đình ở Quận Cam, Tiểu Sài Gòn ở California sau hơn 26 tháng bị giam giữ, theo Los Angeles Times, ông Michael được coi như là là một người hùng.

Theo nhà ngoại giao David Brown, ông Michael Nguyễn có lẽ không phải là loại người thực sự chế tạo bom trong tầng hầm ở nhà. Mà có nhiều khả năng, ông Michael Nguyễn chỉ đi chơi và uống bia với những người khác, có lẽ nuôi ảo tưởng về việc lật đổ chế độ đảng-nhà nước của Việt Nam. Tuy nhiên, theo công an Việt Nam, ông Michael Nguyễn đã gắng thực hiện những ảo tượng đó. Việc sắp đặt thời gian của ông Michael cũng như hoạt động bảo mật đều vụng về.

Sau khi ở tù hai năm ở Việt Nam, mặc dù không đại diện cho cộng đồng những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam, ông Michael Nguyễn đã trở thành một con tốt trong cuộc đối thoại hàng năm của Hà Nội với Hoa Kỳ về quyền tự do dân sự. Chỉ hai tuần trước đó, các quan chức Hoa Kỳ và Việt Nam đã gặp nhau cho cuộc thảo luận song phương thường niên về nhân quyền ( được tổ chức trực tuyến trong năm nay).

Bảo đảm thả ông Michael Nguyễn chắc chắn là một trong những mục tiêu chính của phía Hoa Kỳ. Và trớ trêu thay, gần đúng lúc hai bên bàn thảo xong nhau thì Phạm Đoan Trang lại bị bắt với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Ông Michael Nguyễn may mắn được có người thăm gặp mỗi tháng trong khi những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam bị bắt thì không được gia đình thăm viếng hoặc nhận quà thăm nuôi trước khi xét xử.

Phạm Đoan Trang, là một nhà vận động cho quyền tự do dân sự, không cổ suý bạo lực, không phải một kẻ kích động mà chú trọng giáo dục nhận thức. Kể từ khi trả thẻ nhà báo hơn một thập kỷ trước, bà Trang không mệt mỏi kêu gọi đồng bào khẳng định, một cách ôn hoà và không khoan nhượng, các quyền mà hiến định của công dân. Vì thế gán cho hành động đó là “tuyên truyền chống phá nhà nước” thì có vẻ hơi khiên cưỡng.

Phạm Đoan Trang sẽ có rất nhiều bạn bè trong tù trong khi cơ quan chức năng chuẩn bị cáo trạng. Khi ông Michael Nguyễn bị bắt vào tháng 7 năm 2018, Việt Nam có 147 tù nhân chính trị đang bị giam giữ, theo Dự án 88. Vào tháng 10 năm 2020, có đến 254 người đang bị giam giữ trong các nhà tù và ‘trại giam’, đang chờ xét xử hoặc thi hành án về các tội danh như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.”

Mặc dù bị báo chí nước ngoài gọi chung là ‘những người bất đồng chính kiến’, bà Trang và những người Việt Nam khác lên tiếng chống lại chính sách của đảng-nhà nước là một nhóm đa dạng với các chương trình nghị sự đa dạng. Một số thách thức sự độc quyền quyền lực của Đảng Cộng sản. Số khác phản đối sự đàn áp các nhóm tôn giáo bị cấm hoạt động hoặc các liên đoàn lao động độc lập. Một số nhà bất đồng chính kiến ​​thách thức sự kiểm duyệt báo in và điện tử, hoặc các chính sách hạn chế quyền của nông dân đối với các công ty phát triển nhà đất hoặc các chính sách làm hủy hoại môi trường nhân danh tăng trưởng kinh tế.

Trường hợp của Michael Nguyễn là một vấn đề khác, một vấn đề có đặc điểm là dường như đã xảy ra hoàn toàn thất bại vào tháng 7 năm 2018 khi căng thẳng lên cao. Công an đã bắt Michael Nguyễn và hai thanh niên Việt Nam vì tội “nói chuyện, phân vai, tổ chức tuyên truyền, lên kế hoạch mua vũ khí, kêu gọi người dân tham gia biểu tình và chiếm giữ các trụ sở chính quyền ở TP HCM và Hà Nội.” Chỉ vài tuần sau khi các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Việt Nam để phản đối việc chính phủ được cho là có ý định cấp cho các nhà đầu tư Trung Quốc các đặc quyền ngoài lãnh thổ tại ba “đặc khu kinh tế”.

Bản cáo trạng cho biết Michael Nguyễn cùng Bình và Phi liên lạc với nhau qua các bài đăng và email trên Facebook bắt đầu từ đầu năm 2017. Vào tháng 8/2017, Michael Nguyễn đến Việt Nam để gặp những người bạn mới của mình. Họ đã giới thiệu anh ta với một kẻ chủ mưu thứ tư, một người tên là Phong, người tuyên bố đã tổ chức “Đơn vị hành động đặc biệt”. Michael Nguyễn được cho là đã đưa cho Phong 2.000 USD để mua vũ khí và các vật dụng khác.

Michael Nguyễn về Việt Nam vào tháng 6 năm 2018. Theo cáo trạng, lần này cả ba gặp nhau tại nhà cha của Bình ở Biên Hòa. Họ lên kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình lớn. Sau đó, họ đã đến vùng duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam để tuyển mộ những người khác vào kế hoạch của họ. Ở đó, vào ngày 7 tháng 7, họ đã bị bắt.

Michael Nguyễn, Bình và Phi bị đưa ra xét xử 11 tháng sau đó, bị kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và bị phạt tù lần lượt 12, 11 và 10 năm. Katie Porter, nữ dân biểu ở các quận hạt bao gồm cả Little Saigon, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã vận động không mệt mỏi cho việc trả tự do cho ông Michael Nguyễn.

Gia đình của ông Michael Nguyễn và những người hàng xóm đã định cư ở Nam California như những người tị nạn sau khi chế độ chống Cộng sản miền Nam Việt Nam sụp đổ. Họ đã làm việc chăm chỉ, kiếm được tiền và đồng hóa ít nhiều. Nhiều người vẫn còn đeo bám ý niệm rằng một ngày nào đó, một ngày nào đó, chế độ Cộng sản Việt Nam sẽ bị lật đổ và họ sẽ có thể “trở về nhà.”

Cuộc sống đối với ông Michael Nguyễn trong nhà tù Việt Nam chắc chắn là khó chịu, nhưng bất chấp nỗ lực vô cùng lớn để tạo ra một cuộc cách mạng ở Việt Nam, ông ta vẫn được các nhân viên Đại sứ quán cho phép thăm gặp hàng tháng . Ông ta có thể hy vọng được trả tự do vì biết rằng Bộ Ngoại giao đang gây áp lực cho vụ án của ông.

Đối với Phạm Đoan Trang thì lại khác. Cách đây không lâu, những người bất đồng chính kiến ​​ở Việt Nam có thể tiếp cận với một lượng lớn độc giả qua internet. Điều đó bây giờ khó hơn nhiều; dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã gia tăng phá rối, hình sự hóa các bài viết trên mạng, và bằng cách đe dọa đóng cửa nguồn thu, ép cả Facebook lẫn Youtube làm theo ý muốn của chính phủ.

Năm nay, một rạn nứt mới đã mở ra trong cộng đồng những người bất đồng chính kiến ​​ở Việt Nam: giữa phe ủng hộ và phe chống Tổng thống Mỹ Donald Trump. Những sai sót trong tính cách của Trump và sự thờ ơ của ông ta đối với các quyền tự do dân sự rất khó nhận ra từ Việt Nam. Điều dễ dàng nhận thấy hơn nhiều là động thái cứng rắn hơn của Mỹ đối với Trung Quốc, mà họ cho rằng chính là nhờ Trump.

Gần đây, một blogger có tư duy tự do với lượng người theo dõi lớn đã viết rằng “Tôi biết rằng nếu tôi viết về tác động tai hại của tổng thống Trump đối với chính trường Mỹ, tôi sẽ mất đi nhiều người bạn say mê Trump. Nền chính trị Mỹ có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, liên quan đến cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở đây. Trong khi Trump nắm quyền, Cộng sản Việt Nam đã bóp nghẹt người dân nhiều như họ muốn, và đó là lý do tại sao cá nhân tôi không thể không chỉ ra sự xấu xa của chế độ của ông ấy. “

Blogger này thuộc một thiểu số khác biệt trong số những người tự do Việt Nam. Trump chiếm được lòng trung thành của đa số người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là những người mà vết sẹo do thất bại gây ra vẫn còn nguyên. Ít nhất ở mức độ đó, những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam và những người cay đắng ở Little Saigon đều có chung điểm chung.

David Brown là một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm tại Việt Namvà thường xuyên đóng góp cho Asia Sentinel.

Nguồn: https://www.asiasentinel.com/p/vietnam-justice-works-in-strange

VNTB (29.10.2020)